ĐỪNG SỢ!
Sau phép lạ hóa bánh ra nhiều Chúa Giêsu làm, các môn đệ vui mừng hớn hở vì mình cũng được ảnh hưởng nhờ Thầy, chưa hết mừng, Chúa Giêsu bắt buộc các môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia ngay. Một sự vội vã dường như không ổn, thật khó hiểu? Nhưng ngẫm lại nếu Chúa cứ tiếp tục làm phép lạ thì e rằng đoàn người hăng hái kia đi theo chỉ với sự hăng hái trần tục, không phù hợp với sứ mạng của Ngài. Là môn đệ của Chúa, đôi khi chúng ta cũng hay quá trớn dẫn đến lệch đường. Chúa Giêsu đã cân bằng hoạt động của mình giữa đời sống cầu nguyện và hoạt động, bằng cách trong thời điểm đại dịch hoành hành này, Chúa như nói với chúng ta hãy ở yên đó mà cầu nguyện, “ĐỪNG SỢ”…
Nếu đặt câu hỏi cho bạn và tôi, trong cuộc đời này chúng ta sợ cái gì nhất? Tôi nghĩ rằng, từ người lớn đến trẻ nhỏ, mỗi người có những câu trả lời khác nhau như: sợ ma, sợ rắn, sợ chuột… Nhưng sâu xa hơn, có người sợ buồn, sợ khổ, sợ bệnh tật, sợ không ai quan tâm, sợ không ai biết đến và cái sợ hơn hết đó là sợ chết, có người đạo đức thánh thiện thì còn sợ vào hỏa ngục. Nhưng cũng có người sẽ can đảm trả lời là “tôi không sợ gì hết”, bạn có tin không? Tôi e rằng người đó “nói xạo”. Chính Chúa Giêsu là người quyền năng cao cả nhưng cũng đã từng sợ khi đứng trước nỗi đau, sợ cô đơn khi bị các môn đệ bỏ rơi, mà nhất là khi đối diện trước cái chết, Ngài đã đổ mồ hôi máu trong vườn cây dầu. Những nỗi niềm của Chúa cũng phần nào là tâm trạng của mỗi người chúng ta, không ít người đã từng trải qua đau buồn, cô đơn, thử thách… Hay có thể nói, Chúa đã từng sống cuộc đời như chúng ta với những buồn vui, sướng khổ. Để vượt qua, Chúa đã cầu nguyện, như trước khi chọn các môn đệ, trước khi cho Lazarô sống lại, trên thập giá trước khi chết… trong mọi biến cố Chúa đều cầu nguyện. Hoạt động và cầu nguyện giúp cho Ngài hoàn thành tốt mọi sự theo thánh ý của Thiên Chúa Cha.
Nói chuyện liên quan tới Chúa, chắc ai cũng cho rằng “biết rồi”. Biết thì biết vậy, nhưng quan trọng là mình có thể làm được như Chúa không mới là vấn đề. Hơn lúc nào hết, thực tế hoàn cảnh thế giới các nước nói chung và Việt Nam chúng ta nói riêng đang đối diện với cơn đại dịch khốc liệt: cách ly, mất việc, túng thiếu, đói khát, chết chóc… ngay lúc này đây, con người như bất lực: “Ngồi chong ngóc mà đầu óc đi xa”. Mọi hoạt động như ngừng lại, nhưng người ta vẫn để đầu óc mình đối diện trước sự sợ hãi: hôm nay ăn gì? ngày mai uống gì? ngày mốt tiền đâu chi tiêu? mọi sinh hoạt của con người không đơn thuần là bên ngoài mà cả những buồn chán, thất vọng, lo nghĩ và sợ sệt, cùng những suy tính để làm sao vượt qua hoàn cảnh thực tế này.
May mắn thay, là người Kitô hữu, và nhất là người môn đệ bước theo Chúa trong hành trình dâng hiến, mỗi ngày chúng ta phấn đấu để trở nên giống Chúa hơn. Chúa Giêsu vượt qua mọi thử thách nhờ cầu nguyện. Đối với tất cả mọi người được sinh ra trên cõi đời này đều có một khao khát thiêng liêng tiềm ẩn, cho dù ai đó không có đạo, ai đó tuyên bố là tôi vô thần, thì đến một lúc nào đó khi đối diện với hoàn cảnh bế tắc, họ sẽ nghĩ đến một Đấng mà họ tin tưởng để kêu cầu. Ngoài Chúa ra chúng ta không có thần nào khác, xác tín điều đó để ta khỏi phải loay hoay với những sợ hãi, lo lắng, buồn phiền và toan tính. Hãy tín thác vào Chúa và cầu nguyện cùng Chúa. Chắc chắn chúng ta sẽ nhận được nhiều bài học từ Chúa để chúng ta sống đúng ý Chúa, đẹp lòng Chúa ngay trong hoàn cảnh này.
Riêng tôi, đối diện trước hoàn cảnh đại dịch, qua cầu nguyện, tôi nhận ra một phần nào ý Chúa trong cuộc đời tôi: phải tiết kiệm đồ ăn thức uống phòng lúc nguy cấp và quý trọng thực phẩm Chúa ban, kiên nhẫn chờ đợi giúp tôi học cách chấp nhận mọi biến động của cuộc sống, học cách thích nghi với những thay đổi bất ngờ, học biết nhường cơm sẻ áo, xót thương những ai khổ hơn mình, biết ơn Chúa và tha nhân, nhận sai lầm và nói xin lỗi, chịu đựng, kiên nhẫn với mọi thứ mình muốn nhưng chưa thể thực hiện, sống đơn giản, sử dụng thời gian rảnh rỗi có ích như đọc sách, học hành…, tự học những thứ tôi chưa biết, sống chậm lại, cảm nhận cô đơn để đồng cảm, cảm nhận cuộc đời là vô thường, không gì là bất biến, cảm được sống chết mong manh, trân trọng thời gian thăm hỏi cha mẹ già, học cách thử thách sức chịu đựng của bản thân…Tôi không chuyên nghiên cứu Thánh Kinh, nhưng có một cha giáo nói rằng trong quyển Thánh Kinh có 365 lần Chúa nói “đừng sợ”, nó thích hợp với 365 ngày trong một năm, nên ít nhất mỗi ngày Chúa nói với chúng ta một lần “đừng sợ”. Để sống có ý nghĩa, tôi thiết nghĩ không gì ngoài Chúa là chỗ ta tín thác. Nhờ hoạt động và cầu nguyện ta nhận ra ý chúa, đón nhận và thực thi cách tích cực. Có như thế chắc chắn trong cuộc đời, dù có biến cố nào đi nữa ta vẫn luôn bình an và hạnh phúc.
Đâu phải ai cũng luôn có được cuộc sống tươi đẹp, bình an và hạnh phúc, phải có những thất bại, thử thách, đau khổ, khó khăn, bạn và tôi đừng bao giờ sợ nó, vì khi ta sợ thì sẽ không chiến thắng được chính bản thân mình. Người ta thường nói: “Thất bại là mẹ thành công”; “Cái khó ló cái khôn”; có thử thách đau khổ thì mới trưởng thành và lớn lên, nếu muốn thì “đừng sợ”. Nhưng phải làm thế nào để đừng sợ? Bạn và tôi cần phải sống gắn bó mật thiết với Chúa, ở lại với Chúa trong từng phút sống của đời mình.
Cũng như Chúa Giêsu khi xưa trên con đường ra đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân, Chúa cũng gặp những khó khăn, thử thách, đau khổ… Khó khăn của Chúa là không được mọi người chấp nhận những phép lạ Chúa làm tại quê hương, Chúa còn chịu thử thách, bị ma quỷ cám dỗ trong sa mạc 40 đêm ngày, Chúa phải ăn chay, cầu nguyện để chiến thắng những thử thách mà ma quỷ đã đưa ra cho Chúa. Chính Ngài đã chiến thắng tất cả vì tình yêu thương vô biên dành cho nhân loại, đã trở thành bánh ban sự sống cho muôn người. Vì thế bạn và tôi hãy mạnh dạn nói “Đừng sợ”, vì Thầy Giêsu sẽ luôn ở cùng, đồng hành, nâng đỡ, gìn giữ, ban sức mạnh cho bạn và tôi.
Cũng thế, trong thời điểm hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới, trong đó có cả nước Việt Nam đều đang hoang mang lo sợ đại dịch Covid-19 và tìm cách nghiên cứu ra vacxin để ngăn chặn đại dịch lây lan. Khi đã có vacxin rồi thì mọi người lại mong ngóng được tiêm, nhưng không chỉ có một vacxin Covid, mà còn có một thứ vacxin khác có thể cứu và ngăn chặn đại dịch này nhờ vào lòng tin và lòng yêu mến Chúa qua cầu nguyện.
Cũng nhờ lòng tin và lòng yêu mến Chúa qua cầu nguyện mà làm cho một vị linh mục bị người khác coi là học hành không giỏi lại làm một cha Thánh, ngài được chọn làm bổn mạng của các cha sở, đó là cha Thánh Gioan Maria Vianney, cha sở họ Ars, và cũng có rất nhiều vị Thánh khác… Không những thế, Chúa Giêsu còn khẳng định: “Tất cả những gì anh em lấy lòng tin mà xin khi cầu nguyện, thì anh em sẽ được” (Mt 21,22). Vì thế, Chúa Giêsu là liều thuốc vacxin mạnh nhất có thể giúp bạn và tôi vượt qua cơn sợ hãi của đại dịch đang xảy ra bằng lòng tin và lòng mến vào Ngài qua cầu nguyện.
Nhưng dẫu biết đức tin là một loại vacxin hữu hiệu mà con người ngày nay còn xem thường, nghi ngờ hay oán trách Thiên Chúa. Bạn và tôi cũng vậy, nhiều lúc cứ than phiền, trách móc tại sao Chúa không ban cho tôi những điều tôi xin mà lại ban những điều trái ý tôi?
Trong cuộc sống con người thường bị trói buộc bởi những nỗi sợ, có lý và vô lý, đến từ bên ngoài hay từ bên trong trái tim. Càng văn minh con người càng có nhiều nỗi sợ mới. Nỗi sợ làm người ta mất tự do, mất bình an, mất vui…
“Đừng sợ” là điệp khúc trấn an được Đức Giêsu nhắc lại nhiều lần trong Kinh Thánh:
Đừng sợ, Simon, khi Thầy gọi anh đi theo (Lc 5, 10).
Đừng sợ khi Thầy đi trên mặt nước mà đến (Mt 14, 27).
Đừng sợ sau khi thấy Thầy được biến hình (Mt 17, 7).
Đừng sợ, Giairô, dù con gái ông đã chết (Mc 5, 36).
Đừng sợ, hỡi các phụ nữ, khi gặp Thầy phục sinh (Mt 28, 10).
Nỗi sợ có vẻ gắn liền với phận người mong manh. Nhưng Đức Giêsu muốn giải phóng chúng ta khỏi mọi nỗi sợ, cho nên trong Kinh Thánh 365 lần Chúa Giêsu nói “Đừng sợ” là Ngài muốn mỗi ngày bạn và tôi được nhận một lời động viên từ Ngài, bởi Ngài biết một trong những yếu tố dẫn đến thất bại cho bạn và tôi, đó là sợ hãi, thiếu tin tưởng. Chỉ một thoáng bối rối hiện trên nét mặt cũng đủ để “đối thủ” là ma quỷ chiếm được ưu thế. Các Thánh sử đặt phép lạ Chúa Giêsu đi trên mặt biển liền sau phép lạ bánh hóa nhiều. Cả hai phép lạ đều có chung một chủ đề là quyền năng của Chúa Giêsu trên thiên nhiên và trên những vật vô tri giác, và trước mỗi phép lạ các môn đệ đều bị đẩy vào tình trạng lo sợ. Sau đó Ngài lại giục các ông sang bờ bên kia trước, trong khi Ngài ở lại giải tán dân, và rồi thuyền các ông gặp cơn bão táp. Làm như thế, không phải Chúa có ý bỏ rơi các ông, nhưng chỉ muốn các ông có cơ hội củng cố niềm tin. “Chính Thầy đây, đừng sợ”. Ngài vẫn ở gần và quan tâm đến các ông. Ngài cũng muốn dạy họ một lúc hai điều: con người rất yếu ớt mỏng giòn, con người cần có Chúa che chở bảo vệ. Và chúa cũng muốn nhắn gửi đến bạn và tôi như thế để bạn và tôi suy nghĩ về thân phận con người mỏng giòn và yếu đuối của mình.
Qua đó cho ta một bài học: là một Kitô hữu, nỗi sợ mất đức tin cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của bạn và tôi bởi những lời mời mọc ngọt ngào đầy quyến rũ của biết bao thú vui cũng như lời hay ý đẹp từ các tôn giáo khác.
Quả thật có quá nhiều nỗi sợ đối với con người, nhưng có lẽ cái sợ nhất là sợ mất đức tin. Vâng, Phêrô đứng trước sự kiện lạ là Đức Giêsu đang đi trên mặt biển đến chiếc thuyền đang lênh đênh giữa biển hồ, ông hoài nghi, có lẽ ông cũng đang đặt ra ngàn câu hỏi cho bản thân, tôi đang thấy gì đây? có phải ma chăng? hay là Thầy tôi? Bằng cách nào đó ông đã đánh cược một ván, xin cho con đi trên mặt nước đến với Thầy. Nhưng ông đã không đủ tin rằng Thầy trước mặt, khi ông gặp sóng to ông đã sợ, đã chìm, và ông còn kịp kêu Chúa giúp ông. Trong bối cảnh hiện nay, cái sợ mất lòng tin hình như đang len lỏi vào tâm hồn mỗi người, bởi chưng những điều đáng sợ như sóng to gió lớn đang đến, làm cho con người chao đảo mất kiểm soát. Lạy Chúa con cần lắm sự nâng đỡ của Ngài, con cần lắm đôi tay Ngài nâng con trỗi dậy.
Chị em Cộng đoàn Bêlem –Tham Tướng
Hạt Cần Thơ