Vô cảm – Thách đố trong Đời sống Thánh hiến

VÔ CẢM 

THÁCH ĐỐ TRONG ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN

 

Vô cảm đang là một vấn đề nhức nhối của xã hội. Vô cảm như một loại virus đang lan tràn, ăn sâu và đục khoét trong gia đình, nhà trường và xã hội. Người thánh hiến ngày nay cũng không nằm ngoài tình trạng này khi “vô cảm” lan tràn vào mọi ngõ ngách của các cộng đoàn và cả trong tâm hồn họ.

Thật vậy, vô cảm như một hiện tượng của con người. Dường như vô cảm đã làm cho con người trở nên lạnh lùng với cuộc sống, với tha nhân và nhất là lạnh lùng với sự nghèo khổ của những người xung quanh mình. Con người chỉ biết đến bản thân, sống vì mình và tìm lợi ích cho mình.

Tại Calcutta, một khu phố nghèo của Ấn Độ, ngày nọ có một người đàn bà đang hấp hối, bị đàn kiến và lũ chuột rúc rỉa trong thùng rác bên vệ đường, không một ai quan tâm, không một ai nhìn đến và giúp đỡ, vì họ đang bận rộn với cuộc sống riêng mình. Bỗng có một nữ tu nhỏ nhắn xuất hiện, quỳ sụp bên thùng rác để mang người xấu số đó về tắm rửa và chăm sóc, cho đến khi người đàn bà ấy trút hơi thở cuối cùng trong bình an và thanh thản “như một con người”.

Hình ảnh người nữ tu đầy nhiệt huyết và tình yêu thương ấy chính là Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta. Mẹ đã nêu gương cho tất cả những ai xả thân quên mình vì người nghèo khổ, phục vụ họ không biết mệt mỏi trong các trại phong, các trại cải tạo và tị nạn xã hội, trên những miền đất nước nghèo khổ nhất thế giới, quên mình vì Chúa và vì tha nhân. Song song đó cũng còn có những người đã sống vô cảm, quên đi sứ vụ, chểnh mảng trong trách nhiệm và trở nên ích kỷ hơn, lo tư lợi cho bản thân mình hơn.

Vô tình hay hữu ý khi người thánh hiến cố tập trung cho việc tập luyện nhân đức mà quên đi người đang sống cạnh mình, ít quan tâm đến anh chị em và những đau khổ nội tâm hay cuộc sống mà họ đang gánh chịu. Dường như trong việc mục vụ tông đồ của họ cũng dần vắng bóng tình yêu, cảm thông và chia sẻ. Trong sứ vụ của họ đòi hỏi một tình yêu lớn hơn và nhiệt huyết đầy tràn, nhưng thay vào đó là sự lơ là chểnh mảng, mất đi sự hăng say thuở ban đầu. Người thánh hiến một cách nào đó đang dần quên đi ơn gọi của mình là đem tình yêu và hình ảnh của Chúa đến cho mọi người.

Điều đó cũng được thể hiện trong chính đời sống tôi, khi tôi ít quan tâm đến sức khỏe tinh thần, đến cuộc sống và nội tâm, lơ là trong các giờ kinh nguyện, thậm chí bỏ bê các giờ chung của cộng đoàn. Tôi đã trở nên nguội lạnh với chính đối tượng duy nhất của mình là Thiên Chúa, mất lửa tình yêu, hướng ngoại qua cuộc sống vật chất, xã hội và hướng đến sự nhộn nhịp, phù phiếm bên ngoài hơn là sự tĩnh lặng của nội tâm bên trong.

Bản thân tôi đang và sẽ là một nữ tu tương lai, nên sự vô cảm là thách đố cho tôi và cho cả những người bạn cùng chung lý tưởng. Trước tình trạng “vô cảm” đang ở mức báo động, tôi phải có những biện pháp để khắc phục sự vô cảm đang xâm chiếm tâm hồn mình. Tôi cần bám víu vào Chúa, vì Chúa là tường lũy bảo vệ và mẫu gương về lòng trắc ẩn tuyệt vời nhất. Con tim tôi phải đập những nhịp đập của yêu thương. Sống chậm lại để chiêm ngưỡng vẻ đẹp cuộc sống, những chuyển động của thế giới, tất cả đều là hồng ân Chúa. Tâm hồn tôi phải “mềm” ra trước bao đau khổ của tha nhân đang gánh chịu hằng ngày, đặc biệt là máng chuyển thông ơn Chúa cho mọi người trong đại dịch Covid-19 này, nên tôi phải tập bỏ đi sự vô cảm trong cuộc sống với bản thân, với tha nhân và với Thiên Chúa.

Vô cảm là một thực trạng không thể tồn tại trong đời thánh hiến, vì vô cảm sẽ làm cho tôi mất dần sự nhạy cảm trong tâm hồn và lệch hướng ơn gọi. Vì thế, tôi cần nhìn lại bản thân mỗi ngày để loại bỏ khỏi mình những vô cảm đang ăn sâu trong não trạng tôi. Đứng trước sự vô cảm ấy, tôi phải biết thăng hoa tình yêu với Chúa và với tha nhân để biến đổi con tim mình nhạy cảm hơn, đừng vô cảm nữa.

 

 

 

 

 

 

 

 

M. Phú Yên Võ Nguyễn Kiều Khánh

Tập sinh năm II