Khi giáo đường không còn tiếng chuông

KHI GIÁO ĐƯỜNG KHÔNG CÒN TIẾNG CHUÔNG

 

Buổi chiều ngày đầu Tuần Thánh 15.04.2019, vụ hỏa hoạn Nhà Thờ Đức Bà Paris gây chấn động thế giới. Không chỉ riêng nước Pháp và Giáo hội Công giáo, mà cả thế giới tiếc thương cho một kỳ quan vĩ đại, chứng tích lịch sử và biểu tượng niềm tin của nhân loại.

Giáo hội Công Giáo qua biến cố trên cảm nghiệm những dấu chỉ của Thiên Chúa. Mọi sự ở thế gian này dù giá trị thế nào, to lớn hùng mạnh đến đâu cũng không thể trường tồn mãi mãi, cũng sẽ phải thành nắm tro tàn về với cát bụi. Biến cố đó như một lời cảnh báo Chúa dành cho nước Pháp, xưa kia là Trưởng Nữ của Giáo hội, nhưng nay đang cố gạt Chúa ra khỏi cuộc sống của họ. Bao đôi chân quỳ sám hối bên ánh nến lời kinh, hòa cùng những dòng nước mắt nghẹn ngào… Rất nhiều người tự nhủ: có lẽ để khơi lại được ngọn lửa đức tin trong tâm hồn dân Pháp, phải đánh đổi bằng ngọn lửa bao trùm cả đền thờ vĩ đại dành cho Chúa.

Nhưng hiệu quả của ngọn lửa này đã duy trì ảnh hưởng được bao nhiêu và bao lâu? Chỉ vài tháng sau đâu cũng vào đó, thậm chí một số người, các phe đảng còn tận dụng biến cố đau thương này để công kích kết án nhau và tiếp tục tấn công Giáo hội…

Một năm sau cũng vào Tuần Thánh, không chỉ có một đền thờ, không chỉ mỗi nước Pháp… mà cả thế giới gánh chịu một tai họa khủng khiếp khác: tất cả các nhà thờ đóng cửa, tiếng chuông không còn vọng ngân, lời kinh cộng đoàn cũng tắt… Những nhà thờ hoành tráng chục tỷ trăm tỷ đang là niềm tự hào của các cha xứ và giáo xứ, giờ đây vắng lặng, lạnh ngắt tư bề. Mùa Chay, Tuần Thánh, và có thể cả Mùa Phục Sinh sẽ không Thánh Thể, không nguyện ngắm, không nghi thức…

Ba phần tư loài người thế giới không thể cảm được sự đau khổ này của những tín hữu Công giáo. Phải chủ động rời bỏ nhà thờ là điều không tưởng đối với chúng ta, nhất là lại rơi vào giai đoạn cao điểm của Phụng vụ. Tuy vậy, cũng như biến cố Tuần Thánh năm trước, Chúa một lần nữa bắt ta phải đọc Thánh Ý của Ngài. “Đã đến thời người ta thờ Chúa trong Thần Khí và Sự Thật”, và đền thờ trên hết mọi đền thờ phải là Tâm Hồn mỗi người chúng ta: Đền Thờ của Chúa Thánh Thần.

Biến cố này giúp mỗi người Công giáo chúng ta phân định hình thức thờ phượng nào mới đẹp lòng Chúa: có phải đó là những nghi thức rườm rà, những bài giảng ca tụng xông hương nhau, những lễ lạc hình thức và hoành tráng! Có phải chỉ khi nào hiện diện trong nhà thờ mới là lúc cho con người cơ hội thờ phượng Chúa! Có chăng đức tin của tôi phải được chứng minh duy nhà thờ mà thôi! Tự hỏi nhà thờ chục tỷ trăm tỷ giờ đây để làm gì? Tất nhiên rất cần cho Chúa những nơi thờ phượng trang trọng và giá trị, nhưng giờ mới thấy đó không phải là yếu tố quyết định niềm tin, thành tích lập công của cá nhân hay tập thể với Chúa.

Giờ đây, cả thế giới đang gồng mình đương đầu với Covid, thảm họa biến chủng Delta cũng đang hoành hành Việt Nam từ 27.04.2021 đến nay. Con người có lẽ đã thấy sự mỏng manh kiếp người là thế nào, đã biết giới hạn và khiêm tốn hơn. Chúa không bao giờ làm ra hay bắt con người chúng ta phải đau khổ. Đau khổ vốn là hậu quả của sự dữ và tự do thái quá mà chúng ta gây ra. Điều Chúa muốn là chúng ta tận dụng đau khổ của cuộc sống để vươn tới đức thiện toàn. Đại dịch Covid-19 là một biến cố lịch sử vô cùng giá trị để mỗi người chúng ta lắng đọng tâm hồn, cảm nghiệm đau khổ thập giá của Chúa, và cùng với anh em mình đang chịu dịch bệnh, vác thánh giá cuộc đời đồng hành với Đức Kitô lên đồi Gongotha.

Kim Lan sưu tầm