Suy Niệm Chúa Nhật XXII TN Năm C

KHIÊM TỐN LÀ CÁCH SỐNG
CỦA CÔNG DÂN NƯỚC TRỜI

          Với cái nhìn của người đời, ai được ăn trên ngồi trước là người đó cao sang và quyền thế. Người cao sang và quyền thế sẽ được kẻ hầu người hạ, cơm bưng nước rót… Do đó, người ta sẽ làm tất cả hầu đạt được điều đó. Thậm chí, vì thế người ta có thể bất chấp cả. Thế nhưng, cách suy nghĩ và cách sống ấy lại không phù hợp với cách suy nghĩ và cách sống của một công dân trong nước trời.

          Ngày nọ, Chúa Giêsu được mời đến dự tiệc trong nhà kia. Quan sát thấy có nhiều người tranh giành nhau chỗ nhất trong tiệc cưới nên Người nhắc nhở họ: “Khi anh được mời đi ăn cưới, thì đừng ngồi vào cỗ nhất, kẻo lỡ có nhân vật nào quan trọng hơn anh cũng được mời, và rồi người đã mời cả anh lẫn nhân vật kia phải đến nói với anh rằng: Xin ông nhường chỗ cho vị này. Bấy giờ anh sẽ phải xấu hổ mà xuống ngồi chỗ cuối. Trái lại, khi anh được mời, thì hãy vào ngồi chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải đến nói: Xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn ” (Lc 14, 8 – 10). Cuối cùng, Chúa Giêsu khẳng định: “Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 14, 11).

“Vỏ quít dày có móng tay nhọn” hay “Núi này cao còn có núi khác cao h ơn “. Cho nên, trong cuộc sống nếu chúng ta cứ mãi theo đuổi những danh vọng và quyền thế ở trần gian này có thể sẽ đến lúc chúng ta sẽ cảm thấy thất vọng tràn trề. Một người sống khiêm tốn sẽ luôn cảm thấy bình an. Bình an vì mình không phải tranh đua để tìm kiếm những thứ mau hư nát đời này.

Tuần trước, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta chọn cách sống phù hợp với Nước Trời là hãy đi con đường hẹp. Tiếp theo lời mời gọi ấy hôm nay Người mời gọi chúng ta sống khiêm tốn. Vì sống khiêm tốn là cách sống rất phù hợp với Nước Trời.

Khiêm tn là nhìn nhận thân phận thụ tạo mỏng dòn yếu đuối để biết tin tưởng và phó thác vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Tuần qua với gương sáng của Thánh Mônica và con là thánh Augustinô, chúng ta học được cách sống thật khiêm tốn trước Chúa.

Khiêm tn là biết sống nhường nhịn và tha thứ cho anh chị em. Nhường nhịn và tha thứ có thể sẽ làm cho ta mất một số quyền lợi ở đời này. Nhưng chúng ta xác tín rằng quyền lợi đời này rồi cũng sẽ tan biến.

Khiêm tn trước Chúa và với anh chị em thật là thái độ sống khôn ngoan của người tín hữu. Biết sống khiêm tốn như thế thì vị thế của chúng ta trong Nước Trời sẽ có phần bảo đảm hơn.

Đức Khiêm Nhường

Một người đang tuyệt vọng vượt ngàn dặm đến cửa Phật, nói với sư trụ trì: “tôi thực lòng muốn học hội họa, nhưng không sao tìm ra được một người thầy mà tôi khả dĩ hài lòng”.

Vị sư trụ trì hỏi: “anh đã bôn ba lặn lội khắp nơi như vậy mà vẫn không tìm được một người thầy nào sao?”

Người thanh niên kia nói: “hầu như toàn là hữu danh vô thực, tôi chẳng những gặp mà còn xem tranh của họ nữa, thấy tranh họ vẽ còn chẳng bằng tranh của tôi”. Sư trụ trì nghe vậy cười nói: “lão tăng tuy không hiểu gì về hội họa nhưng cũng có thú sưu tập những kiệt tác của các bậc danh tiếng. Tài nghệ của thí chủ đã không thua kém gì họ, mong thí chủ hạ cố vẽ cho lão tăng một bức”. Nói rồi bèn sai một sadi mang bút giấy ra.

Sư trụ trì nói tiếp: “lão tăng vô cùng yêu thích thú uống trà, vì thế cũng thích ngắm nhìn những họa tiết uốn lượn trên những bộ ấm trà cổ. Thí chủ có thể vẽ cho lão tăng một ấm trà và một tách trà không?”

Người thanh niên không chút ngần ngại: “điều này thì có gì khó”. Anh ta chấm mực, điêu luyện đưa bút lướt trên giấy. Chẳng mấy chốc, dần dần hiện ra một ấm trà, nghiêng nghiêng, từ vòi ấm tuôn ra một dòng nước, rót vào miệng một chiếc tách có hoa văn tinh xảo.

Đặt bút xuống, anh ta hỏi: “tôi vẽ như vậy, lão hòa thượng đã hài lòng chưa?”

Sư trụ trì vừa cười vừa lắc đầu: “thí chủ vẽ quả thực rất đẹp, có điều đã vẽ sai vị trí của chúng, lẽ ra cái tách trà phải ở bên trên còn ấm trà ở bên dưới”.

Người thanh niên cười lớn: “sao lão hòa thượng lại có thể nhầm lẫn như vậy nhỉ? Trước giờ chỉ có trà được rót ra từ ấm vào tách chứ có thấy từ tách đổ lại ấm bao giờ đâu?”

Lão trụ trì cười đáp: “té ra là thí chủ cũng hiểu điều này sao? Thí chủ luôn khao khát được học hỏi kinh nghiệm từ những bậc cao nhân mà thí chủ lại luôn đặt cái tách của mình cao hơn so với những ấm trà, thử hỏi làm sao thí chủ có thể thu nhận được những kinh nghiệm cũng như trí tuệ từ người khác đây?”

Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi Chúa Giêsu khuyên khách dự tiệc: “hãy ngồi vào chỗ cuối, để cho người đã mời anh phải nói: mời ông lên trên cho” thì không phải Ngài chỉ dạy chúng ta sự khôn ngoan trần thế, cũng không phải khuyên nên ngụy trang sự kiêu hãnh bằng vẻ khiêm nhường. Nhưng Chúa Giêsu đưa ra luật cao cả rằng trong những kẻ theo Ngài, sự hạ mình và cảm biết mình vô giá trị trước mặt Chúa là điều kiện cốt yếu để được vinh dự: vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.

Cũng như chàng thanh niên kiêu căng trong câu chuyện, luôn cho mình là tài giỏi hơn người, nên chẳng bao giờ thấy được cái hay nơi người khác để học hỏi thêm. Khi rót nước, ấm luôn phải để cao hơn tách, nhưng chàng thanh niên này lại luôn muốn để tách cao hơn ấm thì làm sao có thể nhận được nước trà từ ấm đổ ra. Cũng như một thanh niên kia tìm được việc làm trong một cửa hàng lớn. Ngay ngày đầu tiên đi làm, người chủ đưa cho anh ta một cây chổi và nói: “anh quét nhà đi nhé!”

Quá ngạc nhiên, anh chàng thanh niên trả lời: “nhưng tôi là người có bằng đại học mà!”

“Ồ, xin lỗi!”, ông chủ nói: “tôi không biết là trường đại học không dạy anh việc đó. Đưa chổi đây, tôi sẽ chỉ cho anh làm”.

Cuộc sống luôn rộng lòng ban phát cho ta những bài học quý giá. Những món quà lớn nhất lại nằm ở thấp nhất, món quà càng quý thì càng ẩn sâu hơn. Ta phải để mắt quan sát và phải mở rộng lòng mình ra đôi khi mới thấy được chúng. Vì thế ta phải khiêm nhường,

phải cúi đầu xuống thấp từ tầm cao mới, ta có thể sẽ tìm kiếm được rất nhiều món quà quí giá và ý nghĩa như dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay.Amen.

Lm. GIuse Đỗ Văn Thụy