ĐHY Parolin: Đức Thánh Cha viếng thăm châu Phi để thúc đẩy hoà giải
Ngọc Yến – Vatican News
Trước cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha đến châu Phi từ ngày 31/01 đến 05/02, Truyền thông Vatican có cuộc phỏng vấn với Quốc vụ khanh Toà Thánh. Trong cuộc trò chuyện này, Đức Hồng Y Parolin đã đề cập đến một số vấn đề liên quan đến cuộc viếng thăm.
Trước hết, về mong muốn của Đức Thánh Cha. Đức Hồng Y nói: “Cũng như các chuyến tông du, mong muốn trước hết của Đức Thánh Cha là được gần gũi, gặp gỡ Giáo hội và người dân địa phương. Nhưng trong cuộc viếng thăm đến châu Phi, mong muốn này đặc biệt mạnh mẽ, vì chuyến tông du đã được chờ đợi từ lâu và Đức Thánh Cha đã phải hoãn lại vì đau đầu gối. Và bởi vì đây là hai quốc gia có một hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vì những xung đột đang diễn ra. Do đó, khi đến đó, Đức Thánh Cha như một vị mục tử đi gặp gỡ dân Chúa và đồng thời cũng là một người hành hương hoà bình và hoà giải”.
Theo Đức Hồng Y, chính vì mong muốn đặc biệt này mà cuộc viếng thăm có hai khía cạnh: Khía cạnh mục vụ, sự gần gũi với các Giáo hội địa phương và các cộng đoàn; và khía cạnh chính trị xã hội. Từ quan điểm này mọi người mong đợi sự hiện diện của Đức Thánh Cha, cũng như lời nói, chứng tá của ngài có thể giúp thúc đẩy việc chấm dứt bạo lực và củng cố các quá trình hoà bình và hoà giải đang diễn ra.
Đối với điểm dừng chân đầu tiên, Cộng hoà Dân chủ Congo, Quốc vụ khanh Toà Thánh đề cập đến cuộc gặp gỡ với các nạn nhân ở miền đông đất nước. Ngài hy vọng sự kiện này sẽ giúp chữa lành vết thương cho người dân. Vết thương sâu và kéo dài trong nhiều năm bởi bạo lực, đối lập và xung đột. Do đó việc Đức Thánh Cha gặp gỡ các nạn nhân sẽ là một cử chỉ an ủi, đồng thời khích lệ họ không đánh mất niềm tin, hy vọng, không trả thù, không làm gia tăng sự chia rẽ, lấy hoà bình là mục tiêu chính. Như thế, sự hiệp thông và tình huynh đệ sẽ là mục đích khi Đức Thánh Cha gặp gỡ các nạn nhân này.
Từ Congo Đức Thánh Cha sẽ đến Nam Sudan. Ở quốc gia này được ghi nhớ bởi cử chỉ quỳ hôn chân các lãnh đạo quốc gia của Đức Thánh Cha vào năm 2019, để xin hoà bình. Trong cuộc phỏng vấn Đức Hồng Y Parolin cho biết ở quốc gia này, các Giáo hội Kitô có một vai trò quan trọng, có thể làm những điều mà chính chính phủ và thậm chí các tổ chức quốc tế cũng không làm được. Vì được người dân và chính quyền chính tin tưởng, các Giáo hội có một vai trò quan trọng trong cuộc đối thoại quốc tế phức tạp. Đức Hồng Y tin rằng cuộc viếng thăm sẽ mang lại tính liên tục cho khía cạnh tích cực này, để có thể đưa ra những lựa chọn cụ thể, những quyết định thiết thực để tiến trình hoà bình có thể đạt được mục tiêu.
Đức Thánh Cha sẽ đến Nam Sudan cùng với Đức Tổng Giám Mục Canterbury và vị điều hành Tổng công nghị của Giáo hội Scotland. Về điều nay, Quốc vụ khanh Toà Thánh nói: “Đây là một biểu hiện đại kết thực sự, một chứng tá đại kết. Cả ba vị lãnh đạo đi cùng nhau là một dấu hiệu cho thấy có thể tìm ra cách hiệp thông vượt lên trên sự khác biệt hoặc qua sự khác biệt. Rồi chính sự dấn thân chung này từ phía các nhóm tôn giáo hiện diện trong nước cũng sẽ là chứng tá của Tin Mừng, những người thúc đẩy hoà bình. Vì vậy, sự kiện này sẽ là một sụ hiện diện và sẽ là một hành trình rất quan trọng”.
Nguồn: W.Vatican News