Dòng Mến Thánh Giá thế kỷ XVIII – XIX (1)

Dòng Mến Thánh Giá thế kỷ XVIII – XIX (1)

Nếu người ta ví thế kỷ XVIII và XIX như một bức phông nền, thì hiện trên phông nền ấy là bức tranh Giáo Hội Việt Nam với màu sắc u buồn và đen tối bởi những cuộc bách hại đạo, bởi các cuộc chiến tranh và thiên tai, và còn bởi sự tranh chấp nội bộ giữa các thừa sai. Tuy nhiên, trong bức phông nền ảm đạm ấy, lại bừng lên ánh sáng bởi những tâm hồn quả cảm, chấp nhận tù tội, đòn roi, gông cùm, ngay cả cái chết để minh chứng niềm tin vào Đức Giêsu Kitô Cứu Thế.

1.1. Bị bách hại

Từ thời Chúa Trịnh đến Chúa Nguyễn, sang Nhà Tây Sơn, đặc biệt là các Vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, những sắc chỉ cấm đạo được liên tục ban hành, gây nên những đợt bách hại kéo dài và đưa đến những hậu quả bi thương cho Giáo Hội Công Giáo Việt Nam[1].

Cũng vậy, từ những ngày đầu của Giáo Hội địa phương, nữ tu Mến Thánh Giá được diễm phúc chịu bách hại hoặc hiến dâng mạng sống để làm chứng cho đức tin trên mảnh đất quê hương của mình.

1.2. Chiến tranh và thiên tai

Việc cai trị ở Đàng Ngoài, trên danh nghĩa thuộc Vua Lê nhưng thực quyền lại là Chúa Trịnh. Những cuộc xung đột giữa Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn, rồi cuộc nổi dậy của anh em Tây Sơn vào cuối thế kỷ XVIII, thảm cảnh nội chiến xảy ra liên miên và lan rộng khắp nơi. Cuối cùng, vào cuối thế kỷ XIX, nước Việt lại phải đối diện với cuộc chiến chống ngoại xâm, khiến dân nước chìm vào trong chiến tranh khỏi lửa. Cũng trong thời kỳ này, nhiều trận lũ lụt, rồi hạn hán kéo dài, khiến đời sống của người dân rất khốn cùng.

Cuộc chiến càng lan rộng, thiên tai càng nhiều thì cuộc sống của nữ tu Mến Thánh Giá càng bấp bênh và khó khăn.

1.3. Tranh chấp giữa các thừa sai

Tại Đàng Ngoài, lúc bấy giờ, có các thừa sai thuộc nhiều quốc tịch và dòng tu khác nhau như Hội Thừa Sai Hải Ngoại Paris, Dòng Đa Minh, Dòng Tên, Dòng Augustinô và Dòng Phanxicô. Chính vì sự đa dạng này đã nảy sinh những cuộc tranh chấp, chủ yếu từ vấn đề quyền hành và quản trị địa hạt[2]. Đầu tiên là sự tranh chấp giữa các thừa sai của Thánh Bộ và các thừa sai của chế độ Bảo Trợ; tiếp đến là giữa các thừa sai cùng Dòng Đa Minh nhưng khác quốc tịch và Tỉnh Dòng; cuối cùng là các thừa sai khác Dòng, khác quốc tịch.

Tương tự như vậy, tại Đàng Trong, những bất hoà giữa các thừa sai trong việc cai quản, về sự khác biệt quốc tịch, phân biệt giữa linh mục triều và dòng, dẫn đến việc tố cáo lên Toà Thánh và những cuộc kinh lý sau đó[3]. Những bất hoà giữa các thừa sai vẫn còn âm ỉ cho đến một ngày Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát trục xuất tất cả thừa sai nước ngoài, trừ một linh mục Dòng Tên là ngự y của triều đình[4].

Ngoài những tranh chấp như đã kể, các thừa sai thời đó còn tranh chấp cả về thẩm quyền trên Dòng Mến Thánh Giá, khiến các nữ tu trở thành nạn nhân của việc tranh chấp ấy.

2. Dòng Mến Thánh Giá thế kỷ XVIII

Trải qua thế kỷ XVIII đầy khó khăn, Dòng Mến Thánh Giá đã gánh chịu nhiều nỗi gian truân, có lúc tưởng như không còn đất sống. Hầu như cộng đoàn nào cũng gánh chịu tai hoạ, có khi bị xoá sổ. Nhưng như một mầm sống mạnh mẽ, nếu phần ngọn bị bão tố vùi dập, thì ngay khi có thể, chồi non lại mọc lên. Các nữ tu Mến Thánh Giá, từ thế hệ này đến thế hệ khác, kiên trì với đặc sủng Mến Thánh Giá, không phải chỉ trên danh xưng nhưng bằng chính cuộc sống của mình.

2.1. Tại Đàng Ngoài

Năm 1679, Toà Thánh chia Địa Phận Đàng Ngoài thành Tây Đàng Ngoài và Đông Đàng Ngoài. Dòng Mến Thánh Giá cũng được phân chia như vậy.

Tại Tây Đàng Ngoài – Sự hợp tan của nữ tu Mến Thánh Giá

Dòng Mến Thánh Giá ở Tây Đàng Ngoài đã phát triển đáng kể. Tuy nhiên, cuộc sống của nữ tu Mến Thánh Giá gặp nhiều khó khăn, khi bình an, các chị quy tụ lại trong các Nhà Mến Thánh Giá; khi bị bách hại, các chị phân tán đi nhiều nơi, chờ ngày đoàn tụ.

Những năm đầu thế kỷ, các chị đã được Đấng Bản Quyền quan tâm cách đặc biệt, vì thế, các Nhà Mến Thánh Giá tiếp tục gia tăng. Ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời năm 1714, Đức Cha Bélot quy tụ 50 nữ tu Mến Thánh Giá về Trang Nứa để cầu nguyện cho Đức Cha Jacques de Bourges vừa mới qua đời[5].

Trong bản báo cáo ngày 08/06/1751, Đức Cha Louis Néez cho biết, Dòng có khoảng “400 thiếu nữ nghèo, chia thành 25 Nhà”[6], trong đó 18 Nhà thuộc tỉnh Nghệ An, số còn lại thuộc các tỉnh Thanh Hoá Nội, Thanh Hoá Ngoại và Nam Định[7].

Thế nhưng, sau đó không lâu, Đức Cha Reydellet mô tả rằng, sắc chỉ cấm đạo 1765 đã khiến “chúng ta không còn cộng đoàn, không còn chủng viện, không còn nhà ở, không còn nhà thờ, tất cả đều bị triệt hạ. Các nữ tu Mến Thánh Giá bị giải tán, những người trẻ tuổi về nhà cha mẹ, những người lớn tuổi trốn ẩn nơi nhà các tín hữu”[8].

Chị em Mến Thánh Giá Tây Đàng Ngoài đã chịu những khó khăn cùng với Giáo Hội trong vùng lúc bấy giờ. Với thời gian, những khó khăn ấy giảm dần. Vào thập niên cuối của thế kỷ XVIII, trong báo cáo ngày 14/03/1795 gửi Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin, Đức Cha Longer Gia cho biết Dòng Mến Thánh Giá hiện đã có 30 Nhà, mỗi Nhà có 15 đến 40 chị[9]; và vào năm 1797, hai Nhà nữa cũng đã được xây dựng, mỗi Nhà có hơn 20 chị[10].

Mặc dù chị em Mến Thánh Giá đã góp phần không nhỏ trong việc sống “tốt đạo đẹp đời”, thế nhưng, cuộc bách hại trong thời kỳ 1795-1798 tại Nghệ An và Thanh Hoá lại khiến “các nữ tu Mến Thánh Giá có những Thánh Giá mà các chị không vác nổi”. Dẫu vậy, Dòng vẫn có nhiều thanh thiếu nữ nhiệt thành xin gia nhập, thừa sai La Mothe Hậu đã nêu con số gần 1.000 nữ tu trong bức thư đề ngày 31/03/1795[11].

Tại Đông Đàng Ngoài – Việc nữ tu Dòng Mến Thánh Giá chuyển sang Dòng Ba Đa Minh tại viện

Từ khi Địa Phận Đông Đàng Ngoài được giao cho các thừa sai Dòng Đa Minh cai quản, đời tu của các chị Mến Thánh Giá không còn được bình an bởi chính quyền bính trong Giáo Hội địa phương gây nên.

Chủ trương của các thừa sai Dòng Đa Minh là muốn chuyển các nữ tu Mến Thánh Giá ở Đông Đàng Ngoài thành các nữ tu Dòng Ba Đa Minh với những cách thức như: chiêu dụ bỏ kiêng thịt, dùng áp lực bắt buộc phải chuyển dòng, hoặc ra thời hạn nếu chị em nào không tuân theo ý các ngài sẽ bị đuổi ra khỏi nhà. Trong tình hình như thế, nhiều rắc rối đã xảy ra cho các chị Mến Thánh Giá. Việc này cũng làm cho các Đấng Bản Quyền phải bận tâm[12].

Do những vấn đề trên, Đức Cha Hilario Costa Hy, thuộc Dòng Augustinô, triệu tập Công Nghị Đàng Ngoài lần thứ hai tại Lục Thuỷ Hạ, nhằm ổn định tình thế. Công Nghị này đã đưa ra 21 quyết định, trong đó, có các điều liên quan đến Dòng Mến Thánh Giá, cụ thể như: “Cấm các nữ tu Mến Thánh Giá chuyển sang Dòng Ba Đa Minh; […] Các Giám Mục có quyền lập Tu Viện Mến Thánh Giá bất cứ ở đâu trong Địa Phận; và các ngài có quyền giải quyết các vụ tranh chấp giữa hai Dòng nữ [Dòng Mến Thánh Giá và Dòng Ba Đa Minh], mà mọi người phải tuân theo cho đến khi Toà Thánh quyết định cách khác”[13]. Tuy nhiên, Công Nghị này không được Toà Thánh công nhận.

Chị em Mến Thánh Giá lại phải đối diện với những khó khăn như trước. Các chị bị vu khống, bị đe doạ, và điều tệ hại nhất là các chị còn bị hành hạ về mặt thiêng liêng như không được xưng tội, rước lễ, vì các chị không chịu tố cáo cha Adriano[14] là kẻ rối đạo và đã bị mắc vạ. Không nản chí, ngày 16/08/1759, các chị đại diện cho sáu Nhà Mến Thánh Giá tiếp tục làm đơn khiếu nại lên Toà Thánh[15].

Sau khi phái vị Kinh Lược đến Đàng Trong để điều tra, năm 1764, và nhận được báo cáo về tình trạng của các nữ tu tại đó, Thánh Bộ gửi cho các nữ tu Mến Thánh Giá một chỉ dụ cam kết bảo vệ và ưu đãi các chị. Tuy thế, các chị Mến Thánh Giá vẫn còn bị ép chuyển sang Dòng Ba Đa Minh[16]. Vì vậy, ngày 05/03/1787, Thánh Bộ đưa ra quyết định dứt khoát:

– Các chị Mến Thánh Giá Trung Lao đã gia nhập Dòng Ba Đa Minh, nay ai muốn thì có thể tự do trở lại Dòng Mến Thánh Giá;

– Từ đây, việc chuyển từ Dòng Mến Thánh Giá sang Dòng Ba Đa Minh là điều bất hợp pháp, “nếu đi ngược lại quyết định trên đều bất thành sự và sẽ có hình phạt riêng do Thánh Bộ áp đặt”[17].

Tuy Thánh Bộ đã đưa ra quyết định như thế, nhưng vào cuối thế kỷ XVIII, Đông Đàng Ngoài chỉ còn ba Tu Viện Mến Thánh Giá: Kiên Lao, Trung Linh và Bùi Chu[18].

2.2. Tại Đàng Trong

Vào năm 1711, Đàng Trong có 20 cộng đoàn nữ tu Mến Thánh Giá. Vài năm sau đó, đạo bị bách hại dữ dội, nên tất cả các cộng đoàn trên bị giải tán và tàn lụi[19] đến độ người ta không tìm được bản luật nào của Đức Cha Pierre Lambert de la Motte[20]. Sau thời gian ngưng trệ, các Đấng Bản Quyền đã tìm cách phục hồi, và nhờ đó mà Dòng Mến Thánh Giá ở Đàng Trong được khôi phục và phát triển một cách kỳ diệu. Những Tu Viện Mến Thánh Giá tiêu biểu thời bấy giờ là Thợ Đúc, Hà Dừa, Nha Ru và Chợ Mới.

Tuy vậy, nhiều cuộc cấm đạo lại liên tiếp xảy ra, đó là lý do khi Đức Cha Guillaume Piguel trả lời những câu hỏi của Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin về Địa Phận Đàng Trong vào ngày 19/07/1765 cho biết: “hoàn toàn không có một dòng nữ nào cả”[21]. Tưởng như sẽ không còn tồn tại, vậy mà Dòng Mến Thánh Giá ở Đàng Trong lại được hồi sinh dù các khó khăn vẫn còn đó. Nhờ lòng nhiệt thành giúp đỡ của Đức Cha Labartette, Dòng Mến Thánh Giá đã phát triển trở lại khá nhanh. Như một điệp khúc, Dòng được phục hồi chưa bao lâu sau một cuộc bách hại thì cuộc bách hại khác lại đến.

2.3. Số nữ tu Mến Thánh Giá vào cuối thế kỷ XVIII

Về con số nữ tu Mến Thánh Giá, chúng ta không có những bản thống kê chính xác, chỉ dựa vào bản báo cáo của các thừa sai. Con số này thường bị dao động bởi các cuộc bắt đạo.

Vào cuối thế kỷ XVIII, ở Địa Phận Tây Đàng Ngoài còn tới 30 cộng đoàn với hàng trăm nữ tu. Số ơn gọi xin vào Dòng nhiều đến độ Giám Mục Đại Diện Tông Toà phải ra lệnh tuyển chọn kỹ lưỡng.

Còn ở Địa Phận Đông Đàng Ngoài, nơi Dòng Mến Thánh Giá không được các thừa sai Đa Minh ưu ái, khoảng năm 1777, còn năm cộng đoàn với 84 nữ tu; và cuối thế kỷ XVIII, còn ba cộng đoàn Kiên Lao, Trung Linh và Bùi Chu[22].

Tính chung cả Đàng Ngoài, con số nữ tu Mến Thánh Giá đã có lúc lên tới khoảng 1.000 người[23]. Còn ở Đàng Trong, có tám cộng đoàn với khoảng 200 nữ tu[24].

Nguồn:W.HDMTG Gò Vấp

HL.MĐ