Suy niệm Lời Chúa hằng ngày – Tuần I Mùa chay năm C

THỨ HAI TUẦN I MÙA CHAY NĂM C

TIN MỪNG: Mt 25, 31 – 46

31 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. 32 Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. 33 Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. 34 Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng : ‘Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. 35 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn ; Ta khát, các ngươi đã cho uống ; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước ; 36 Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc ; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng ; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.’ 37 Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng : ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống ; 38 có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước ; hoặc trần truồng mà cho mặc ? 39 Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu ?’ 40 Đức Vua sẽ đáp lại rằng : ‘Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.’ 41 Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng : ‘Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó. 42 Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn ; Ta khát, các ngươi đã không cho uống ; 43 Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước ; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc ; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.’ 44 Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng : ‘Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu ?’ 45 Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng : ‘Ta bảo thật các ngươi : mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.’ 46 Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.”

SUY NIỆM:

Phụng vụ Lời Chúa của ngày thứ hai sau Chúa nhật thứ nhất Mùa chay, nhắc nhở các Kitô hữu về một trong những công việc cần làm trong Mùa chay thánh của Năm Thánh Hy Vọng, đó là bác ái, bố thí. Thật vậy, đoạn Tin Mừng hôm nay có tên gọi là cuộc phán xét chung, thánh Mátthêu trình thuật: trong ngày phán xét, Vị Vua sẽ tách biệt chiên với dê, chiên ở bên phải, còn dê ở bên trái. Chiên là đại diện cho những người sống bác ái yêu thương, nhận ra tha nhân là hình ảnh của Thiên Chúa mà phục vụ; còn dê là đại diện cho những người không chịu nhận ra Thiên Chúa đang hiện diện trong tha nhân mà yêu thương, giúp đỡ.

Trong bài giảng nhân ngày Thế giới người nghèo lần thứ 1, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã khẳng định: Người nghèo là những người mở ra cho chúng ta con đường về trời, người nghèo là giấy thông hành cho chúng ta vào Thiên Đàng. Theo lẽ tự nhiên, khi gặp những người nghèo, những người bệnh tật, chúng ta thường có thái độ xa lánh, hắt hủi, chê bai,…Tại sao vậy? Thưa, vì người nghèo thường làm những công việc bẩn thỉu, hôi hám, thấp hèn, thậm chí có những người nghèo rất khó thương,… thế nhưng chính Vua Giêsu lại đang hiện diện trong họ, chính Vua Giêsu đồng hóa Ngài với họ.

Trên thế giới có hơn 1,4 tỉ người Công giáo, chỉ cần 1,4 tỉ người này bắt chước Vua Giêsu, thực sự dám hy sinh vì người khác, thực sự biết quảng đại cho đi, thì có lẽ thế giới sẽ không còn bạo lực nghèo đói, và đã trở thành thiên đàng tình yêu từ lâu rồi. Hãy nghiệm lại, men tình yêu trong chúng ta còn date hay không, hay đã quá date, đã hóa thành chai lì, mất phẩm chất rồi. Có khi nào chúng ta thường bào chữa rằng: Tôi bận lắm, làm sao tôi có thể vào nhà tù để thăm nuôi tù nhân được? Làm sao tôi dám chứa chấp những khách lỡ đường vào trọ, vì có thể gia đình tôi gặp nguy hiểm? Tôi xả thân giúp người nghèo, nhưng tôi đã bị lừa gạt, làm sao tôi còn lòng tin để giúp họ?…v.v Nếu chúng ta cứ lý luận như thế, thì chúng ta có nước bó tay.com, thậm chí, bó toàn thân.com đứng nhìn mà thôi.

Nhưng thực ra chúng ta dễ dàng thực hiện giới luật yêu người như Chúa đã yêu, như: Giúp một học sinh, sinh viên nghèo đến trường; thăm viếng khuyên bảo cho đôi vợ chồng có nguy cơ đổ vỡ hạnh phúc; mua cho một em bé rách rưới đang run cầm cập một vài tờ vé số; không nói xấu người khác; không bỏ phần ăn dư thừa của mình; Không lên án người khác; Làm bạn với những ai bất đồng với chúng ta;…

Thánh Phaolô đã nói: yêu thương là chu toàn lề luật, cho nên, hàng tuần Giáo hội vẫn nhắc chúng ta Kinh Thương xác 7 mối: Cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi và chôn xác kẻ chết. Chắc chắn, chúng ta không chỉ đọc râm ran trên môi miệng, nhưng là phải nhận ra Vị Vua Giêsu – Vua tình yêu đang ẩn mình trong tha nhân, để rồi thi hành 7 mối thương người này. Có như thế, trong Mùa chay thánh này, chúng ta mau mắn thực hiện các nghĩa cử bác ái, bố thí… thực hiện trong tinh thần tự nguyện, vui tươi, với tình yêu Chúa Kitô thúc bách… Nếu sống được như thế, thì lời của Chúa Kitô Phục Sinh sẽ vang lên trong cuộc đời của mỗi người chúng ta: Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy vào hưởng vương quốc dọn sẵn cho các ngươi… Vì cứ mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy. Amen.

 

THỨ BA TUẦN I MÙA CHAY NĂM C

TIN MỪNG: Mt 6, 7 – 15

7 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại ; họ nghĩ rằng : cứ nói nhiều là được nhận lời. 8 Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.

9 “Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này :

‘Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,
xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
10triều đại Cha mau đến,
ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.
11Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày ;
12xin tha tội cho chúng con
như chúng con cũng tha
cho những người có lỗi với chúng con ;
13xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,
nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.’

14 “Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. 15 Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”

SUY NIỆM:

Chuyện kể rằng: Có một nông dân xứ Ars mỗi ngày trước khi ra đồng, cũng như khi đi làm về đều ghé vào nhà thờ giây lát. Trong xứ, nhiều người để ý và kính phục. Một hôm có người hỏi: “Ngày ngày ông ghé vào nhà thờ làm gì thế”. Người nông dân trả lời: “Tôi bàn chuyện với Chúa và Chúa bàn chuyện với tôi”.“Tôi bàn chuyện với Chúa và Chúa bàn chuyện với tôi” – Câu trả lời của người nông dân, đã diễn tả được cái cốt lõi của đời sống Kitô hữu, đó là việc cầu nguyện. Chính Đấng Đáng Kính ĐHY. Px. Nguyễn Văn Thuận đã chia sẻ kinh nghiệm: “Cầu nguyện là nền tảng đời sống thiêng liêng. Lúc cầu nguyện con kết hiệp với Thiên Chúa, như một bóng điện sáng là nhờ kết hiệp với máy phát điện. Bí quyết nuôi dưỡng đời sống Kitô phải là cầu nguyện.”

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha, qua đó Ngài nêu bật thái độ phải có khi cầu nguyện:

Thái độ thứ nhất, đó là tinh thần đơn sơ khiêm tốn, gặp gỡ thân tình với Chúa hơn là nói nhiều lời ngoài môi ngoài miệng. Giờ cầu nguyện là giờ tâm sự với Chúa, chứ không phải là giờ làm bài; là giờ của con tim, chứ không phải là giờ của khối óc.

Thái độ thứ hai, đó là cầu nguyện cách chân thành chứ không sáo rỗng, hình thức, giả tạo. Cầu nguyện chân thành tức là với một tâm hồn khao khát chân lý và sẵn sàng để cho thánh ý Thiên Chúa được thực hiện nơi mình.

Thái độ thứ ba, đó là cầu nguyện với tinh thần tha thứ. Quảng đại tha thứ cho kẻ xúc phạm đến mình, bởi vì thân phận của con người là yếu đuối, tội lỗi, và mọi người đều mắc nợ nhau trong đức bác ái của lời nói, việc làm, cách suy nghĩ. Cảm nghiệm được tình thương của Thiên Chúa đối với mình thì cũng phải tha thứ cho anh chị em.

 Mong sao, lời kinh Lạy Cha mà Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ khi xưa, cũng là lời kinh của chúng ta hôm nay. Và khi chúng ta cất lên, mỗi người hãy đọc với trọn niềm tin kính, yêu mến và khao khát thực hành điều Chúa dạy. Có thế, đời sống đạo của chúng ta mới thực sự là có Chúa và có tình thương với anh chị em của mình.

 

THỨ TƯ TUẦN  I MÙA CHAY NĂM C

TIN MỪNG: Lc 11, 29 – 32

29 Khi ấy, dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giê-su bắt đầu nói : “Thế hệ này là một thế hệ gian ác ; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Giô-na. 30 Quả thật, ông Giô-na đã là một dấu lạ cho dân thành Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy. 31 Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ, vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Sa-lô-môn ; mà đây thì còn hơn vua Sa-lô-môn nữa. 32 Trong cuộc Phán Xét, dân thành Ni-ni-vê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Giô-na rao giảng ; mà đây thì còn hơn ông Giô-na nữa.”

SUY NIỆM: 

Đám đông dân chúng được nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay, đang vướng phải một hội chứng, được gọi là Hội chứng đòi dấu lạ. Cách cụ thể, chúng ta bắt gặp được hội chứng đó nơi vua Hêrôđê, ông ao ước được gặp Chúa, nhưng gặp Chúa không phải vì Chúa mà chỉ vì muốn chứng kiến một vài phép lạ mà thôi. Nhưng cuối cùng Hêrôđê đã không gặp được Chúa, mặc dù ông đã được giáp mặt với Ngài.

Hội chứng đòi dấu lạ đó, không chỉ tồn tại trong thời của Chúa Giêsu mà thôi, nhưng vẫn đang hiện diện trong đời sống của người Kitô hữu hôm nay. Cứ mỗi lần nghe nói ở đâu đó, có sự kiện tượng Chúa hay tượng Đức Mẹ chảy nước mắt, Đức Mẹ khóc, hay nghe nói một sự kiện lạ xảy ra, thì không ai bảo ai, họ ùn ùn kéo nhau đến để chứng kiến, để xem. Trong khi đó, chung quanh chúng ta đang có vô vàn dấu lạ mà đôi khi chúng ta chẳng nhận ra. Chính cuộc đời của chúng ta đã là một dấu lạ! Nếu chịu suy xét, chúng ta sẽ nhận ra vô vàn ơn lành mà Chúa đã ban cho chúng ta, cho gia đình chúng ta, và cho cả đất nước chúng ta nữa.

Trong Thánh lễ, sau lời truyền phép của linh mục, thì tấm bánh, giọt rượu sẽ trở thành Mình và Máu Chúa Giêsu. Thiên Chúa là Đấng dựng nên cả trời đất muôn loài muôn vật, lại hiện diện trong một tấm bánh nhỏ bé, và dấu lạ đó đã và đang xảy ra hàng ngày trước mắt chúng ta mỗi ngày.

Câu chuyện kể về thánh Phanxicô Assisi: Sau một buổi sáng vất vả rao giảng, thánh Phanxicô Assisi dừng chân nghỉ trưa dưới một tán cây cao lớn. Bỗng dưng, thánh nhân òa lên khóc và ngài thân thưa với Chúa rằng: Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa vì Chúa quá yêu thương con, vì Chúa đã quan phòng chăm sóc con. Từ đời đời, Chúa đã biết hôm nay con sẽ dừng chân nghỉ trưa tại đây, và Chúa đã chuẩn bị trước cho con bóng cây này. Thật vậy, phải có một cặp mắt đức tin và trái tim yêu mến nồng nàn, thì mới nhận ra được những dấu lạ ấy. Và ai nhận ra được những dấu lạ ấy, thì càng thêm lòng tin tưởng và yêu mến Chúa nhiều hơn.

Lời mời gọi xuyên suốt trong Mùa Chay là hãy sám hối trở về. Hãy trở về như dân thành Ninivê khi lắng nghe Lời Chúa qua miệng ngôn sứ Giôna rao giảng. Đồng thời, hãy biết nhận ra các dấu chỉ của thời đại hôm nay để thực tâm trở về với Chúa, có như thế trong ngày phán xét chúng ta sẽ không bị lên án, không bị kết tội vì đã không chịu lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy.

 

THỨ NĂM TUẦN I MÙA CHAY NĂM C

TIN MỪNG: Mt 7, 7 – 12

7 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho. 8 Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì sẽ thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở ra cho. 9 Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá ? 10 Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn ? 11 Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao ?

12 “Vậy tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta, vì Luật Mô-sê và lời các ngôn sứ là thế đó.”

SUY NIỆM: 

Có phải khi chúng ta mang nỗi buồn chán đang đè nặng trong lòng cần chia sẻ cho vơi, chúng ta mới chạy đến với Thiên Chúa, có phải thế không? Có phải cầu nguyện là trút hết tâm sự để trong lòng được nguôi ngoai không? Chúng ta hãy xem các thánh chia sẻ mối tương quan của việc cầu nguyện với Thiên Chúa. Thánh Tôma Aquinô: “Bao lâu chúng ta hướng tâm trí, lời nói, việc làm về Chúa, là bấy lâu chúng ta cầu nguyện”. Còn thánh Gioan Climacô tâm sự: “Cầu nguyện là một cuộc chuyện vãn thân mật giữa linh hồn với Chúa”. Câu chuyện về Hoàng hậu Étte trong bài đọc thứ nhất, là một minh họa sống động cho việc cầu nguyện, minh họa sống động cho lời Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay:“Cứ xin thì sẽ được. Cứ tìm thì sẽ thấy. Cứ gõ cửa sẽ mở cho”.

Hoàng hậu Étte được nhậm lời vì chỉ trông cậy một mình Chúa thôi. Ở trong lúc bơ vơ khốn khổ chỉ có Chúa là nơi nương tựa duy nhất. Trong thân phận cô đơn yếu thế chỉ có Chúa là điểm tựa duy nhất. Trong cơn hiểm nguy cùng cực chỉ có Chúa là vị cứu tinh duy nhất. Vì chỉ trông cậy một mình Chúa nên bà chọn cầu nguyện là giải pháp duy nhất, là giải pháp đầu tiên, và là giải pháp cuối cùng.

Chuyện kể về: người con trai xin mẹ món quà đặc biệt nhân dịp sinh nhật thứ 18 của mình, người mẹ không bằng lòng. Chàng trai giận dỗi, thậm chí không nói chuyện với mẹ mình. Trước ngày sinh nhật của mình, chàng trai được chẩn đoán bị mắc bệnh tim và có thể chỉ sống vài ngày. Bố anh thì đi làm ở xa, chỉ còn mẹ ở bên cạnh. Anh lo lắng và than thở với mẹ là mình sẽ chết. Vài ngày sau, chàng trai hồi phục và trở về nhà, không thấy mẹ. Chàng trai vào phòng mình và thấy bức thư của mẹ viết rằng: Món quà đặc biệt nhân ngày con 18 tuổi, mẹ tặng con là trái tim của mẹ. Mẹ yêu con.

Người mẹ thế gian nghe được nỗi đau khổ tuyệt vọng của con mình và đã đáp ứng, thì với Thiên Chúa là Cha nhân từ, chắc chắn Ngài lắng nghe và cất đi niềm đau khổ mà con cái Ngài đang gánh chịu. Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Ngài sao? Chúng ta xin Chúa tha thứ cho mỗi người chúng ta, vì những khi bị thử thách trong cuộc sống chúng ta đã kém tin, chúng ta đã không chạy đến với Ngài trong nguyện cầu.

Trong Mùa Chay Thánh này, xin cho mỗi người chúng ta biết trông cậy vào tình yêu của Chúa, siêng năng chạy đến với Chúa qua cầu nguyện, biết thật lòng ăn năn sám hối, và sống yêu thương anh chị em của mình nhiều hơn.

 

THỨ SÁU TUẦN I MÙA CHAY NĂM C

TIN MỪNG: Mt 5, 20 – 26

20 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.

21 “Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng : Chớ giết người ; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. 22 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết : Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. 23 Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, 24 thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. 25 Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. 26 Thầy bảo thật cho anh biết : anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.”

SUY NIỆM:

Có người tự hỏi: Làm sao có thể “yêu kẻ thù” được, làm sao có thể tha thứ cho người làm hại mình, tha thứ người đã gây biết bao đau khổ cho mình và cho người thân? Thật vậy, Linh mục Giuse Nguyễn Nhân Tài có viết: “Anh em con đó con chưa thương. Nói chi đến kẻ con chán trường. Ghét cay, ghét đắng, ghét thậm tệ. Làm sao ôm lấy để yêu thương”.

Tha thứ cho người khác là đề tài muôn thuở, vì đó là lý tưởng rất dễ trong lý thuyết, nhưng thực hành thì lại rất khó khăn, đến nỗi có những người đã phải thốt lên: “Sống để bụng, chết mang theo”. Cha Piô Ngô Phúc Hậu đã kể câu chuyện sau đây: Có hai gia đình xích mích với nhau, rồi dẫn đến ẩu đả, một người bị trọng thương và sắp chết. Người ta rước cha sở đến ban những Bí tích sau cùng. Cha sở khuyên ông tha thứ cho gia đình bên kia, nhưng ông lắc đầu. Cha sở dùng biện pháp mạnh hơn, ngài cầm tượng Chuộc Tội trong tay, giơ lên cao và nói: “Nhân danh Đức Giêsu Kitô, tôi truyền cho ông phải tha thứ cho người khác”. Nhưng ông quay mặt vào tường và trút hơi thở.

Câu chuyện kể về một cậu bé, vì giận mẹ đã chạy thẳng vào rừng, nơi rừng sâu cậu hét lên: Ta ghét người, ta không tha thứ cho người. Và bỗng từ rừng sâu lại vọng lại: Ta ghét người, ta không tha thứ cho người. Sợ quá, cậu chạy về òa vào lòng mẹ và kể. Thế rồi, mẹ cậu bé dắt tay cậu trở lại rừng sâu và bảo cậu: Con hãy nói: Ta yêu người. Lạ thay khi cậu vừa thốt lên thì từ rừng sâu vọng lại: Ta yêu người.

Cuộc sống là một định luật: Trao yêu thương sẽ nhận được yêu thương; Trao tha thứ sẽ nhận lại được thứ tha. Lời Chúa nói trong bài Tin Mừng hôm nay: “Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ.” Chúng ta hãy thinh lặng, xét xem trong cuộc đời của tôi, còn có một ai đó tôi chưa tha thứ được, hay một ai đó chưa tha thứ cho tôi, thì mỗi khi đọc kinh Lạy Cha, chúng ta hãy dâng người anh chị em đó, và dâng chính mình lên Nhan Thánh Chúa, với quyết tâm tha thứ cho nhau.

 

THỨ BẢY TUẦN I MÙA CHAY NĂM C

TIN MỪNG: Mt 5, 43 – 48

43 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. 44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. 45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao ? 47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu ? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao ? 48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”

SUY NIỆM:

Lời Chúa ngày hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy trở nên hoàn thiện: Vậy, anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện. Muốn trở nên hoàn thiện, hay nói cách khác là trở nên thánh, thì chúng ta cần sống sứ điệp Lời Chúa hôm nay:

Điều đầu tiên chúng ta cần phải biết thống hối mỗi khi phạm tội: trong tư tưởng, trong lời nói, trong việc làm, hay mỗi khi lỡ gây bất hòa với anh chị em… chúng ta nhìn lại và mau mắn thống hối: đọc một kinh ăn năn tội, hay kinh thú nhận, để xin lỗi Chúa, để giao hòa với Chúa và với tha nhân.

Điều thứ hai, chúng ta cần sống yêu thương tha thứ. Có rất nhiều tấm gương để chúng ta bắt chước: thánh Stêphanô vị tử đạo tiên khởi, đã tha thứ cho những kẻ ném đá ngài: Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này. Thánh nữ Maria Goretti, chỉ mười hai tuổi nhưng đã tha thứ cho Alexandrô, kẻ đã đâm 14 nhát dao vào thánh nữ. Trong giây phút hấp hối, ngài thốt lên: Tôi tha thứ cho anh ta; tôi muốn có anh ta bên cạnh tôi trên Thiên Đàng. Gần chúng ta hơn, ĐHY. George Pell, người đã bị vu oan phải ngồi tù 13 tháng: bao nhiêu nỗi tủi nhục, bao nhiêu vinh dự của một Hồng y, đang là Tổng trưởng Bộ Kinh tế của Tòa Thánh, bao nhiêu chỉ trích, hiểu lầm từ dân chúng, thậm chí là các giám mục, linh mục… Để rồi, khi được minh oan, ngài đã thốt lên: Tôi đã tha thứ cho những người buộc tội tôi. Còn rất nhiều gương các thánh, các Kitô hữu khác đã bắt chước Thầy Chí Thánh Giêsu, Đấng đã tha thứ, yêu thương những kẻ đóng đinh Ngài: Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm.

Ước mong sao, trên hành trình nên thánh của chúng ta, đặc biệt trong Mùa chay thánh của Năm Thánh Hy Vọng 2025 này, không thể thiếu 2 điều: thống hối và yêu thương tha thứ. Cùng với quyết tâm nên thánh như Đấng Đáng kính ĐHY. Px. Nguyễn Văn Thuận: “Thợ nên thánh ở công xưởng, lính nên thánh ở bộ đội, bệnh nhân nên thánh ở bệnh viện, học sinh nên thánh ở học đường, nông phu nên thánh ở ruộng rẫy, linh mục nên thánh trong mục vụ, và công chức nên thánh ở công sở.” Xin cho mỗi người chúng ta quyết tâm trở nên hoàn thiện hơn, trở nên thánh, nghĩa là trở về với Nguyên bản của mình – là hình ảnh Thiên Chúa, như lời của thánh Carlo Acutis: Chúng ta được sinh ra là những Bản gốc, chúng ta đừng chết như những bản sao.

LM. GIUSE