Chúa Nhật 33 Thường Niên Năm B

CHÚA NHẬT TUẦN 33 TN
Kính trọng thể các Thánh Tử Đạo Việt Nam

 1. SỐNG VÀ CHẾT VÌ ĐẠI NGHĨA

 Đức Giê-su nói với mọi người rằng:
“Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất,
còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi
thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (Lc 9,24)

Suy nim: Hình ảnh chàng trai trẻ trong “Chinh phụ ngâm” thật hào hùng:

“Chí làm trai dặm nghìn da ngựa

Gieo Thái sơn nhẹ tựa hồng mao”

Thân nam nhi dám vì đại nghĩa là bảo vệ quê hương giống nòi, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, sẵn sàng xông pha trận mạc nơi biên thuỳ, chết lấy da ngựa bọc thây, thế mới là người có chí khí, đáng mặt anh hùng hào kiệt. Thế thì các vị tử đạo, những người vì cái nghĩa lớn hơn, đó là làm chứng cho Đức Ki-tô, mà dám liều mạng sống mình, những người đó chẳng những đáng được tôn vinh mà còn được tưởng thưởng bội hậu: họ sẽ cứu được mạng sống mình và được sống hạnh phúc đời đời ở bên Thiên Chúa.

Mời Bạn: Trước khi dám chết vì Đức Ki-tô, các vị tử đạo đã dám sống vì Ngài. Chết vì Đức Ki-tô thì chỉ có một lần. Nhưng “chết” từng ngày trong cuộc sống vì Đức Ki-tô, bạn có thể thể hiện mỗi ngày, bao lâu bạn còn sống trên đời này, mỗi lần một mới mẻ hơn và sâu sắc hơn. Cụ thể là hôm nay, ngay bây giờ, bạn làm gì để sống cho Đức Ki-tô, để làm chứng nhân cho Ngài?

Chia sẻ & Thảo luận: Thế nào là một hành vi làm chứng cho Đức Ki-tô?

Sống Lời Chúa: Làm thật tốt công việc bổn phận trong ngày hôm nay của bạn để làm chứng cho Đức Ki-tô.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tiếp tục công cuộc rao giảng Tin Mừng của các bậc tiền nhân, biết làm chứng cho Chúa Giê-su Ki-tô bằng đời sống tin yêu và phó thác, biết nói về Chúa cho đồng bào lương dân, biết cầu nguyện và hy sinh cho việc truyền giáo.     

Nguồn website TGP Sài Gòn

2. KIÊN NHẪN ÐỢI CHỜ NGÀY SAU HẾT MÀ KHÔNG AI BIẾT

Lm. Trần Bình Trọng

 Vào cuối năm Phụng vụ, Giáo hội chọn những bài đọc Thánh kinh đề cập đến những tai hoạ xảy ra trong vũ trụ, khiến người nghe liên tưởng đến ngày tận thế. Hôm nay là Chúa nhật áp cuối cùng của năm phụng vụ. Chúa nhật tới là lễ Chúa Kitô Vua. Chúa nhật sau nữa là Chúa nhật thứ nhất mùa vọng, đánh dấu ngày đầu năm của Giáo hội trong niên lịch phụng vụ mới. Tuy nhiên chủ đề của ba Chúa nhật này đều có những điểm tương đồng: Chúa Kitô là trung tâm điểm của lịch sử loài người. Chúa đến để khởi sự kỷ nguyên Kitô giáo và người sẽ trở lại để kết thúc lịch sử loài người, để phán xét kẻ sống và kẻ chết. Khi dùng ngày sinh nhật của Chúa cứu thế đẻ tính niên hiệu, người ta nói năm nọ trước Chúa giáng sinh hay năm kia sau Chúa giáng sinh.

Phụng vụ lời Chúa hôm nay dùng ngôn ngữ khải huyền, một loại ngôn ngữ biểu tượng đặc biệt. Ðó là loại ngôn ngữ mà ngôn sứ Ðanien dùng để nói về thời gian thử thách sẽ qua, và Thiên Chúa sẽ đến cho người công chính được chiếu sáng muôn đời như những vì sao (Ðn 12:3). Phúc âm thánh Mác-cô hôm nay cũng dùng ngôn ngữ và tư tưởng khải huyền trong sách Ðanien. Bài Phúc âm cũng bàn bàn về ngày sau hết: Trong những ngày ấy sau cơn gian nan lớn lao, thì mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng không còn chiếu sáng, các vì sao không còn chiếu sáng, và các quyền lực trên trời bị lay chuyển (Mc 13:24-25). Rồi bài Phúc âm kết luận: Còn về ngày đó và giờ đó, thì không ai biết được (c. 32).

Khi bàn về ngày sau hết, tác giả Thánh kinh thường nại đến loại ngôn ngữ khải huyền, nghĩa là ngôn ngữ hay mẫu tư tưởng biểu tượng khó hiểu về ngày sau hết, gợi lại những tai hoạ với những hình ảnh tàn phá xẩy ra trong vũ trụ như chiến tranh, động đất, bão tố, lụt lội và chết chóc. Những hình ảnh tàn phá mà tác giả Thánh kinh dùng để nói về ngày sau hết đã có thể xẩy ra trong quá khứ ở đâu đó trên thế giới rồi, chứ không hẳn được tiên đoán sẽ xẩy ra trong tương lai. Văn chương khải huyền được giả sử viết vào thời quá khứ trước khi tai hoạ xẩy ra, nhưng thực sự được viết sau khi tai hoạ đã xảy ra để cảnh giác người đọc. Như vậy những hình ảnh tàn phá trong ngôn ngữ khải huyền, không hẳn nói về những biến cố sẽ xẩy ra trong tương lai. Ý nghĩa của ngôn ngữ khải huyền chỉ có dụng ý là cảnh giác người đọc rằng sẽ có ngày sau hết và Thiên Chúa sẽ toàn thắng. Ðó là điều ngày sau hết sẽ xẩy ra và là điều người tín hữu phải tin. Còn ngày sau hết xẩy ra như thế nào thì không hẳn xẩy ra như được diễn ta trong ngôn ngữ khải huyển. Việc dùng ngôn ngữ khải huyền chỉ nhằm mục đích để cảnh tỉnh những tâm hồn lơ là hay ham mê sự đời mà thôi..

Do đó không phải hễ có chiến tranh, động đất và tai hoạ xảy ra là ngày sau hết sắp đến. Tuy nhiên nếu hiểu cái chết của cá nhân mỗi người là ngày sau hết của người đó thì khi những thiên tai hoặc tai hoạ xẩy ra có thể giúp cảnh tỉnh, báo hiệu cho cá nhân liệu mà sửa soạn tâm hồn. Như vậy ngày sau hết được hiểu theo nghĩa của ngày kết thúc đời sống cá nhân của mỗi người tại thế, hoặc ngày kết thúc lịch sử loài người nói chung. Việc phán xét trong ngày tận thế dựa trên căn bản là người ta có chấp nhận và sống lời Chúa không? Theo khuynh hướng tự nhiên của loài người, người ta thường sống thờ ơ, lãnh đạm, nghĩ rằng người ta có nhiều giờ để sửa soạn tâm hồn. Sự thực thì người ta không biết ngày nào, giờ nào Thiên Chúa sẽ gọi họ ra khỏi thế gian, lại càng không biết ngày kết thúc lịch sử loài người, quen gọi là ngày tận thế.

Ðối với người Kitô giáo, khi nào ngày giờ đó đến và đến như thế nào, thì không phải là điều quan trọng. Người ta không thể làm gì được về thời giờ và cách thế xẩy ra trong ngày tận thế, hay ngày người ta lìa bỏ thế gian. Ðiều quan trọng là người ta phải kiên nhẫn chờ đợi ngày đó. Việc kiên nhẫn chờ đợi này sẽ giúp người tín hữu khỏi nản lòng thoái chí trước những cám dỗ thử thách.

Vậy thì ta phải có thái độ nào đối với ngày sau hết? Có những người nghĩ rằng ngày sau hết sẽ đến nay mai. Họ nghĩ rằng ngày tận thế sắp xẩy đến cho nên lúc nào họ cũng lo âu, sợ hãi, yếm thế. Một số giáo phái Kitô giáo cũng chủ trương như vậy. Có một vài giáo phái kia tiên đoán ngày tận thế đến vào năm nọ năm kia trong đời họ. Và khi năm đó qua đi mà không có gì xẩy ra, họ lại đề nghị thời điểm khác cho ngày tận thế. Việc tiên đoán ngày tận thế mà người ta đồn gần đây là vào năm hai ngàn, ngay trước khi bước sang thiên niên kỉ thứ ba. Trước ngưỡng cửa năm hai ngàn, có những người tích trữ nhiều đèn nến để sửa soạn đốt cho những ngày đen tối. Những người khác lại xin nước thánh, nhiều nước thánh để rảy, sợ rằng qủi dữ sẽ xuất hiện trong ngày sau hết. Lại có những người nghĩ rằng ngày sau hết không bao giờ đến, và đời sống họ sẽ kéo dài mãi mãi. Vì thế họ cứ ăn uống, vui chơi buông thả. Dĩ nhiên cả hai quan điểm này đều vô trách nhiệm và không thực tế.

Như vậy ý tưởng hàm chứa trong Phúc âm là mỗi người sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa. Và nếu là người khôn ngoan, ta phải hoà giải tâm hồn với Chúa vì mỗi ngày tháng trôi qua là mỗi lúc ta tới gần cuối đời. Nghề bói toán đã xuất hiện trên địa cầu hàng chục thế kỉ – một nghề khá ăn khách bởi vì khuynh hướng loài người là tò mò, muốn biết về tương lai thế nào, duyên số và sự nghiệp ra sao? Tuy nhiên xét về phương diện gặp gỡ Chúa trong ngày sau hết thì không ai biết được ngày giờ nào thiên thần Chúa sẽ đến gõ cửa nhà linh hồn. Vì thế mà có những người tập thành thói quen như mỗi khi đi máy bay đều xin hoà giải với Chúa qua bí tích giải tội.

Tư tưởng cũng như văn chương của loài người chứa đầy những quan niệm về thời giờ như: Thời giờ là vàng bạc. Thời giờ thấm thoát thoi đưa. Không nên bỏ phí thời giờ. Ðùng đợi tới ngày mai điều mà bạn có thể làm hôm nay. Thường khi ta nhìn đi thì thấy lâu, nhất là khi ta đang mong đợi một điều gì đó. Khi nhìn lại, ta lại cảm thất thời giờ đi rất mau lẹ, nhất là khi phải gò bó vào công việc làm trong xã hội kỹ nghệ hoá. Ta không thể đi trước thời gian, cũng không thể kéo dài thời giờ vì thời giờ là của Chúa. Do đó kiên nhẫn đợi chờ trong niềm tin tưởng, hi vọng và cậy trông phải là tâm niệm của mỗi người tín hữu.

 Lời cầu nguyện xin cho được ơn kiên nhẫn chờ đợi ngày sau hết:

Lạy Thiên Chúa là Ðấng con thờ!

Chúa là hi vọng, là cùng đích

và là lẽ sống của mọi loài, mọi vật.

Con xin phó tác toàn thân trong tay Chúa:

thân xác, trí khôn, linh hồn cùng các quan năng.

Xin dạy con biết sống mỗi ngày

như là ngày cuối hết của đời con

để con sống trong bình an và ơn nghĩa với Chúa. Amen.

3. Tâm tình cầu nguyện

4. Ai liều mất mạng sống vì tôi

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

SUY NIỆM: Các vị Tử Đạo Việt Nam đều có kinh nghiệm sống từng lời của đoạn Tin Mừng hôm nay: bị nộp, bị đánh đập, bị điệu ra trước vua quan, bị tra hỏi, bị thù ghét và cuối cùng là bị giết.Tất cả những gì các ngài phải chịu đều vì Ðức Giêsu (c.18), vì Danh Ðức Giêsu (c.22).Các ngài cũng có kinh nghiệm về sự hiện diện của Thiên Chúa. Bầu khí của tòa án là bầu khí của Thiên Chúa Ba Ngôi. “Chính Thần Khí của Chúa Cha sẽ lên tiếng trong anh em” để tuyên xưng niềm tin vào Ðức Giêsu (c.19-20) Cái chết của vị tử đạo cho thấy sức mạnh của Thiên Chúa được thi thố nơi một con người mỏng dòn yếu đuối. Chết vì Ðạo là một cách làm chứng. Làm chứng cho một niềm tin kiên vững: Vì tin Ðức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Ðấng Cứu Ðộ, nên các ngài không bước qua thánh giá. Làm chứng cho một tình yêu nóng bỏng: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng vì bạn hữu” (Ga 15,13) Làm chứng cho một niềm hy vọng mãnh liệt: có sự sống đời sau, có hạnh phúc vĩnh cửu, cái chết đưa tôi giáp mặt với Ðấng tôi yêu.
Các vị tử đạo đã làm chứng bằng cái chết. Chúng ta được mời gọi làm chứng bằng cuộc sống. Làm chứng nào cũng đòi phải hy sinh, mất mát, thiệt thòi, vì đòi ta lội ngược dòng với thế gian sa đọa. Các vị Tử Đạo thường bị đặt trước thánh giá. Bước qua là được tiếp tục sống sung sướng an nhàn. Không bước qua là phải chịu tù đày, đòn vọt,
mất tất cả và mất chính mạng sống. Chỉ cần một bước chân, là mọi sự thay đổi. Ðã có người bước qua, và cũng có người không. Có người bị khiêng qua thánh giá, nhưng đã co chân lên, như thánh Antôn Nguyễn Ðích. Có người bước qua, nhưng sau lại hối hận. Ðó là trường hợp của ba vị thánh quân nhân: Âutinh Huy, Nicôla Thể và Ðaminh Ðạt. Có người được mời giả vờ bước qua thánh giá để quan có cớ mà tha, như thánh Micae Hồ Ðình Hy, nhưng họ đã thắng được cơn cám dỗ tinh vi ấy. Ðứng trước thánh giá là đứng trước một lựa chọn. Tôi chọn Ngài hay tôi chọn tôi? Không có giải pháp dung hòa hay lấp lửng. Giây phút đứng trước thánh giá là giây phút quan trọng. Quyết định không bước qua thánh giá là kết tinh của những đêm dài cầu nguyện, của việc chiến thắng những mời mọc khéo léo, của việc thắng vượt những sợ hãi, giằng co nội tâm, của những Vườn Dầu trong ngục thất… Thời nào chúng ta cũng được đặt trước thánh giá, dấu hiệu của sự từ bỏ để phục vụ. Lúc nào chúng ta cũng có nguy cơ bước qua thánh giá, bằng đời sống hưởng thụ và ích kỷ của mình.

Cầu nguyện:

     Lạy các Thánh Tử Đạo Việt Nam, các ngài đã dám sống đến cùng ơn gọi Kitô hữu trong một hoàn cảnh khó khăn nguy hiểm. Sự hy sinh của các ngài cho thấy tình yêu mạnh hơn sự chết và chết là cửa mở vào cõi sống bất diệt. Dù mang phận người yếu đuối, nhưng nhờ ơn Chúa đỡ nâng, các ngài đã chiến thắng khải hoàn. Xin cầu cho chúng con là con cháu các ngài biết can trường sống đức tin của bậc cha anh trong một thế giới vắng bóng Thiên Chúa, biết nhiệt thành làm chứng về tình yêu bằng một đời hiến thân phục vụ. Ước gì ngọn lửa đức tin mà các ngài đã thắp lên bằng cuộc sống và cái chết, được bừng tỏa trên Tổ Quốc Việt Nam. Ước gì máu thắm của các ngài thấm vào mảnh đất quê hương để công cuộc truyền giáo sinh nhiều hoa trái. Amen