THỨ HAI TUẦN V MÙA CHAY NĂM C
TIN MỪNG: Ga 8, 12 – 20
12 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Pha-ri-sêu rằng : “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.”
13 Người Pha-ri-sêu nói với Đức Giê-su : “Ông làm chứng cho chính mình ; lời chứng của ông không thật !” 14 Người trả lời : “Tôi có làm chứng cho chính mình đi nữa, thì lời chứng của tôi vẫn là chứng thật, bởi vì tôi biết tôi từ đâu tới và đi đâu. Còn các ông, các ông không biết tôi từ đâu tới và đi đâu. 15 Các ông xét đoán theo kiểu người phàm ; phần tôi, tôi không xét đoán ai cả. 16 Mà nếu tôi có xét đoán, thì sự xét đoán của tôi vẫn đúng sự thật, vì không phải chỉ có mình tôi, nhưng có tôi và Đấng đã sai tôi. 17 Trong Lề Luật của các ông, có chép rằng lời chứng của hai người là chứng thật. 18 Tôi làm chứng cho chính mình, và Chúa Cha là Đấng đã sai tôi cũng làm chứng cho tôi.” 19 Họ liền hỏi Người : “Cha ông ở đâu ?” Đức Giê-su đáp : “Các ông không biết tôi, cũng chẳng biết Cha tôi. Nếu các ông biết tôi, thì hẳn cũng biết Cha tôi.”
20 Người đã nói những lời ấy, khi giảng dạy trong Đền Thờ, tại nơi đặt thùng tiền dâng cúng. Không có ai bắt Người, vì giờ của Người chưa đến.
SUY NIỆM:
Chúa nhật thứ 5 Mùa chay còn có một tên gọi khác, đó là Chúa nhật ném đá. Cả 2 bài đọc trong Thánh lễ hôm nay, đều chung một chủ đề, đó là: Thiên Chúa là Đấng yêu thương những người bé mọn, Thiên Chúa rất ghét tội, nhưng Thiên Chúa không ghét bỏ tội nhân.
Trong bài đọc thứ nhất, ngôn sứ Đaniel thuật lại vụ án oan ức: Bà Susana là một người vô tội, là người công chính, nhưng lại bị vu oan có thể đưa đến cái chết. Trong vụ án của bà Susana, chúng ta thấy có nhiều điều lạ lắm: 2 kỳ lão là những bậc vị vọng trong dân – được đặt lên để xét xử công bằng cho dân, đáng tôn trọng, biết luật Môsê, nhưng lại là những kẻ độc ác, bày mưu hại người. Theo luật Môsê, phạm tội ngoại tình thì phải bị ném đá 2 người, cả người đàn ông và đàn bà, nhưng ở đây chỉ có một mình bà Susana. Đám đông dân chúng là một lũ người “ba phải”, gió chiều nào, ngả theo chiều đó.
Còn trong bài Tin Mừng, thánh Gioan cũng trình thuật lại một vụ án, nhưng khác với vụ án bà Susana, bà Susana không ngoại tình, còn đây là vụ án người đàn bà ngoại tình; cũng với nhiều điều lạ lùng. Từ sáng sớm thay vì đọc kinh cầu nguyện, thì các luật sỹ và biệt phái lại rình mò để bắt cho bằng được người đàn bà ngoại tình, mà dẫn đến với Chúa Giêsu. Ngoại tình thì phải có 2 người, sao lại bắt một người. Luật sỹ và biệt phái phải biết Luật Môsê chứ. Đám đông cũng là một đám người adua cầm sẵn đá trong tay, chực chờ ném.
Với tất cả những chi tiết lạ lùng đó, dẫn chúng ta đến thái độ lạ lùng của Chúa Giêsu: Lần đầu tiên và duy nhất trong Tin Mừng ghi lại Chúa Giêsu viết, nhưng lại là viết trên đất, viết trên đất thì dễ dàng tẩy xóa, dễ dàng bị gió cuốn bay. Chúa Giêsu tha thứ cho người phạm tội ngoại tình, Chúa yêu tội nhân, nhưng Chúa ghét tội: Chị về đi và đừng phạm tội nữa.
Lời Chúa hôm nay là lời mời gọi mỗi người chúng ta hãy bắt chước Chúa Giêsu: có cái nhìn bao dung hơn đối với những tội nhân, những người rối rắm, những người bỏ lễ lâu năm; và chúng ta có bổn phận và trách nhiệm giúp họ thoát khỏi tình trạng đó: Về đi và đừng phạm tội nữa. Đừng bày mưu hãm hại người khác giống như 2 kỳ lão; đừng a-dua với đám đông, để rồi kết án người nọ người kia; Hãy tập viết tội, lỗi, những xúc phạm của người khác đối với chúng ta, viết xuống trên đất, viết trên đất để nhắc nhở chúng ta, hãy bao dung tha thứ cho anh chị em của mình, như Chúa đã bao dung tha thứ cho chúng ta là những kẻ tội lỗi.
THỨ BA TUẦN V MÙA CHAY NĂM C
TIN MỪNG: Ga 8, 21 – 30
21 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng : “Tôi ra đi, các ông sẽ tìm tôi, và các ông sẽ mang tội mình mà chết. Nơi tôi đi, các ông không thể đến được.” 22 Người Do-thái mới nói : “Ông ấy sẽ tự tử hay sao mà lại nói : ‘Nơi tôi đi, các ông không thể đến được’ ?” 23 Người bảo họ : “Các ông bởi hạ giới ; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này ; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. 24 Tôi đã nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết.” 25 Họ liền hỏi Người : “Ông là ai ?” Đức Giê-su đáp : “Hoàn toàn đúng như tôi vừa nói với các ông đó. 26 Tôi còn có nhiều điều phải nói và xét đoán về các ông. Nhưng Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật ; còn tôi, tôi nói lại cho thế gian những điều tôi đã nghe Người nói.” 27 Họ không hiểu là Đức Giê-su nói với họ về Chúa Cha. 28 Người bảo họ : “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu, và biết tôi không tự mình làm bất cứ điều gì, nhưng Chúa Cha đã dạy tôi thế nào, thì tôi nói như vậy. 29 Đấng đã sai tôi vẫn ở với tôi ; Người không để tôi cô độc, vì tôi hằng làm những điều đẹp ý Người.” 30 Khi Đức Giê-su nói thế, thì có nhiều kẻ tin vào Người.
Bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta rút ra được những bài học sau cho đời sống đạo:
Thứ nhất, hạnh phúc đích thực tùy thuộc vào chuyện chúng ta tin Chúa hay khước từ Ngài. Tin thì được sống vĩnh viễn và nếu khước từ thì xa Chúa muôn đời.
Thứ hai, chúng ta được Thiên Chúa trao ban cho nhiều cơ hội tốt, bổn phận là phải làm cho cơ hội ấy trở nên hữu ích cho phần hồn của mình và tha nhân. Nếu không biết nhạy bén để đón nhận cơ hội Chúa ban, hoặc vì coi thường và khinh dể thì sẽ bị luận tội nặng nề hơn những người không biết.
Ngày nay, chúng ta được học hành nhiều về Chúa, nhận biết có Thiên Chúa, nhưng có sống theo điều mình đã tin hay không mới là quan trọng.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào Chúa và đem Lời Ngài ra thực hành trong cuộc sống thường nhật, tránh chuyện môi miệng thì cầu kinh mà lòng không yêu mến. Thật vậy, không phải cứ lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời, nhưng là thực hành những gì Lời Chúa dạy thì mới được vào.
Chúa nhật này – Lễ Lá, chúng ta sẽ chính thức bắt đầu Tuần Thánh, cao điểm của năm phụng vụ. Đây là một thời gian thuận lợi để chúng ta mang trong lòng mình câu hỏi được đặt ra với Chúa Giêsu hôm nay: ‘Ông là ai?’ Đây cũng là thời điểm tuyệt vời để chúng ta lắng nghe câu trả lời cho câu hỏi ấy khi chúng ta chiêm ngắm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa Giêsu trong ánh sáng Phục Sinh của Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một đức tin mãnh liệt và một đời sống đầy lòng mến. Xin cho đời sống và những điều chúng con tin được hòa quyện với nhau thành một.
THỨ TƯ TUẦN V MÙA CHAY NĂM C
TIN MỪNG: Ga 8, 31 – 42
31 Khi ấy, Đức Giê-su nói với những người Do-thái đã tin Người rằng : “Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi ; 32 các ông sẽ biết sự thật, và sự thật sẽ giải phóng các ông.” 33 Họ đáp : “Chúng tôi là dòng dõi ông Áp-ra-ham. Chúng tôi không hề làm nô lệ cho ai bao giờ. Làm sao ông lại nói : các ông sẽ được tự do ?” 34 Đức Giê-su trả lời : “Thật, tôi bảo thật các ông : hễ ai phạm tội thì làm nô lệ cho tội. 35 Mà kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi. 36 Vậy, nếu người Con có giải phóng các ông, thì các ông mới thực sự là những người tự do. 37 Tôi biết các ông là dòng dõi ông Áp-ra-ham, nhưng các ông tìm cách giết tôi, vì lời tôi không thấm vào lòng các ông. 38 Phần tôi, tôi nói những điều đã thấy nơi Cha tôi ; còn các ông, các ông làm những gì đã nghe cha các ông nói.” 39 Họ đáp : “Cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham.” Đức Giê-su nói : “Giả như các ông là con cái ông Áp-ra-ham, hẳn các ông phải làm những việc ông Áp-ra-ham đã làm. 40 Thế mà bây giờ các ông lại tìm giết tôi, là người đã nói cho các ông sự thật mà tôi đã nghe biết từ Thiên Chúa. Điều đó, ông Áp-ra-ham đã không làm. 41 Còn các ông, các ông làm những việc cha các ông làm.”
Họ mới nói : “Chúng tôi đâu phải là con hoang. Chúng tôi chỉ có một Cha : đó là Thiên Chúa !” 42 Đức Giê-su bảo họ : “Giả như Thiên Chúa là Cha các ông, hẳn các ông phải yêu mến tôi, vì tôi phát xuất từ Thiên Chúa và bởi Thiên Chúa mà đến. Thật thế, tôi không tự mình mà đến, nhưng chính Người đã sai tôi.”
SUY NIỆM:
Giới trẻ ngày hôm nay có xu hướng chạy theo, và bắt chước phong cách sống của các Idol, các thần tượng của mình: Idol ăn mặc ra sao, cắt tóc thế nào, sài điện thoại gì, thậm chí là ăn nói như thế nào… thì các bạn trẻ bắt chước làm và sống y như vậy. Ở một khía cạnh nào đó, thì các bạn giới trẻ này đang trở nên nô lệ cho các Idol, các thần tượng của mình. Thậm chí, có những bạn trẻ bị suy sụp, có những trường hợp tự tử – chết theo các thần tượng, khi mà các thần tượng của mình xảy ra những vụ scandal nào đó.
Bài Tin Mừng hôm nay qua cuộc đối thoại, hay đúng hơn là cuộc chất vấn giữa Chúa Giêsu với những người Do thái đã có lòng tin vào Ngài, cho thấy những người Do thái vẫn còn đang sống nô lệ cho những thần tượng của mình: thần tượng là cái bụng – họ theo Chúa Giêsu chỉ vì được ăn bánh no nê, chứ chưa thực sự tin, thậm chí chính Giuđa Iscariốt đã thốt lên khi nghe Chúa nói về Bánh Hằng Sống: Lời này chói tai quá, ai mà nghe cho được; thần tượng của họ là Abraham – họ cậy vào tổ phụ của mình là Abraham, nhưng lại không sống theo lòng tin của Abraham: Abraham thì tin vào Thiên Chúa, tin vào Lời Chúa; còn Chúa Giêsu là Ngôi Lời Thiên Chúa, là vị Ngôn sứ vĩ đại, thì họ lại không tin, thậm chí là tìm cách giết chết Chúa Giêsu.
Phải thành tâm thú nhận rằng, tất cả chúng ta, không nhiều thì ít vẫn còn chạy theo để tôn thờ các thần tượng khác nhau: đời sống kinh tế khó khăn hôm nay, nên nhiều người như con thiêu thân lao mình đi kiếm tiền, bất chấp luật sống công bằng, bất chấp tiếng lương tâm; để có được chức vụ cao, thăng tiến trong xã hội này, người ta dám đánh đổi đức tin của mình: thẻ căn cước ghi tôn giáo KHÔNG; thời đại công nghệ, thiếu nhi và người lớn nô lệ cho thần tượng smartphone; nhiều người dù đã có gia đình nhưng lại sống dập vùi trong tội xác thịt – đánh mất sự thủy chung gia đình. Chắc chắn, các ngẫu tượng này chống lại Thiên Chúa và chống lại chúng ta, buộc chúng ta phải xa dần việc thờ phượng một mình Thiên Chúa . Đôi khi, chúng ta đã là đầy tớ của thần tượng, song chúng ta vẫn có thể bào chữa như người Do thái: Chúng tôi là người có đạo, đạo gốc, không bao giờ chúng tôi là nô lệ của ai.
Như Sirác, Misác và Ápđênagô, chúng ta có bổn phận phải từ chối phục vụ bất cứ thần tượng nào, nếu đó không phải là Thiên Chúa, nếu đó không phải là Chúa Giêsu. Chúng ta hãy xác tín và tin vững vàng: Chỉ một mình Chúa Giêsu là Idol, là Đấng chúng ta tin thờ, và chỉ có Ngài mới giúp chúng ta chiến thắng các ngẫu tượng hôm nay, để chúng ta sống tự do đích thực là người con Chúa.
THỨ NĂM TUẦN V MÙA CHAY NĂM C
TIN MỪNG: Ga 8, 51 – 59
51 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng : “Thật, tôi bảo thật các ông : ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.”
52 “Người Do-thái liền nói : “Bây giờ, chúng tôi biết chắc là ông bị quỷ ám. Ông Áp-ra-ham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy ; thế mà ông lại nói : ‘Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.’
53 “Chẳng lẽ ông lại cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Áp-ra-ham sao ? Người đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết. Ông tự coi mình là ai ?” 54 Đức Giê-su đáp : “Nếu tôi tôn vinh chính mình, vinh quang của tôi chẳng là gì cả. Đấng tôn vinh tôi chính là Cha tôi, Đấng mà các ông gọi là Thiên Chúa của các ông. 55 Các ông không biết Người ; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người, thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông. Nhưng tôi biết Người và giữ lời Người. 56 Ông Áp-ra-ham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ.”
57 Người Do-thái nói : “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông Áp-ra-ham !” 58 Đức Giê-su đáp : “Thật, tôi bảo thật các ông : trước khi có ông Áp-ra-ham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu !”
59 Họ liền lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giê-su lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.
Có một câu hỏi trong sách giáo lý như thế này: Khi nào tận thế và lúc đó sẽ ra sao? Thưa, không ai biết được ngày tận thế, chính Chúa Giêsu cũng đã nói: Ngài không biết ngày tận thế, chỉ có Chúa Cha mới biết mà thôi. Giả dụ như Chúa nói: Ngày hôm nay là ngày tận thế, chúng ta thử tưởng tượng coi, con người ta sẽ làm gì?
Sẽ có 2 thái độ này. Thái độ thứ nhất, đối với những người không có đức tin, vì chỉ còn một ngày để sống, họ sẽ có thể ăn chơi phóng đáng cho đã; những ai đang giận hờn, ghen ghét, thù hận nhau, sẽ được giải quyết bằng dao kiếm, bằng súng đạn… phản ứng như thế là vì, đối với những người không có đức tin: chết là hết, không còn hy vọng. Giống như những người Xađốc trong Tin Mừng, chết là hết, không có sự sống đời sau.
Thái độ thứ hai, đối với những người có đức tin, họ sẽ đi xưng tội: các cha phải ngồi tòa giải tội ngày đêm; nhà thờ sẽ đầy ắp người đọc kinh thờ phượng Chúa; những ai còn đang hờn giận nhau sẽ xin lỗi nhau, tha thứ cho nhau; con cái có làm buồn lòng cha mẹ, sẽ về xin lỗi cha, xin lỗi mẹ… phản ứng như thế là vì, đối với những người có đức tin: chết không phải là hết, sau cái chết là phán xét, là thiên đàng hoặc hỏa ngục; nhất là có một Đấng Hằng Sống, là alpha và ômêga làm chủ thời gian sẽ phán xét con người bằng sự công thẳng và lòng thương xót.
Là những Kitô hữu, chúng ta đặt niềm hy vọng ở nơi Chúa Giêsu và những lời giáo huấn của Ngài. Tại sao vậy? Thưa bởi vì nơi Chúa Giêsu là nguồn mạch sự sống, Đấng là đường, là sự thật và là sự sống. Ngài thông truyền sự sống ấy cho những ai tin và thuộc về Ngài. Chân lý này chúng ta tìm thấy trong đoạn Tin Mừng hôm nay, khi Chúa Giêsu tỏ ra cho dân Do thái biết: Ngài là Đấng Hằng Hữu.
Trong thông điệp Deus Caritas est – Thiên Chúa là tình yêu, Đức cố Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã viết: Chúng ta được cứu chuộc là nhờ vào hy vọng. Thật vậy, sống mà không hy vọng thì thật là bi đát, nhưng điều quan trọng là chúng ta hy vọng vào ai và vào cái gì mới là điều đáng nói! Chính thánh Phaolô Tông đồ trả lời cho chúng ta biết: Nếu Đức Kitô không sống lại từ cõi chết, thì niềm tin của chúng ta thật là hão huyền, và những Kitô hữu là những kẻ đáng thương nhất trên trần đời. Nhưng không, Kitô hữu chúng ta đặt niềm hy vọng, đặt niềm tin vào Chúa Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại.
Xin cho mỗi người chúng ta, chuẩn bị bước vào Tuần Thánh với một niềm hy vọng vững vàng và niềm tin son sắt vào Chúa Giêsu, cùng chết với Chúa Kitô để được cùng phục sinh với Ngài.
THỨ SÁU TUẦN V MÙA CHAY NĂM C
TIN MỪNG: Ga 10, 31 – 42
31 Khi ấy, người Do-thái lại lấy đá để ném Đức Giê-su. 32 Người bảo họ : “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm ; vì việc nào mà các ông ném đá tôi ?” 33 Người Do-thái đáp : “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng : ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.” 34 Đức Giê-su bảo họ : “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao : ‘Ta đã phán : các ngươi là những bậc thần thánh’ ? 35 Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, 36 thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi : ‘Ông nói phạm thượng !’ vì tôi đã nói : ‘Tôi là Con Thiên Chúa’ ? 37 Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. 38 Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng : Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha.” 39 Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ.
40 Đức Giê-su lại ra đi, sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa, và Người ở lại đó. 41 Nhiều người đến gặp Đức Giê-su. Họ bảo nhau : “Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng.” 42 Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su.
Để dẫn chúng ta vào Tuần Thánh – Tuần thương khó và phục sinh của Chúa Kitô, phụng vụ Lời Chúa trong suốt tuần này: đều cho thấy những cuộc đối kháng giữa Chúa Giêsu và những người Do thái; giữa việc ném đá người phụ nữ ngoài tình hay là tha thứ; giữa việc chọn lựa – bước theo – và tin vào Chúa Giêsu, hay là từ chối.
Ngôn sứ Giêrêmia trong bài đọc thứ nhất là gương mẫu đức tin cho chúng ta: trong khi ông thi hành chức năng ngôn sứ, ông bị người ta thóa mạ, chế nhạo, bị rình mò – nếu sơ sảy là bị tố cáo… thế nhưng, Giêrêmia vẫn tin vào Chúa. Trong khi đó, những người Do thái trong đoạn Tin Mừng hôm nay, mặc dầu đã chứng kiến rất nhiều phép lạ, được hưởng nhiều ân huệ từ các phép lạ, nhưng họ vẫn không tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa. Còn đức tin chúng ta thì sao?
Lật từng trang Thánh Kinh, chúng ta sẽ nhận thấy được thấp thoáng đức tin của chính mình? Đôi khi đức tin của chúng ta giống như 5000 người sau phép lạ hóa bánh ra nhiều. Một đức tin chỉ vì vật chất: Chúa Giêsu đã nói: Tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Chúng ta cứ nhìn vào thực trạng của những xứ truyền giáo: Bao nhiêu người theo Đạo, theo Chúa chỉ vì vật chất, vì cơm gạo áo tiền. Để rồi, khi vật chất không còn, thì đức tin cũng chấm dứt, mấy ai còn đức tin, còn lòng yêu mến Chúa. Thậm chí, có nhiều người trở nên thù oán với Đạo, đem ảnh tượng trả về cho nhà thờ, thù oán với ông cha, với bà phước, và với cả Chúa nữa.
Đôi khi đức tin của chúng ta cũng giống như thánh Phêrô, khi thuận buồm xuôi gió thì vững tin: Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã. Ấy vậy mà, khi cuộc đời Phêrô dường như vắng bóng Chúa, vắng ánh nhìn của Chúa, ông liền chối Thầy, chối bỏ đức tin – Tôi thề là không biết Ông Giêsu này. Chúng ta cứ để ý mà xem: Biết bao người đã bỏ đức tin chỉ vì bản thân hay gia đình gặp nghịch cảnh, va phải thử thách: bệnh tật, tai nạn, thất nghiệp, bị hiểu lầm,… Một đức tin chỉ vững mạnh khi cuộc sống an bình, êm đềm không sóng gió, nhưng sẽ lịm tắt khi sóng gió cuộc đời ập đến.
Lời của Đấng Đáng Kính ĐHY. Px. Nguyễn Văn Thuận trong sách ĐHV nhắc mỗi người chúng ta: Nhiều người nói: Tôi có đức tin, tôi còn đức tin. Có lẽ đức tin của giấy khai sinh không phải đức tin của đời sống; ít người sống theo đức tin.
Bước vào Tuần Thương Khó, xin Chúa giúp chúng ta nhìn lại đời sống đức tin của mình, đồng thời đức tin là một ân ban, vì thế xin thêm đức tin cho mỗi người chúng ta như các tông đồ đã nài xin Chúa: Lạy Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.
THỨ BẢY TUẦN V MÙA CHAY NĂM C
TIN MỪNG: Ga 11, 45 – 57
45 Khi ấy, sau khi ông La-da-rô sống lại ra khỏi mồ, trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người. 46 Nhưng lại có những người đi gặp nhóm Pha-ri-sêu và kể cho họ những gì Đức Giê-su đã làm. 47 Vậy các thượng tế và các người Pha-ri-sêu triệu tập Thượng Hội Đồng và nói : “Chúng ta phải làm gì đây ? Người này làm nhiều dấu lạ. 48 Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy, rồi người Rô-ma sẽ đến phá huỷ cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta.” 49 Một người trong Thượng Hội Đồng tên là Cai-pha, làm thượng tế năm ấy, nói rằng : “Các ông không hiểu gì cả, 50 các ông cũng chẳng nghĩ đến điều lợi cho các ông là : thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.” 51 Điều đó, ông không tự mình nói ra, nhưng vì ông là thượng tế năm ấy, nên đã nói tiên tri là Đức Giê-su sắp phải chết thay cho dân, 52 và không chỉ thay cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối. 53 Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Giê-su. 54 Vậy Đức Giê-su không đi lại công khai giữa người Do-thái nữa ; nhưng từ nơi ấy, Người đến một vùng gần hoang địa, tới một thành gọi là Ép-ra-im. Người ở lại đó với các môn đệ.
55 Khi ấy sắp đến lễ Vượt Qua của người Do-thái. Từ miền quê, nhiều người lên Giê-ru-sa-lem để cử hành các nghi thức thanh tẩy dọn mình mừng lễ. 56 Họ tìm Đức Giê-su và đứng trong Đền Thờ bàn tán với nhau : “Có thể ông ấy sẽ không lên dự lễ, các ông có nghĩ thế không ?” 57 Còn các thượng tế và người Pha-ri-sêu thì ra lệnh : ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt.
Phép lạ Chúa Giêsu làm cho Ladarô chết 4 ngày được sống lại, chính là giọt nước tràn ly, dẫn đến quyết định cuối cùng của các nhà lãnh đạo Do thái: giết chết Chúa Giêsu. Mặc dù Caipha chỉ nói trong vô thức: Thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt, thế nhưng, lời này diễn tả rất đúng và rất ý nghĩa về cái chết của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối.
Lời tiên tri này cũng chính là lời của ngôn sứ Êdêkien, trong Bài đọc 1: Này Ta sẽ đem con cái Israel ra khỏi các dân tộc mà chúng đang cư ngụ. Từ khắp nơi, Ta sẽ quy tụ chúng lại và đưa chúng về quê hương. Ngôn sứ Êdêkien chỉ mới hiểu những kẻ mà Thiên Chúa quy tụ là dân Israel mà thôi. Thực sự dân mới của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã dùng cái chết để quy tụ không chỉ là những người Israel, mà còn là tất cả những ai tin vào Ngài, là tất cả chúng ta.
Ý thức được như vậy, từ chiều nay chúng ta sẽ bước vào Tuần Thánh, chúng ta cần phải có phải có nơi mình những tâm tình như sau:
Tâm tình thứ nhất là tâm tình tạ ơn: Thượng tế Caipha đã nói tiên tri: Chúa Giêsu phải chết thay cho toàn dân. Chúng ta tạ ơn Chúa, vì trong số những người được Chúa Giêsu chết thay, có từng người trong chúng ta.
Tâm tình thứ hai là tâm tình hy sinh, dám chịu khổ vì người khác: Chúa Giêsu là mẫu gương về tình yêu hy sinh vì người khác: Không có tình yêu nào cao cả hơn, tình yêu của người dám hiến mạng sống mình vì người mình yêu. Các Thánh tử đạo, dám hy sinh mạng sống để bảo vệ đức tin cho con cháu. Thánh Maximilianô Kolbê dám chết thay cho người khác. Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp dám ở lại sống chết với đoàn chiên. Nếu hôm nay, chúng ta chưa dám chết thay cho người khác được, thì ít ra hãy tập những hành vi nho nhỏ chịu cực khổ vì người khác, cho người khác và thay cho người khác.
Tâm tình thứ ba là tâm tình dám bắt chước: Trong cuộc Thương khó của Chúa Giêsu, có nhiều nhân vật là mẫu gương sáng ngời cho chúng ta: Hãy bắt chước Mẹ Maria, thánh Gioan, các phụ nữ luôn sẵn sàng đi bên cạnh Chúa Giêsu trong hành trình thương khó của Ngài; Hãy bắt chước Simon vui lòng vác đỡ Thánh giá Chúa và thánh giá của tha nhân; Hãy bắt chước bà thánh Vêrônica, cam đảm trong đời sống đạo của mình…
Ước gì mỗi khi nhìn lên, mỗi khi bắt gặp Thánh giá, chúng ta không chỉ chiêm ngắm Con Một Thiên Chúa đã chịu đau khổ, đã chết thay vì tội lỗi chúng, nhưng chúng ta hãy cảm tạ Chúa Giêsu và yêu mến Ngài nhiều hơn nữa, bằng việc dám hy sinh, dám chịu khổ vì Chúa và vì anh chị em mình.
LM. GIUSE