Bữa ăn thiêng liêng (Lm Dom Thiện) – Thứ 3/27/07/2021

Xin chào Quý Ông Bà Anh Chị Em!

Nguyện chúc Quý Ông Bà Anh Chị Em một ngày mới được nhiều ân sủng của Chúa. Khấn xin Đức Trinh Nữ Maria giữ gìn và che chở cho tất cả chúng ta trong cơn đại dịch này.

 Mátthêu: 13, 36-43

Khi ấy, Đức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe” Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là quỷ dữ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên sứ. Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên sứ của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.”

Đó là Lời Chúa.

CHO NGÀY MAI TƯƠI SÁNG

Đời sống con người là một cuộc hành trình. Hành trình này có kết quả ra sao, điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào cách sống ở thời điểm hiện tại. Nói cách khác, cách sống nơi hiện tại sẽ quyết định kết cuộc của tương lai, cách sống ở đời này sẽ quyết định kết cuộc ở đời sau. Vậy, để tương lai hay đời sau ấy có được một cái kết tốt đẹp, thì trong thời gian hiện tại này, chúng ta cần phải sống như thế nào? Bài Tin Mừng hôm nay đã khơi lên một vài gợi ý.

1. Đừng lạm dụng tự do

Sự dữ có phải là do Chúa tạo ra hay không? Không! Thiên Chúa không bao giờ làm chuyện đó. Tin Mừng nói rõ: Con Người chỉ gieo hạt giống tốt (tức sự lành), còn kẻ gieo cỏ lùng (tức sự dữ) chính là Satan.

Satan gieo sự dữ khi nào? Khi con người lạm dụng tự do của mình để làm những việc trái với luân thường đạo lý. Chiến thuật của Satan là như thế: dùng chính tự do của con người để hại con người.

Ngày hôm nay, thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh xảy ra ngày càng nhiều. Nguyên nhân là do đâu? Có rất nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là bởi có một số người đã lạm dụng tự do để chặt phá rừng, sản xuất vũ khí sinh – hóa học…. Mục đích của họ khi làm những việc đó là để kiếm tiền, để tích trữ, để bành trướng. Và để đạt được mục đích, họ bất chấp tất cả: bất chấp thiên nhiên đang rên rỉ, bất chấp có nhiều người phải khổ và phải chết.

Nói chung, khi con người lạm dụng tự do, thì sự dữ sẽ xuất hiện. Hiểu được điều đó, mời gọi mỗi người chúng ta hãy sử dụng tự do một cách đúng đắn hơn.

 ● Suy gẫm: quan niệm của tôi về tự do như thế nào? Cách tôi sử dụng tự do có mang đến hạnh phúc cho bản thân và lợi ích người khác không?

2. Vươn mình lên

Khi thấy có cỏ lùng trong đồng ruộng, bác nông dân liền muốn tiêu diệt nó. Thế nhưng, việc dùng tay để nhổ cỏ lùng, thì đó là điều không thể: nhổ chỗ này, thì đồng bọn của nó lại mọc chỗ khác; vừa nhổ xong chỗ khác, thì chỗ đã nhổ, cỏ lùng lại lên xanh. Xịt thuốc diệt cỏ có được không? Được chứ! Nhưng làm như thế thì cây lúa cũng phải chịu vạ lây. Bởi lẽ, cỏ lùng luôn sống xen lẫn với cây lúa. Chiến thuật và sự khôn lỏi của cỏ lùng nằm ở chỗ đó: nó sống xen lẫn với cây lúa để kéo dài tuổi thọ của mình.

Đến đây, chúng ta thử hỏi: khi có cỏ lùng sống xen lẫn như thế, thì thái độ của cây lúa sẽ như thế nào? Có lẽ, cây lúa cũng có phần khó chịu khi bị cỏ lùng chèn ép và lấn chiếm. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ kỹ, cây lúa đã quyết định vươn mình lên để tiếp tục sống, hầu có thể hoàn thành sứ mạng là sản sinh ra những bông hạt thơm ngon cho đời.

Nhìn vào đời sống thực tế, chúng ta thấy: thời đại nào cũng có người tốt – người xấu, người hiền – người dữ, người thiện – người ác. Cả hai loại người này cùng sống xen lẫn với nhau theo kiểu vàng thau lẫn lộn. Khi sống xen lẫn như thế, thì người xấu luôn tìm cách để chèn ép và bách hại, khiến cho người tốt phải chịu nhiều đau khổ. Trong hoàn cảnh này, người tốt được mời gọi hãy thực hành bài học được rút ra từ hình ảnh cây lúa: biết mạnh mẽ vươn mình lên để tiếp tục sống, vươn mình lên để hiến dâng cho đời những hoa thơm trái ngọt.

Suy gẫm: khi gặp khó khăn và thử thách, tôi chọn cách đối diện hay trốn tránh; chiến đấu hay bỏ cuộc, bi quan hay lạc quan? Lý do?

3. Sống lương thiện

Bằng sự khôn lỏi của mình, cỏ lùng đã sống rất dai. Tuy nhiên, khi mùa gặt đến thì sự sống của nó cũng phải khép lại. Hình ảnh của cỏ lùng làm cho chúng ta liên tưởng đến những bộ phim kiếm hiệp. Trong phim, nhân vật đóng vai phản diện cũng thường sống dai y như cỏ lùng vậy. Vì chưng, vai ác mà chết sớm thì đâu còn gì để xem, vai ác mà chết sớm thì đâu thể thu hút được sự hiếu kỳ của khán giả.

Tuy nhiên, dù có sống dai đến cỡ nào, thì nhân vật phản diện vẫn phải kết thúc cuộc đời trong bi thảm: cỏ lùng thì bị quăng vào lửa; kẻ ác trong phim thì phải lãnh lấy cái chết mà không một người thương xót. Ngược lại, sự kết thúc của nhân vật chính diện bao giờ cũng có hậu: bông hạt của cây lúa thì được bác nông dân nâng niu và đưa vào kho lẫm; còn những anh hùng đầu đội trời chân đạp đất trong phim, thì được lưu danh muôn thuở, được sống mãi trong lòng mọi người.

Cuốn phim về cuộc đời người Kitô hữu cũng có kết thúc như thế thôi! Tin Mừng nói: chỗ đến cuối cùng của người ác sẽ là hỏa ngục; còn điểm đến cuối cùng của những người sống theo lương tâm ngay thẳng, sống theo thánh ý Thiên Chúa sẽ là nước thiên đàng. Rõ ràng, cái gì cũng có cái giá của nó! Phép công bình của Thiên Chúa nằm ở chỗ đó.

Hiểu được như vậy, mời gọi mỗi người chúng ta: dù cuộc đời này có bất công như thế nào, thì chúng ta cũng hãy cố gắng sống lương thiện. Vì lẽ, chỉ có cách sống đó mới mang lại cho chúng ta một kết thúc có hậu; chỉ có cách sống đó mới có thể giúp chúng ta nhận được phần thưởng nơi Nước Trời mai sau.

Tóm lại, nếu như hôm nay chúng ta không lạm dụng tự do để tiếp tay với sự dữ, thì ngày mai chúng ta sẽ có được sự bình an. Nếu như hôm nay chúng ta biết cố gắng vươn mình lên, thì ngày mai chúng ta sẽ được đón lấy những điều tốt đẹp. Nếu như hôm nay chúng ta biết sống lương thiện, thì ngày mai chúng ta sẽ được ở cùng Thiên Chúa là Đấng thánh thiện vô cùng. Ngày mai bắt đầu từ hôm nay!

Suy gẫm: Đâu là những việc xấu mà tôi đã làm và đang làm, khiến cho bản thân tôi đánh mất đi sự lương thiện? Từ bỏ có được không?

Cha Đôminicô Trương Nhựt Thiện