Suy niệm Lời Chúa – Thứ hai tuần XIII mùa thường niên – Thánh Tôma, tông đồ – Lễ kính – Ga 20:24-29

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (20,24-29)

24Khi ấy, một người trong nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. 25Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!”. Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. 26Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em”. 27Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. 28Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. 29Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”.

SUY NIỆM

Trình thuật Tin mừng hôm nay, trong bầu khí phụng vụ mừng lễ kính thánh Tôma tông đồ, làm nổi bật lên niềm tin của một vị tông đồ trước và sau khi gặp gỡ Đấng Phục Sinh. Hình ảnh và đức tin của thánh Tôma tông đồ diễn tả rất gần với thực trạng đức tin của chúng ta hôm nay: đó là thứ niềm tin dựa trên lý trí, khoa học thực nghiệm và thiếu chiều kích cộng đoàn.

1. Đức tin non nớt khi chỉ dựa vào kiểm chứng thực nghiệm

Có thể nói, thái độ tin của Tôma đại diện cho mẫu người của khoa học thực nghiệm, cái gì cũng phải được thí nghiệm và kiểm chứng. Thái độ đức tin này diễn tả người tin có một lập trường rõ ràng: chân lý cần được chứng minh, không phải theo số đông, nhưng là sự chứng thực bằng khoa học thực nghiệm.

Tuy nhiên, khác với khoa học thực nghiệm, trong phạm vi đức tin, chúng ta cần tìm tòi, cần đào sâu để có được một đức tin kiên vững. Đó mới chỉ là bước thứ nhất. Bởi vì có đức tin mà thôi chưa đủ, điều quan trọng hơn là phải sống đức tin. Muốn được như thế, không gì hơn là hãy sống gắn bó và tiếp xúc thân mật với Đức Kitô.

Từ sự cứng lòng của Tôma, chúng ta hôm nay càng hiểu hơn rằng: niềm tin không phải là một yếu tố đơn thuần, mà là một tổng hợp giữa ơn thánh và nghị lực con người, trong đó có cộng đoàn và mỗi cá nhân.

2. Đức tin non nớt khi rời xa cộng đoàn và đời sống của Giáo hội

Tôma thuộc nhóm những kẻ cứng lòng, dù các tông đồ khác, là những người anh em trong nhóm môn đệ Chúa Giêsu chứng nhận, nhưng ông vẫn không tin.

Nhưng vì sao Tôma trở nên cứng lòng tin như thế?

Câu trả lời đó là vì Tôma sống xa cách và vắng bóng nơi cộng đoàn của ông.

Thật vậy, Tin mừng nói rất rõ: trước đó Chúa Giêsu hiện ra với nhóm các môn đệ, thì khi đó Tôma vắng mặt. Điều đó cho thấy đức tin non nớt của ông bắt nguồn từ lý do sâu xa là bởi ông đã vắng mặt, ông đã rời xa cộng đoàn và đời sống của Giáo hội. Trong khi cả cộng đoàn đức tin trong bầu khí hiệp nhất, cầu nguyện và đón nhận Đấng Phục Sinh hiện ra và ở cùng, thì ông lại vắng mặt.

Chúng ta có thể liên hệ rất gần với cộng đoàn, giáo xứ, hay gia đình chúng ta hôm nay sẽ thấy rõ khía cạnh này. Đó là tình trạng rất nhiều thành viên trong cộng đoàn, trong xứ đạo, trong gia đình… đã luôn đòi hỏi, luôn than phiền và lên án tiêu cực nhiều vấn đề, mặc dù bản thân người ấy rất ít dấn thân, rất ít cùng hiện diện, hoặc chẳng góp phần xây dựng cộng đoàn của mình. Đó chính là “phiên bản của Tôma kém tin” trong Giáo hội hôm nay; thứ đức tin non nớt khi rời xa cộng đoàn và đời sống của Giáo hội.

Chúng ta cũng có thể liên hệ rất gần với thực trạng nhiều người trẻ hôm nay. Họ luôn nghi ngờ đức tin, cho rằng ông bà, cha mẹ là những người dễ tin, và phản ứng với thái độ non nớt như Tôma. Trong khi họ rời xa và thiếu vắng trong đời sống đức tin của Giáo hội: ít đến nhà thờ, ít tham dự thánh lễ và lãnh nhận các bí tích, ít thực hành việc đạo đức cá nhân….

Tôma cũng như thực trạng của nhiều người trẻ hôm nay: cứng lòng tin khi cả một cộng đoàn đồng môn với mình, ai cũng chứng nhận là đã thấy Thầy sống lại, nhưng ông dứt khoát không tin. Thực trạng ấy thể hiện tình trạng khác, đó là ông không những không tin Chúa mà còn không tin mọi người gần kề mình, ông thuộc tuýp người tự kỷ và sống khép kín với cộng đoàn. Ông không tin ai cả và đó là một sự dè dặt và luôn sợ sệt người khác lừa mình. Và đó là tình trạng bi đát của rất nhiều người trong xã hội hôm nay.

3. Hãy sống niềm tin mạnh mẽ và xác tín

Để củng cố niềm tin cho Tôma và các tông đồ, Chúa Giêsu đã nói: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin”.

Như thế, có phúc vì đã được ơn Chúa ban, và bởi đức tin là ơn ban của Chúa.

Phúc thay những người không thấy mà tin là một mối phúc thật, mối phúc cuối cùng. Chỉ có đức tin mới đưa chúng ta tới những thực tại cao cả nhất của Thiên Chúa. Đó chính là hạnh phúc đích thực.

 “Phúc thay những người không thấy mà tin”. Lời này như được ngỏ với chúng ta, những người tín hữu Kitô hôm nay mà lòng tin dựa trên chứng từ của các tông đồ chứ không dựa vào kinh nghiệm giác quan: sống cách xa biến cố Chúa Phục Sinh hơn 2000 năm, chúng ta cần khiêm tốn lãnh nhận đức tin. Tin nơi Thánh kinh, tin nơi Giáo hội, những bảo chứng đáng tin nhất, không còn cách nào khác. Với ơn đức tin, chúng ta có thể gặp Chúa và tiếp cận với Người. Đó là một hạnh phúc thật sự.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết loại bỏ não trạng và lòng tin chỉ đòi hỏi sự kiểm chứng thực nghiệm; xin giữ con, đừng để con vắng bóng, xa cách với cộng đoàn và đời sống Giáo hội. Nhưng xin Chúa giúp con biết tìm kiếm Chúa với những cảm nghiệm đức tin qua sức sống của cộng đoàn, nơi Thánh kinh, nơi các bí tích và qua Giáo hội. Lạy Chúa, con tin, nhưng đức tin của con non kém, xin Chúa ban thêm đức tin cho con. Amen.

Nguồn: Giáo phận Phú Cường