Bữa ăn thiêng liêng (Lm Dom Thiện) – Thứ 3/24/08/2021

BỮA ĂN THIÊNG LIÊNG THỨ BA 23.8.2021

Xin chào Quý Ông Bà Anh Chị Em!

Nguyện chúc tất cả chúng ta luôn được mọi sự an lành trong vòng tay Chúa Quan Phòng.

Giờ đây, chúng ta cùng đọc và suy gẫm Lời Chúa.

Tin Mừng: Ga 1, 45-51

Khi ấy, ông Philípphê gặp ông Nathanaen và nói: “Đấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giêsu, con ông Giuse, người Nadarét.” Ông Nathanaen liền bảo: “Từ Nadarét, làm sao có cái gì hay được?” Ông Philípphê trả lời: “Cứ đến mà xem!” Đức Giêsu thấy ông Nathanaen tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ítraen, lòng dạ không có gì gian dối.” Ông Nathanaen hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi ?” Đức Giêsu trả lời: “Trước khi Philípphê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.” Ông Nathanaen nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ítraen !” Đức Giêsu đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

Đó là Lời Chúa.

ĐỪNG ĐÁNH GIÁ NGƯỜI KHÁC QUA HÌNH THỨC BÊN NGOÀI

(Ga 1, 45-51)

1. Chiếc nhẫn của Aristote (sưu tầm)

Ngày kia, có một anh thanh niên hỏi Aristote: thưa ngài, tôi không hiểu tại sao những người đáng kính như ngài lại luôn ăn mặc một cách quá xuề xòa?

Aristote nói: này anh bạn, trước khi giải đáp thắc mắc, anh giúp tôi một việc có được không?

Anh thanh niên trả lời: tôi rất sẵn lòng.

Thế là Aristote tháo chiếc nhẫn đang đeo ở tay ra và nói: anh hãy giúp tôi đi đến khu chợ ở bên kia đường và đổi chiếc nhẫn này để lấy một đồng vàng.

Cầm chiếc nhẫn đen đúa của Aristote trên tay, chàng thanh niên tỏ vẻ nghi ngại: một đồng vàng ư! Tôi không chắc chiếc nhẫn này sẽ bán được với giá đó.

 Aristote nói: cứ thử đi, ai biết được điều gì sẽ xảy ra.

Chàng thanh niên phóng nhanh ra chợ. Anh ta gặp rất nhiều người ở trong hàng tơ lụa, hàng rau cải, hàng thịt cá.…, nhưng cuối cùng vẫn không có ai đồng ý đổi chiếc nhẫn cho anh với giá một đồng vàng.

Sau một hồi lâu, anh ta quay về gặp Aristote và nói: không ai đồng ý bỏ ra một đồng vàng để mua lấy chiếc nhẫn đen đúa này cả.

Với một nụ cười nhẹ nhàng trên khuôn mặt trầm tĩnh, Aristote đáp lời: bây giờ anh hãy ra tiệm vàng ở cuối đường, đưa chiếc nhẫn này cho ông chủ, đừng yêu cầu giá bán, nhưng chỉ lắng nghe xem ông ta trả giá bao nhiêu.

Chàng thanh niên đi đến tiệm vàng theo yêu cầu và sau đó quay về với vẻ mặt khác hẳn, anh ta nói: thưa ngài, những lái buôn ở chợ rõ ràng không biết giá trị của chiếc nhẫn này. Người chủ tiệm vàng thì khác. Ông ta biết rõ giá trị của chiếc nhẫn, nên ông ta đã đồng ý mua với giá một trăm đồng vàng.

Khi đó, Aristote mới từ tốn nói: sở dĩ những người buôn bán ở chợ định giá một cách bèo bọt, vì họ chỉ nhìn thấy được vẻ bề ngoài đen đúa của chiếc nhẫn. Người buôn vàng thì không như vậy! Ông ta trả giá cao hơn gấp trăm lần, bởi ông ta nhìn sâu bên trong và đã thấy được giá trị thật sự của chiếc nhẫn này. Và đó chính là lời giải đáp của tôi về thắc mắc của anh: không thể đánh giá một người khi chỉ dựa vào bề ngoài của họ.

Nhắc lại, không thể đánh giá một người khi chỉ dựa vào bề ngoài của họ. Đây chính là một trong những điều mà chúng ta cần suy gẫm ngang qua bài Tin Mừng hôm nay.

2. Đánh giá ban đầu của Nathanael về Chúa Giêsu

Hôm nay, thánh Gioan thuật lại cho chúng ta một cuộc gặp gỡ. Cuộc gặp gỡ này được khởi đầu bằng sự nghi ngờ của Nathanael về thân thế của Đức Giêsu. Sở dĩ như thế là vì: Nathanael đã có một cái nhìn định kiến về vùng miền. Ông nói: Giêsu xuất thân từ Nazareth ư? Nơi đó có gì hay đâu chứ? Có lẽ, đối với Nathanael, chỉ có những người đến từ các thành phố lớn, những người có địa vị hoành tráng với dáng vẻ bề ngoài cao sang, thì họ mới có thể làm được những chuyện to tát. Còn ngược lại, những người nghèo, những người đến từ thôn quê, những người không có thế giá trong xã hội…, thì họ sẽ chẳng thể làm nên trò trống gì.

Như vậy, “trông mặt mà bắt hình dong” chính là cách thức mà Nathanael đã dùng để nhận định về một ai đó. Đây là một sai lầm rất lớn. Bởi lẽ, con người không chỉ có mỗi hình thức bên ngoài, nhưng còn có cả một chiều sâu ở bên trong tâm hồn.

3. Đánh giá ban đầu của chúng ta về người khác

Ngẫm lại, chúng ta thấy bản thân mình nhiều khi cũng có thái độ y hệt như Nathanael. Chúng ta dễ có thiện cảm với những ai giàu sang phú quý, có dáng vẻ bề ngoài hào nhoáng hoặc ăn mặc bảnh bao. Thông thường, đối với những người này, họ nói cái gì chúng ta cũng dễ nghe, họ làm cái gì chúng ta cũng dễ thích.

Ngược lại, đối với những ai nghèo nàn, có bề ngoài nhếch nhác, thì chúng ta lại có thái độ không thiện cảm, thậm chí là khinh bỉ. Chúng ta thường nghĩ: hắn nghèo thì gặp hắn làm chi, nếu không xin xỏ điều này thì cũng xin xỏ điều kia. Hắn nghèo thì hắn chẳng thể làm được chuyện gì, vì nghèo thường đi kèm với sự dốt nát…

Chúng ta biết: thiện và ác trên trần gian rất khó để phân biệt. Chính vì thế, đừng quá dễ dàng buông ra những nhận định về một ai đó khi chỉ nhìn thấy được vẻ bề ngoài của họ.

Đi cà phê hay đi ăn, có những người chủ động trả tiền, không phải vì người ta dư dả, nhưng có thể là vì người ta xem trọng tình bạn hơn tiền bạc. Vậy, đừng vội vàng đánh giá cách xài tiền của họ.

Trong công việc, có những người tình nguyện làm nhiều thứ, không phải vì họ ngốc, nhưng có thể là vì họ ý thức được thế nào là trách nhiệm. Vậy, đừng vội đánh giá là họ là người ôm đồm.

Hoặc như sau khi cãi nhau, người đến xin lỗi trước chưa chắc là họ sai, nhưng có thể là vì họ biết trân trọng người bên cạnh mình. Vậy, đừng vội đánh giá họ là kẻ yếu nhược.

Hay như thấy có những người tình nguyện giúp đỡ người khác, không phải vì họ nợ người đó điều gì, nhưng có thể là vì họ biết cảm thông, biết thương người thật sự. Vậy, đừng vội đánh giá họ là kẻ bao đồng hay thích phô trương.

….

Nói chung, chúng ta đừng vội “trông mặt mà bắt hình dong”, đừng vội đánh giá một ai khi chưa hiểu sâu về họ. Vì lẽ, giá trị của một người không chỉ nằm ở giao diện bên ngoài, nhưng còn nằm ở nhân cách và đức hạnh ở bên trong của người đó. Amen.

* Suy gẫm:

1. Tôi có thường vội vàng phán xét một ai đó khi chỉ biết được sơ sài về họ không? Nếu đổi vị trí, đối tượng bị phán xét là tôi, thì cảm giác của tôi sẽ như thế nào?

2. Tôi thường đánh giá một người bằng cái gì: mắt hay quả tim? Đâu là những tiêu chuẩn giúp để đưa ra lời phán xét dành cho một ai đó: dựa vào mẽ bên ngoài hay nét đẹp bên trong tâm hồn của họ?

3. Đã có cuộc đời của ai bị bóp nghẹt chỉ vì những đánh giá chủ quan của tôi chưa? Hãy nhớ: lời đánh giá chủ quan của tôi, có khi sẽ trở thành bản án tử hình dành cho người khác.

Cha Đaminh Trương Nhựt Thiện