9 Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ.10 Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc.11 Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin. 12 Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê.13 Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.
14 Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy.
15 Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”
SUY NIỆM
Những bậc cha mẹ yêu thương con cái, trước khi từ trần, họ thường để lại cho con cái gia sản và những lời trăn trối quý hóa. Và một người con thảo hiếu sẽ phải trân trọng, khắc ghi và thi hành những lời nhắn nhủ này để làm rạng danh cha mẹ. Tương tự vậy, đoạn Tin Mừng mà Giáo Hội cho chúng ta nghe trong ngày lễ kính thánh Phanxicô Xaviê hôm nay, nhắc lại lệnh truyền của Chúa Giêsu dành cho các môn đệ thân yêu trước khi Người về trời, đó là: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án”.
Như thế, lời của Chúa Giêsu đã chỉ rõ, việc rao giảng Tin Mừng không hề có biên giới, cũng không phân biệt màu da hay chủng tộc, tầng lớp xã hội gì cả, nhưng là đi khắp tứ phương thiên hạ để loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Điều này có nghĩa là, tất cả mọi người đều có quyền được thông chia phần phúc đón nhận Tin Mừng. Cho nên, các tông đồ phải ra khỏi môi trường Do Thái khép kín của mình, để nói cho muôn dân biết tin vui: Chúa Giêsu đã chết, nhưng nay Người đã sống lại để ban ơn cứu độ cho nhân loại.
Nhận được lệnh truyền này, các tông đồ đã ra đi rao truyền chân lý cứu độ không mệt mỏi. Các ngài đã chấp nhận mọi cực hình, mọi gian lao vất vả, kể cả việc hy sinh chính mạng sống của mình, miễn sao danh Chúa Kitô được rao giảng. Và các vị thừa sai, cụ thể là thánh Phanxicô Xaviê mà chúng ta mừng kính hôm nay cũng đã hăng say tiếp bước hành trình truyền giáo của các tông đồ, để đem đức tin đến cho nhiều người.
Thánh Phanxicô Xaviê chính là hiện thân của Tin Mừng phổ quát, không biên giới. Ngài nhận ra giá trị đích thực của Tin Mừng và bổn phận của một người tôi tớ Chúa phải rao truyền Tin Mừng ấy, nên đã từ giã vinh hoa phú quý để rong ruổi trên những nẻo đường xa lạ, để chia sẻ và cảm thông sâu xa với những người nghèo khổ, bất hạnh thuộc mọi chủng tộc, mọi quốc gia.
Nhận được một tin vui, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng muốn chia sẻ tin vui ấy cho người khác. Biết được kết quả thi đậu, hẳn là ta sẽ gọi điện báo cho những người thân yêu hằng quan tâm lo lắng cho ta; một sinh viên tìm được một quán cơm ngon, hợp với túi tiền cũng sẽ giới thiệu cho các bạn bè cùng phòng trọ hay cùng trường… Đặt mình đối diện với lệnh truyền lên đường của Thầy Giêsu, liệu chúng ta hôm nay đã làm được gì cho sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội, của giáo xứ và của bản thân mình?
Lạy Chúa Giêsu, đứng trước lệnh truyền của Chúa, chúng con sẽ phải làm gì và phải trả lời sao đây? Chẳng lẽ chúng con lại muốn bưng bít “tin vui cứu độ” cho riêng mình? Hay là “tin vui” mà các tông đồ hăm hở loan báo, đến nỗi liều hy sinh cả mạng sống, lại không có sức thuyết phục chúng con? Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin và lòng nhiệt thành cho chúng con, để chúng con cũng biết cộng góp vào chương trình cứu độ của Chúa. Amen.