Đừng đi tu để hưởng thụ

Trải qua truyền thống hằng mấy chục năm, mấy trăm năm, các nhà dòng thường sở hữu những điều vĩ đại. Đó không chỉ là tài sản, nhà cao cửa rộng, nhưng đó còn là danh thơm tiếng tốt. Đó không chỉ là nơi an toàn, cơm ngon áo ấm, mà còn là môi trường tốt để phát triển toàn diện. Thực tế, nhiều người thích đi tu để hưởng những thành quả ấy.
Chẳng hạn, có người theo Chúa Giêsu để được người ta chúc tụng. Không ít người vào nhà dòng để hưởng môi trường an toàn. Trong nhà Dòng, họ chăm chút cho bản thân hơn là tu luyện theo linh đạo nhà Dòng. Trong ý thức đó, quả là đời tu không còn nhiều ý nghĩa trong cuộc đời họ. Bởi, đời tu đòi hỏi người tu sĩ “phải từ bỏ mọi sự để ở với Đức Giêsu và giống như Người, ra tay phục vụ Thiên Chúa và anh chị em mình. Như thế họ đã góp phần vào việc biểu lộ mầu nhiệm và sứ mạng của Giáo Hội bằng muôn vàn đoàn sủng thuộc đời sống thiêng liêng và tông đồ mà Chúa Thánh Thần đã ban cho họ; và nhờ đó, họ cũng đã góp phần vào việc canh tân xã hội.” (Tông Huấn Vita Consecrata, số 1).
Như thế, ai cũng hiểu đời tu hoàn toàn không để người ta hưởng thụ. Người tu sĩ luôn được huấn luyện với những đòi hỏi gắt gao của nhà Dòng. Họ được Thiên Chúa thử luyện và giúp đỡ để nên người loan bao Tin Mừng tốt. Theo đó, người tu sĩ là người của mọi người, người thuộc về Thiên Chúa và sống theo Tin Mừng. Là tu sĩ thật, họ phải bước vào con đường hẹp. Họ phải từ bỏ nhiều thứ, nhất là bỏ những nhu cầu hưởng thụ vốn có nơi mỗi người. Có khi trên con đường đó, họ cảm thấy cô đơn, trống vắng. Người tu sĩ có khi phải đương đầu với tình trạng không có chỗ nương thân. Tất cả những thách đố ấy nhằm giúp người tu sĩ biết họ phải tin vào Ai và sống vì Ai!
Thách đố trên càng lớn hơn cho người tu sĩ trong thế giới này nay: Chủ nghĩa hưởng thụ. Người sống hưởng thụ chỉ dành toàn phần tốt về cho mình. Họ chỉ tìm những điều họ thích. Họ bỏ mặc nhu cầu người khác; ngược lại, họ luôn ở trong vỏ bọc an toàn. Bất cứ điều gì làm cho họ thoải mái, thư thái là họ thụ hưởng điều ấy. Ngoài xã hội, đó là những người ăn chơi, đốt tiền ở những nơi họ thích. Ngồi chơi xơi nước khiến họ thích thú. Họ chịu ăn chơi hơn dám làm việc. Thực dụng là quan niệm sống của nhóm người theo chủ nghĩa này. Tóm lại, điều họ quan tâm số một là tiện nghi vật chất, tiền bạc của cải, để có điều kiện hưởng thụ tối đa.
Trong đời tu, tiếc là có những người trong nhóm chủ nghĩa này. Khấn khó nghèo, nhưng họ sống giàu sang, tiện nghi và sung túc. Khấn vâng lời, nhưng họ thích làm theo những sở thích của riêng mình. Khấn khiết tịnh, nhưng họ tìm những niềm vui của xác thịt. Thậm chí khi được góp ý, có người đã từng nói rằng: “Tu có cần phải triệt để như thế không?” Thưa, đời tu là con đường theo Chúa Giêsu cách triệt để. Nói thế không phải đi tu là “tốc hành” có thể nên người tu sĩ chân chính. Đời tu luôn là một tiến trình lớn lên. Một dấu hiệu trưởng thành của người tu sĩ là mỗi ngày một chút thoát khỏi tinh thần hưởng thụ. Vâng, họ sống không chỉ cho mình, nhưng trên hết, Thiên Chúa và sứ mạng luôn lôi quấn họ bước vào với niềm dâng hiến say mê.
Một hình ảnh tôi rất thích khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô ngỏ lời với các tu sĩ: “Trái tim nếu không co giãn, nó sẽ bị teo đi.” Thử hỏi một người đi tu để tìm mọi thứ thoải mái cho mình, làm sao họ có cùng nhịp đập với Thánh Tâm Đức Giêsu. Trong hoàn cảnh ấy, làm sao họ hiểu Đức Giêsu và ý muốn của Người. Thiên Chúa và nhà dòng muốn một đường, người tu sĩ hưởng thụ lại đi một nẻo. Hai khung trời cách biệt! Hệ quả người ta có thể đoán ra: Nếu người tu sĩ không lớn lên, không từ bỏ, đương nhiên cuộc sống họ sẽ úa tàn. Thế gian sẽ bóp nghẹt cuộc đời hiến dâng của họ.
Đôi lần tôi nghe người ta nói vui rằng: “Quý thầy, quý sơ đi tu sướng thật! Nhà cao cửa rộng, ăn cơm nhà Chúa “múa tối ngày”, các tu sĩ chẳng phải lo nghĩ gì.” Đúng là ăn cơm nhà Chúa, nhưng người tu sĩ đích thật phải “múa” đấy chứ. Nghĩa là, họ phải chu toàn những điều Thiên Chúa và nhà Dòng mong muốn. Họ phải tu tập, phải làm việc và dấn thân đến mọi biên cương. Người không muốn “múa” là người lười biếng, ăn không ngồi rồi. Khi ấy, đương nhiên đời tu không sinh nhiều hoa trái cho chính họ và cho Thiên Chúa.
Có người giơ tay ý kiến về những điều trên: Nếu đi tu như thế, nhà Dòng, Giáo Hội sẽ không chấp nhận! Họ không hợp với đời tu. Đúng thế! Đương nhiên nhà Dòng luôn có cách để giúp người tu sĩ thoát khỏi cuộc sống hưởng thụ. Mỗi tu sĩ đều có một sứ mạng cụ thể để chu toàn, cho vinh danh Chúa hơn. Một khi lửa dấn thân tắt dần, không ai dám chắc họ bước với Đức Giêsu đến cuối con đường trong đời tu.
Bạn nghĩ sao khi Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói với mỗi người tu sĩ: “Sẽ không có hoa trái nếu không chịu cắt tỉa, sẽ không có chiến thắng nếu thiếu chiến đấu.” Từ bỏ và cắt tỉa nhánh cây hưởng thụ, sung sướng không dễ chút nào. May thay, nhà Dòng và Giáo Hội có những phương cách tốt để giúp người tu sĩ dám chọn khó nghèo hơn giàu sang, chọn sống khiêm nhường hơn kiêu kỳ, cao ngạo và chọn bám rễ sâu vào Thiên Chúa hơn là thế gian.
Phải thú thật rằng đời sống tu trì luôn ẩn tàng bóng dáng của thế gian. Sẽ là ảo tưởng nếu ai đó nghĩ rằng nhà Dòng là nơi hoàn toàn thánh thiện. Tuy nhiên, chắc một điều là nơi đó, người tu sĩ có Thiên Chúa ở cùng, có nhà Dòng giúp đỡ và có anh chị em đồng hành. Trong môi trường đó, chúng ta cầu nguyện cho người tu sĩ loại bỏ dần tinh thần thế gian, nói không với cuộc sống hưởng thụ. Một khi người tu sĩ liên lỷ chiến đấu, tu sửa và bước theo Giêsu, đời tu của họ sẽ đẹp vô cùng. Được như thế, chính họ sống hạnh phúc bình an; chính Thiên Chúa và Giáo Hội cũng được nhờ.
Giuse Phạm Đình Ngọc SJ