Cái gọi là “Chân tình” – Cồn Cát thân thương (25/3 – 10/4/2023)

CÓ MỘT THỨ GỌI LÀ “CHÂN TÌNH”

Sự thú vị của cuộc sống được tạo nên từ những chuyến đi. Tôi phải tạ ơn Chúa thật nhiều vì điều thú vị tôi đã được Ngài ban tặng. Cồn Cát – một điều bình dị và thân thương in sâu trong tôi.

Cồn Cát là một giáo điểm mới lập của họ đạo Kinh Nước Lên, cách nhà thờ Kinh Nước Lên hơn 45 phút đường sông. Thật may mắn cho tôi khi lần đầu tiên đi mục vụ tông đồ Tuần Thánh mà được đến một nơi như thế. 2 tuần ngắn ngủi và thật dài những niềm vui, giáo điểm ít người nhưng nụ cười thì thật là nhiều không đếm xuể.

Từ Cần Thơ phải đi hơn 190km mới tới được nhà thờ chính, và cả tiếng đồng hồ để vô tới giáo điểm Cồn Cát. Câu hỏi đầu tiên xuất hiện trong đầu tôi chính là: Sao người ta có thể tìm ra được một nơi sâu hun hút đến tận cùng này để sinh sống nhỉ? Và điều đó tạo nên một niềm cảm mến sâu xa tôi dành cho Cồn Cát.. Có một kỷ niệm tôi sẽ không bao giờ quên: Thứ bảy trước Lễ Lá, tôi bảo họ mang lá đến để cho dì cắm bông, thế là họ lật đật chạy xuồng về nhà và hồ hởi quay trở lại với một thau đầy “lá mắm”. Được một trận cười đến là khổ sở, tôi nhận lấy mà chẳng biết phải làm sao. Ấy con người Cồn Cát bình dị là thế! chân chất là thế!

Những đôi chân trần không gì bảo vệ, đi xuồng giữa cái nắng nóng cháy da mà chẳng thấy người nào có mũ trên đầu. Những con người ấy trở nên mạnh mẽ diệu kỳ khi làm bạn với thiên nhiên, sống bằng chính đôi tay chai sạn của mình. Có lẽ trình độ văn hóa sẽ có phần hạn hẹp hơn những người nơi đô thị nhưng họ có một trái tim rộng bao la, và một nụ cười không bao giờ tắt dù tôi biết rằng cuộc sống của họ đầy dẫy những khó khăn, khắc nghiệt.

Nhưng một điều nữa mà tôi cảm nhận sâu sắc, đó chính là lòng sùng đạo của họ. Phương tiện di chuyển duy nhất ở đó là ghe xuồng, đi lại vất vả như thế nhưng chẳng bao giờ thấy họ vắng mặt trong bất cứ một Thánh Lễ hay các nghi thức Tuần Thánh cả Vì là gốc Bùi Chu nên đến giờ họ vẫn giữ được tập tục đóng đinh và táng xác Chúa vào tam nhật Thánh. Lần đầu tiên được tham dự những giờ ngắm 15 sự thương khó Chúa, tôi tròn mắt há miệng vì ngay cả một thiếu nhi cũng biết ngắm. Nghe họ i a có nhiều câu tôi chẳng nghe rõ họ đọc gì nhưng cảm nhận thật rõ ràng lòng yêu mến Chúa của họ và tự thấy hổ thẹn bởi có khi bản thân chẳng đạo đức được như thế.

Những con người ấy đã cho tôi bao nhiêu là tình thương. Hôm nào chạy ngang cũng ghé xuồng vào hỏi các dì có cần gì không? Có muốn mua gì không? Khi tới nhà thì toàn là đặc sản, toàn món ngon, chọn cái gì quý nhất ra thết đãi các dì, hiếu khách và hiền hòa hơn cả những gì tôi mong đợi.  Chẳng biết tôi đã cho họ được gì, nhưng điều tôi nhận lại thật là nhiều, đó là tất cả lòng tôn trọng, quý mến và cả niềm vui nữa. Ai cũng bảo người chiến sĩ của Chúa ra đi để đến với những người cần mình, nhưng hóa ra tôi nhận được nhiều hơn những gì mình có để cho. Tôi gọi đó là “chân tình”. Sẽ chẳng bao giờ tôi quên được sự ấm áp mang tôi được nhận, cái chân chất, “quê mùa” như tiếp thêm lửa cho tôi biết yêu và cho đi nhiều hơn.

Cồn Cát để lại trong tôi một niềm thương khó tả dù thời gian ở đây thật ngắn ngủi. Cái mộc mạc, chân tình của những con người chân lắm tay bùn, bán mặt cho đất bán lưng cho trời ấy nhưng một động lực cho tôi tiếp tục dấn than, tiếp tục sống với con đường Thánh Giá mà tôi đã chọn. Vẫn còn thật nhiều những nơi xa xôi hẻo lánh như thế chưa có linh mục, nữ tu. Họ cần lắm sự hiện diện của những người có thế hướng dẫn và duy trì đức tin cho họ. Dù biết rằng bản thân chẳng làm được gì nhiều nhưng trong tôi luôn dấy lên một khao khát “ra đi”. Tạ ơn Chúa đã cho tôi có những trải nghiệm quý giá như thế để tôi không còn tìm kiếm những tiện nghi cho bản than hay sự an toàn trong cái “kén” ấm êm nhưng biết hy sinh quên mình nhiều hơn nữa vì đâu đó, vẫn còn có nhiều người cần đến tôi.

M.Phú Yên Mỹ Xuyên