Kinh Mân Côi với Đời Dâng Hiến – Mầu nhiệm Mừng (5): Ở bên Chúa mãi mãi

5. Đức Mẹ được thưởng công trên Thiên Đàng

Trích sách Thánh Vịnh

Lòng trào dâng những lời cẩm tú,
miệng ngâm thơ mừng chúc thánh quân,
lưỡi tôi ví tựa tay người phóng bút.

Giữa thế nhân, ngài vô song tuyệt mỹ,
nét duyên tươi thắm nở môi ngài,
nên ngài được Thiên Chúa ban phúc lành mãi mãi.

Bảo kiếm hãy đeo lưng, này kiện tướng,

lẫm liệt oai hùng, hãy phóng ngựa tiến lên
bênh sư thật, lòng nhân và công lý.
Tay hữu ngài rắc gieo kinh hãi,

tên nhọn vừa buông, dân gục ngã dưới chân ngài,
địch thủ vương triều bị bắn trúng tim.

Ngôi báu Thiên Chúa tặng ban cho ngài
sẽ trường tồn vạn kỷ,
vương trượng, vương trượng công minh;

Ngài ưa điều chính trực, ghét điều gian ác.
Chính vì vậy, Thiên Chúa là Thiên Chúa của ngài
đã tôn phong ngài vượt trổi các đồng liêu
mà xức cho dầu thơm hoan lạc.

Quế trầm mộc dược, hương toả long bào,
nhã nhạc điện ngà khiến ngài vui thoả.

Hàng cung nữ, có những vì công chúa,
bên hữu ngài, hoàng hậu sánh vai,
trang điểm vàng Ô-phia lộng lẫy.

Tôn nương hỡi, xin hãy nghe nào,
đưa mắt nhìn và hãy lắng tai,
quên dân tộc, quên đi nhà thân phụ.

Sắc nước hương trời, Quân Vương sủng ái,
hãy vào phục lạy : “Người là Chúa của bà.”

Thiếu nữ thành Tia mang lễ tới,
phú hào trong xứ đến cầu ân.

Ðẹp lộng lẫy, này đây công chúa,
mặc xiêm y dệt gấm thêu vàng,

phục sức huy hoàng, được dẫn tới Quân Vương,
cùng các trinh nữ theo sau hầu cận.

Lòng hoan hỷ, đoàn người tiến bước,
vẻ tưng bừng, vào tận hoàng cung.

Con cái Ngài sẽ nối dòng tiên đế,
Ngài phong làm vương bá khắp trần gian.

Danh thơm Ngài, thần xin truyền tụng
thế hệ này tới thế hệ kia.
Vì thế, dân dân sẽ nức lòng ca ngợi,
tiếng ngợi ca bất tận muôn đời. ( Tv 45 (44))

Suy niệm:

 Sau khi kết thúc cuộc sống nơi dương thế, Mẹ được đưa về Trời cả hồn lẫn xác. Đây là một đặc ân có một không hai mà Thiên Chúa tặng ban cho người tớ nữ trung tín đã cưu mang Ngôi Lời Nhập Thể. Ta tin rằng trên Thiên Đàng, Mẹ còn được tặng thưởng cho nhiều điều diệu vời hơn nữa. Mẹ trở thành nữ vương Thiên Đàng. Như Đức Giêsu, con của Mẹ, được “siêu tôn” trên hết mọi danh trên trời và dưới đất, Mẹ cũng được ban cho một vị thế cao vượt, đáng để cho mọi loài kính ngưỡng và mến yêu.

“Bên hữu Ngài, hoàng hậu sánh vai,

Trang điểm vàng Ô-phia lộng lẫy… Sắc nước hương trời, Quân Vương sủng ái”

Lời Thánh Vịnh mô tả ở trên là những hình ảnh tượng trưng, giúp chúng ta mường tượng qua cảnh huy hoàng mà Thiên Chúa trao tặng cho người môn đệ trung thành, đã luôn dõi bước theo Đức Kitô trên mọi nẻo đường, kể cả nẻo đường thập giá.

Giờ đây, đúng như lời Mẹ đã nói năm xưa trong bài ca Magnificat, từ nay, hết mọi đời sẽ khen Mẹ diễm phúc, Đấng Toàn Năng đã làm cho Mẹ biết bao điều cao cả. Trên trời dưới đất, không ai lại không dành cho Mẹ một sự thán phục và ngưỡng mộ, vì Chúa đã thực hiện trên Mẹ những điều tuyệt vời mà sẽ chẳng bao giờ Ngài thực thi điều đó cho một ai khác. Mẹ được vô nhiễm mọi tội lỗi, được đặc ân cưu mang Đấng Cứu Thế, trao ban cho Giêsu xương thịt của mình, được ơn trọn đời đồng trinh, và được gọi là Mẹ Thiên Chúa. Hỏi có ai khác dưới gầm trời này được Thiên Chúa ưu ái như vậy không? Chính Đức Maria cũng đã tự biến mình trở thành một khí cụ mềm mại của Chúa. Mẹ như một miếng đất sét, nhẹ nhàng khuôn theo bàn tay tài ba của Thiên Chúa, để Ngài mặc sức nhào nặn và làm nên một tuyệt tác hoàn mỹ. Sau một cuộc đời tại thế không bao giờ rời xa Chúa, Mẹ xứng đáng được nhận một phần thưởng cao quý trên nước Thiên Đàng. Mẹ sẽ là Eva mới, thay thế cho một Eve đã vì thói kiêu ngạo, ngông cuồng mà cãi lệnh Thiên Chúa. Mẹ trở thành Mẹ của chúng sinh, sinh ra cho Nước Trời những công dân có lối sống hệt như Mẹ.

Chiêm ngắm Mẹ Maria hưởng vinh quang trong Nước Trời, mỗi người tu sĩ được gợi nhớ về ngày mình cũng được Chúa gọi về để ở bên Chúa mãi mãi. Cả một cuộc đời hy sinh và sống đời dâng hiến, ta mong chờ điều gì, nếu không phải là ngày ta được đoàn viên với triều Thần Thánh trên trời, được gặp gỡ diện mặt với Giêsu, Đấng mà ta mến yêu bằng trọn cả linh hồn và thân xác? Vinh quang mà Mẹ được hưởng trên Thiên Đàng cũng chính là vinh quang mà Thầy Giêsu hứa dành cho những môn đệ dấu yêu của Ngài. Vinh quang đấy dĩ nhiên là không giống kiểu vinh quang được người khác ca tụng như ở dưới thế. Nhưng đó là một vinh quang do được chìm ngập trong Ba Ngôi, vui niềm vui vinh thắng sau một cuộc chiến trường kỳ kéo dài dưới thế. Ngay từ khi bằng lòng hiến dâng cuộc đời mình cho Chúa, người tu sĩ đã có ý mong ngóng đến ngày được về với Ngài, được nhìn thấy và chiêm ngưỡng một cách trực tiếp Đấng đã cất tiếng gọi mình và làm cho mình mê say đến độ bằng lòng bỏ đi tất cả để bước theo. Những cuộc gặp gỡ dưới thế với Ngài, dù sao đi chăng nữa, vẫn còn có sự hiện diện của lòng tin. Cuộc tái ngộ trên Thiên Đàng sẽ chỉ còn lại một tình yêu tinh tuyền và nồng cháy mà thôi. Đó sẽ là một cuộc đoàn viên không bao giờ có đoạn kết.

Gặp một vị tu sĩ nằm trên giường bệnh, ta tự hỏi vị ấy đang trông chờ điều gì? Một năm, hai năm, mười năm, ba mươi năm rồi năm mươi năm, bảy mươi năm hay có khi còn hơn nữa… Một cuộc đời không kiếm tiền công danh, không giành giật tiền bạc, chỉ biết quên mình phục vụ, xem hạnh phúc của người khác là hạnh phúc của mình, lấy nỗi đau của người ta gánh vác trên vai, họ làm thế để làm gì? Nơi góc phòng nhỏ bé của nhà hưu, họ chỉ có một tấm thân gầy guộc, trơ trụi chẳng còn hình hài gì bắt mắt. Họ bỏ đi tất cả, bỏ đi luôn cái đảm bảo cho tuổi già của mình. Không người thân, không gia đình, không vợ con cháu chắt, không anh chị em… họ có cảm giác như mình bị rơi vào nỗi cô đơn của Vườn Dầu không? Họ thậm chí không thể tự mình làm bất cứ điều gì, cũng không dám ra lệnh hay đòi hỏi điều chi. Họ phó mặc mọi sự trong tay người khác, những người không cùng máu mủ với họ. Nhìn cơn mưa rơi tí tách bên kẽ lá, họ nghe đọng lại những giọt buồn mênh mang. Nhìn ánh nắng chiều hắt qua khung cửa sổ, họ thấy đời mình cũng chuẩn bị tắt đi những vệt sáng cuối cùng. Đó là lúc họ trải nghiệm cách chân thực nhất giây phút thương đau của Thầy Giêsu trên thập giá. Họ đã bỏ cả một đời để theo Chúa. Và cho dù sự mệt mỏi của dặm trường sương gió có khiến họ quỵ ngã đến nhiều lần, họ vẫn cố gắng đứng vậy, vác cây thập giá lên đồi để chịu đóng đinh nơi đó. Thập giá của Giêsu đã hóa thân thành chiếc giường bệnh buồn bã.

Lại một lần nữa, họ thấy mình hạnh phúc vì được nên giống Thầy dấu yêu. Chiếc giường bệnh tuy cũng gợi lên chút gì đó đau thương, nhưng dẫu sao vẫn còn êm ấm hơn cây gỗ năm nào. Nằm trên giường với những máy móc thiết bị hiện đại trợ giúp vẫn còn sướng hơn gấp ngàn lần cảnh bị đòn roi đau đớn và những chiếc đinh nhọn đâm qua. Chính tại nơi đây, người tu sĩ chiến đấu can trường nhất. Đó cũng là cuộc chiếc đấu cuối cùng của đời họ. Thở một hơi thở dài, nhắm mắt lại rồi mở mắt ra, họ đã thấy mình hiện diện ở một nơi khác, nơi chứa chan ánh sáng, nơi ngập tràn hào quang. Đứng chung quanh là các thiên sứ không ngừng cất lên bài ca thánh thót. Từ đàng xa, họ thấy các anh chị em đồng môn với khuôn mặt hạnh phúc nhìn về họ, họ thấy Đức Giêsu và Mẹ Maria tiến lại gần chào đón họ, ôm họ vào lòng. Nước mắt chợt tuôn rơi, một loại nước mắt chất chứa bao tâm tình yêu mến, hệt như khi ta gặp lại một người ta yêu thật nhiều sau những năm dài cách xa.

Cùng với Mẹ Maria, ta chung hưởng nguồn an vui bất diệt của Ba Ngôi Thiên Chúa, Đấng đã vì yêu thương ta một cách vô điều kiện mà thực hiện trên chúng ta biết bao kỳ công. Ta tự thấy mình chẳng làm gì để xứng đáng được hưởng những ơn lành cao quý của Chúa. Vâng, tất cả là hồng ân, mọi sự là hồng ân, hết thảy là hồng ân. Từ đầu chí cuối, lúc ta được thành hình trong dạ mẹ, cho đến khi thưa tiếng xin vâng, rồi cất bước theo Giêsu trên đoạn hành trình dâng hiến, ta thấy mình chẳng là gì to tát để Chúa phải hạ cố, yêu mến ta và cất tiếng mời gọi ta tha thiết đến như vậy. Bởi thế, ngay cả khi về tới quê Trời, người tu sĩ vẫn mãi hát bài ca tạ ơn. Chính tâm tình tạ ơn ấy làm cho tâm hồn người tu sĩ dạt dào niềm cảm mến.

Về Thiên Đàng, về với Chúa, được ở mãi bên Giêsu, đó chính là niềm vui và là đích điểm của đời dâng hiến.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ