Quý Ông Bà Anh Chị Em Giáo Xứ Lộ 20 thân mến!
Chúc tất cả chúng ta một ngày an lành. Khi này, Cần Thơ thân yêu của chúng ta đang ráo riết thực hiện việc giãn cách xã hội hầu có thể xua tan dịch bệnh. Ước mong mọi người cố gắng giữ gìn và bảo vệ sức khỏe của mình cũng như của người khác, bằng việc tuân thủ những quy định do những người có trách nhiệm đã đề ra.
Hôm nay là ngày thứ tư, chúng ta cũng hãy nhớ đến và cầu nguyện với Thánh Cả Giuse. Nguyện xin cho tất cả chúng ta biết sống khiêm tốn như Thánh Cả. Khiêm tốn cúi mình xuống để ăn năn sám hối. Khiêm tốn cúi mình xuống để đón nhận và thực thi thánh ý của Chúa trong cuộc đời. Hầu qua sự khiêm tốn ấy, lòng thương xót của Chúa sẽ tuôn đổ xuống trên từng người chúng ta, bàn tay uy quyền của Chúa sẽ che chở cho thế giới trước đại dịch Covid này.
Giờ đây, xin mời tất cả chúng ta cùng đọc và suy gẫm Lời Chúa bằng chính thái độ khiêm tốn vừa đề cập tới.
Tin Mừng: Mt 11, 25-27
Khi ấy, Đức Giêsu cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết mầu nhiệm Nước Trời, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.
“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.”
Đó là Lời Chúa.
KHIÊM TỐN (Mt 11, 25-27)
1. Có 1 thầy giáo hỏi học trò: giữa bình trà và ly trà thì cái nào nhận được nước trà? Học trò trả lời: Thưa cái ly. Thầy hỏi tiếp: nếu cái ly nhận được nước trà, thì cái ly nó nằm cao hơn bình trà hay thấp hơn bình trà? Người học trò trả lời: dạ thưa thầy, cái ly phải thấp hơn bình trà. Lúc này, người thầy mới từ từ giảng giải: trong cuộc đời này, nếu như ai muốn nhận, muốn người ta cho, muốn người ta yêu thương, giúp đỡ, chỉ dạy và trao cho mình những điều quý giá, thì người đó phải ở vị trí thấp hơn người khác. Nếu như lúc nào cũng muốn cao hơn người, thì chúng ta sẽ không nhận được bất cứ thứ gì. Và đó là bài học về sự khiêm tốn.
2. Bài Tin Mừng hôm nay cho biết: những người khôn ngoan thông thái không đón nhận được mạc khải của Thiên Chúa, chỉ những ai hèn mọn mới được diễm phúc đó. Tại sao vậy? Không phải Thiên Chúa của chúng ta thiên tư tây vị đâu, nhưng là vì: họ là những người kiêu ngạo. Họ tưởng tự sức mình là đủ để sống hạnh phúc rồi, nên không cần chi đến những mạc khải tình yêu nữa. Hay nói một cách ngắn gọn, bằng sự kiêu ngạo của mình, những người khôn ngoan thông thái mà bài Tin Mừng nói tới không cần đến chính Thiên Chúa. Rõ ràng, kiêu ngạo như thế là một thảm họa. Chính vì vậy, mời gọi mỗi người chúng ta hãy loại bỏ tính kiêu ngạo ấy ra khỏi con người mình, để thay vào đó là đức tính khiêm tốn. Khiêm tốn để sống đẹp lòng Chúa và vừa lòng mọi người. Khiêm tốn để xứng đáng đón nhận những mạc khải cứu độ đến từ Thiên Chúa.
3. Thế nhưng, làm sao để chúng ta có thể có được nhân đức khiêm tốn đây? Hỏi được câu hỏi này, tức là chúng ta cũng đã hiểu: không dễ dầu gì để có thể sống khiêm tốn. Vì ngày hôm nay, trong tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống, hầu như người ta chỉ nhắm đến việc làm phồng cái tôi: ca tụng người giỏi nhất, nhiều tiền nhất, thế lực nhất, thành công nhất… Thậm chí, ngay trong hệ thống giáo dục, con người cũng đã sống với đủ mọi giải thưởng: học giỏi nhất, chạy nhanh nhất, viết chữ đẹp nhất… Bố mẹ, thầy cô và mọi người đều dạy chúng ta: sống là để thành công, để chiến thắng, để có danh gì với núi sông, để trở thành ông này bà nọ. Chẳng ai dạy lớn lên hãy sống một cuộc đời không tên tuổi, không ai biết đến mình. Thế thì khiêm tốn làm sao được?
4. Tựu chung, rất khó để sống hai chữ khiêm tốn. Tuy nhiên, không phải cứ khó là cho qua qua. Quan trọng là chúng ta có cố gắng để sống nhân đức ấy hay không mà thôi. Và sau đây là ba cách giúp chúng ta nâng cao ý thức để phần nào có thể sống khiêm tốn hơn:
Cách thứ nhất, hãy ý thức: những gì mà ta có, đều không do ta mà có. Thí dụ: nếu ta có được cái đầu thông minh, học đâu biết đó, tính đâu đúng đó, thì cái đầu ấy không do ta mà có, cũng không phải từ bố mẹ ta tạo ra, bởi vì bố mẹ chẳng có quyền năng gì vào việc đó cả. Và riêng ta, ta càng không có công cán gì trong việc có được cái đầu thông minh. Tất cả là do Chúa ban. Vậy thì, thay vì kiêu căng về những gì mình có, thì hãy khiêm tốn cảm ơn Chúa và xin Chúa giúp mình sử dụng những gì đang có cho đúng đắn.
Cách thứ hai, hãy ý thức: tất cả những gì mình có, có thể mất ngay trong một sớm một chiều. Với vật chất, nhà cháy một buổi, sét đánh một cái là tiêu tán hết. Với tình yêu thì khỏi nói: có thể bái bái nhanh hơn họa tiễn. Còn cái đầu thông thái có thể mất đi trong một tích tắc đụng xe. Sức khỏe là nền tảng của mọi sản nghiệp khác, có thể mất đi chỉ vì một căn bệnh nan y. Tất cả mọi thứ mà ta có chỉ là phù vân, nay còn mai mất. Vậy thì, đừng kiêu ngạo về những thứ tạm bợ ấy làm chi, hãy khiêm tốn để biết cho đi, để sống bác ái và để mua lấy Nước Trời.
Cách thứ 3, hãy ý thức: trong một bức tranh tổng thể, bản thân ta chỉ là một dấu chấm tí ti. So với hàng triệu năm của con người, thì cuộc đời 60 hay 100 năm của tôi, chỉ là một dấu chấm tí ti. So với lịch sử hàng tỉ tỉ năm của vũ trụ, thì cuộc đời tôi chỉ là một dấu chấm tí ti. So với dân số tám chín tỉ người hiện nay, thì tôi chỉ là một dấu chấm tí ti. So với toàn thể loài người từ cổ chí kim, tôi chỉ là một chấm tí ti. So với thái dương hệ, trái đất chỉ là một chấm, so với ngân hà, thái dương hệ chỉ là một chấm, so với vũ trụ đã biết, ngân hà chỉ là một chấm, so với vũ trụ chưa biết, thì có lẽ, vũ trụ đã biết chỉ là một chấm. Vậy thì, bản thân tôi so với toàn thể vũ trụ này, có còn là một chấm nữa không? Nếu mỗi người chúng ta chịu suy nghĩ một chút như thế, thì có lẽ sẽ chẳng còn có lý do gì để mà kiêu căng hay tự phụ nữa.
5. Tóm lại, kiêu căng, tự cao tự đại là nguồn gốc của mọi sai lầm và khổ sở. Hình ảnh của những người khôn ngoan thông thái nhưng lại kiêu căng không đón nhận được mạc khải của Chúa đã chứng minh cho điều đó. Ước mong mỗi người chúng ta biết dùng đức khiêm tốn để sống ngược lại với tính kiêu căng ấy. Hầu nhờ đó, chúng ta luôn được mọi người yêu mến. Và đặc biệt, nhờ vào việc biết khiêm tốn, chúng ta sẽ sống đẹp lòng Chúa và được chính Ngài đổ tràn vào cuộc đời chúng ta suối nguồn ơn cứu độ.
Hãy sống khiêm tốn! Amen.
* Gợi ý suy gẫm:
1. Trong vai trò và trách nhiệm của mình, tôi thường ứng xử với những người thân trong gia đình bằng thái độ nào: kiêu ngạo hay khiêm tốn?
2. Tôi biết kiêu ngạo là xấu, nhưng tại sao tôi vẫn hay dùng tài năng Chúa ban để kiêu ngạo với người khác? Hãy liệt kê thử những điều tôi thường hay kiêu ngạo.
3. Khi có lỗi: tôi có đủ khiêm tốn để nói lời xin lỗi đối với những ai tôi đã xúc phạm không? Có đủ khiêm tốn bước đến tòa cáo giải để được Chúa thứ tha không?
4. Đứng trước đại dịch Covid hiện nay, tôi có đủ khiêm tốn để nhìn nhận những giới hạn của bản thân? Có đủ khiêm tốn để nhận ra tội lỗi của tôi đã góp phần không nhỏ làm bùng phát đại dịch này? Có đủ khiêm tốn để sám hối và cậy nhờ lòng thương xót của Chúa?
5. Hãy dành thời gian thinh lặng để chiêm ngắm những thái độ và cử chỉ khiêm tốn mà Chúa Giêsu đã làm cho nhân loại này trong suốt 33 năm trần thế.
Cha Đôminicô Trương Nhựt Thiện
W.Giáo Xứ Đức Mẹ Vô Nhiễm Lộ 20