Suy niệm Lời Chúa – Thứ hai – Tuần II mùa chay

“Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ”.
(Lc 6,37)

BÀI ĐỌC I: Đn 9, 4b-10

“Chúng con đã phạm tội và đã làm điều gian ác”.

Trích sách Tiên tri Đaniel.

Lạy Chúa là Thiên Chúa cao cả và đáng kính sợ, Đấng giữ lời giao ước và lòng từ bi đối với những ai kính mến Người và tuân giữ những giới răn của Người. Chúng con đã phạm tội và làm điều gian ác; chúng con đã bỏ các giới răn và lề luật Chúa. Chúng con đã không nghe lời các tiên tri tôi tớ Chúa, những người đã nhân danh Chúa nói với các vua chúa, thủ lãnh, cha ông và toàn dân trong xứ chúng con.

Lạy Chúa, sự công chính thuộc về Chúa, còn phần chúng con là phải chịu hổ mặt như ngày hôm nay, chúng con là những người thuộc dòng dõi Giuđa, những dân cư ở Giêrusalem, toàn dân Israel, những kẻ gần xa, sống trong mọi nước mà Chúa đã phân tán họ tới đó, vì tội ác mà họ đã phạm nghịch cùng Chúa. Lạy Chúa, điều dành cho chúng con, các vua chúa, thủ lãnh, cha ông chúng con là phải chịu hổ mặt, vì đã phạm tội. Lòng từ bi và tha thứ thuộc về Chúa là Thiên Chúa chúng con, vì chúng con phản bội cùng Chúa. Chúng con đã không vâng theo tiếng Chúa là Thiên Chúa chúng con, để sống theo lề luật mà Chúa đã dùng các tiên tri, tôi tớ Chúa, rao giảng cho chúng con.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 78, 8. 9. 11 và 13

Đáp: Lạy Chúa, xin đừng xử với chúng con như chúng con đáng tội (Tv 102, 10a).

Xướng:

1) Xin đừng nhớ lỗi tiền nhân để trị chúng con; xin kíp mở lòng từ bi đón nhận chúng con, vì chúng con lầm than quá đỗi! – Đáp.

2) Ôi Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng con, xin phù trợ chúng con vì vinh quang danh Chúa; xin giải thoát và tha tội chúng con vì danh Ngài. – Đáp.

3) Xin cho tiếng tù binh rên siết vọng tới thiên nhan; xin ra tay thần lực giải thoát người mang án tử. Phần chúng con là thần dân Chúa, là đoàn chiên Chúa chăn nuôi, chúng con sẽ ca tụng Chúa tới muôn đời; đời nọ sang đời kia, chúng con loan truyền lời ca khen Chúa. – Đáp.

Tin mừng: Lc 6,36-38

36 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ. 37 Đừng xét đoán thì các con khỏi bị xét đoán; đừng kết án thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ.

38 Hãy cho thì sẽ cho lại các con: Người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong bằng đấu nào, thì cũng được đong trả lại bằng đấu ấy!”

Suy niệm
1. Lm. Giuse Đinh Lập Liễm

HÃY SỐNG NHÂN TỪ 

Đức Giêsu huấn dụ các môn đệ về tinh thần phải có trong cộng đoàn: có lòng nhân từ, đừng xét đoán và kết án, hãy tha thứ, biết cho đi. Đặc biệt Đức Giêsu nói rằng tuỳ cách chúng ta đối xử với người khác như thế nào mà ta sẽ được Thiên Chúa đối xử như thế đó.

   Hãy ở nhân từ như Cha các ngươi là Đấng nhân từ:

   – Đừng xét đoán, đừng kết án thì khỏi bị kết án.

   – Hãy tha thứ thì sẽ được tha thứ.

   – Hãy cho đi thì sẽ được cho lại.

  1. “Anh em hãy có lòng nhân từ…”

   Sau khi công bố Hiến chương Nước trời, Đức Giêsu đưa ra những đòi hỏi cụ thể: chúng ta phải thương yêu nhau. Đây là lề luật phải giữ, phải thực hiện. Để đi xa hơn, Đức Giêsu còn đòi hỏi mỗi môn đệ phải yêu thương mọi người không trừ ai, kể cả kẻ thù của mình và bách hại mình. Chúng ta cũng được kêu gọi hãy tha thứ cho kẻ thù và đừng bao giờ lên án ai, đừng bao giờ dùng bạo lực, tốt nhất là làm cho tha nhân điều mà ta muốn tha nhân làm cho mình.

   Lý do của tất cả cách cư xử trên vì Cha trên trời: “Các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ”. Cha chúng ta thế nào, chúng ta cũng phải sống như vậy, vì thế chúng ta hãy yêu thương, tha thứ, đừng xét đoán, biết cho đi.

  1. “Anh em đừng xét đoán…”

   Đức Giêsu cấm không được xét đoán, vì một đàng, con người thì hữu hạn lại vô thập toàn, nên không thể xét đoán đúng và công bằng được; đàng khác, chỉ có Thiên Chúa là Đấng thấu suốt cả bên trong, mới có quyền xét đoán. Nhưng Chúa không cấm con người nhận định về nhau, để giúp nhau hoàn thiện và thăng tiến như sửa lỗi cho nhau, khuyên nhủ nhau…

   Xénophon, nhà triết học Hy lạp sống vào giữa thế kỷ thứ V trước Công nguyên đã kể câu chuyện ngụ ngôn về xét đoán: “Thượng Đế đặt trên vai con người hai cái bị. Một cái đằng trước và một cái đàng sau. Cái bị đằng sau chứa đựng tất cả cái xấu của chính con người mình, còn cái bị đánh trước thì đầy rẫy những cái xấu của người khác. Do đó, con người khó mà thấy được những thiếu sót của mình, nhưng lại dễ dàng nhìn thấy những khuyết điểm của người khác”.

  1. Như Cha trên trời là Đấng nhân từ

   Chúa dạy các môn đệ phải có tinh thần từ tâm với anh em. Đòi hỏi này gián tiếp chấp nhận sự thật là trong đời sống chúng có những rạn nứt, phiền hà gây đau khổ cho nhau. Nhưng để làm chứng cho tinh thần khoan dung của Chúa đối với tội nhân, Chúa đòi hỏi con cái Ngài, cũng phải có lòng từ tâm đối với nhau. Vì thế, Đức Giêsu đã giới thiệu lòng nhân từ của Thiên Chúa là Cha, như mẫu gương cho các môn đệ noi theo: như Cha anh em trên trời là Đấng nhân từ.

   Mahatma Gandhi, một nhà ái quốc Ấn độ, lúc con nhỏ, ông sang Anh quốc học nghề luật sư và nhờ đó có dịp tiếp xúc với Kitô giáo. Ông đọc Phúc âm thường xuyên, đặc biệt ông thán phục bản Hiến chương tám mối phúc thật và lấy đó làm nguồn cảm hứng cho đường lối bất bạo động của ông trong việc giành lại độc lập cho dân tộc mình.Tuy nhiên, có lần ông đã tâm sự với người thân tín rằng dù thán phục Giáo lý của Chúa Kitô, nhưng ông không thể trở thành kẻ tin Chúa, vì ông thấy nhiều Kitô hữu không sống tám mối phúc thật của Chúa. Ông nói: “Tôi yêu mến Chúa Kitô, nhưng tôi không thích người Kitô. Nếu họ giống như Chúa Kitô thì dân Ấn độ chúng tôi đã trở thành Công giáo cả rồi”.

   Nhận xét của Mahatma Gandhi trên đây cảnh tỉnh chúng ta về ơn gọi và trách nhiệm của chúng ta. Là người Kitô hữu, chúng ta phải sống như Chúa Kitô, phải có những tâm tình từ bi, nhân hậu và yêu thương như Ngài.

  1.  “Anh em hãy cho…”

   Vì Thiên Chúa nhân từ và giàu tình thương, chúng ta càng biết mở lòng mình ra với Thiên Chúa, đến với tha nhân được nhiều hồng ân hơn chúng ta mong đợi đến từ Thiên Chúa như Đức Giêsu khẳng định: “Hãy cho thì sẽ cho lại các con. Người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn và đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong bằng đấu nào, thì cũng được đong trả lại bằng đấu ấy” (Lc 6,38).

  1. Truyện: Hãy biết cho đi

Một người nọ thật giàu, muốn gì cũng có. Tuy vậy ông không thấy hạnh phúc vì ông chỉ nhận được những cái nhìn soi mói, coi thường và khinh miệt của người khác. Ông tìm đến hỏi một người nổi tiếng khôn ngoan:

– Tại sao người ta lại coi thường và khinh miệt tôi là kẻ keo kiệt bủn xỉn? Người ta đâu biết rằng sau khi chết, tôi sẽ hiến tất cả gia tài của tôi cho người nghèo và cho công việc từ thiện?

Để trả lời, nhà khôn ngoan kể cho ông một câu chuyện nhỏ sau đây: Một chú heo than thở cùng chị bò cái:

– Tôi cũng như chị, chúng ta cống hiến thịt mình cho loài người. Thế mà tại sao họ thân thiện với chị mà xa lánh tôi?

Ngẫm nghĩ giây lát, chị bò trả lời:

– Thịt chúng ta chỉ cống hiến cho loài người khi chúng ta chết. Còn bây giờ họ quí mến tôi hơn có lẽ tại tôi hiến cho họ sữa lúc tôi còn sống đấy chăng? (Món quà Giáng sinh).

2. Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist

XÉT ĐOÁN

Tin mừng hôm nay, Chúa dạy chúng ta “Đừng xét đoán”. Vậy, xét đoán là gì? Động từ “xét đoán” được ghép bởi 2 động từ: xét và đoán. Xét là tìm tòi để biết nguyên do. Đoán là phỏng đoán. Xét thường khó, vì người ta chỉ biết những sự kiện bên ngoài mà không biết gì bên trong, nên thường dẫn đến đoán mò. Có một câu chuyện kể rằng:

Một ngày kia Khổng Tử đang đi trên đường cùng với các môn sinh đi du thuyết từ nước Lỗ sang nước Tề. Gặp lúc nước Tề đang mất mùa vì hạn hán và dân chúng bị đói khổ cùng cực khắp nơi. Về phần thầy trò Khổng Tử cũng phải ăn trừ cơm bằng những củ khoai mì, măng tre hay bất cứ thứ đồ ăn gì kiếm được. Một hôm thầy trò Khổng Tử được một người đem đến biếu một ít gạo, đủ để nấu một nồi cơm, Thầy trò Khổng Tử đều tỏ ra phấn khởi vì đã nhịn đói lâu ngày. Bấy giờ Tử Lộ có nhiệm vụ dẫn anh em vào rừng hái rau, còn Nhan Hồi thì được phân công ở nhà nấu cơm. Khổng Tử lúc đó đang nằm đọc sách ở nhà trên, bỗng nghe thấy có tiếng “cộp” từ bếp vọng lên. Khổng Tử tò mò nhìn xuống dưới bếp thì nhìn thấy Nhan Hồi đang dùng đũa lấy cơm trong nồi ra, để lên tay và nắm lại từng nắm nhỏ. Sau đó nhìn trước nhìn sau không thấy ai, anh ta đậy nắp nồi lại rồi đưa từng nắm cơm vào miệng nuốt lấy nuốt để. Nhìn thấy mọi cử chỉ của Nhan Hồi, Khổng Tử chỉ biết lắc đầu thở dài và ngửa mặt lên trời than rằng ! 

“Ôi chao, học trò bậc nhất của ta mà lại ăn vụng hèn hạ như vậy sao? Bao nhiêu kỳ vọng ta đặt vào nơi hắn thì bây giờ đã tan thành mây khói hết”. 

Khi bữa ăn đã dọn xong và thầy trò đều ngồi vào bàn thì Khổng Tử lớn tiếng hỏi các học trò xem mình có nên lấy một bát cơm để cúng cha mẹ hay không? Mọi người đều cho là phải, duy chỉ có mình Nhan Hồi là không đồng ý. Khi được hỏi lý do, thì anh ta cho biết như sau: “Thưa Thầy, con nghĩ là không nên cúng, vì trong lúc mở vung đảo cơm, thì tự nhiên cơn gió mạnh thổi đến, làm cho bụi bặm và bồ hóng ở trên gác bếp rơi xuống. Con vội đậy vung lại nhưng vẫn không kịp, cơm trong nồi đã có đầy bụi ở mặt trên. Sau đó con dùng đũa lấy ra lớp cơm bẩn định sẽ đem vất đi. Nhưng rồi con lại nghĩ rằng: Thầy trò ta lâu không được ăn cơm. Mà số cơm bẩn lại nhiều tương đương với phần ăn của một người. Do đó con đã mạn phép thầy và các anh em để ăn trước phần cơm bẩn ấy. Thưa Thầy, thế là hôm nay con đã được ăn rồi và bây giờ con chỉ ăn thêm phần rau thôi. Vừa nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử ngửa mặt lên trời than rằng : 

“Ôi chao! Thế là trên đời này cũng có những sự việc chính mắt ta trông thấy tỏ tường mà vẫn không biết rõ thực hư! Suýt nữa ta trở thành một kẻ xét đoán hồ đồ và bất công rồi”.

Xét đoán thường có nguy cơ sai lầm như thế, cho nên Chúa dạy chúng ta: “Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán…”. Không phải để người khác không xét đoán ta, nhưng là để Thiên Chúa sẽ không xét đoán ta. Vì như Chúa nói: lỗi của người bị ta xét đoán chỉ bằng cái rác thôi, trong khi lỗi của ta to như cái xà. Và cái xà đầu tiên chính là việc xét đoán, vì nó là tội nặng nề đối với Thiên Chúa. 

Thực tế, làm sao chúng ta sống mà lại không có một sự xét đoán – nhận xét nào về ai? Ta không thể thấy, không thể nghe, không thể biết mà không có ít nhiều đánh giá về con người hay sự việc mà ta thấy, ta nghe, ta biết. Thành ra, “Đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán…”, có nghĩa là đừng xét đoán với ác ý. Vì hành vi xét đoán có thể đưa tới điều tốt hay xấu, tùy vào động cơ của người xét đoán. Một bà mẹ xét đoán về lầm lỗi của con mình khác với những người dưng. Bở lẽ, người mẹ xét con trong tâm trạng đau khổ vì lầm lỗi của con, cảm thấy mình cũng có trách nhiệm, muốn giúp con sửa lỗi, không muốn người khác biết con mình có lỗi. Còn người ngoài thì đâu có được tâm trạng này nên dễ dèm pha, hạ bệ, kết án người khác để tôn mình lên.

Nguyện xin Chúa cho chúng con trái tim nhân từ của người mẹ biết thổn thức, đồng trách nhiệm mỗi khi phải xét đoán, sửa lỗi anh em. Amen.

Nguồn: Giáo phận Đà Lạt