Ơn gọi luôn luôn phải đến từ hai phía: Chúa gọi và tôi đáp trả.
Vậy trong đời sống dâng hiến đâu là yếu tố quyết định: Chúa (chọn) gọi hay tôi (chọn) đáp trả? Câu trả lời quá rõ ràng rồi: Chúa gọi. Nếu Chúa không gọi thì tôi đâu biết đáp trả ai hay đáp trả cái gì. Chúa luôn là người đi bước trước.
Thế nhưng vẫn còn một câu hỏi khác nữa cần phải đặt ra đó là “Có phải ý Chúa muốn tôi đi tu hay không?”
Nghe hơi kỳ kỳ rồi đấy, đã bảo là Chúa gọi tôi rồi mà bây giờ còn hỏi lại tôi đi tu có phải là ý Chúa hay không. Cứ từ từ suy nghĩ, một vấn đề nghe có vẻ vô lý như vậy nhưng thực ra vẫn có cái lý của nó.
Chúng ta biết rằng chữ “ơn gọi” ngày nay không còn được dùng để chỉ riêng cho đời sống dâng hiến nữa. Một người không đi tu thì họ có ơn gọi lập gia đình hoặc là ơn gọi độc thân. Lại có người muốn phân biệt và có ý nhấn mạnh sự “cao quý” của đời tu nên gán cho nó một từ Hán Việt thật mỹ miều là “ơn thiên triệu”. Tuy nhiên, nếu dịch sát nghĩa thì “ơn thiên triệu” thực ra cũng chỉ là ơn gọi (đến từ Chúa), chẳng khác gì nghĩa của từ “ơn gọi” dành cho các bậc sống khác.
Tất cả mọi người đều được mời gọi trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, bất kể ở bậc sống nào. Chúa Giêsu truyền lệnh cho các môn đệ “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 38,19). Như thế, chỉ có một ơn gọi duy nhất chung cho tất cả mọi người. Thế nhưng có nhiều cách khác nhau để đáp trả lại lời mời gọi ấy, tùy vào điều kiện và sự tự do chọn lựa của mỗi người.
Tóm lại, ơn gọi bước theo Chúa Giêsu là do “Chúa gọi” (chung cho tất cả mọi người); còn đời sống tu trì, lập gia đình hay độc thân là do “tôi chọn”.
Trước hết, chúng ta sẽ bàn về sự tự do chọn lựa sống theo đời tu. Đi tu mà nói là do “tôi chọn” nghe có kiêu ngạo lắm không? Chẳng phải Chúa Giêsu đã nói “Không phải anh em đã chọn thầy nhưng chính Thầy đã chọn anh em” (Gn 15,16) đó sao? Xin thưa rằng đó là lời Chúa Giêsu dành cho tất cả mọi người, không phải chỉ riêng những người sống đời dâng hiến. Chúa Giêsu đã gọi tôi (và mọi người khác) bước theo Ngài, nhưng riêng tôi thì chọn cách đáp trả lại lời mời gọi đó bằng đời sống dâng hiến. Những người khác chọn cách bước theo Chúa trong đời sống gia đình hay độc thân. Như thế ai cũng có ơn gọi cả, chỉ khác nhau ở cách thức người ta sống ơn gọi đó thôi. Do đó người tu sĩ không nên nói là tôi “có ơn gọi” dâng hiến, mà phải nói là tôi “chọn đời sống” dâng hiến.
Chúng ta dễ dàng đồng ý với nhau rằng đi tu là do “Chúa gọi”. Thế nhưng khi nói rằng đời tu do “tôi chọn” thì có vẻ hơi trái tai. Người ta thường mặc định đi tu là do “Chúa chọn”, không đi tu là do “Chúa không chọn”. Thậm chí khi thấy số lượng ơn gọi sụt giảm hay là có nhiều người tu xuất, người ta còn lấy câu Kinh Thánh này để giải thích: “Kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít” (Mt 22,14). Vậy là thay vì suy xét phần cộng tác của mình trong việc chọn lựa sống đời tu hay khuyến khích nâng đỡ người khác sống đời tu, chúng ta quy hết mọi trách nhiệm về cho Chúa.
Quan niệm cho rằng Chúa “chọn người này bỏ người kia” nghe có vẻ hợp lý và đạo đức, nhưng thực ra nó kéo theo khá nhiều hệ lụy. Trước hết, những kẻ “được chọn” có cớ để vênh vang đắc thắng. Họ nghĩ rằng mình thuộc hàng “tuyển”, vì hiếm nên quý hơn nhiều người khác. Ngược lại, những kẻ “bị loại” thấy mặc cảm vì họ không được ơn như những người kia. Họ xem những người kia tốt lành thánh thiện và được Chúa ưu ái hơn mình. Ngoài ra, những người tu xuất đôi khi bị mang tiếng là thiếu quảng đại hy sinh, không trung thành với ơn gọi. Vì thế có những tu sĩ sống cả đời trong hoang mang, bối rối. Họ không tìm thấy hạnh phúc trong đời tu nhưng lại không dám quyết rời dòng vì sợ mang tiếng cho cá nhân và ảnh hưởng đến gia đình. Ngược lại, có những người muốn đi tu nhưng lại phân vân vì không biết chắc là Thiên Chúa có muốn mình sống đời dâng hiến hay không.
Chính vì nghĩ rằng tu được hay không là do ý Chúa nên đôi khi chính người tu sĩ lại bị động trong việc sống ơn gọi của mình. Họ sợ bề trên không cho khấn, sợ bị đuổi ra khỏi dòng. Họ chấp nhận chịu đựng những bất công trong đời tu vì họ nghĩ rằng tất cả là ý Chúa, không thể chống lại được. Thêm vào đó, cũng chính vì thoái thác trách nhiệm cho Chúa nên chúng ta lơ là trách nhiệm quảng bá và khuyến khích các bạn trẻ sống đời tu. Chọn ai hay không chọn ai là Chúa đã “định” cả rồi, chúng ta đâu thay đổi được gì!
Có lần tôi chia sẻ với một anh em trong dòng rằng ngày nay có ít người chọn sống đời dâng hiến là bởi vì các gia đình có ít con, đời sống vật chất ngày càng đầy đủ nên không mấy ai thích đi tu. Anh ấy không đồng ý, bảo rằng ở xứ của anh vẫn còn nhiều bạn trẻ thích đi tu lắm, dù các gia đình đều khá giả và ít con. Hỏi ra mới biết là cha xứ ở đó rất quan tâm đến việc nuôi dưỡng ơn gọi tu trì. Ngài tổ chức nhiều chương trình hoạt động giới thiệu và khích lệ các bạn trẻ chọn sống đời tu. Hóa ra chuyện ơn gọi không chỉ là phó thác chờ đợi ý Chúa mà chính chúng ta phải nỗ lực cộng tác trong khả năng của mình.
Nếu như sống đời dâng hiến là lựa chọn của tôi chứ không phải do ý Chúa định thì có vẻ như đi tu rất dễ, kiểu như nếu tôi muốn thì tôi tu được thôi. Vậy thì tại sao vẫn có nhiều người không thể sống đời tu được dù họ rất muốn đi tu? Có hai lý do để giải thích điều này. Thứ nhất là vì “ý muốn lệch lạc”. Chúng ta đã nói rằng đời tu là cách thức người tu sĩ đáp lại lời mời gọi bước theo Chúa Giêsu.
Như thế, đời tu là phương tiện, còn mục đích chính là trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Tiếc thay có một số người chọn đời tu như là phương tiện để có được của cải hay danh vọng chứ không phải để bước theo Chúa Giêsu nghèo khó, khiêm nhường, phục vụ.
Vì lựa chọn của họ đã sai mục đích ngay từ đầu rồi nên chắc chắn họ không thể sống đời tu được. Nếu bề trên nhận ra ứng viên nào có ý muốn lệch lạc như thế thì họ buộc phải mời ứng viên đó rời dòng để chọn bậc sống khác phù hợp hơn. Chúa Giêsu khẳng định “Không ai có thể làm tôi hai chủ”. Nhận những người như thế chỉ làm hại cho nhà dòng và hại cho chính linh hồn của họ thôi.
Thứ hai là vì ứng viên không có đủ điều kiện phù hợp để sống đời tu. Ở phần trên chúng ta đã nhấn mạnh rằng một bậc sống cụ thể là sự kết hợp giữa sự tự do chọn lựa và điều kiện của mỗi cá nhân. Ngoài sự tự do chọn lựa ra thì chúng ta không thể không suy xét đến điều kiện mình có để quyết định sống đời tu trì. Như ông bà mình dạy, phải biết “liệu cơm gắp mắm”. Một người bệnh tật đau ốm thường xuyên thì không thể chọn dòng theo linh đạo phục vụ đòi hỏi nhiều sức khỏe được. Hay một người với khả năng tiếp thu hạn chế thì không thể chọn dòng theo hướng tông đồ tri thức được. Một cha trong dòng của tôi có nhận xét rất chí lý: “Nếu một người không có khả năng làm việc gì thì chứng tỏ họ không có ơn gọi làm việc đó”. Khi bề trên xét thấy một ứng viên không hội đủ những điều kiện để có thể sống trong một hội dòng, họ không thể thâu nhận ứng viên đó được. Rất may là ngày nay có nhiều hội dòng với các linh đạo khác nhau rất phong phú đa dạng. Nếu một người thực sự ao ước muốn bước theo Chúa Giêsu trong đời tu mà không có đủ điều kiện sống trong một dòng nào đó thì họ vẫn có thể tìm hiểu dòng khác phù hợp hơn.
Tôi có thể mạnh dạn kết luận rằng phần lớn mọi người đều có thể sống đời tu nếu họ muốn. Cách hiểu như thế không hề làm cho ơn gọi dâng hiến “mất giá trị”. Ngược lại, người tu sĩ cần ý thức rằng con đường họ đang đi là do chính họ quyết định lựa chọn để bước theo Chúa Giêsu. Không ai, kể cả Chúa, bắt họ phải chọn lựa đời sống tu trì cả. Do đó người tu sĩ phải có trách nhiệm sống đúng với lựa chọn của mình, chứ không phải chọn điều này rồi mà vẫn còn luyến tiếc điều kia. Còn những người giáo dân phải có trách nhiệm cầu nguyện cho Giáo hội có thêm nhiều người trẻ quảng đại chọn lựa bước theo đời tu. Chúa đã gọi họ rồi, chỉ cần chờ đợi họ đáp lời thôi. Và nhất là các bậc làm cha làm mẹ hãy khuyến khích con mình can đảm chọn lựa ơn gọi dâng hiến. Đời tu đơn giản chỉ là một lựa chọn giữa các lựa chọn khác nhau để sống cuộc đời ý nghĩa nhất, không phải là điều gì đó quá bí nhiệm.
Giuse Lê Đắc Thắng SJ