SUY NIỆM ĐÀNG THÁNH GIÁ
Kính thưa cộng đoàn, trong tâm tình sám hối bằng suy niệm Đàng Thánh giá, giờ đây chúng ta cùng bước theo Chúa Giêsu trên đường thập giá Người đã đi năm xưa, để thấu hiểu và cảm nghiệm tình thương vô tận Thiên Chúa dành cho chúng ta. Qua đó, chúng ta được mời vác thập giá mình để cảm thông chia sẻ với Chúa qua anh chị em chung quanh, những người vẫn đang chịu biết bao khổ đau trong cuộc sống bởi cô đơn, thất vọng vì bệnh tật, nghèo đói, chiến tranh và hận thù. Xin Chúa giúp chúng ta biết khám phá ra giá trị của thập giá và lời gọi mời của Chúa, để can đảm bước theo Ngài trong hành trình ơn gọi dấn thân và phục vụ.
Nơi Thứ Nhất: Chúa Giêsu chịu xét xử
Tình yêu vâng phục đã thôi thúc Chúa Giêsu chấp nhận chén đắng Chúa Cha trao trong vườn cây dầu thế nào, thì tình yêu khiêm hạ đến tột cùng vì yêu thương loài người quá bội cũng thúc bách Người chấp nhận huỷ mình ra không, liệt mình vào số các tội nhân để chịu con người xét xử như vậy. Đấng vô tội là thẩm phán chí công, cầm quyền sinh tử sao lại hoán đổi vị trí, trao sinh mạng mình cho con người tội lỗi xét xử? Chỉ có tình yêu khiêm cung thẳm sâu nơi Người mới lên tiếng trả lời cho những nghịch lý trớ trêu nhưng cũng rất huyền nhiệm cao cả này. Người chịu xét xử để con người khỏi chịu án phạt muôn đời. Người trao vận mạng và sự sống của Người trong tay người đời để loài người được chuộc lại trong vòng tay Thiên Chúa. Người tự nguyện liên đới với tội nhân để con người được công chính hoá. Và Người đã sống khiêm hạ để con người được đổi mới thanh tẩy khỏi sự bất trung kiêu căng phản loạn xa xưa.
Lạy Chúa Giêsu, xin tình yêu khiêm hạ nơi Ngài cũng thôi thúc chúng con biết sống mầu nhiệm tự huỷ như Ngài. Như hạt lúa gieo vào lòng đất, xin cho chúng con biết mục nát đi để trổ sinh hoa trái nhiều hơn.
Nơi Thứ Hai: Chúa Giêsu vác Thập Giá
Sau khi phiên tòa xét xử Chúa Giêsu kết thúc, Tin Mừng thánh Gioan viết tiếp: “Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là Núi Sọ, tiếng Do Thái gọi là Golgotha”. Thập giá là sự ô nhục đối với người Do Thái, và là sự điên rồ đối với người ngoại giáo. Khổ hình thập giá không những đem đến cái chết đau thương, mà còn cả sự nhục nhã về tinh thần. Thế nhưng đối với thánh sử Gioan, thập giá không chỉ là khổ đau và nhục nhã, nhưng quan trọng hơn, đó là dấu chỉ đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Sự chấp nhận thập giá của Chúa Giêsu là một lựa chọn hoàn toàn tự do của một ngôi vị Thiên Chúa làm người. Người uy nghi tiến tới thập giá và khải hoàn bước lên thập giá để qua “cây thập giá”, nhân loại đón nhận “cây sự sống”.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con thường thích chọn những điều tốt và có lợi cho mình. Nhưng khi lựa chọn như thế, vì vô tình hay hữu ý đôi lúc chúng con đã trao cho người khác biết bao đau khổ. Xin giúp chúng con đừng bao giờ tạo gánh nặng cho những người sống chung quanh.
Nơi Thứ Ba: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ nhất
Người đã mang lấy sự đau yếu của chúng ta, Người đã gánh lấy sự đau khổ của chúng ta mà chúng ta lại coi Người như một kẻ bị phong cùi, bị Thiên Chúa đánh phạt và làm cho nhuốc khổ. Nhưng Người đã bị thương tích vì tội lỗi chúng ta, bị tan nát vì sự gian ác của chúng ta. Người đã lãnh lấy hình phạt để cho chúng ta được bình an, và bởi thương tích Người mà chúng ta được chữa lành. Tất cả chúng ta lang thang như chiên cừu, mỗi người một ngả. Chúa đã chất lên mình tội ác của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, đã đôi lần chúng con đứng bên vệ đường dùng cặp mắt lạnh lùng của mình để nhìn Chúa vác Thập giá. Chúng con cũng lạnh lùng trước những đau khổ của người anh em, chị em. Và chúng con cũng lạnh lùng khi nhìn sức mạnh của đồng tiền đang dần dần đánh mất phẩm giá của con người, chiến tranh, cướp bóc, phá thai, ma tuý… chúng con coi đó là chuyện của người khác không phải của mình.
Xin cho chúng con biết lay động trước đau khổ của anh chị em, hiểu được giá trị của thập giá không tách rời khỏi sự phục sinh của Chúa. Từ thất vọng, xin Chúa cho bừng dậy niềm hy vọng. Từ đêm tối, xin Chúa làm nảy sinh niềm tin tưởng. Từ nỗi yếu đuối, xin ban sức mạnh để chúng con vươn lên cho đời sống mới.
Nơi Thứ Bốn: Đức Mẹ gặp Chúa Giêsu vác Thập Giá
Tình yêu mãnh liệt hơn sự chết… ngàn suối không dập tắt nổi, vạn sông chẳng nhận chìm được. Tình yêu của mẹ đối với con vượt qua tất cả, kể cả đau thương thập giá. Đây chính là giờ mà tiên tri Simêon đã tiên báo cho mẹ: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu lòng bà” (Lc 2,35). Mẹ đã vui nhận lưỡi gươm đó, Mẹ đến để hiện diện với Con, chia sẻ đau thương của Con. Sự có mặt của Mẹ là sức mạnh khích lệ, tiếp sức, đỡ nâng và sẻ chia với nỗi nhục nhằn của Con.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết lấy tình yêu đáp đền tình yêu. Trên bước đường theo Chúa, xin cho chúng con không lẩn tránh trước những khó khăn của anh em. Xin cho chúng con đừng lẩn trốn những khó khăn trong cuộc đời nhưng biết chấp nhận bằng tấm lòng mến Chúa và yêu anh em.
Nơi Thứ Năm: Ông Simon vác đỡ Thập Giá Chúa
Phúc âm Máccô thuật lại: Hôm đó ông Simon từ ngoài đồng ruộng trở về, có lẽ vì tò mò hoặc vì nghe danh tiếng của Chúa Giêsu nên ông đã đến tận nơi để xem cho biết Chúa. Cũng vì Chúa Giêsu đã quá yếu nhọc, sức lực đã hầu tàn không thể vác nổi Thập giá đến nơi đã định, cho nên lý hình đã nhìn thấy ông Simon và chúng bắt ông vác đỡ thập giá Chúa. Theo lẽ tự nhiên ông Simon có thể từ chối, nhưng vì lý do bắt buộc nên ông đã ghé vai vác lấy thập giá thay cho Chúa Giêsu. Tuy bị ép buộc, thế nhưng Chúa Giêsu đã nhìn ông. Trước cái nhìn đầy sức mạnh nhiệm mầu, ơn thánh đã bắt đầu hoạt động trong tâm hồn ông. Ông không còn vác thập giá cách miễn cưỡng nữa, nhưng ông đã vui lòng đỡ lấy thập giá Chúa, trở thành ân nhân ra tay giúp đỡ Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, trong cuộc sống đã biết bao lần chúng con nghe thấy đâu đó những lời mời gọi sự giúp đỡ của chúng con, và cũng nhiều khi chính chúng con cần người khác giúp đỡ. Ông Simon thành Kyrênê ngày ấy đã xuất hiện và giơ tay ra thật đúng lúc để giúp đỡ Chúa. Xin Chúa ban cho chúng con một sức mạnh, một tinh thần can đảm phục vụ như ông Simon ngày nào, ngõ hầu mỗi khi giơ tay ra giúp đỡ người khác, chúng con sẽ có dịp bày tỏ với mọi người rằng: trên đời này họ không đơn độc một mình và khi ấy chính chúng con cũng nhận ra được niềm vui hạnh phúc khi dâng hiến phục vụ mọi người.
Nơi Thứ Sáu: Bà Vêrônica trao khăn cho Chúa Giêsu lau mặt
Chúa Giêsu vẫn cần mỗi người hôm nay thực thi những nghĩa cử yêu thương hào hiệp đối với đồng loại như bà Vêrônica đã trao khăn cho Người lau mặt năm xưa. Người vẫn cần lau đi những giọt mồ hôi, nước mắt và cả những giọt máu trên khuôn mặt của những người khốn cùng. Người vẫn cần một trái tim động lòng trắc ẩn, một đôi bàn tay biết thi ân, một sự can đảm dấn thân của mỗi người để đến với những người cùng khổ.
Qua tất cả những con người bất hạnh, bị khai trừ khỏi xã hội, Người vẫn cần nơi chúng ta một ánh mắt cảm thông chan chứa tình người, một lời nói gieo niềm lạc quan, một nụ cười chia sẻ để cuộc đời được thêm tươi.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho khuôn mặt của những người khốn khổ in vào tâm trí chúng con như hình ảnh chính Chúa gọi mời, để chúng con biết đến với họ như bà Vêrônica ngày xưa, bằng sự can đảm, hiền hoà, tôn trọng phẩm giá cao cả của họ như chính họ đã được Chúa trân trọng.
Nơi Thứ Bảy: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ hai
Trên đường lên đồi Gôngôtha, dưới sức nặng của cây thập giá, Chúa Giêsu ngã xuống đất một lần nữa.
Trong ánh mắt người đời, Thiên Chúa đã ngã quỵ trong Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã chết trong thất bại của Chúa Giêsu. Dưới áp lực của sự ác lan tràn trong xã hội, len lỏi vào tận cấm địa của niềm tin, người Kitô hữu dễ dàng thốt lên đầy nghi nan và thất vọng: “Lạy Chúa, Ngài ở đâu?”
Thế nhưng, trong đức tin chúng ta nhận ra Chúa Giêsu đang chỗi dậy, trung thành đến cùng với tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Trong niềm tin, chúng ta nhận ra “Vị Thượng tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thông những nỗi yếu hèn của chúng ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta ngoại trừ tội lỗi”, và Người xoá bỏ những sa ngã của chúng ta trong hành trình cuộc sống. Trong niềm tin, chúng ta nhận ra nơi Người lời mời gọi thôi thúc chỗi dậy và luôn nhìn thẳng tới đích: sự công chính của Nước Thiên Chúa. Trong niềm tin, chúng ta đón nhận niềm hy vọng và lời giải đáp phát xuất từ thập giá cho cuộc sống cá nhân, xã hội của chúng ta: chỗi dậy một lần nữa và cứ thêm những lần chỗi dậy như thế mãi; đồng thời biết cảm thông với những thất bại, biết tha thứ thiếu sót của anh chị em.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đến chia sẻ sự mỏng manh của phận người chúng con, để mang đến cho chúng con niềm tin và đức ái cao cả của con cái Chúa. Mỗi lần chúng con sa ngã hay đứng trước những lầm lỡ của anh chị em, xin giúp chúng con lắng nghe và sống lời mời gọi của Chúa: “Hãy đứng dậy và theo tôi”, vì, lạy Chúa, Chúa là sức mạnh của chúng con.
Nơi Thứ Tám: Chúa Giêsu an ủi các phụ nữ Giêrusalem
Trên đường lên đồi Calvê, có đám đông dân chúng cùng các phụ nữ theo Chúa Giêsu. Thấy Chúa phải chịu đau khổ, các bà đã đấm ngực và khóc than Người. Nhưng Chúa Giêsu quay lại và nói: “Hỡi các phụ nữ Giêrusalem, đừng khóc thương Ta, song hãy khóc thương lấy mình và con các bà” (Lc 23,27-28). Thay vì được an ủi, Chúa Giêsu đã lay động các phụ nữ trong hoàn cảnh sống của mình: có biết bao phụ nữ đang đánh mất chính nhân phẩm cao quý mà Thiên Chúa tặng ban chỉ vì một chút lợi lộc nhỏ nhoi. Có biết bao phụ nữ vô tâm trong trách nhiệm làm vợ, làm mẹ, để gia đình phải sống trong cảnh nhà tan cửa nát. Nhưng cũng có biết bao người mẹ, người vợ đang khóc hết nước mắt vì chồng bê tha, vì con hư đốn, vì những người thân yêu của mình phải đau khổ… tất cả họ cần được an ủi xót thương.
Lạy Chúa Giêsu, nhờ cuộc tử nạn và thập giá Chúa, chúng con được sống trong đời sống mới. Xin Chúa làm mới lại những mảnh đời phụ nữ đang phải chịu áp bức, khinh khi. Xin Chúa làm mới lại những gia đình đang phải tan vỡ vì những xung đột vợ chồng. Xin Chúa cho những người vợ, người mẹ luôn biết hồi tâm vì những lỗi lầm mình đã phạm.
Nơi Thứ Chín: Chúa Giêsu ngã xuống đất lần thứ ba
Càng tiến gần đến đồi Calvariô để chịu hiến tế, sức lực Chúa càng cạn kiệt dần, khiến bước chân của Người mỗi lúc một khó khăn hơn. Chính vì thế, Chúa đã phải ngã xuống đất nhiều lần. Người ngã xuống nhưng vẫn cố gượng đứng lên để hoàn tất con đường Chúa Cha đã dành cho mình.
Lạy Chúa, trong hành trình nên thánh, có những lúc chúng con cũng bị sa đi ngã lại nhiều lần, khi tẩy trừ một nết xấu để thực tập một nhân đức. Điều này nhiều khi làm chúng con chán nản, mệt mỏi muốn buông xuôi: Chán nản, mệt mỏi vì cứ sa đi ngã lại mãi một nết xấu. Chán nản, mệt mỏi vì sau bao năm cố gắng mà chẳng tiến được bao nhiêu trong đàng thánh thiện. Những lúc ấy, xin Chúa thêm sức và ban ơn, giúp chúng con nhận ra sự yếu hèn của mình, để chúng con khiêm tốn hơn, biết noi gương Chúa: dù kiệt sức tàn hơi, dù gục ngã nhiều lần, vẫn can đảm chỗi dậy bước tiếp cuộc hành trình theo Chúa.
Nơi Thứ Mười: Quân dữ lột áo Chúa Giêsu
Đây là khổ hình cuối cùng Chúa Giêsu phải chịu trước khi chịu đóng đinh vào thập giá. Chúa Giêsu là vị Thiên Chúa giàu sang vô cùng, là Chúa Tể trời đất mà nay lại trở nên khốn cùng đến nỗi không còn một manh áo để che thân. Chúa Giêsu đã hiến thân hoàn toàn để làm lễ toàn thiêu chuộc tội cho thiên hạ. Nơi thân xác tím bầm và đầy máu của Người ẩn giấu tất cả nỗi khổ đau ê chề của toàn thể nhân loại.
Trước con mắt của những kẻ lên án Người, thân xác Chúa Giêsu trở thành đối tượng cho họ nhạo cười phỉ báng. Còn đối với những ai tin Người và yêu mến Người thì thân thể chuộc tội của Chúa Giêsu lại diễn tả tình yêu vô cùng của Thiên Chúa đối với nhân loại.
Lạy Chúa Giêsu, từ chỗ giàu sang Chúa đã trở nên nghèo khó khốn cùng để cho chúng con được giàu có nhờ sự nghèo khó của Chúa. Chúng con cầu xin Chúa đoái thương những người nghèo đói, những nạn nhân của chiến tranh và thiên tai, họ đang phải đói cơm thiếu áo, khổ đau và bệnh tật … Xin cho chúng con luôn bác ái quảng đại giúp đỡ bao người cùng cực để san sẻ áo cơm và tình người theo gương Chúa để lại.
Nơi Thứ Mười Một: Chúa Giêsu chịu đóng đinh
Bàn tay nắm chặt cán búa của những tên lý hình giáng xuống chát chúa trên những chiếc đinh nhọn trong lòng bàn tay đang mở ra của Chúa Giêsu. Vì yêu thương nhân loại Chúa Giêsu đã mở rộng bàn tay để thi ân tất cả và cũng để đón nhận tất cả đớn đau sỉ nhục bẽ bàng. Người mở rộng bàn tay để lời tiên tri thuở nào được nên trọn: “Họ đâm thủng tay và chân tôi, tôi có thể đếm hết các xương tôi”.
Trước cái chết đang đợi sẵn, Chúa Giêsu vẫn mở rộng bàn tay, đôi chân và tấm thân vốn đã bị tước đoạt hết y phục để thi thố tình yêu trước sự độc ác, căm phẫn của lòng người. Người dùng chính hành động của kẻ sát nhân để bày tỏ tình yêu không cạn kiệt hằng ở bên Cha trong Người. Toàn thân Chúa đã nên thương tích để chữa lành những tâm hồn mang vết tích đau thương.
Lạy Đức Kitô bị đóng đinh, xin thúc đẩy chúng con yêu thương không chỉ là ban tặng, gia ân, nhưng còn là mở rộng đôi tay, tấm lòng đón nhận những vết thương rướm máu nhiều khi thật nghiệt ngã trớ trêu khó lành. Xin đóng đinh con vào tình yêu Ngài, để con có sức mạnh và lòng can đảm chịu đóng đinh cho anh em, thay vì con đóng đinh anh em.
Nơi Thứ Mười Hai: Chúa Giêsu chết trên Thập Giá
Tin mừng thánh Gioan thuật lại: Chúa Giêsu biết là mọi sự đã hoàn tất. Và để ứng nghiệm lời Kinh Thánh, Người nói: “Ta khát!”. Ở đó có một bình đầy giấm. Người ta lấy miếng bột biển có thấm đầy giấm, buộc vào một cành hương thảo, đưa lên miệng Người, nếm một chút, Chúa Giêsu nói: “Mọi sự đã hoàn tất!”. Rồi Người gục đầu xuống trút hơi thở.
Chúng ta đã từng được nghe báo tin hay chứng kiến về nhiều cái chết:
– Có cái chết vô nghĩa của kẻ bị phụ tình bạc nghĩa.
– Có cái chết cao cả của người mẹ hy sinh mạng sống mình để cứu người con.
– Có cái chết anh dũng của kẻ hiếu với dân, trung với nước.
– Có cái chết âm thầm từng ngày của người hy sinh cả cuộc đời phục vụ những người khốn khổ nghèo hèn.
Giờ đây, dừng lại ở chặng thánh giá này, chúng ta lại thêm một lần chiêm ngắm cái chết của Con Thiên Chúa. Đó không phải là cái chết vô tình, vô nghĩa hay vô vọng, nhưng là cái chết vì yêu, cái chết của người hiến mình đến tận cùng cho nhân loại.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con cảm nhận sâu xa bài học yêu thương của Chúa. Ước chi tình yêu của Chúa luôn là lời mời gọi và thôi thúc chúng con dám hy sinh, hiến mình cho người khác, hầu giúp họ được lớn lên và sống sung mãn hơn.
Nơi Thứ Mười Ba: Hạ xác Chúa Giêsu xuống khỏi Thập Giá
Bắt đầu từ Thứ Sáu Tuần Thánh, Giáo Hội đi vào cuộc tưởng niệm Tử nạn của Chúa Giêsu, để rồi qua sự chết, chúng ta đón mừng Chúa Phục sinh. Cũng như khi người thân giã từ cõi thế, mặc dù với khóc than và nước mắt, nhưng niềm tin của người Kitô hữu luôn đặt đến cuộc sống trường sinh với Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã mang lại cho chúng con sự sống đích thực, sự sống mà chính Chúa phải trả giá, phải được hạ xuống tận lòng đất. Xin cho mỗi người chúng con có can đảm để nhìn lại cuộc dấn thân của mình, dám để mình “bị hạ xuống” vì danh Giêsu, dám để tình yêu Giêsu lan tỏa trong cuộc đời khi tình yêu ấy phải nói trong nghĩa “thập giá”.
Nơi Thứ Mười Bốn: Táng xác Đức Giêsu trong mộ đá
Tin mừng thánh Gioan thuật lại: Sau khi đã lấy băng vải tẩm thuốc thơm mà quấn xác Chúa theo tục lệ người Do Thái, ông Giuse Arimathia đã để xác Chúa Giêsu vào ngôi mộ đục sẵn trong núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ.
Việc táng xác Chúa Giêsu diễn ra trong vội vàng vì đã áp ngày Hưu Lễ. Trước khi mặt trời lặn, người ta đã lăn một tảng đá to lấp cửa mồ. Một sự an nghỉ hoàn toàn bao quanh ngôi mộ Chúa. Khi đã hoàn tất những gì Chúa Cha đã gửi Người xuống thế, Chúa Giêsu đã an nghỉ trong mồ.
Dưới con mắt nhân loại thì Chúa Giêsu hoàn toàn thất bại. Người đã bị chôn trong sự thinh lặng, cô đơn và trong bóng tối của lòng đất.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết liên kết với Đức Maria trong đức tin và niềm hy vọng để mọi nỗi sầu muộn, khổ đau không làm suy giảm niềm tin của chúng con, và dù bóng tối càng mịt mù, thử thách càng nặng nề thì chúng con càng kiên vững vào Chúa.
Lời nguyện kết:
Lạy Chúa Giêsu, tội lỗi chúng con chính Chúa mang lấy. Tình yêu của Chúa xoá hết mọi tội khiên. Chúa đã đến để nối kết đất với trời, con người với Thiên Chúa. Thập giá đã dựng nên để chúng con được tha và được yêu.
Chúa không vác thập giá với than khóc, thụ động, ngã quỵ và nằm lỳ. Xin cho chúng con hiểu đường thập giá là đường tình yêu, đường dẫn tới giải thoát và chan hoà ánh sáng Phục sinh. Xin giúp chúng con kiên trì vác thập giá đời mình theo Chúa trong cố gắng kiện toàn và đổi mới. Amen.
Tuần Thánh 2021
Ban Phụng vụ