Suy niệm Lời Chúa – Chúa nhật V Mùa Chay Năm C

CHÚA NHẬT V MC NĂM C

TIN MỪNG: Ga 8, 1 – 11

1 Khi ấy, Đức Giê-su đến núi Ô-liu.

2 Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. 3 Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, 4 rồi nói với Người : “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. 5 Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?” 6 Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. 7 Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ : “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” 8 Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. 9 Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa. 10 Người ngẩng lên và nói : “Này chị, họ đâu cả rồi ? Không ai lên án chị sao ?” 11 Người đàn bà đáp : “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giê-su nói : “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !”

SUY NIỆM:

Đức Thánh Cha Phanxicô khi giảng về câu chuyện người phụ nữ ngoại tình trong đoạn Tin Mừng hôm nay, ngài đã nói: Chúa Giêsu không để cho người phụ nữ ngoại tình bị sỉ nhục. Chúa không nói với chị: Con đã làm gì? Tại sao? Vì sao con làm như vậy? Con phạm tội với ai? Không, ngược lại, Chúa Giêsu nói: Con hãy đi và đừng phạm tội nữa. Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng: Lòng Thương xót của Thiên Chúa thật lớn lao, chúng ta được tha thứ và được vuốt ve. Thật là đặc biệt, câu chuyện người phụ nữ ngoại tình được đọc trong Chúa nhật 5 Mùa Chay hôm nay, khi mà chúng ta đã đi gần hết chặng đường Mùa Chay Thánh, và đây chính là cơ hội để chúng ta trắc nghiệm lại kết quả mà chúng ta đã đạt được trong mùa chay thánh năm nay là gì!

Điều đầu tiên mà chúng cần trắc nghiệm, đó là: Thiên Chúa – Đấng mà chúng ta đang tin thờ, Ngài là Ai? Lời Chúa trong Chúa nhật tuần trước, qua dụ ngôn “Người cha nhân hậu”, chúng ta tái khám phá: Thiên Chúa là người Cha nhân từ, sẵn sàng tha thứ và mở rộng đôi vòng tay đón chúng ta, mỗi khi chúng ta sám hối quay trở về. Còn Lời Chúa hôm nay, giúp chúng ta tái khám phá dung mạo của Thiên Chúa – Đấng giàu lòng thương xót. Chúng ta đã thuộc lòng câu giáo lý: Thế nào là tội? Thưa, tội là xúc phạm đến Thiên Chúa, do cố ý lỗi phạm luật Chúa, hay luật Giáo hội, trong tư tưởng, lời nói, việc làm hoặc bỏ qua việc phải làm. Và chắc chắn, Thiên Chúa ghét tội, nhưng Thiên Chúa thương xót các tội nhân. Bằng chứng là trong đoạn Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nói rõ với người phụ nữ: “Này chị, tôi không kết án chị đâu. Chị hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa.” Mỗi khi đến với tòa giải tội, chúng ta được nghe chính Thiên Chúa qua cha giải tội nói với chúng ta: “Cha tha tội cho con. Con hãy đi bình an.” Vì thế, chúng ta hãy bỏ đi não trạng “sợ hãi”, sống đạo vì sợ: sợ phạt, sợ sa hỏa ngục… Chúng ta hân hoan sống đạo, vì biết rằng: Thiên Chúa là Cha, Ngài yêu từng người chúng ta, yêu đến nỗi ban chính Con Một – là Chúa Giêsu chết trần trụi trên thập giá vì chúng ta.

Điều thứ hai mà chúng ta cần trắc nghiệm, đó là bản thân tôi đã được biến đổi thế nào trong Mùa Chay Thánh này? Các Kinh sư và Pharisêu hỏi Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, trong Sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà này. Thầy nghĩ sao?” (Ga 8,4-5). Thật vậy, theo luật Môsê thì phạm tội ngoại tình thì cả người đàn ông lẫn đàn bà đều bị ném đá cho đến chết. Nhưng chúng ta hãy giả dụ thế này: Nếu các Kinh sư và Pharisêu không đưa người phụ nữ này đến với Chúa, liệu chị có tự mình thoát khỏi tình trạng này không? Hay là chị cứ đắm chìm mãi trong đời sống tội lỗi của mình! Thánh Gioan Tông đồ đã nói: “Ai nói rằng mình không có tội, đó là người nói dối” (1Ga 1,8). Chính vì thế, chúng ta cùng nhìn lại hai khía cạnh của tội ngoại tình: Khía cạnh thứ nhất: Hôn nhân Công giáo có đặc tính một vợ một chồng, và thủy chung trọn đời… Do đó, không được phép ly dị; cũng như đâu được phép sống với nhau, sống thử trước hôn nhân. Chúng ta biết rõ là không được, nhưng  có khi nào, chúng ta vẫn cố tình ở lỳ trong tình trạng này không? Khía cạnh thứ hai, đối với Thiên Chúa, tội ngoại tình là sống nghịch lại với đức thờ phượng: tin thờ một mình Chúa mà thôi… Thế thì, chúng ta cùng nhìn lại: Có khi nào, tôi chọn lối sống “đi hai hàng”, tức là vừa tin thờ Chúa, nhưng cũng chuộng thần nọ thần kia: thần tài, thổ địa… Không quá trễ để chúng ta đứng lên, rũ bỏ và trở về cùng Chúa.

Điều thứ ba mà chúng ta cần trắc nghiệm, đó là tương quan của tôi với tha nhân thế nào? Mở đầu đoạn Tin Mừng hôm nay, Thánh sử Gioan rất tinh tế ghi lại: “Vừa tảng sáng, các Kinh sư và người Pharisêu dẫn đến trước mặt Chúa Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình” (Ga 8,2-3). Đáng nhẽ, bổn phận của các Kinh sư và Pharisêu là giải thích luật Chúa và lời Chúa cho dân chúng hiểu rõ, là mẫu gương thờ phượng Chúa… nhưng họ lại không sống đúng bổn phận của mình, thay vào đó là đi rình mò, bắt chẹt người khác, và xa hơn nữa là ác độc, muốn dùng sự hiểu biết của mình để “giết chết” người khác. Thánh Têrêsa Calcutta nhắc nhở chúng ta thế này: “Nếu bạn xét đoán người khác, bạn sẽ chẳng còn thời gian để yêu thương họ nữa.” Do đó, trong đời sống cộng đoàn, để không trở nên giống những Kinh sư và Pharisêu, thì chúng ta cố gắng sống khoan dung, không bao giờ xét đoán và kết án bất cứ ai, nhất là những ai mà chúng ta không ưa thích.

Thời xưa khi mà không có những cuốn lịch Công giáo phổ biến như bây giờ, thì để nhắc nhau các ngày lễ Chúa nhật đặc biết cuối Mùa chay, các tín hữu nói đến sáu chữ: ném đá, lễ lá, Phục sinh. Thật vậy, hôm nay là Chúa nhật 5 Mùa Chay và Chúa nhật tuần tới là Chúa nhật Lễ Lá, chúng ta bước vào Tuần Thánh – cao điểm của Năm Phụng vụ. Do đó, hôm nay xin Chúa cất đi những “viên đá” giống như các Kinh sư và Pharisêu đang cầm trên tay, chực chờ ném vào anh chị em mình… thay những viên đá đó bằng hành động sám hối trở về. Và nếu chúng ta muốn “ném đá” thì hãy tự ném đá chính mình bằng những lần đấm ngực thống hối: vì bản thân chúng ta còn nhiều lỗi tội, cũng như thật lòng đấm ngực thống hối, vì chưa nhận ra được tình yêu Thiên Chúa đã dành cho nhân loại chúng ta, mà chúng ta thờ phượng Ngài cho cân xứng.

LM. GIUSE