Suy Niệm Thứ Năm Tuần XXIX Thường Niên

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (1249-53)

49 Một hôm, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!50 Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!51 Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.52 Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba.53 Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng”.

SUY NIỆM

“MÁY LỌC NƯỚC” GIÊSU

Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao?

—/—

Bình an là một trong những ân huệ lớn lao nhất mà con người mong ước: Nếu không có bình an, mọi điều khác sẽ trở nên hão huyền và mong manh. Đức Giêsu luôn nói “Bình an cho các con” khi gặp các môn đệ, và Ngài cũng sai các môn đệ trao ban sự bình an cho muôn dân. Thật vậy, khi chữa lành cho con người, Đức Giêsu hay nói: “Con về bình an” (Lc 7,50).

Tuy nhiên, thứ bình an mới mẻ này đã làm đảo lộn sự bình an của thế gian: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (Ga 14: 27). Ngày nay, người ta thường nói với nhau rằng: “Muốn có hoà bình phải chuẩn bị chiến tranh. Đó là thứ hoà bình của thế gian. Bình an của Chúa Giêsu mang đến không giống như vậy. Đó là một bình an không dễ dàng có được, một thứ bình an cần được xây dựng trong khó nhọc, chứ không phải từ chiến tranh.

Bình an của Chúa Giêsu là bình an của thập giá. Nghĩa là bình an của đau khổ, nhưng không phải là đau khổ với người khác, mà là đau khổ vì chiến đấu với chính mình: Chúa Giêsu có thể chối bỏ chén đắng, nhưng Ngài đã không làm thế, mà chấp nhận ở lại chiến đấu với đau khổ và buồn sầu nơi vườn Cây Dầu: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén nàyxa con” (Lc 22: 42); Ngài có thể xin Chúa Cha cất đau đớn khỏi Ngài, nhưng Ngài chọn ở lại chiến đấu với đau đớn trên thập giá: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15: 34). Tội lỗi của con người rất nghiêm trọng vì đã giết Con Thiên Chúa, nhưng Ngài đã đón nhận tất cả mọi tội lỗi của con người vào mình để làm của lễ đền tội cho con người: “Lạy Cha, xin tha cho họ…”. Ngài có thể xuống khỏi thập giá trước mọi lời thách thức để con người tin, nhưng không! Ngài làm cho con người tin và sống đức tin bằng cái chết của Ngài: “Hắn là Vua Ít-ra-en! Hắn cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, chúng ta tin hắn liền!” (Mt 27: 42).

Như thế, thay vì chiến đấu chống lại thế gian bằng việc đối đầu, mắt đền mắt răng đền rănghay thoả mãn những lời thách thức, thì Ngài đón nhận tất cả những điều đó để chiến đấu với chính mình. Chúa Giêsu phá tan ghen ghét, hận thù và chia rẽ, không theo kiểu của thế gian là đối đầu với nhau để có được hoà bình, nhưng Ngài lấy đau khổ của thập giá, lấy sự im lặng của thập giá để chiến thắng và mang đến sự bình an đích thực. Theo Ron Rolheiser: “Chúa Giêsu đã nhận lấy hận thù, giữ nó trong mình, biến đổi nó, và trả lại tình yêu. Ngài nhận lấy cay đắng, giữ nó trong mình, biến đổi nó, và trả lại nhân từ. Ngài nhận lấy nguyền rủa, giữ nó trong mình, biến đổi nó, và trả lại phúc lành…Và Ngài nhận lấy sự thù hằn, sự chia rẽ, giữ nó, biến đổi nó thành sự hiệp nhất”.

Như thế, bình an của Chúa Giêsu là một thứ bình an của “biến đổi”. Biến đổi tội lỗi, sự dữ của thế gian chứ không đối kháng, trả đòn theo kiểu thế gian. Ngài như một máy lọc nước, giữ chất độc trong mình và chỉ cho ra nước tinh khiết. Bình an của Chúa Giêsu cũng được chắt lọc từ những yếu đuối và tội lỗi của thế gian để cho ra một thứ bình an “tinh khiết” và trường tồn.

Chúng ta sống trong thời đại dễ dàng chia rẽ. Đôi khi, chúng ta chẳng thể đối diện với nhau cách thân thiện trong mọi vấn đề. Nếu đứng trước những đối nghịch, chúng ta cứ thổi bùng và đáp trả hận thù, thì sự bế tắc giữa người với người vẫn còn mãi, trừ khi chúng ta, từng người một, biến đổi sự hận thù đó và trả lại cho cuộc đời những yêu thương mà thôi. Vì thế, để có được sự bình an đích thực như Chúa Giêsu, chúng ta phải noi gương Ngài. Nghĩa là đừng gây hấn, đừng đối đầu, đừng trả thù, đừng thoả mãn sự thách thức mà làm bậy… nhưng hãy đón nhận và biến đổi chính mình trước tiên.

Lạy Chúa, xin biến đổi chúng con, để chúng con đủ can đảm đón nhận tất cả mọi lời chỉ trích, vu khống, hận thù… bằng sự khiêm tốn và yêu thương, để qua đó chính chúng con được biến đổi và anh chị em cũng được biến đổi trong bình an của Chúa. Amen.

Lm. Cao Nhất Huy