VỌNG…ĐỢI CHỜ…!
“Vọng” và “đợi chờ” là hai khái niệm thường đi liền với nhau, mang ý nghĩa sâu sắc thiêng liêng và tình cảm trong đời sống con người. Cả hai từ đều hướng về tương lai, nhưng mỗi từ lại gợi ra một sắc thái khác biệt.
“Vọng”
– “Vọng” trong ngôn ngữ Việt Nam có nghĩa là “khao khát, hướng về điều gì đó cao xa, đáng quý”. Đây không chỉ là sự mong chờ bình thường mà còn mang một ý nghĩa của niềm tin và hy vọng mãnh liệt.
– Trong Kitô giáo, chữ “Vọng” mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, đặc biệt khi được sử dụng trong bối cảnh phụng vụ và đức tin. Một giai đoạn đặc biệt trong năm phụng vụ của Giáo Hội Công Giáo, kéo dài bốn tuần trước lễ Giáng Sinh. Đây không chỉ là thời gian chuẩn bị kỷ niệm mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể, mà còn hướng lòng chúng ta về việc đợi chờ Chúa Kitô sẽ đến lần thứ hai trong vinh quang. Đó là sự hướng về tương lai, một viễn cảnh được cứu rỗi, được thay đổi. Sự chờ đợi này không chỉ dừng lại ở niềm hy vọng mà còn đòi hỏi một sự chuẩn bị bên trong, một tinh thần sẵn sàng để đón nhận sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống.
“Đợi chờ”
Đợi chờ là một hành trình sống đức tin, hy vọng, và yêu thương. Trong Mùa Vọng, “đợi chờ” không phải là thái độ thụ động, mà là sự sẵn sàng và chuẩn bị tích cực:
+Trong tâm hồn: Sám hối, canh tân, và làm mới lại đời sống nội tâm qua cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là Bí tích Hòa Giải.
+ Trong đời sống: Sống yêu thương, chia sẻ với tha nhân qua các hành động bác ái cụ thể.
Đợi chờ Chúa là thái độ tín thác, tin tưởng vào kế hoạch của Thiên Chúa, dù trong thử thách hay nghịch cảnh.
- Sự kết hợp giữa “Vọng” và “Đợi chờ”.
“Vọng” và “đợi chờ” trong Mùa Vọng là lời mời gọi mỗi Kitô hữu:
- Hãy sống trong tâm thế khao khát Chúa và hy vọng vào lời hứa cứu độ của Ngài.
- Hãy chuẩn bị tâm hồn và hành động tích cực để đón Chúa đến.
Chúa sẽ đến không chỉ trong ngày lễ Giáng Sinh hay trong vinh quang sau hết, mà Ngài còn đến trong từng giây phút của cuộc sống. “Lạy Chúa, xin ngự đến, vì con luôn khao khát Ngài!”
“Hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên, can đảm lên nào! Hãy cậy trông vào Chúa” (TV 27,14). Trong Sách Thánh Vịnh, có nhiều đoạn nhấn mạnh đến niềm hy vọng và đợi chờ, thể hiện tâm tình tín thác của con người vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Những Thánh Vịnh này thường được sáng tác trong bối cảnh thử thách, đau khổ hoặc mong chờ ơn cứu độ, nhưng luôn bừng sáng niềm tin tưởng và hy vọng vào tình yêu của Thiên Chúa dành cho mỗi người Kitô hữu. Đó là sự chờ đợi không chỉ dừng lại ở thời gian, mà còn là một sự chuẩn bị tinh thần, lòng khao khát và niềm hy vọng. Điều này được hiểu là sự trông chờ, sự hy vọng, mang một niềm xác tín và sẵn sàng đón nhận niềm vui và ân sủng khi Chúa đến trong mầu nhiệm nhập thể làm người.
+ “Vọng”: khao khát một Đấng Cứu Thế
“khao khát một Đấng Cứu Thế” là một tâm tình sâu sắc, gắn liền với niềm hy vọng của nhân loại vào sự hiện diện và hành động cứu rỗi của Thiên Chúa trong lịch sử và cuộc sống của mỗi người. Đặc biệt, trong Mùa Vọng, sự khao khát này trở nên mãnh liệt hơn khi chúng ta hướng lòng đón chờ mầu nhiệm Đấng Cứu Độ được Thiên Chúa sai đến.
Sự khao khát Đấng Cứu Độ trong Mùa Vọng đòi hỏi chúng ta luôn có một thái độ sống tích cực:
+ Dọn tâm hồn: Sống trong tinh thần sám hối, thay đổi đời sống “nhiệm nhặt trong từng suy nghĩ, khi đánh giá người khác; nhiệm nhặt để nhìn về mình và chân nhận những giá trị của anh chị em; nhiệm nhặt để sẵn sàng đón nhận những giới hạn, những ghồ ghề và lồi lõm của tâm hồn, để ra khỏi những ích kỷ bon chen”. Quyết tâm từ bỏ tội lỗi để đón Chúa Hài Đồng ngự đến trong tâm hồn.
+ Hy vọng: Tin tưởng rằng Chúa luôn đến để giải thoát và đồng hành, dù trong những hoàn cảnh tối tăm nhất.
+ Thực hành yêu thương: Chuẩn bị đón Đấng Cứu Độ bằng cách mở lòng với tha nhân, sống bác ái và sẻ chia.
Khao khát một Đấng Cứu Độ không phải là sự yếu đuối, mà là sự nhận biết rằng chúng ta cần đến Thiên Chúa. Mùa Vọng mời gọi chúng ta sống trong tâm tình mong đợi, để khi Chúa đến, Ngài sẽ tìm thấy một tâm hồn sẵn sàng, như máng cỏ nhỏ bé nhưng ấm áp tình yêu. Hãy để lòng mình vang lên lời mời gọi: “Lạy Chúa, xin ngự đến, vì con luôn khát khao Ngài.”
+ “Đợi chờ”: hy vọng trong tĩnh lặng
“ Đợi chờ” không phải là sự vội vã, lo lắng, hay nôn nóng, mà là sự tĩnh lặng trong tâm hồn, một thái độ sẵn sàng lắng nghe tiếng Chúa. Trong Thánh Vịnh 62,6, tác giả diễn tả: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn, vì chính Người là Đá Tảng cứu độ tôi” (TV 62,6). Trong cuộc sống đầy biến động và bận rộn, chúng ta dễ mất kiên nhẫn hoặc loay hoay tìm kiếm giải pháp nhanh chóng. Trong mùa vọng, hy vọng trong tĩnh lặng mời gọi chúng ta sống chậm lại, để cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa trong những chi tiết nhỏ bé hằng ngày. Giúp ta nhận ra rằng, ngay cả trong thử thách Chúa vẫn đang hành động, và những điều tốt đẹp sẽ đến đúng lúc Ngài muốn. Vì thế, mùa vọng không chỉ là việc trông ngóng lễ Giáng Sinh, mà còn là hành trình trưởng thành nội tâm của mỗi người Kitô hữu, để Chúa đến và biến đổi cuộc sống chúng ta. Hãy đợi chờ Chúa với niềm tin! Ngài sẽ đến, mang lại ánh sáng, bình an, và niềm vui cho tâm hồn chúng ta.
- Ý Nghĩa của “Vọng” và “Đợi chờ” trong đời sống hằng ngày
- Hãy hy vọng và đừng từ bỏ: Khi đối mặt với khó khăn, hãy nhớ rằng mỗi thử thách đều là cơ hội để chúng ta học hỏi và trưởng thành.
- Kiên nhẫn chờ đợi: Biết rằng mọi điều tốt đẹp đều cần thời gian và sự cố gắng, hãy sống trọn từng khoảnh khắc thay vì vội vàng.
- Tâm hồn rộng mở: Học cách đợi chờ với sự bình an, bằng cách phó thác và tin tưởng vào Chúa, hoặc đơn giản là vào quy luật cuộc sống.
“Vọng” và “đợi chờ” không chỉ là những khái niệm gắn liền với ý nghĩa Kitô giáo trong mùa vọng, mà còn là bài học sâu sắc về cách sống trong niềm tin và hy vọng. Nhắc nhở người tín hữu học cách tìm kiếm Chúa trong những điều nhỏ nhặt và tầm thường của đời sống hằng ngày. Khi chúng ta hy vọng – đợi chờ, là thời gian để chúng ta suy nghĩ về ý nghĩa của cuộc đời, của sự dâng hiến và tình yêu. Để tâm hồn mỗi người luôn tìm thấy sức mạnh vô biên cho cuộc sống có ý nghĩa hơn, đầy xác tín và luôn tin tưởng rằng: “Những người cậy trông vào Chúa thì được thêm sức mạnh. Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, đi mãi mà chẳng chùn chân.” ( Is 40,31).
NQ. ÁI HUA