Giờ Thánh: Tình yêu trong mục vụ

TÌNH YÊU TRONG MỤC VỤ

 

Hướng ý:

        Kính lạy Chúa Giêsu Thánh Thể ! Quỳ trước Thánh nhan Chúa trong giờ Thánh linh thiêng này, chúng con xin chúc tụng ngợi khen Chúa, vì tình yêu đã đến với chúng con, chấp nhận làm tù nhân ẩn mình nơi tấm bánh trong Nhà Tạm đơn sơ, mọc mạc, Ngài đã phải chịu cảnh cô quạnh, lơ là, khinh khi,..của chúng con. Vâng, chỉ vì tình yêu mà Chúa muốn ở với chúng con để lặng nhìn sự bất tín bất trung, để lắng nghe lời than van trách móc, những tiếng nỉ non tâm sự của chúng con để thông cảm, để an ủi, để giúp đỡ và để cứu chữa.

         Dâng giờ Thánh hôm nay, cộng đoàn chúng con nguyện xin Trái Tim Thánh Thể Chúa được ca tụng, thờ lạy và yêu mến trong mọi Nhà Tạm trên thế giới hôm nay và cho đến muôn đời.

HÁT: TN2 26 (2)

1/ Suy Niệm 1: ĐỨC ÁI KITÔ.

         Tình yêu là cái tất yếu của trái tim con người. Tình yêu là một nhu cầu tự nhiên, một nhu cầu kép của con tim rất thiếu lại rất thừa: thừa vì muốn cho, nhưng thiếu vì muốn nhận; thừa vì muốn yêu người khác nhưng thiếu vì muốn được người khác yêu mình. Hầu như có một sức mạnh lạ lùng vừa hướng tới một ai khác vừa kéo một ai khác đó về với mình, để rồi đẩy đưa con người đi tới gặp gỡ và kết nối, cần nhau và không thể thiếu nhau, lại luôn bổ túc cho nhau. Nhưng càng lớn lên trong cuộc đời, con người càng cảm nhận được cái nghịch lý của tình yêu: tình yêu là cái dễ hiểu nhất, mà cũng là cái khó hiểu nhất, là cái thú vị đáng mơ ước nhất, nhưng cũng là cái mạo hiểm phiêu lưu nhất, với thành công ngọt ngào ay thất bại đắng cay.

          Có thể nói tình yêu không ai định nghĩa được, như Pascale nói: “Con tim có những lý lẽ mà lý trí không biết được”. Chỉ có một vị thánh, đó là Gioan, môn đệ Chúa yêu, đã định nghĩa đúng được tình yêu: “Thiên Chúa là tình yêu”. Thiên Chúa yêu thương con người trước, Ngài yêu đến cùng, bất chấp tất cả và ta thế nào Ngài yêu thế ấy, và Ngài lại trao cho chúng ta giới luật của tình yêu: “mến Chúa yêu người”. Không ai có thể sống mà không cần đến người khác, do vậy để sống tốt hơn trong tình huynh đệ với tư cách là người Kitô hữu, chúng ta cần phải hiểu biết nhau hơn, cách sống đó khiến chúng ta trở nên chứng nhân đích thực của Tin mừng Đức Kitô.

       Mỗi người, dù lớn dù nhỏ, dù ở bất cứ địa vị, bậc sống nào, cũng đều có hoàn cảnh, những ưu tư lo lắng riêng; những vui buồn hạnh phúc, đau khổ riêng; những thành công thất bại, khôn ngoan và dại khờ, mạnh mẽ và yêu đuối, nhân đức và tội lụy riêng, không ai thật sự giống ai… nhưng tất cả đều có lời giải thích, và lời giải thích nào cũng có lý của nó. Chỉ có sự tôn trọng, nhẫn nại lắng nghe và yêu thương chia sẻ trong sự khiêm tốn đặt mình vào hoàn cảnh của kẻ khác với ý nghĩ rằng nếu Chúa không thương gìn giữ thì ta chắc gì đã hơn họ, có khi còn tệ hơn gấp bội, lại để cho lòng nhân từ của Chúa đoán xét, ta mới có thể hiểu được họ, cảm thông với họ và họ mới cảm nhận được sự an ủi nâng đỡ.

         Cuộc đời này đang cần những môn đệ của Chúa Giêsu giống Thầy mình: đi tìm chiên lạc, lắng nghe, không kết án, không xua đuổi hay xa lánh,… tình yêu thương và bác ái mục vụ đó sẽ mở ra và hướng dẫn con đường về, về với Chúa là Cha đang nhẫn nại chờ đợi và giang tay đón mời: Tôi sẽ chỗi dậy và đi về cùng Cha tôi. Lạy Chúa, xin thương con theo lòng nhân hậu của Chúa, xin đừng đuổi con xa Nhan Thánh Ngài, xin lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con, con sẽ dạy cho người tội lỗi biết đường lối Chúa và những ai lạc bước sẽ trở về với Ngài. Vì cùng là con người, ai dám nói mình vô tội để ném viên đá đầu tiên về người khác? Cùng là con, cùng là tội nhân, chúng ta hãy cùng dìu nhau trở lại Nhà Cha là Đấng cứu độ. Và trên hết mọi sự, y luôn cần được nuôi dưỡng, huấn luyện và hướng dẫn, thử thách và thanh luyện,…theo một mẫu mực. Trải qua kinh nghiệm của bản thân và sự chia sẻ của người khác, chắc chắn trong chúng ta ai cũng đã xác tín rằng: mẫu mực thực sự của chúng ta là chính Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa tình yêu làm người ở trong thế giới chúng ta.

HÁT: TN1   270 (1,2,3)

2/ Suy Niệm 2: TÌNH YÊU CHO TA SỰ ĐÁNG YÊU.

        Trong tác phẩm “Âm thầm sống trong Chúa”, Cha Robert de Langeac có đưa ra nhận xét: chúng ta được đánh giá trước hết và trên hết theo con tim của chúng ta. Đến lúc nhắm mắt, chúng ta sẽ bị phán xét theo tình yêu, Thiên Chúa sẽ tra xét xem chúng ta đã sử dụng khả năng tình yêu như thế nào. Vì rồi đây không phải trí tuệ, nhưng chính tình yêu sẽ sắp hạng bậc cho cuộc đời mai hậu của chúng ta. Nếu suốt cuộc đời, chúng ta dồn hết sức cố gắng để uốn nắn cho trái tim chúng ta nên mềm dẻo, dịu dàng, niềm nở, thì khả năng yêu thương của chúng ta sẽ nẩy nỡ, vững mạnh và đủ nghị lực để ôm ghì lấy những thánh giá nặng nề nhất…phải dũng mãnh lám mới có thể tự hiến cuộc đời vì phần rỗi anh chị em mình.

          Đức Kitô đã đến trần gian nêu gương cho chúng ta về một tình yêu nhưng không và phục vụ. Thực tế với thế giới ngày nay thì điều đó thật khó khăn và xa vời. Nếu nói về một tình yêu vụ lợi, tính toán chắc có lẽ dễ hơn nhiều. Chúng ta cần nhận định rằng, trong cuộc sống tính toán gì thì tính toán, chọn lựa gì thì chọn lựa, cái quan trọng không phải là sự tính toán và lựa chọn ấy thực tế hay thực dụng mà quan trọng là tính toán chọn lựa đó phát xuất từ đâu. Từ trái tim và lý trí hay từ não trạng của người lái buôn? Nếu xuất phát điểm cho mọi toan tính và lựa chọn là não trạng lái buôn thì chẳng làm sao có thể hiểu được vì lý do nào mà một linh mục trẻ như Cha Damien dám tình nguyện đến hòn đảo hiu quạnh sống với người cùi và trung thành phục vụ cho đến chết; vì lý do nào mà một giám mục như Đức Cha Cassaigne sau khi từ giả giáo phận Sài gòn, lại không chịu về Pháp để an nhàn hưu dưỡng, mà lại lên Di Linh, chia sẻ phần đời còn lại với những người Thượng bị phong cùi và qua đời khi thân xác bắt đầu lây bệnh, vì lý do nào mà Mẹ Têrêsa và các con cái của Mẹ vẫn âm thầm và nhẫn nại giang rộng hai tay ôm lấy những đứa bé bất hạnh, những thân già khốn khổ, những cảnh đời hấp hối, với một mong ước nóng cháy là cho họ được sống và được chết như một con người. Chỉ có những ai sống trong tình yêu của Chúa mới có thể hiểu được những việc làm của các ngài. Yêu thương, chính là cho đi tất cả và cho đi chính mình.

         Chúa Giêsu là gương mẫu tối hậu của mọi tình yêu đích thực của con người. Thánh giá là nền tảng của một đời sống phong phú. Tình yêu luôn hy vọng và chịu đựng tất cả là một tình yêu trung thành. Chúng ta chán nản sâu xa về một người chúng ta đã tin cậy chăng? Thay vì loại trừ người đó, tốt hơn chúng ta nên để Thánh Thần thanh tẩy tâm hồn chúng ta khỏi mọi tình cảm cay đắng hay loại trừ, ngõ hầu Ngài có thể chữa lành nội tâm chúng ta khỏi tổn thương do người đó gây ra. Một cái nhìn mới đầy lòng nhân hậu có thể có được, và một con đường đã được hy vọng mở ra. Một tình yêu vẫn trung thành vượt qua dòng thời gian, một tình yêu biết vượt qua những thử thách lớn nhỏ, cả những cú đánh đã nhận chịu, đó chính là một đại chứng tá. Ước gì cho mọi cõi lòng biết mở ra với ân sủng, với tình yêu ngọt ngào của Thiên Chúa. nếu Chúa Giêsu đã chứng tỏ lòng ân cần của Ngài với Giuđa cho đến cùng, thì chớ gì đừng bao giờ chúng ta làm cho người khác phải tuyệt vọng, nhất là những ai gần gũi với chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin ơn có một tình yêu biết cho đi đến tận cùng, tình yêu lên tiếng gọi. Tình yêu ăn xin lòng tín nhiệm để giải tỏa tính năng động giải phóng của mình:“anh hãy đứng dậy”

          Lạy Chúa! xin ban cho chúng con một tâm hồn luôn là một lời mời gọi tin tưởng đối với tha nhân, ngõ hầu họ có thể lớn lên trong đời sống làm người và làm tín hữu của họ. Nhờ lời cầu bầu của Mẹ Maria, xin Chúa Thánh Thần Tình yêu trao hiến, dẫn dắt chúng con theo bước Chúa Giêsu.

HÁT: TN1  330 (1,2)

Cầu nguyện:

           Lạy Chúa! Chúa được sai đến trần gian để rao giảng Tin mừng cứu độ, để mạc khải tình thương lạ lùng của Chúa Ba Ngôi dành cho loài người chúng con và đặc biệt, cho từng người trong chúng con. Để cụ thể hóa Tin mừng cứu độ và tình thương lạ lùng đó, trong những năm rong ruổi đó đây Chúa đã thực hiện rất nhiều phép lạ để cứu chữa, nâng đỡ và xoa dịu những cảnh đời khốn khổ, bất hạnh và ưu phiền. Xin cho chúng con được quảng đại và kiên vững dấn thân trên con đường phục vụ và yêu thương ấy, bởi như lời Chúa nói, ở đâu và lúc nào, những cảnh đời khốn khó, bất hạnh và ưu phiến vẫn có nhiều chung quanh chúng con. Amen.

HÁT: TN1  397.

Liêm Đình