Bức tranh Chúa Thánh Thần hiện xuống của Jean Restout II
Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm phụng vụ. Đó là ngày thứ 50 sau Lễ Phục sinh và ngày thứ 10 sau khi Chúa Giê-su thăng thiên, ngày mà Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Mười Hai Vị Tông Đồ và Đức Trinh Nữ Maria. Ngài xuất hiện như những lưỡi lửa trên đầu họ.
Theo sách Công Vụ Tông Đồ, “Ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.” (Công vụ 2: 4).
Người ta có thể tưởng tượng khung cảnh khi ấy thật tuyệt vời như thế nào và chắc chắn là rất đáng ngạc nhiên khi ở trong một căn phòng kín, đột nhiên, những đốm lửa nhỏ xuất hiện gần trán của mọi người và họ có thể nói bằng các ngôn ngữ khác nhau. Đó hẳn là một khoảnh khắc vô cùng ấn tượng.
Một trong những bức tranh thú vị nhất mô tả sự kiện này là bức do họa sĩ người Pháp Jean Restout II vẽ vào năm 1732. Bức tranh này hiện đang được đặt trong bảo tàng Louvre, bức chân dung về Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống của Restout ban đầu được vẽ cho Tu viện Saint-Denis, ngoại ô Paris.
Bức tranh này gây ấn tượng mạnh hơn rất nhiều so với những bức tranh khác thuộc cùng đề tài, vì Restout sử dụng lối vẽ baroque rất ấn tượng, đầy kịch tính và đột ngột gây cảm xúc mạnh mẽ . Ở đây, các tông đồ và Đức Ma-ri-a được khắc họa trong khung cảnh của một khoảng sân theo phong cách Roma. Chúa Thánh Thần hiện xuống xuyên qua bầu trời đầy mây để đến với họ bên dưới. Ở đây, Chúa Thánh Thần được mô tả như là ánh sáng chiếu xuyên qua bóng tối, và chúng ta có thể nhận ra những người theo Chúa Giê-su nhận được những lưỡi lửa trên trán của họ.
Ban đầu, bức tranh thậm chí còn lớn hơn, với một con chim bồ câu, biểu tượng của Chúa Thánh Thần, được vẽ ở phía trên cùng của bức tranh. Ánh sáng cũng được chiếu từ chim bồ câu xuống các môn đồ.
Restout cũng cẩn thận để thể hiện cảm xúc trên khuôn mặt của các nhân vật. Có thể thấy rõ, tâm điểm của bức tranh là Đức Trinh Nữ Ma-ri-a, người được vẽ ở phần trung tâm. Phản ứng của Ma-ri-a trái ngược với những nhân vật khác, vì Ma-ri-a được thể hiện là người hoàn toàn bình tĩnh, đầy ơn phúc. Trái lại, các tông đồ bị sốc và gần như hoang mang trước những gì họ đang trải qua. Họ sửng sốt, kinh ngạc vô cùng.
Đức Ma-ri-a bình tĩnh đón nhận. Chính Ma-ri-a ngay từ đầu đã biết rõ căn tính thật của con mình. Ma-ri-a không bao giờ chất vấn, nghỉ ngờ như những người khác đã từng. Vì vậy, Ma-ri-a được họa sĩ diễn tả là không ngạc nhiên chút nào trước những sự kiện xung quanh mình. Trong khi đó, các tông đồ là những tôi tớ trung thành của Đức Ki-tô, đã từng trải qua những giây phút nghi ngờ trong quá khứ. Ở đây, và với sự Phục sinh trước đó, căn tính của Chúa Giê-su đã được xác nhận thêm với các tông đồ, và nhờ vậy họ sẽ mạnh mẽ ra đi và truyền bá sứ điệp của Đức Giê-su Ki-tô cho muôn dân nước, mà không một chút sợ hãi hay nghi ngờ.
Ngày nay, bức tranh của Restout vẫn còn khá độc đáo trong số các mô tả về Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Restout đã chọn một lối vẽ baroque gây ấn tượng mạnh, lột tả được sức mạnh, sự kinh ngạc và cảm xúc nguyên sơ của sự kiện có một không hai trong lịch sử nhân loại, thông qua những nét biểu cảm của các nhân vật.
Chúng ta hãy nhớ rằng biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống là một sự kiện qua đó Thiên Chúa một lần nữa cho thế giới thấy sự vinh hiển thực sự của Ngài. Bằng cách chiêm ngắm và suy ngẫm về những bức tranh như thế này, chúng ta có thể thực sự nhận ra được sự vinh hiển của Đức Chúa Trời.
Tác giả bài viết: Duc Trung Vu, CSsR