CHẦU THÁNH THỂ THIẾU NHI
THỨ NĂM TUẦN THÁNH
I.HƯỚNG Ý:
Kính thưa cộng đoàn, Đêm thứ Năm tuần Thánh hôm nay / mời gọi chúng ta tìm về bên Thánh Thể Chúa như tìm về căn phòng tiệc ly năm xưa / để chiêm ngắm Đức Giêsu yêu thương và hiến mình cho các môn đệ cũng như cho chúng ta qua việc thiết lập Bí tích Thánh Thể và nghe những lời trăn trối của Chúa. Giờ chầu này, chúng ta cùng nghe Chúa Giêsu cầu nguyện, lời nguyện hiến tế của Người / và chúng ta cùng cầu nguyện với Người / để Người dẫn chúng ta đến với Chúa Cha, nên một với Cha và ở lại trong tình thương của Cha.
HÁT: TCCD : 216 (1) : NGUYỆN YÊU CHÚA
- Đoàn con đến đây dâng lời ước nguyện. Ngày đêm mến yêu cho trọn khối tình con: được yêu Chúa luôn, bao là êm đềm. Hồn con sướng vui tháng năm hết ưu phiền.
ĐK: Kính dâng lên tình yêu chúng con. Vững tin luôn niềm tin sắt son. Đem hết tâm hồn dẫn dắt chiên lạc đường. Về cùng Chúa hưởng bao mối tình thương. Kính dâng lên tình yêu chúng con. Vững tin luôn niềm tin sắt son. Cho đến khi nào ly thoát khỏi cõi đời. Về cùng Chúa hưởng vinh phúc muôn đời.
II. SUY NIỆM:
Chúng ta vừa tưởng niệm bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu với các tông đồ. Trong bữa ăn đó Chúa đã lập phép Thánh Thể để ở lại với chúng ta cho đến tận thế, đồng thời Người cũng thiết lập chức Linh Mục, khi truyền cho các tông đồ hãy làm việc Người vừa làm mà nhớ đến Người, nhờ đó hy tế Vượt Qua của Người được tái hiện và Người luôn hiện diện giữa chúng ta cho đến tận thế, để tiếp tục cứu độ thế giới.
Trong bữa Tiệc Ly, Chúa lại còn quì xuống rửa chân cho các tông đồ, để lại cho chúng ta mẫu gương sống yêu thương phục vụ, nếu muốn trở nên môn đệ đích thực của Người.
Và giờ đây, một lần nữa chúng ta nhìn lại biến cố Tiệc Ly và những hành động của Chúa Giêsu đã làm, để thêm xác quyết và mạnh mẽ vững tin bước theo Ngài.
Mời cộng đoàn đứng
ĐỌC TIN MỪNG: Ga 13, 1-15
Bài trích Tin Mừng Đức Giêsu Ki-tô theo thánh Gioan:
1 Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. 2 Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su. 3 Đức Giê-su biết rằng : Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, 4 nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. 5 Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.
6 Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người : “Thưa Thầy ! Thầy mà lại rửa chân cho con sao ?” 7 Đức Giê-su trả lời : “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.” 8 Ông Phê-rô lại thưa : “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu !” Đức Giê-su đáp : “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” 9 Ông Si-môn Phê-rô liền thưa : “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.” 10 Đức Giê-su bảo ông : “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa ; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu !” 11 Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói : “Không phải tất cả anh em đều sạch.”
12 Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói : “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không ? 13 Anh em gọi Thầy là “ Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. 14 Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. 15 Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.
Đó là lời Chúa. Lạy Chúa Ki-tô ngợi khen Chúa.
1/ Suy niệm 1: TÌNH YÊU CỦA THIÊN CHÚA VÀ CON NGƯỜI
Phụng vụ Lời Chúa chiều Thứ Năm Tuần Thánh mặc khải cho thấy: Tinh yêu đích thực là một tình yêu nhưng không, vô điều kiện, vô vị lợi và vô biên giới, trước sau như một, đến độ hy sinh cả mạng sống của mình. Vì thế, Giáo hội, Thân Mình của Đức Giêsu-Kitô, có sứ mạng làm cho ân sủng siêu độ đó, vốn đã hiện hữu rồi, cách đặc biệt nơi Bí tích Thánh Thể, hiện diện lan tỏa ra nơi tất cả mọi người, mọi nơi và mọi thời.
Cho một thế giới tục hóa, vị kỷ, muốn chiếm hữu tất cả mọi sự, và muốn thống trị tất cả mọi người, vì thế, tìm cách loại trừ Thiên Chúa và những ai bị coi là địch thủ và đối thủ của mình : chỉ có Ân sủng tình yêu dâng hiến và nhưng không của Đức Giêsu-Kitô nơi mầu nhiệm Thập giá-Phục sinh và nơi Bí tích Thánh Thể mới là chìa khóa để giải quyết tất cả các vấn đề khủng hoảng của con người và thế giới hiện nay .
Vấn đề là phải làm sao cho tất cả mọi người mọi nơi và mọi thời cảm nhận được sự hiện diện của Ân sủng Tình yêu đó của Đức Giêsu-Kitô và nhận biết rằng tất cả mọi người đều đã, đang và sẽ sống được chính là nhờ Ân sủng Tình yêu đó của Ngài : việc Giáo hội cử hành tưởng niệm mầu nhiệm Thập giá-Phục sinh khi cử hành Thánh Lễ (Bí tích Thánh Thể) chính là nhằm mục đích giúp mọi người không chỉ luôn “nhớ tới” mà chủ yếu là cảm nhận được sự hiện diện thực sự của Ân sủng tình yêu đó của Đức Giêsu-Kitô, vẫn luôn là Nguyên lý của hiện hữu và sự sống vĩnh hằng của tất cả mọi Thụ tạo, đặc biệt của loài người, để có thể luôn sống trong tâm tình tri ân và cảm tạ Thiên Chúa Ba Ngôi .
Một em bé gái mồ côi cha mẹ, sống với bà ngoại, hai bà cháu sống trong một căn gác nghèo nàn. Một đêm nọ, căn gác bị hỏa hoạn, bà ngoại bị thiệt mạng khi cứu đứa cháu. Láng giềng gọi cứu hỏa tới, còn họ chỉ biết bó tay đứng nhìn ngọn lửa đang án ngữ mọi lối
ra vào.
Bỗng em bé gái xuất hiện trên cánh cửa sổ của căn gác và kêu cứu, nhưng đội cứu hỏa chưa đến, và cũng không ai dám liều mình đi vào căn nhà. Thình lình, có một người đàn ông xuất hiện với một chiếc thang, ông lao vào ngôi nhà và mất hút trong đó. Một lúc sau ông trở ra với bé gái trên tay, ông trao nó cho đám đông và biến mất.
Một tuần lễ sau, ông trưởng khu phố cho tổ chức một cuộc họp, để xem có ai nhận đứa bé về nuôi:
- Một cô giáo giơ tay xin nhận nuôi và dạy dỗ em nên người.
- Một chủ nông trại giàu có cũng ngỏ ý nhận nuôi.
- Nhiều người khác cũng giơ tay biểu lộ cùng một ý muốn.
- Cuối cùng người giàu có nhất khu phố nói: “Tôi có thể mang lại cho em bé này tất cả những tiện nghi mà quí vị vừa nêu, cộng với tiền bạc và tất cả những gì tiền bạc có thể mua được.
Trong khi đó, em bé gái lắng nghe, nhưng không để lộ một phản ứng nào, mắt em chỉ biết cúi nhìn xuống đất. Cuối cùng, người chủ trì buổi họp mới lên tiếng: “Còn ai muốn nói gì nữa không ?”
Bấy giờ, từ cuối hội trường, có một người đàn ông tiến lên, dáng vẻ chậm chạp và nặng nề. Ông tiến đến gần đứa bé, ông dang cánh tay ra, mọi người đều thấy rõ vết cháy nám trên hai cánh tay ông.
Em bé gái nói như thét: “Đây là người đã cứu tôi.” và em nhảy tới bá lấy cổ ông, áp mặt vào vai ông, khóc thổn thức. Rồi em lại ngước mắt nhìn ông mỉm cười, những giọt lệ lăn nhẹ trên đôi má ửng hồng của em.
Người tây phương thường nói: “Hành động hùng hồn hơn là lời nói.” Điều này càng đúng trong tình yêu. Tình yêu vốn là một cái gì không thể diễn tả bằng lời nói suông, mà chỉ có thể bày tỏ bằng hành động. Thật vậy, một giờ đồng hồ diễn giải về tình yêu không bằng một cử chỉ yêu thương, dù rất nhỏ mọn.
Đó chính là cung cách mạc khải của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu của Ngài bằng cả cuộc sống, nhất là bằng cái chết đau thương trên thập giá. “Chết để nên lời”, quả thực cái chết của Chúa Giêsu là lời tỏ tình cuối cùng và trọn vẹn nhất của Thiên Chúa cho con người.
Trong ngày thứ năm tuần thánh, nhằm tỏ bày cho các môn đệ thấy mình yêu thương họ đến mức nào, Chúa Giêsu đã làm một cử chỉ biểu trưng, là quì gối xuống rửa chân cho các môn đệ.
Cử chỉ ấy cũng chưa bày tỏ hết lòng yêu thương vô bờ của Thiên Chúa, nên Người đã nghĩ ra một sáng kiến vô cùng độc đáo. Đó là biến bánh rượu trở nên Máu Thịt Người, để Người được ở lại cùng chúng ta mãi mãi, cho đến tận thế,
Quả thật, tình yêu bao la của Chúa không ai hiểu thấu, chúng ta chỉ còn biết suy phục kính tôn, và suốt đời cảm mến tri ân.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa yêu thương chúng con, là để chúng con lấy đó làm gương mà yêu thương nhau. Xin Chúa gia tăng lòng mến trong chúng con, để khi nhìn vào chúng con, những người không phải là Kitô hữu hiểu rằng Bác Ái là gia bảo của chúng con.
* LỜI NGUYỆN ĐỐI ĐÁP:
Ca đoàn: Nào ca hát để họp mừng mầu nhiệm.
Vua muôn dân đã hiến trọn thân mình
Dâng máu đào làm lễ tế hy sinh.
Làm giá chuộc muôn người trên thế giới
Cộng đoàn: Người tự hiến cho ta nên chẳng ngại.
Sinh làm con Đức Trinh Nữ vẹn toàn,
Trót cuộc đời theo chân lý Phúc âm.
Và kết thúc bằng điềm thiêng kỳ diệu.
Ca đoàn : Đêm dự bữa tiệc ly cùng bạn hữu,
Khi đã dùng thực phẩm luật truyền xưa,
Người trao tay cho tất cả môn đồ.
Mình Máu Thánh làm thần lương mỹ vị.
Cộng đoàn: Câu tuyên phán của Ngôi Lời nhập thể.
Đã làm cho bánh thật nên Mình Người,
Rượu nho thành bao giọt máu hồng tươi,
Mắt chẳng thấy nhưng lòng tin vững mạnh.
Ca đoàn: Ôi Bí tích thật cao vời khôn sánh.
Ta bái thờ Chúa đang ngự nơi đây
Nghi lễ xưa đâu sánh bí tích này,
Niềm tin thế cho giác quan cảm nghiệm.
Cộng đoàn: Lòng hớn hở, cùng tán dương trìu mến.
Cha uy quyền và Con Một từ nhân,
Cùng tôn vinh ca ngợi Chúa Thánh Thần.
Xin chúc tụng Ba Ngôi ngàn muôn thuở.
HÁT: TN2: 66 (1,2,3): YÊU NHƯ CHÚA YÊU
- Một tình yêu không phai nhòa là tình yêu Thiên Chúa, đã vì yêu, Ngài hy sinh quên đi tấm thân mình. Hỡi người ơi! Hãy nhìn lên trên cây thập tự giá. Chúa vì ta, chẳng còn cho người ơi hỡi chớ quên.
ĐK: Tình yêu Chúa con ghi khắc trong tim, thề nguyền luôn tín trung. Xin cho con biết yêu như Ngài yêu, biết thương như Ngài thương.
- Tình yêu Chúa luôn sáng ngời mời gọi con bước tới, có nhiều khi lòng con như vô ơn trước nhan Ngài. Chúa vẫn luôn chở che con trong âm thầm đưa bước, vẫn chờ con, vẫn đợi con dù năm tháng héo hon.
- Tình yêu Chúa luôn tín thành dù lòng con bất tín, vẫn thủy chung dù con đây vô tâm sống hững hờ, vẫn tặng ban ngàn muôn ơn giúp con vượt gian khó, để lòng con biết nhận ra tình yêu Chúa hải hà.
MỜI CỘNG ĐOÀN ĐỨNG:
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, đứng trước tình yêu bao la của Chúa, giờ đây tất cả thiếu nhi chúng con muốn dâng lên Chúa những ước nguyện chân thành của chúng con, xin Chúa thương đoái nhận :
– Chúa đã xuống thế làm người nhỏ bé yếu hèn như chúng con, xin cho chúng con mạnh mẽ chống trả những thói hư tật xấu để nên giống Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa.Xin Chúa nhận lời chúng con
– Chúa lớn lên trong sự vâng phục Thánh Giuse và Mẹ Maria, xin cho chúng con biết luôn nghe lời dạy bảo của mẹ cha. Chúng ta hãy cầu xin Chúa.Xin Chúa nhận lời chúng con
– Chúa luôn cầu nguyện và đi lễ đền thờ Giêrusalem, xin cho chúng con chịu khó cầu nguyện và siêng năng đến tham dự tiệc Thánh Thể. Chúng ta hãy cầu xin Chúa.
– Chúa lao động với Thánh Giuse ở xưởng mộc Nagiarét, xin cho chúng con biết giúp đỡ cha mẹ trong mọi công việc nhỏ bé mỗi ngày. Chúng ta hãy cầu xin Chúa.
– Chúa Rao giảng Tin Mừng và làm phép lạ cứu giúp kẻ khốn cùng, xin cho chúng con biết làm chứng cho Chúa bằng đời sống ngoan ngoãn và sống yêu thương nhau. Chúng ta hãy cầu xin Chúa.
– Trong Tam Nhật Thánh này, xin cho chúng con ý thức thật sâu sắc hơn về một tình yêu nhưng không mà Chúa đã dâng trao, để chúng con dám can đảm sống như Chúa đã sống. Chúng ta hãy cầu xin Chúa.
***Lạy Chúa Giêsu, trong Bữa Tiệc Ly, khi Chúa hạ mình như người tôi tớ rửa chân cho các môn đệ và lập Bí tích Thánh Thể ban Thịt và Máu mình cho chúng con là Chúa muốn chúng con tham dự vào cách sống yêu thương của Chúa. Xin cho mỗi người chúng con biết sống yêu thương qua việc vâng lời cha mẹ, sống tốt với bạn bè và chịu khó học hành để sau này chúng con có khả năng giúp đỡ được nhiều người. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con.
Mời cộng đoàn ngồi.
2/ Suy niệm 2: TÌNH YÊU NHƯNG KHÔNG
Kinh nghiệm ở đời cho chúng ta biết rằng những lời được nói ra và những việc làm lúc người ta sắp xa nhau là những gì quan trọng và thiêng liêng nhất.
Cái gì “cuối cùng” thì càng mang một ý nghĩa thật lớn lao : cuộc gặp gỡ cuối cùng, bức thư cuối cùng, lời nói cuối cùng. Tiệc ly là bữa tiệc cuối cùng của Chúa Giêsu với các môn đệ trước khi Người bước vào cuộc khổ nạn và về cùng Chúa Cha. Và chính trong giờ phút linh thiêng này, Người đã trao ban cho nhân loại ba món quà quý giá nhất :
- Bí tích Thánh Thể để nuôi dưỡng nhân loại.
- Thiên chức Linh mục thừa tác để Chúa tiếp tục chăm sóc nhân loại.
- Giới răn yêu thương để con người được hạnh phúc.
Này là Mình Thầy … Này là chén Máu Thầy … Chúa Giêsu trao ban Mình Máu Người, có nghĩa là Người trao ban chính mạng sống của bản thân Người một cách cụ thể nhất. Người hoàn toàn thuộc về chúng ta, Người phục vụ chúng ta. Người đặt sự sống của chúng ta lên trên bản thân Người.
Đã trao ban đến cả sự sống của mình thì cũng đồng nghĩa với việc không còn giữ lại gì cho mình nữa. Đó là sự hiến dâng trọn vẹn và quyết liệt của Thiên Chúa Tình Yêu. Và việc trao ban này Chúa không chỉ muốn dừng lại nơi các môn đệ của Người mà còn được kéo dài mãi cho đến tận thế. Vì vậy Chúa Giêsu đã thiết lập Thiên Chức Linh mục, khi Người nói : “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Qua các Linh mục Chúa Giêsu muốn ở lại với chúng ta luôn mãi, để trao ban cho chúng ta sự sống, để chúng ta sống bằng chính sự sống của Người và sống thật dồi dào.
Khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, Thiên Chúa đã ban cho chúng ta sự sống thần linh của Người. Dù vậy sự sống của Thiên Chúa trong chúng ta còn non nớt như một mầm cây cần được chăm sóc dưỡng nuôi. Và nếu không được tiếp tục bảo vệ, che chở để tránh sự đe dọa của sự dữ, của lời mời gọi cám dỗ giữa chợ đời thì nó có nguy cơ bị chết ngạt lụi tàn. Chính vì thế mà mỗi ngày Chúa Giêsu cần dùng Mình Máu Người để tiếp sức và hồi sinh chúng ta. Người gìn giữ, củng cố, nuôi dưỡng sự sống thần linh trong chúng ta. Và Người luôn ước mong sự sống đó tăng trưởng, lớn mạnh và sinh những hoa trái tốt tươi cho đời. Cho nên Thánh Thể Chúa còn có một tên gọi nôm na nhưng rất ý nghĩa là : “của ăn đàng”.
Xưa kia khi người ta phải vượt qua một quãng đường dài, nhất là qua những miền hoang vu khô cằn không có người ở thì chỉ có thể trông chờ vào lượng nước và lương khô mà họ mang theo làm “của ăn đường”. Ngoài ra không thể tìm được của ăn nào khác. Sống chết tùy thuộc vào lương thực mang theo mà thôi.
Cũng vậy, trên đường về quê hương vĩnh cửu, một con đường xa diệu vợi và đầy gian nan, Chúa Giêsu cùng trao cho ta một thứ “của ăn đường” là chính Mình Máu Người. Ai biết tiếp nhận thì sẽ đủ sức vượt qua mọi trở ngại khó khăn đủ sức đi cho trọn con đường, cho tới nơi phải đến.
Nói tắt một lời, vì yêu thương nhân loại, và muốn mỗi người chúng ta được sống và sống dồi dào để đi cho trọn con đường trần thế mà Chúa Giêsu đã trao ban chính Mình và Máu thánh Người cho chúng ta.
Chúa Giêsu làm tất cả những điều đó cũng chỉ vì yêu và yêu cho đến cùng mà thôi. Và sự yêu thương này, ngày hôm nay Chúa muốn diễn tả thật rõ ràng qua cử chỉ thật ấn tượng là cúi xuống rửa chân cho các môn đệ khi họ đang tham dự Tiệc Ly. Các ông đã sững sờ trước hành động quá bất ngờ của Thầy Giêsu. Đến nỗi tông đồ Phêrô phải thốt lên rằng : “Không đời nào Thầy phải rửa chân cho con”. Vì sao ông lại phản ứng một cách quyết liệt như vậy?. Bởi vì đối với người Do Thái đây là công việc của một người nô lệ. Vậy mà Thầy Giêsu đã làm điều đó sao? Chúa Giêsu cũng hiểu được nỗi băn khoăn thắc mắc của họ. Cho nên khi rửa chân cho họ xong. Người mới giải thích : “Anh em gọi Ta là Thầy và là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả thật Ta là Thầy, là Chúa. Vì nếu Ta là Thầy là Chúa phải rửa chân cho anh em thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em để anh em cũng là như Thầy đã làm cho anh em.
Qua hành động của Chúa Giêsu chúng ta rút ra được điều gì ? Bài học thật quá rõ ràng và cụ thể : “Yêu thương và khiêm tốn phục vụ”. Chúng ta làm được điều đó không ? Quả thật giữa một xã hội chủ trương hưởng thụ như ngày nay, yêu thương và phục vụ không phải là chuyện dễ dàng. Đứng trước những cuộc cải vã, xô xát nhau. Tất cả chúng ta đều ngại can thiệp. Điều đó cho chúng ta một nhận định chung: Sự vô cảm của người Việt đã đến mức báo động. Ai cũng chỉ còn nghĩ đến bản thân mình mà thôi, còn người khác sống chết mặc họ.
Tuy nhiên, vẫn còn đó những tấm lòng rộng như biển, cao như núi. Trong vụ án xét xử người tài xế cố tình cán chết chị Nguyễn Thị Hội 20 tuổi, có một việc, làm cho tất cả mọi người phải ngỡ ngàng đó là khi tòa án hỏi ý kiến người bà của chị Hội – 80 tuổi bà nghĩ sao?. Bà trả lời : “Thôi đằng nào cháu tôi cũng chết rồi, xin tòa giảm nhẹ án cho anh ta”. Cả khán phòng im lặng hướng về cụ bà trong ngỡ ngàng và thán phục. Họ không ngờ rằng giữa nỗi đau mất mát đến tột cùng do sự tàn ác của người khác gây nên vậy mà bà cụ 80 tuổi vẫn nói lên được lời tha thứ đến lạ lùng.
Vâng,
Chỉ có tình yêu mới có sức mạnh đẩy lùi bóng tối của sự dữ.
Chỉ có tình yêu mới làm tan cõi lòng băng giá của con người.
Chỉ có tình yêu mới làm cho mọi sự trở nên tốt đẹp trong cuộc đời này. Và đó là điều mà Thầy Giêsu muốn nhắn gửi đến mỗi người chúng ta hôm nay. Xin mượn những dòng thơ sau để gợi mở cho những ngày sống sắp tới :
Tôi xin mọi điều để tận hưởng cuộc sống
Người lại ban cuộc sống để tôi tận hưởng mọi điều
Vậy:
Nếu đã từng tổn thương. Hãy can đảm hàn gắn
Nếu đã từng gục ngã. Hãy can đảm đứng lên
Nếu đã từng phải khóc. Hãy trải hết lòng mình
Nếu đã từng được cười. Hãy trân trọng niềm vui
Nếu đã từng yêu thương. Hãy từ bỏ hận thù
Nếu đã từng ân oán. Hãy rộng lòng tha thứ
Nếu đã từng được nhận. Hãy tìm cách sẻ chia
Nếu đã từng được sống. Hãy trân trọng cuộc đời.
MỜI CỘNG ĐOÀN QUỲ: chúng ta cùng cầu nguyện.
Lạy Chúa Giêsu, trong Bí tích Thánh Thể, Chúa là nguồn Sống của mọi sự sống, mọi tình yêu và mọi ánh sáng / và cũng là con đường đưa chúng con đến với Chúa Cha.
Ca đoàn: Chỉ duy nơi Chúa / chúng con nhận ra bản chất đích thực của mình. Chúng con tin tưởng nơi lòng nhân hậu Chúa. Chúng con hy vọng vào lòng thương xót Chúa. Chúng con tìm được sự bình an nơi ý muốn của Chúa. Chúng con có được phẩm giá là nhờ hồng ân Chúa. Chúng con xin cảm tạ Chúa.
Cộng đoàn: Ơn cứu chuộc của Chúa / bảo đảm phần rỗi cho chúng con. Tình yêu Chúa là hạnh phúc của đời chúng con. Và trong trái tim Thánh Thể Chúa, chúng con được nghỉ ngơi sung mãn. Chúng con xin cảm tạ Chúa.
Ca đoàn: Xin hãy dạy chúng con biết chết đi cho chính bản thân mình / để cuộc sống của chúng con hướng trọn về Thánh Thể Chúa, trong Chúa, với Chúa, và cho Chúa. Chúng con xin cảm tạ Chúa.
Cộng đoàn: Xin hãy đổi mới nội tâm chúng con / để chúng con biết yêu tha nhân như Chúa đã yêu chúng con. Xin cũng hãy tỏ bày vinh quang Chúa trong chúng con bằng cách dùng chúng con để làm vinh danh Chúa. Chúng con xin cảm tạ Chúa.
Đọc chung: Vì Chúa hoàn toàn trao hiến thân mình cho chúng con, chúng con cũng xin được hoàn toàn hiến thân cho Chúa. Nhờ Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, xin Chúa làm chủ tinh thần, thể xác, quả tim, ý chí và tự do của chúng con, vì tự do đích thực là chúng con hoàn toàn yêu Chúa và thuộc trọn về Chúa. Xin không ngừng lôi kéo chúng con về với Thánh Thể để nhờ đó mà chúng con được đến với Cha là cùng đích và hạnh phúc của đời chúng con. Amen
Mời cộng đoàn ngồi
Trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu biết rằng mình không còn ở với các môn đệ bao lâu nữa. Nhìn lại hơn ba năm trôi qua, Thầy trò đã từng bên nhau dãi dầu mưa nắng, đã từng cùng nhau lê gót chân phiêu bạt đi khắp các nẻo đường xứ Palestina, đã từng có nhau khi đói, khi no, đã từng chia sẻ với nhau niềm vui và thông cảm cho nhau bao muộn phiền, gian khổ……
Và cũng giống như bất cứ cuộc chia tay nào, trong giờ phút này những kỷ niệm xa gần cứ lần lượt hiện ra, nó làm cho ta cảm thấy nuối tiếc quãng thời gian đã qua và muốn thời gian hiện tại này kéo dài mãi mãi.
Tuy nhiên, ngoài nỗi xao xuyến thường tình như bất cứ ai, Chúa Giêsu còn canh cánh trong lòng một nỗi niềm riêng mà chiều hôm nay Ngài phải tỏ cho các môn đệ, những người mà Ngài đã hết lòng yêu thương và muốn yêu thương cho đến cùng (x. Ga 13, 1).
Tin mừng theo thánh Gioan thuật lại: Chúa Giêsu rời khỏi giường tiệc, cởi áo lấy nước rửa chân cho các môn đệ. Hành động này đã bị Phêrô phản đối, bởi vì làm sao ông dám để Thầy Giêsu rửa chân cho mình. Nhưng Chúa Giêsu trả lời: “ Điều Thầy làm bây giờ con không hiểu, nhưng sau sẽ hiểu” và hơn nữa “Nếu Thầy không rửa chân cho con, thì con sẽ không được dự phần với Thầy”. Có gì liên quan giữa việc rửa chân với phần rỗi của các môn đệ? Trước thái độ cương quyết của Chúa Giêsu, Phêrô, rồi tất cả các môn đệ khác đã để cho Chúa Giêsu rửa chân mặc dù họ chẳng hiểu gì cả.
Ai có thể quên được ánh mắt, cử chỉ và lời nói cuối cùng của người thân trong giờ phút chia ly? Cũng vậy, chắc chắn các tông đồ không bao giờ quên được hành động và những lời nói tha thiết của Chúa Giêsu chiều hôm nay, buổi chiều biệt ly.
Phần Chúa Giêsu, Ngài biết những việc sắp xảy ra cho mình và biết các môn đệ của Ngài yếu đuối như thế nào trước những biến cố ấy. Chính trong đêm nay, Giuđa sẽ nộp Ngài cho giới lãnh đạo Do Thái, Phêrô sẽ chối Thầy mình ba lần và các môn đệ khác bỏ trốn. Một mình Gioan theo Chúa Giêsu đến đồi Canvê, nhưng ông cũng để mặc Ngài đơn độc trước những lời vu khống, mà không hề lên tiếng bênh vực hoặc làm chứng cho Ngài.
Ba năm sống bên nhau bao là thân tình, bao là thương mến kia nay còn có ý nghĩa gì? Có khác nào những bóng mây thay đổi nhau trên bầu trời, để rồi cùng tan biến đi mà thôi.
Các môn đệ không phải là không thương Chúa Giêsu. Làm sao giải thích được một Phêrô lúc nào cũng sợ xa mất Chúa, một Gioan đã từng áp đầu vào ngực Chúa Giêsu để nghe từng tiếng đập của trái tim Thầy mình, mà giờ đây lại để Thầy một mình trong cơn hoạn nạn? Đó chính là sự yếu đuối cố hữu bên trong của con người. Vâng, chính sự yếu đuối đã làm cho các môn đệ hoảng sợ trước những biến cố bất ngờ và dồn dập đến với Chúa Giêsu. Và rồi cũng chính sự yếu đuối sẽ làm cho các môn đệ đau đớn, xót xa vì mình đã làm điều mà mình không muốn (x. Rm 7, 19). Nỗi mặc cảm về sự khốn nạn của mình sẽ mãi mãi vây hãm tâm hồn các ông.
Hơn ai hết, Chúa Giêsu hiểu và thương các môn đệ của mình. Ngài biết: Tựa như tiếng sét gây bàng hoàng trong cơn giông, khi bình yên trở lại, sẽ làm cho ai đó tự cảm thấy tủi hổ trong lòng. Thế thì, mai đây, sau những ngày khổ nạn, Ngài sẽ phục sinh vinh quang, hỏi rằng các môn đệ có dám ra trình diện với Thầy mình hay không? Chúa Giêsu biết rõ tâm hồn của các môn đệ, nên hôm nay, trước lúc đi vào cuộc khổ nạn, Ngài đã ngồi xuống để rửa chân cho từng người môn đệ. Ngài đã rửa chân cho người môn đệ mà Ngài yêu dấu. Ngài cũng rửa chân cho cả Phêrô, người sẽ chối Ngài. Ngài cũng rửa chân cho cả Giuđa, kẻ đã bán Ngài với giá của người nô lệ, ba mươi đồng bạc.
Rửa chân cho các môn đệ, rồi Ngài từ biệt các ông, tự nguyện đi chịu chết, các môn đệ lần lượt vấp ngã… Tất cả những chuyện đó xảy ra trong thời gian chưa trọn một ngày. Nhưng khi Chúa Giêsu tắt thở, các môn đệ hiểu ngay hành động rửa chân của Chúa Giêsu và vì sao rửa chân lại có liên quan tới việc các ông sẽ được dự phần với Ngài.
Bằng máu của mình đổ ra trên thập giá, Chúa Giêsu đã thực sự rửa các môn đệ khỏi mọi vết nhơ, trước khi các ông vấp ngã, phản bội, Chúa Giêsu đã biết cả rồi và Ngài tỏ dấu tha thứ cho các ông bằng hành động rửa chân. Chúa Giêsu phục sinh đã tha thứ trước cho những yếu đuối của các môn đệ, vì Ngài đã yêu thương những kẻ thuộc về Ngài, và Ngài vẫn tiếp tục yêu thương họ cho đến cùng (x. Ga 13, 1). Chính vì tin tưởng vào tình yêu vĩ đại đó của Thầy, các môn đệ mới có đủ can đảm để trình diện với Đức Kitô phục sinh và bày tỏ niềm hạnh phúc được chứng tỏ lòng trung thành của mình bằng cái chết. Cảm nếm được tình yêu tuyệt vời của Chúa Giêsu, các môn đệ từ nay không bao giờ còn phản bội Chúa Giêsu nữa (x. Ga 21, 15-19). Đối với tất cả họ, tình yêu của Chúa Giêsu đã ban tặng cho họ niềm vinh dự đời đời mà họ chẳng bao giờ đền đáp được.
Lạy Chúa Giêsu! Con khô khan nguội lạnh quá, nên giờ này chưa cảm thấy hạnh phúc vì được Chúa yêu thương. Trong giờ phút này xin hãy cho con được nếm cảm tình yêu ngọt ngào của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con cảm nhận được tình yêu Chúa, để con có thể thực hành sứ điệp của Chúa: yêu thương anh em như Chúa đã yêu thương con (x. Ga 15, 34-35). Amen.
HÁT: MCPS: 198 (1,3) : BÀI CA THƯƠNG KHÓ
- Con còn nhớ mãi, chuyện 1 đêm thâu, trong vườn dầu , Chúa quỳ, nguyện cầu, đôi mắt ưu sầu. Con còn nhớ mãi, Con còn nhớ mãi, chuyện 1 đêm thâu, câu chuyện tình, đầy bao thương đau. Ngài, Ngài quỳ đó , ngước mắt lên cao yêu thương dạt dào, con tim nghẹn ngào, đôi môi thì thào, nguyện cầu, cùng Thiên Chúa Cha. Được, thì hãy cất chén đắng xa con, nhưng xin 1 lòng, tuân theo lệnh Người, có ý tiền định, từ ngàn đời, Cha hỡi Cha ơi.
- Con, còn nhớ mãi, ngọn đồi Canve, trong chiều hè, Chúa chịu, tàn hơi mang gánh cho đời. Con còn nhỡ mãi, con còn nhớ mãi, 1 chiều thương yêu, ôi 1 chiều, tình yêu cao siêu. Ngài, Ngài đã chết, mắt nhắm tay dang, con tim bàng hoàng,mang thân bẽ bàng, yêu thương chẳng màng, nhục thân, để trọn câu chí nhân. Ngài, Ngài đã chết, đã chết cho con, tuy con bội tình, tuy con chẳng còn, xứng đáng là người. làm con, Cha hỡi Cha ơi,
Mời cộng đoàn quỳ.
III. LỜI NGUYỆN KẾT:
Lạy Chúa Giêsu, ma quỷ vẫn luôn muốn lôi chúng con ra khỏi tình yêu Chúa, và thâm độc hơn, chúng nhờ chúng con để kéo cả gia đình rời xa Chúa. Khi cha mẹ mải mê kiếm tìm của cải vật chất bất kể luật Chúa, luật Giáo Hội, gia đình cũng dần nguội lạnh và mất đi ơn Chúa. Khi con cái sống buông thả bất chấp lời cha mẹ dạy bảo khuyên răn, gia đình cũng mất dần bầu khí hạnh phúc.
Lạy Chúa, các cơn cám dỗ thường mang hương vị ngọt ngào quyến rũ, nhưng bên trong là độc dược giết chết linh hồn, lời cám dỗ luôn êm tai dễ nghe, nhưng thực ra chỉ là cạm bẫy thâm hiểm của ác thần. Xin Chúa giúp chúng con có thái độ dứt khoát để chống trả cám dỗ, dùng sức mạnh của tình yêu Chúa để chiến thắng những lôi kéo của tội lỗi. Xin Chúa soi sáng để tất cả thành viên trong gia đình chúng con biết can đảm và khôn ngoan tránh xa những cạm bẫy tội lỗi đang giăng mắc khắp nơi trong thế giới ngày nay.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, đến bên Chúa, chúng con đón nhận được ánh sáng và sức mạnh, để khi trở về trong cuộc sống, chúng con an tâm và kiên trì chống trả các cơn cám dỗ. Xin tình yêu Chúa nối kết mọi thành viên trong Họ đạo, trong gia đình chúng con trong sự hiệp nhất, yêu thương, để tất cả chúng con cùng bám vào tay Chúa và nắm lấy tay nhau, quyết tâm luôn mãi trung thành với Chúa trước mọi cơn thử thách, dìu dắt nhau tiến bước trong sức mạnh vô biên của Lời Chúa. Amen.
Hát: TN1 : 352 ĐẾN MUÔN ĐỜI
Đk: Đến muôn đời con cảm tạ ơn Chúa. Đến muôn đời con ngợi khen danh Chúa. Muôn muôn đời con ca vang tình thương Chúa và mãi mãi còn nhớ công ơn Người.
- Vì tình thương bao la Chúa nâng đỡ con như phượng hoàng tung đôi cánh. Chúa dắt dìu con đi trong cánh tay Người, hạnh phúc nào hơn.
Ngân Hạ (Sưu tầm)