Suy niệm Lời Chúa – Thứ sáu tuần V mùa chay

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan (10, 31-42)

31 Hôm ấy, Người Do-thái lại lấy đá để ném Đức Giê-su. 32 Người bảo họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?”. 33 Người Do-thái đáp: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa”. 34 Đức Giê-su bảo họ: “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: “Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh””? 35 Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh thánh không thể bị huỷ bỏ, 36 thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: “Ông nói phạm thượng! vì tôi đã nói: “Tôi là Con Thiên Chúa”? 37 Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi. 38 Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha”. 39 Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ. 40 Đức Giê-su lại ra đi, sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa, và Người ở lại đó. 41 Nhiều người đến gặp Đức Giê-su. Họ bảo nhau: “Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng”. 42 Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su.

SUY NIỆM

Nếu từ ngữ “tôi hằng hữu” khiến cho người Do Thái choáng váng và bật lại Chúa Giêsu, thì tuyên bố “Con Thiên Chúa” khiến họ phẫn nộ hơn. Điều gì đang xảy ra? Đó chính là câu hỏi các môn đệ đương thời. Ngày hôm nay nếu bối cảnh đó xảy ra, có khi chúng ta cũng phẫn nộ không kém.

Kết thúc diễn ngôn này của Chúa Giêsu, có hai câu chúng ta để ý: 1/ “Bấy giờ họ tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ”; 2/ “Ở đó, có nhiều người tin vào Chúa Giêsu”.

Ra khỏi những tranh luận kia, chúng ta nhận ra là có thể lời chứng của Chúa Giêsu đã có kết quả. Một đàng là thất bại, trong việc thuyết phục giới chức tôn giáo Do Thái, và thậm chí một số người thân cận bảo thủ. Tuy nhiên, thông điệp mà Chúa Giêsu gửi đến cũng khiến “người Do Thái chia rẽ nhau”. Vì thế mà có “nhiều người tin vào Đức Giêsu”.

Tôn giáo nói chung và các vấn đề của chúng ta là vậy. Nó luôn luôn là hai mặt: được đón nhận hoặc bị khước từ. Nó gây ra sự tranh luận, có người công nhận, có người phản bác. Việc Chúa Giêsu làm để minh chứng rằng Người là Con Thiên Chúa, nhưng họ không tin vào Người. Có người nói người khác tin, có người làm thì họ mới tin, nhưng ở đây ngược lại, lời nói và việc làm để minh chứng, nhưng kết quả thu lại là có kẻ tin, có người phản đối.

Chúa Giêsu nói là nói, làm đã làm, nhưng chúng ta để ý thêm Người không sa vào tranh cãi cho bằng được. Nhìn góc độ lịch sử, Người đã thất bại vì muốn thông điệp đó được đón nhận nhưng không như mong đợi. Tuy nhiên, đúng nghĩa tự do của nó, sau khi truyền đi thông điệp quan trọng, dù không như mong đợi, Người “rút sang bên kia sông”. Cứ để đó cho con người suy nghĩ. Cứ để đó cho người ta nghiền ngẫm. Lời Chúa là như vậy, mầu nhiệm thánh ý Chúa là như vậy, cần có thời gian để suy nghĩ và nghiền ngẫm. Hiểu ra mới thấy hết giá trị của nó.

Lạy Chúa, chúng con không đủ kiên trì để hiểu ý tứ của Lời Chúa. Chúng con cũng thiếu kiên nhẫn để thực thi Lời Chúa dạy. Xin ban thêm cho chúng con đức tin, lòng mến để hiểu ý Chúa muốn nơi mỗi người chúng con và không ngừng thi hành Lời Chúa . Amen.

Nguồn: Giáo phận Phú Cường