Bí Tích Thánh Thể- Của ăn trường sinh

Chúa Giêsu nói. “Tôi là bánh hằng sống, ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 6, 51). Chắc hẳn, ai trong chúng ta là người công giáo, nhất là các Linh Mục, Tu Sĩ, những thừa tác viên đem của ăn đàng cho bệnh nhân, những người đã và đang dạy giáo lý lớp rước lễ vỡ lòng, những tín hữu tham dự thánh lễ Misa mỗi ngày. Thì câu nói này của Chúa Giêsu chúng ta sẽ nghe rất nhiều. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là, mỗi người chúng ta khi nghe câu nói đó, cái điểm vàng trong mắt của chúng ta có lưu lại được những hình ảnh của những con chữ đó không? để rồi từ cái lưu lại ấy nó sẽ đi vào tâm trí, đi vào con tim chúng ta để chúng ta suy đi nghĩ lại trong lòng không? Hay chúng ta nghe để mà nghe, nhìn để mà nhìn mà không ý thức lưu giữ lại để suy gẫm. Nếu chúng ta để ý, chúng ta sẽ có cuộc sống khác. Nếu chúng ta năng suy đi nghĩ lại trong lòng câu nói đó chúng ta sẽ có cách hành xử khác. Vì khi yêu ai ta nhớ mãi lời nói của người ấy, mà trong tình yêu có nhiều sáng kiến, yêu Chúa chúng ta nhớ lời Chúa dạy mà nhớ lời Chúa dạy là chúng ta yêu Chúa, mà yêu Chúa chúng ta sẽ có nhiều sáng kiến phục vụ anh chị em mình. Nói đến đây làm tôi liên tưởng đến bộ phim TÂY DU KÝ của Trung Quốc, bộ phim gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ. Riêng tôi, hồi còn bé, tôi rất thích xem, giờ lớn gần năm mươi tuổi xem lại vẫn thích như xưa. Không chỉ vì những nhân vật nhập vai diễn quá xuất sắc hay kỹ thuật tinh xảo của ngành điện ảnh Trung Hoa, mà mỗi lần xem tôi khám phá ra rất nhiều bài học cho bản thân. Có lần xem xong tôi học được ở Đường Tam Tạng sự trung thành với đời sống tu trì. Dù trãi qua rất nhiều chông gai trắc trở, hiểm nguy rình rập bao vây tứ bề, từ những cám dỗ dịu êm của xác thịt cho đến những tai nạn nguy đến tính mạng nhưng ông vẫn một mực trung thành. Có lần xem xong tôi thấy được ở đại đồ đệ Tôn Ngộ Không tính cách nhanh nhẹn nhưng hơi bộc trực, thẳng thắng, nóng tính nhưng đầy tinh thần trách nhiệm, chăm sóc cho thầy rất chu đáo, mỗi khi đi xin cơm chay là dặn nhị đệ và tam đệ trông chừng thầy cẩn thận, nhưng lại là người hay bị thầy la mắng nhiều nhất, thậm chí viết giấy từ mặt và đuổi về Hoa Quả Sơn. Có lần xem xong tôi thấy được dáng dấp của Tam đệ Trư Bát Giới, một con người mang đầy những đam mê trần tục, ham mê sắc dục, thân xác nặng nề, sống nghiêng về bản năng. Nhưng lần xem gần đây nhất tôi suy nghĩ về các động yêu quái. Đường Tam Tạng trãi qua 81 kiếp nạn, trong đó hầu hết các kiếp nạn là họ muốn ăn thịt Đường Tăng để được trường sinh bất lão, cho nên bằng mọi giá họ phải bắt cho được Đường Tăng, có những động yêu quái vì muốn được sống trường sinh mà nó dám đánh đổi cả một lâu đài mà nó dày công gầy dựng từ khi trốn thiên đình xuống trần gian làm yêu quái, đánh đổi cả sự nghiệp để chiến đấu với Tôn Ngộ Không hòng bắt được Đường Tăng. Khi bắt được họ vui mừng đi mời phụ vương, ông bà đến ăn để cùng được sống trường sinh.

Trở về câu Tin Mừng hôm nay, chúng ta hãy dừng lại ít phút để suy gẫm về câu nói của Chúa Giêsu: “ Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời”.

  1. Chúng ta có dám đánh đổi sự nghiệp để chiếm lấy được Chúa là sự sống trường sinh cho cuộc đời mình không? Cuộc sống cơm áo gạo tiền cuốn hút con người vào vòng xoáy của những bon chen, tranh giành, được mất, chiếm hữu, hưởng thụ. Thế giới càng tiến bộ thì vòng xoáy lại càng mạnh hơn, nhanh hơn, người ta hối hả hơn, mật độ của giá trị thực dụng càng dầy lên, bên cạnh đó nền đạo đức thưa dần, người ta ít tới nhà thờ, ít đọc kinh chung, ít dùng cơm chung, ít trò chuyện đối thoại với nhau, hay nhà thờ có gì vui đâu! Có gì mà hấp dẫn! Vì thế, Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh thể bị cô đơn, cô độc, mồ côi giữa con người, đó cũng là một thực trạng đang xảy ra trong họ đạo tôi đang giúp, giáo dân đi lễ quá ít, ít chưa từng thấy, tôi vô cùng lo lắng, người ta không còn tha thiết với lời mời gọi của Chúa Giêsu, Mình Máu Chúa Giêsu không phải là thức ăn cần thiết và không thể thiếu trong cuộc đời họ nữa rồi! nhưng vẫn còn đâu đó những con người dù bận rộn vẫn xắp xếp giờ đi lễ, có những người tôi chứng kiến đi bán hàng rong can đúng giờ lễ chạy xe đạp tới chỉ còn kịp quăng ngay cái xe là chạy vô nhà thờ, Chúa Giêsu Thánh Thể sẽ nỡ nụ cười với những con người ấy, những người ấy họ cần Chúa, họ khao khát Chúa, không có Chúa họ bị đói phần linh hồn, nhưng số đó rất ít, thật rất ít. Còn chúng ta, những con người mang danh là Tu Sĩ, là Linh Mục, là tông đồ của Chúa, đời sống chúng ta phân bố rõ ràng, giờ giấc hẳn hoi, chúng ta không hối hả, không bon chen, giờ giấc cứ tiệm tiến trôi qua, chúng ta ung dung tự tại, ngày nào cũng thế, sáng rồi chiều đến nhà thờ đầy đủ, nó giống một thói quen được mặc định sẵn, nếu không khéo chúng ta dễ rơi vào tình trạng nhàm chán, mất ý thức, mất lửa hâm nóng cảm giác khao khát Chúa mà chỉ làm như một cỗ máy cứ thế mà quay.
  2. Chúng ta có tin Chúa Giêsu ngự trong Bí Tích Thánh Thể thật sự không? Giả sử như có một nhân vật quan trọng đến giáo xứ, đến nhà, đến cộng đoàn thì chúng ta phải lo đón rước chu đáo, cơm nước sẵn sàng, quần áo chỉnh chu, tóc tai gọn gàng, nói chung chuẩn bị một cách chu đáo nhất có thể. Chỉ là một nhân vật thụ tạo mà chúng ta còn chuẩn bị chu đáo như thế! Còn mỗi khi chúng ta đến dự lễ, dự tiệc nước trời, tiệc chắc chắn đảm bảo cho ta cuộc sống đời đời với Đấng hiến Mình làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta mà chúng ta có ăn mặc chỉnh tề, lòng chuẩn bị sốt sắng, đầu óc tỉnh táo, thái độ chỉnh chu khi hiện diện trước Chúa Giêsu Thánh Thể không? Hay chúng ta đến với Chúa khi lòng còn đầy ngỗn ngang, hiện diện trước mặt Chúa với thái độ không nghiêm trang, ăn mặc thiếu lịch sự, đầu óc thiếu tỉnh táo, ngủ gục đê mê, thì Chúa cũng lại cô đơn một mình giữa con người. Còn chúng ta, những người mang danh là Tu Sĩ, đôi khi chúng ta mất ý thức về tội, tội trọng thường dành cho người ngoài thế gian ở đâu đâu, chém giết, bất công, ngoại tình, gian lận… dường như chúng ta mặc định đó là tội của người ngoài thế gian. Nhưng thưa anh chị em, trong đời sống tu không thiếu những tội đó nhưng đôi khi chúng ta bị che khuất bởi cái mác bên ngoài, chúng ta không giết người cách trực tiếp như các tên sát thủ giang hồ, nhưng chúng ta cũng mang trong mình dòng máu lạnh khi sẵn sàng dùng miệng lưỡi để nói xấu, vu khống, hạ thấp phẩm giá của người khác cách không thương tiếc, lời nói xấu của chúng ta sẽ là lưỡi dao sắc cắt đứt từng miếng thịt khiến người khác phải chết dần chết mòn theo năm tháng, cái chết đó còn ghê tởm, đáng sợ hơn. Rồi ngoại tình khi chúng ta sống đời tu nhưng lại hướng ra bên ngoài với những ham muốn khác, tôn thờ những giá trị vật chất khác ngoài Chúa, rồi bất công, rồi gian lận… Ôi! muôn hình vạn trạng nhưng đôi lúc chúng ta coi thường, xem nhẹ và sẵn sàng phớt lờ để rồi coi như mình vô tội nên không có sự ăn năn, đặc biệt mất đi cảm thức khao khát Chúa để rồi rước Chúa cách hững hờ.
  3. Khi rước Mình Máu Chúa, chúng ta có vui mừng đi giới thiệu, đi mời anh chi em chung quanh mình đến ăn không? Chúa không muốn chúng ta sống một mình, hưởng hạnh phúc “mình ên”, trên thiêng đàng là cộng đoàn các thánh chứ không phải là “ thiên đàng trách nhiệm hữu hạn một mình ên” nên Chúa mời gọi các tông đồ: “hãy đi khắp tứ phương loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”. Xin Chúa cho mỗi KiTô hữu ý thức khi rước Mình Máu Chúa, chúng ta vui mừng đi mời anh chị em lương dân cùng chia sẽ với chúng ta, qua việc giúp họ hiểu biết về Chúa để họ cũng được tham dự bàn tiệc nước trời mai sau trên thiên quốc.

Lạy Chúa, xin cho chúng con, những người sống đời sống KiTô hữu, luôn biết khao khát Chúa, và khi có Chúa rồi xin cho con biết khao khát đem Chúa đến cho người khác nhất là những người chưa biết Chúa, để họ cũng tham dự vào bàn tiệc nước Chúa và ăn thứ bánh mà Chúa Giêsu đã hứa: Ai ăn thịt tôi thì sẽ được sống muôn đời.

                                                                                                                                                           Tường Vi