“Khấn dòng” phải chăng là “Đích đến”……

“KHẤN DÒNG”
PHẢI CHĂNG LÀ “ĐÍCH ĐẾN”
CỦA NGƯỜI SỐNG ĐỜI THÁNH HIẾN
 
     Mỗi năm đến hè lòng người sống đời thánh hiến lại rộn lên những niềm vui, nỗi buồn đan xen.
     Người vui vì năm nay mình sẽ mừng kỷ niệm 65 năm, 60 năm, 50 năm, 25 năm, 20 năm khấn dòng… nhiều chị em đến năm khấn vĩnh viễn hay khấn lần đầu thì “thấp thỏm” âu lo trông chờ đợi và nghĩ suy về việc năm nay mình có được gọi khấn hay không?
     Có những chị em năm ngoái đã không có tên trong danh sách tuyên khấn, thời gian này “tim” thi thoảng đập mạnh đôi chút! Không biết thế nào, hè đã về, không lẽ mình lại đi “tàu chợ” nữa chăng?
     …Và còn thêm nhiều thắc mắc đến từ những người không sống đời tu, vấn đề họ lưu tâm là: “sao thầy này, sơ nọ” đi tu lâu quá sao chưa khấn, đang xảy ra đây đó giữa bao câu chuyện đời thường. Nhiều tâm sự, chia sẻ mang màu sắc không mấy tích cực dành cho những anh chị em chưa lãnh tác vụ linh mục hay khấn dòng cùng lớp, cùng lứa với chúng bạn, làm cho Nó nghĩ suy:
     Người bạn không chịu chức linh mục, không khấn lần này với anh chị em cùng lớp phải chăng họ tội lỗi hơn những người khác?
     Người chị em, anh em không khấn dòng, không lãnh tác vụ phó tế hay linh mục lần này cùng lớp, cùng khóa có phải họ không đủ khả năng sống đời thánh hiến hay họ không đủ trưởng thành đời tu, họ bị thiếu khả năng, thiếu nhiều thứ trong tiêu chuẩn để được chấp nhận được truyền chức hay tuyên khấn theo Giáo Luật, Hiến Chương, Nội Qui của dòng…?
     Người anh chị em không được khấn dòng cùng lớp, cùng lứa với mình trong dịp này họ là người không đạo đức thánh thiện, họ không có chân tu, chưa sẵn sàng, chưa dứt khoát với chọn lựa theo Chúa sao?
Thầy nọ, Sơ kia đi tu lâu sao không thấy khấn, họ có vấn đề gì mà bị giam như thế !
***
     Chúng ta, những người ngoài cuộc không thể “đoán già đoán non” theo suy nghĩ của mình về người này người kia vì họ đi tu lâu mà chưa khấn, chưa lãnh tác vụ phó tế, linh mục.
“Tu” thời gian bao lâu thì được kể là “ngắn dài”?
Thời gian có thể đo lường được mức độ “tu” của linh mục này, tu sĩ kia chăng ?
“Tu” có nghĩa là “sửa mình”, từ ngữ chuyên môn hơn gọi là “Cải thiện bản thân, thánh hoá bản thân”. Như thế, có thể dùng thời gian để “xét nghiệm, chẩn đoán” mức độ thánh hóa bản thân hay cải thiện đời sống của một con người?
     Xin một lần tìm hiểu thêm về giá trị và mục đích của đời tu, hay sống đời thánh hiến.
     Sống đời thánh hiến là sống mầu nhiệm giao ước giữa Thiên Chúa và người tu sĩ. “Tuyên khấn” là lời đáp trả ân huệ Thiên Chúa – Đấng tuyển chọn, mời gọi và thánh hiến những ai Người muốn qua Giáo Hội, Hội Dòng.
Một khi đã tuyên khấn người sống đời thánh hiến quyết tâm không sống tầm thường mà tích cực vượt lên tất cả, nói không với mọi quyến rũ của trần thế để bước theo Đức Kitô, thuộc về Đức Kitô và trở nên đồng hình đồng dạng với Người.
     Như thế, người sống đời thánh hiến là người chuyên cần rèn luyện, thực tập liên lỉ để biết bỏ mình từng ngày trong những điều nhỏ mọn nhất, cả những gì thầm kín không thuộc về Đức Kitô cũng phải loại trừ. Những đòi hỏi mà Đấng sáng lập dòng hướng dẫn trong linh đạo, trong hiến luật được Giáo hội phê chuẩn dù hết sức nhỏ nhặt cũng phải mau mắn thi hành để đạt đến sự trọn lành.
     Mục đích tiên quyết của đời thánh hiến là sống thân mật hơn với Chúa, chọn Chúa là Đấng tình quân để trao hiến cuộc đời cho Ngài. Riêng đối với người nữ tu dòng Mến Thánh Giá họ chọn Đức Kitô chịu đóng đinh làm “đối tượng duy nhất” của lòng trí mỗi người. Người nữ tu Mến Thánh Giá sống “tình yêu” dành cho Đức Kitô ngang qua mục đích, sứ mạng trong mọi hoạt động phục vụ, mục vụ của mình.
     Người nữ tu dòng Mến Thánh Giá sống “tình yêu đặc biệt” dành cho Đức Kitô bằng một con tim không chia sẻ nhưng mở rộng để có thể yêu mến và phục vụ hết mọi người[1]. Người nữ tu Mến Thánh Giá cảm nhận được Chúa “yêu riêng”. Người yêu mỗi người theo cách yêu của Đấng toàn năng dành cho con người cá vị riêng biệt, Ngài yêu mỗi người khác biệt trong kế hoạch đầy yêu thương “Vì chính Ta biết các kế hoạch Ta định làm cho các ngươi, kế hoạch thịnh vượng, chứ không phải tai ương, để các ngươi có một tương lai và một niềm hy vọng” (Gr 29,11).
     Thế nên, không thể so bì hơn thua, hay cạnh tranh với người khác về ân huệ này hay quà tặng kia mà Thiên Chúa ban cho ai đó không giống như mình. Cũng như ước ao mong sao cho mình giống người khác, cũng không thể so sánh chê bai, dèm pha, trách cứ, lên án ai đó vì họ không được thế này thế kia, ngay cả khi họ không cùng tiếp tục đi với mình trong chuyến đò này mà phải đợi chuyến đò sau hoặc phải đi “tàu chợ” có vẻ chậm chạp hơn đôi chút!
     Đành rằng lý tưởng đời tu là luôn khát khao, ước muốn được “tuyên khấn” nhưng thực ra “tuyên khấn” chỉ là khởi đầu cho hành trình sống thân mật với Chúa. “Khấn dòng” chỉ là khía cạnh pháp lý để người sống đời thánh hiến công khai nói với Chúa trước mặt Đấng bản quyền sở tại và mọi người về quyết tâm dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa trong Hội Dòng mà mình đang bước đi.
     Hiến dâng là phó thác trọn vẹn cuộc sống mình hiện tại, tương lai cho Chúa, qua Giáo Hội, Hội Dòng. Khấn trước, khấn sau, học giỏi, làm việc giỏi, hát hay, múa đẹp… Kế hoạch của Thiên Chúa thường không giống với lý luận của con người.“Tư tưởng của Ta không giống tư tưởng các ngươi và đường lối Ta không giống đường lối các ngươi”. “Như trời xanh cao hơn đất bao nhiêu thì đường lối Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi bấy nhiêu”(Is 55,5-6). Chưa chắc một người thông minh học giỏi, luôn đứng đầu trong những chương trình này, tổ chức nọ, làm gì cũng thành công, đi tới đâu cũng có người đưa kẻ đón… sẽ có thể đem ơn thánh và nguồn suối cứu độ cho người khác nhiều hơn một người học hành kém cỏi, gặp nhiều bất trắc, suốt đời chỉ làm những công việc âm thầm phía sau hậu trường nhưng có đời sống nội tâm sâu sắc.
     Trên bước đường theo Chúa, Chúa cần tấm lòng và trái tim của chúng ta.
     Nếu bạn muốn sống đời tu, đừng sợ mình không có khả năng, đừng ngại mình kém ngoại ngữ, đừng ngại giọng hát lúc cất lên phải thêm “muối hoặc đường”, đừng ngại không biết gì về chuyên môn này, không có học vị nọ, bằng cấp kia. Nếu bạn kiên quyết theo Chúa – bạn không phải băn khoăn vì sao năm nay tôi chưa được khấn, chưa được tiến chức… sao tôi phải cứ đi “tàu chợ”?
     Nếu sợ, nếu lo lắng, băn khoăn… bạn hãy xem mình có dám yêu Chúa hơn những người khác hay không? Tình cảm bạn dành cho ai nặng ký nhất trong lúc này? Bạn có sẵn sàng quảng đại dâng hiến trọn tình yêu của bạn cho Thiên Chúa? Bạn có xác tín rằng Chúa yêu bạn, Chúa cần trái tim của bạn? Trong kế hoạch của Thiên Chúa, Ngài cho bạn ơn sống trong đặc sủng này chứ không ở trong linh đạo kia…!
     Thật là không hợp tình, không hợp lý khi một người muốn dâng hiến đời mình cho Chúa mà lại nản lòng thối chí khi cho mình thua kém bạn bè về khả năng này, khả năng nọ; Mình phải được “tuyên khấn” vào năm này hay năm tới theo sự sắp xếp, định liệu của kế hoạch bản thân.
     Nói như thế không có nghĩa ta khoán trắng cho Chúa mà không cố gắng cộng tác với ơn Chúa ngang qua đời sống và mọi sinh hoạt của mình. “Tu” là sửa đổi, là “hoàn thiện bản thân” để sống gắn bó mật thiết với Chúa, nỗ lực luyện tập mọi khía cạnh nhân bản và tâm linh sao cho đời sống quân bình trong tình Chúa tình người nơi nếp sống cộng đoàn mình được sai đến.
     Một khi tình yêu đã chín mùi trong ta, với khả năng tự trao hiến của tình yêu, người sống đời tận hiến sẽ sống mầu nhiệm tình yêu của lời đáp trả với lòng kiên nhẫn, tin yêu “Con hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu Kitô, vì đã hiến thân trọn vẹn cho Người”[2], để rồi có được gọi, được chọn tiến chức, khấn dòng như người thợ giờ thứ 11 vẫn một tình yêu son sắt thủy chung, luôn sống tâm tình tạ ơn bởi cảm nhận được tình yêu của lòng thương xót.
Được chọn gọi sống cho Chúa, với Chúa, vì Chúa trong đời sống tận hiến là ân huệ nhưng không, là vinh dự lớn lao cho phận người tội lỗi yếu hèn mà người sống đời tu cần phải cảm nhận cách rõ ràng, xác tín.
     Gợi lại mục đích sống đời tu,
     Nó cảm nhận về những bài học tu đức đã từng được hấp thụ:
“Khấn dòng” không phải là đích đến của người sống đời thánh hiến.
“Khấn dòng” là một hành vi của nhân đức thờ phượng, là đáp lại ân huệ Thiên Chúa, Đấng thánh hiến toàn diện con người tu sĩ. Qua Giáo Hội và Hội Dòng, người tu sĩ cam kết tuân giữ ba lời khuyên phúc âm, quảng đại dâng hiến cho Đức Kitô trọn tình yêu, nhu cầu sở hữu và quyền tự do điều khiển đời mình[3]. Cam kết sống đời thánh hiến, người tu sĩ liên kết chặt chẽ hơn với Thiên Chúa và làm cho mỗi người trở nên đồng hình đồng dạng Đức Kitô[4]. Và một khi khấn dòng, người tu sĩ không tìm kiếm chính mình, không tìm kiếm bất cứ điều gì khác ngoài việc thi hành thánh ý Chúa Cha và dành tình yêu duy nhất cho Đức Kitô để phục vụ anh chị em đồng loại.
“Khấn dòng” là ân huệ nhưng không của Thiên Chúa, ân huệ cao quý ấy lại được chứa đựng trong bình sành mỏng manh dễ vỡ là “con người chúng ta” nên người đã “khấn dòng” hay chưa “khấn dòng” điều cần đến vỏ bọc chắc chắn là tình yêu Thiên Chúa và hàng rào bảo đảm an toàn là hiến luật. Để rồi luôn tự nhủ lòng mình “Đối với tôi, sống là Đức Ki-tô.” (Pl 1,21).
     Lúc này chúng ta được mời gọi nhớ lại tình yêu ban đầu của chính mình đối với Thiên Chúa, với chị em trong hội dòng, đối với sứ vụ mà mỗi người được Lời Chúa tác động cần phải cầu nguyện và suy nghĩ “Ngươi có lòng kiên nhẫn và đã chịu khổ vì danh Ta mà không mệt mỏi. Nhưng Ta trách ngươi điều này: ngươi đã để mất tình yêu thuở ban đầu. Vậy hãy nhớ lại xem ngươi đã từ đâu rơi xuống, hãy hối cải và làm những việc ngươi đã làm thuở ban đầu… Ai có tai, thì hãy nghe điều Thần Khí nói với các Hội thánh”. (Kh 2:3-5a.7). Và đã khấn hay chưa mỗi người sống đời thánh hiến vẫn tích cực làm một cuộc chạy đua theo lời khuyên của thánh Phaolô “Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát” (1 Cr 9:24-25).
Như thế, đích đến của đời sống của người “tu” chúng ta là cái gì, thứ gì, ở đâu…?
Sr_Ai_Ngan (Fb Ái Ngân)
(Quý Thư sưu tầm)