Suy niệm Lời Chúa – Thứ sáu tuần VIII thường niên – Mc 11:11-26

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (11,11-26)

11Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem và đi vào đền thờ. Người rảo mắt nhìn xem mọi sự, và vì giờ đã muộn, Người đi ra Bê-ta-ni-a cùng với nhóm Mười Hai. 12Hôm sau, khi thầy trò rời khỏi Bê-ta-ni-a, thì Đức Giê-su cảm thấy đói. 13Trông thấy ở đàng xa có một cây vả tốt lá, Người đến xem có tìm được trái nào không. Nhưng khi lại gần, Người không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi, vì không phải là mùa vả. 14Người lên tiếng bảo cây vả: “Muôn đời sẽ chẳng còn ai ăn trái của mày nữa!”. Các môn đệ đã nghe Người nói thế.

15Thầy trò đến Giê-ru-sa-lem. Đức Giê-su vào đền thờ, Người bắt đầu đuổi những kẻ đang mua bán trong đền thờ, lật bàn của những người đổi bạc và xô ghế của những kẻ bán bồ câu. 16Người không cho ai được mang đồ vật gì đi qua đền thờ. 17Người giảng dạy và nói với họ: “Nào đã chẳng có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân tộc sao? Thế mà các người đã biến thành sào huyệt của bọn cướp!”. 18Các thượng tế và kinh sư nghe thấy vậy, thì tìm cách giết Đức Giê-su. Quả thế, họ sợ Người, vì cả đám đông đều rất ngạc nhiên về lời giảng dạy của Người. 19Chiều đến, Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi thành.

20Sáng sớm, khi đi ngang cây vả, các ngài thấy nó đã chết khô tận rễ. 21Ông Phê-rô sực nhớ lại, liền thưa Đức Giê-su: “Kìa Thầy xem: cây vả Thầy rủa đã chết khô rồi!”. 22Đức Giê-su nói với các ông: “Anh em hãy tin vào Thiên Chúa. 23Thầy bảo thật anh em: nếu có ai nói với núi này: ‘Dời chỗ đi, nhào xuống biển!’, mà trong lòng chẳng nghi nan, nhưng tin rằng điều mình nói sẽ xảy ra, thì sẽ được như ý. 24Vì thế, Thầy nói với anh em: tất cả những gì anh em cầu xin, anh em cứ tin là mình đã được rồi, thì sẽ được như ý. 25Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em. [ 26Nhưng nếu anh em không tha thứ, thì Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng sẽ không tha lỗi cho anh em]”.

SUY NIỆM

Hình ảnh cây vả trong Kinh Thánh tượng trưng cho dân tộc Israel. Nathanael hay Bartolomeo vốn đã từng ngồi dưới gốc cây vả khi được Chúa thấy và gọi ông (x. Ga 1,48). Trong tư thế học hỏi và suy tư này, khi được nghe về Đấng Messia xuất thân từ Nagiarét, qua lời giới thiệu của Philipphê, Nathanael đã mau mắn tự hỏi, bằng chính khả năng kiến thức cùng kinh nghiệm mình có, rằng “từ Nagiarét, làm sao có cái gì hay được” (Ga 1,46). Điều này cho thấy, điều kiện trước tiên để có thể bước theo và trở nên môn sinh của Chúa là hoán cải trong não trạng và tâm thức mà mỗi cá nhân có về chính mình, về chân lý đang lĩnh hội bằng việc “hãy đến mà xem” (x. Ga 1,39.46).

Tin mừng hôm nay kể lại, cây vả mà Chúa Giêsu “đến xem có tìm được trái nào không” thì lại không có trái. Điều này theo lẽ tự nhiên là vì ngoài mùa của cây vả. Nhưng hình ảnh cây vả không sinh trái này được Marcô đặt liền kề khung cảnh đoàn dân Israel lên Giêrusalem dự lễ. Nói theo thánh sử Gioan, đây là dịp gần đến lễ Vượt qua của người Do Thái (x. Ga 2,13). Một nhiệm cục cứu độ mới mẻ đã được khai mào nơi Chúa Giêsu đòi hỏi “sự hoán cải” trong việc thờ phượng đích thực. Dân Chúa cử hành lễ để hồi tưởng về một Thiên Chúa đã yêu thương và giải thoát dân, nhất là Chúa là Thiên Chúa của Israel, dân là dành riêng cho Ngài. Thế nhưng, giờ đây, cử chỉ thanh tẩy đền thờ của Chúa Giêsu, Con của Thiên Chúa Cha, khi Người tiến vào nhà Cha của mình đã vạch trần bộ mặt đền thờ như là “sào huyệt của bọn trộm cướp”, qua việc đánh đuổi kẻ mua bán, lật bàn người đổi tiền, xô ghế kẻ bán bồ câu… Bởi điều vốn đem lại sự thánh thiêng cho nhà cầu nguyện của mọi dân tộc giờ đây đã trở thành phàm tục qua chính cung cách thờ phượng của dân Chúa. Nói như Chúa Giêsu, khi trích lời tiên tri Isaia: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta” (Mc 7,6). Một cây vả thiêng liêng như thế không sinh trái là lẽ tất nhiên và cũng dễ hiểu.

Ngẫm nghĩ về hình ảnh tượng trưng của cây vả không sinh trái trong đời sống đức tin của người Kitô hữu, đâu đó chúng ta cũng gặp thấy lối sống theo kiểu “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy” – một não trạng phổ biến của nhiều người hôm nay về cách chọn lựa khôn lanh, sống theo hoàn cảnh, miễn sao có lợi cho mình: “Gió chiều nào che chiều ấy”. Nhưng thờ phượng Chúa đích thực thì đòi hỏi người môn đệ Chúa phải can đảm đối diện, vạch trần thói “sống hai mặt” hay con người bị phân mảnh bởi những thái độ “sống bất nhất” theo thói đời, theo tiêu chuẩn thế gian thay vì theo chất Tin mừng hầu sinh hoa trái sum suê và dồi dào vì vinh danh Chúa và để cứu các linh hồn.

Lạy Chúa Giêsu, sống theo Chúa đã là khó nên thuộc về Chúa lại còn khó hơn biết chừng nào, bởi chúng con phải từ bỏ những mặt nạ bản thân, những căn phòng nhiều ngóc ngách trong tâm hồn chúng con. Xin giúp chúng con đừng sợ hãi “đến mà xem” nơi trái tim hiền lành và khiêm nhường của Chúa. Vì chỉ nơi Thánh tâm Chúa, “cây vả” sự sống đời chúng con mới có khả năng sinh hoa trái bốn mùa, trong ân sủng và tình yêu của Chúa. Amen.

Nguồn: Giáo phận Phú Cường