Lắng nghe nhau cách chân thành và tôn trọng

Tĩnh tâm tháng 4 – Hạt Đại Hải + Sóc Trăng
THAM GIA: LẮNG NGHE NHAU CÁCH CHÂN THÀNH VÀ TÔN TRỌNG

M. ĐV. Kiều Vương

Chị em hai hạt Sóc Trăng và Đại Hải gặp gỡ nhau ngày tĩnh tâm trong bầu khí niềm vui Mùa Phục Sinh và cũng là cơ hội để chị em cùng nhau lắng đọng, nhìn lại và suy tư về chủ đề: LẮNG NGHE NHAU CÁCH CHÂN THÀNH VÀ TÔN TRỌNG.
Sau khi nhận phép lành Thánh Thể và bí tích Hòa Giải, chị em được nghe Cha Giuse Nguyễn Đức Vinh – Cha sở họ đạo Mỹ Xuyên chia sẻ đôi nét ngắn gọn, cô đọng nhưng rất sâu sắc về chủ đề Lắng Nghe với những điểm chính yếu như sau:
1. Nhu cầu lớn nhất của con người: là được người khác LẮNG NGHE
Có thể thấy rõ là ngày nay người ta nói rất nhiều: nói khi gặp nhau, gọi điện hay nhắn tin khi không thể gặp nhau, đăng status lên mạng xã hội,… dù là nói bằng cách nào đi nữa thì mục đích sau cùng chính là muốn được người khác lắng nghe.
2. Nhưng cơ quan trong cơ thể giúp ta lắng nghe tốt nhất lại không phải là đôi tai mà là TRÁI TIM
Như thánh Augustino từng nói: “chớ để trái tim ở lỗ tai, mà hãy để lỗ tai ở trái tim”. Thật sự con người không chỉ muốn được lắng nghe thông tin họ đang nói mà thôi, nhưng khát vọng sâu thẳm bên trong chính là họ muốn được hiểu, cảm thông, chia sẻ thông qua những thông tin mà họ đang cố gắng truyền tải. Bởi đó, chỉ khi lắng nghe người khác bằng trái tim thì chúng ta mới có thể cảm nhận được những điều mà họ đang thực sự muốn chúng ta nghe.
3. Vậy mà một trong những căn bệnh phổ biến ngày nay lại là ĐIẾC NỘI TÂM:
Ai cũng muốn được người khác lắng nghe và thế là ai ai cũng thi nhau nói. Đó là lí do tạo nên một xã hội ồn ào đầy dẫy âm thanh, hỗn loạn thông tin thật giả làm nên những con người có nguy cơ điếc nội tâm: dễ trở nên những con người độc thoại, kiêu ngạo mà thiếu khả năng lắng nghe, sợ ngồi yên, sợ thinh lặng, tệ hại nhất và nguy hiểm nhất là không còn khả năng lắng nghe tiếng Chúa nói qua lương tâm để rồi dần mất đi cảm thức về tội,…
4. Vì thế, chị em chúng ta cần lắm khi biết LẶNG nhiều hơn để:
* Lắng nghe Chúa Thánh Thần soi sáng, dẫn bước đến những điều đẹp lòng Chúa và như Chúa muốn.
* Lắng nghe bản thân mình thông qua những dấu hiệu của cơ thể cũng như những nhu cầu chân thật nhất, những cảm xúc thường gặp hay những ước muốn sâu xa trong tâm hồn để có thể bình an khi hiểu và sống thật với chính mình.
* Lắng nghe người khác: khi tiếp nhận thông tin từ nhiều người, nhiều nguồn thông tin khác nhau sẽ giúp chúng ta có cái nhìn tổng hợp và khách quan hơn. Từ đó có thể nhận định và biện phân vấn đề một cách chính xác hơn.
5. Kết luận:
Lắng nghe là món quà thiêng liêng mà chúng ta có thể trao tặng cho người khác và cũng là bước đầu tiên thực hành lời mời gọi: “Tham gia vào đời sống Giáo Hội” khi chúng ta lắng nghe nhau cách chân thành và tôn trọng, nghĩa là nghe cách chăm chú, cởi mở, nghe bằng cả trái tim để thấu hiểu chứ không phải chỉ nghe cho có, nghe cho vui tai. Trên hết “Chúng ta cần lắng nghe bằng đôi tai của Thiên Chúa, để nói lời Thiên Chúa” như Đức Thánh Cha Phanxico mời gọi trong Sứ điệp Truyền thông Xã hội năm 2022.

Sau “tiếng nói của Chị Tổng Phụ Trách”, chị em cùng chung vui với nhau qua bữa cơm thân mật và ra về với niềm hăng say tiếp tục dấn thân phục vụ với những công việc mục vụ nơi các Họ đạo.

Nhu cầu lớn nhất trên đời
Lắng nghe đón nhận ngàn lời nhỏ to
Cuộc đời nhiều nỗi cam go
Chờ mong ai đó hiểu cho nỗi lòng.

Chân thành tôn trọng cảm thông
Đổi trao chia sẻ long đong nhẹ dần
Uớc mơ không chỉ một lần
Để được thấu hiểu bản thân mỗi người.

Nhìn qua nét mặt nụ cười
Thái độ kiên nhẫn từng lời khó nghe
Sẵn sàng không phải e dè
Thánh Thần hiện diện chở che chúc lành.

LẮNG NGHE bài học thực hành
Tĩnh tâm hai hạt ơn lành Chúa ban
Cám ơn quý chị cộng đoàn
Mỹ Xuyên Vinh Phúc lo toan mọi bề.

Tri ân Cha Sở lành nghề
Tận tình chia sẻ LẮNG NGHE tuyệt vời
Đoàn con hợp tiếng chung lời
Dâng câu cảm tạ Chúa Trời thương yêu.

Mỹ Xuyên, 20/04/2024