Thiên Chúa Ba Ngôi – Mẫu gương cho đời sống cộng đoàn

THIÊN CHÚA BA NGÔI
Mẫu Gương Cho Đời Sống Cộng Đoàn

M. Dung Hạnh Tường Vi

Giáo lý Hội Thánh công giáo dạy chúng ta: Có một Thiên Chúa duy nhất mà có Ba Ngôi: Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần, Ba Ngôi cùng một bản thể, Ba Ngôi bằng nhau và bổ túc cho nhau. Thần học về tín điều Thiên Chúa Ba Ngôi lên trên ý thức của con người cho ta thấy khái niệm về bản thể và ngôi vị, khái niệm này diễn tả đúng thực tại về Thiên Chúa, đặc biệt là khái niệm về ngôi vị, ngôi vị ngoài việc hệ tại ở năng quyền, lý trí, ý chí còn có đặc tính quan trọng là có tương quan đến các ngôi vị khác. Bản chất của các ngôi vị là thần linh, là tương quan. Ba Ngôi tương quan với nhau, các ngôi vị thần linh tồn tại khi ở trong tương quan với nhau, Cha chỉ tồn tại khi ở trong tương quan với Con và Thánh Thần, thứ tự như thế với hai ngôi kia. Vì thế, tuy Ba Ngôi nhưng là một. Các tương quan giữa các ngôi vị thần linh không chỉ là các mối liên hệ có tính đương nhiên hay bắt buộc, mà là tương quan qua lại giữa các bản tính. Ngôi Cha tuy là Thiên Chúa nhưng có tương quan với Con trong tư cách là Cha, và yêu thương Ngôi Con như là con chứ không chỉ như là Thiên Chúa. Ngôi vị thần linh tương quan với nhau trong tư cách là ngôi vị, theo ngôi vị, chứ không chỉ là một bản thể. Như vậy, nếu mỗi người chúng ta được gọi là một ngôi vị hay nhân vị thì chúng ta chỉ thật sự là ngôi vị nếu chúng ta bắt chước theo các ngôi vị thần linh là có đặc tính tương quan này, hay nói cách khác, chúng ta chỉ thật sự là người khi có tương quan cá vị với những người khác, tương quan cá vị ở đây không chỉ là mối liên hệ suông do hoàn cảnh hay do bản tính, nhưng là những tương quan được xây dựng trên sự thật và tự do giữa các nhân vị với nhau, nói theo văn phạm ngôn ngữ, tương quan cá vị là giữa ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai chứ không phải giữa ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba chỉ đồ vật. Tóm lại, thần học về Thiên Chúa Ba Ngôi giúp ta ý thức về nhân vị của mình trong tương quan với nhân vị của người khác, mời gọi ta biết tôn trọng và yêu thương người khác như những nhân vị, có như thế chúng ta mới thật sự là người.
Đặc tính tương quan giữa Ba Ngôi giúp chúng ta nhận thức được chiều kích của đời sống thiêng liêng và đời sống tương quan trong cộng đoàn, Ngôi Cha luôn luôn hướng về Ngôi Con trong tình yêu của Thánh Thần, Cha luôn lắng nghe và thấu hiểu Con trong từng biến cố, từng bước đường và từng khoảnh khắc của cuộc sống làm người. “ Chúa Cha yêu thương người con và trao phó mọi sự trong tay Người” (Ga 3,35), Chúa Cha luôn chia sẻ mọi quyền lợi có được cho Chúa Con “ Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho Người Con có được sự sống nơi mình như vậy” (Ga 5, 26). Nhìn về khía cạnh đời sống cộng đoàn thì Chúa Cha là một vị lãnh đạo tuyệt vời, là một người trưởng cộng đoàn vô cùng chuẩn mực, chuẩn mực trên mọi phương diện, phương diện thần linh là thiên tính, phương diện con người là nhân tính, chỉ có Chúa Giêsu là có bản tính con người, thế nhưng Chúa Cha, Ngài vẫn vượt qua cái gọi là thiên tính để đến và thấu hiểu một Thiên Chúa làm người, một con người là Chúa Giêsu cách tường tận.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta vẫn lấy mẫu gương cộng đoàn Ba Ngôi là chuẩn mực cho đời sống cộng đoàn của mình khi cùng nhau sống cho giá trị vĩnh cửu. Trong cương vị là một người lãnh đạo, một người trưởng cộng đoàn, chúng ta có cố gắng để học cho được những đức tính của Chúa Cha hay không? Chúng ta có biết lắng nghe và thấu hiểu những chị em khác trong cộng đoàn hay không? chúng ta có hiểu được tâm tư và ước muốn của chị em không? Hiểu được những nhu cầu mà chị em cần không? Hiểu được những trắc trở, những đau khổ hay những cám dỗ mà chị em phải gánh chịu, phải đối mặt và phải chiến đấu vô cùng ác liệt trong nội tâm không? chúng ta có biết yêu thương bề dưới của mình với tư cách là người mẹ, người chị và là một người thân không? Chúa Cha, Ngài đã vượt qua cái cương vị thần linh để quên mình sống cho Chúa Con, vì Chúa Con và yêu thương Chúa Con, cùng với Chúa Con đi trọn con đường cứu độ. Là một người lãnh đạo, một chị trưởng cộng đoàn chúng ta có dám quên mình, từ bỏ mình để hy sinh cho cộng đoàn không? Dám hy sinh để bảo vệ công đoàn, bảo vệ thanh danh và phẩm giá cho từng chị em? Có dám từ bỏ ý riêng để đem lại lợi ích cho cộng đoàn? Chúng ta có đủ tin tưởng để chị em chọn làm nơi tin cậy, nơi thổ lộ, nơi bày tỏ, nơi đối thoại để đem lại sự hiệp nhất, sự nên một như cộng đoàn Ba Ngôi? Và cộng đoàn chỉ tồn tại khi mọi người trong cộng đoàn có sự tương quan với nhau, một cộng đoàn mà không có sự tương quan với nhau là một cộng đoàn thật sự đã chết. Chắc chắn chúng ta đã có nhiều lần hy sinh, nhiều lần quên mình vì cộng đoàn, vì người chị em. Nhưng chúng ta là người đi theo Chúa, là sống giống như Chúa, là họa ảnh của cộng đoàn Ba Ngôi nơi trần gian này, để người đời nhìn thấy chúng ta là họ thấy Thiên Chúa. Vì thế, Chúa mời gọi chúng ta hy sinh hơn nữa, cố gắng hơn nữa, và những hy sinh cố gắng kia làm sao cho chúng ta trở thành người mẹ ruột, người chị ruột, người anh em ruột thịt trong tương quan thiêng liêng chứ không phải cố gắng trở thành người mẹ kế, người chị khác cha khác mẹ, người anh em không cùng máu mủ trong tương quan thiêng liêng của chúng ta.
Về phía Chúa Con, Ngài luôn vâng phục thánh ý Chúa Cha, luôn hướng về Chúa Cha trong bất cứ hoàn cảnh nào, công việc nào và cả con đường thập giá vô cùng bi thương Ngài đều hỏi thánh ý Chúa Cha, Ngài kết hợp mật thiết với Chúa Cha trong tương quan ruột thịt, cái đau của Ngài là cái đau của Cha, cái lo lắng của Ngài là cái lo lắng của Cha, một câu nói, một tiếng kêu biểu lộ sự tương quan vô cùng thân thiết của Chúa Con đối với Chúa Cha: “ Lạy Cha! sao Cha bỏ Con? Xin Cha cất chén đắng này khỏi con, nhưng xin đừng theo ý con mà xin theo ý cha”.( Mt 26,39)
Còn chúng ta thì sao? Là một thành viên trong cộng đoàn, là người em, người cộng tác, chúng ta có mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu hay không? tâm tình của một người con hiếu thảo, một người em dễ thương, một người cộng tác dễ mến. Chúng ta có luôn hướng về cộng đoàn của mình hay chúng ta hướng về một hướng khác, có xem cộng đoàn là gia đình của mình hay không? hay chúng ta chỉ xem cộng đoàn như là ngôi nhà trọ đến ở một thời gian rồi lại đi. Nếu chúng ta xem cộng đoàn là gia đình, là nhà của mình thì chúng ta mới nhìn nhận người sống cùng với chúng ta là chị em, còn nếu chúng ta xem đó là một ngôi nhà trọ, thì những chị em sống cùng với chúng ta cũng chỉ là những con người cùng đi mướn nhà trọ giống như chúng ta và chắc chắn không có mối tương quan. Chúa Giêsu Ngài tìm nơi thanh vắng để chuyện trò với Chúa Cha trước mỗi việc Ngài làm, còn chúng ta? Chúng ta có dám thổ lộ mọi ưu tư lo lắng, mọi rút mắc trong đời sống cho người chị em của mình? hay chúng ta tìm nơi một người nào khác ngoài cộng đoàn, tin tưởng và đặt niềm tin nơi họ.
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi, Ngài là Ba Ngôi nhưng là một Thiên Chúa, chúng con là những cá vị khác nhau nhưng chúng con đều là nữ Tu của Chúa, đều gọi Chúa là Cha, đều có chung một mục đích là hướng tới đời sống vĩnh cữu, tuy nhiên để có được nước trời chúng con phải kinh qua cuộc sống tại thế trên con đường mà chúng con đã chọn, mà con đường chúng con chọn thì đời sống cộng đoàn chính là thước đo giúp chúng con nhận chân giá trị cuộc sống. Xin cho chúng con biết sống hiệp nhất với nhau như anh chị em một nhà, mỗi khi chúng con gặp khó khăn trong đời sống cộng đoàn xin cho chúng con biết nhìn lên tấm gương của Ba Ngôi Thiên Chúa, để củng cố ơn gọi của mình, để làm sống lại cộng đoàn mà mình đang là thành viên. Xin cho chúng con luôn là những cộng đoàn hạnh phúc, vui tươi, ấm áp để làm sáng danh Chúa nơi môi trường chúng con đang phục vụ.