Suy Niệm Thứ Ba Tuần II Thường Niên

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (2,23-28)

23 Vào một ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa.24 Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su: “Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!”25 Người đáp: “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng?26 Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế”.27 Người nói tiếp: “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát.28 Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát”.

SUY NIỆM

Bài Tin mừng này cùng với hai bài Tin mừng trước, nêu lên những khác biệt và đối chọi giữa Chúa Giêsu và người biệt phái trong sứ mạng của Chúa. Nhân việc người biệt phái kết án các môn đệ phạm luật ngày Sabat vì đã bứt lúa ăn, Chúa Giêsu đã dạy cho họ bài học về thái độ đúng đắn trong việc giữ luật, và cho biết quyền năng của Người trên ngày Sabat.

Người biệt phái cho rằng, việc giữ luật làm cho họ nên công chính, vì thế họ giữ luật cách rất khắt khe và tỉ mỉ. Khi giữ luật tỉ mỉ như vậy, họ được dân chúng kính trọng, cho là đạo đức; từ đó, họ dễ trở nên kiêu ngạo và giả hình: tôn mình lên hơn người khác (họ nhận mình là biệt phái: nhóm riêng biệt), và tìm mọi sai sót trong việc giữ luật của người khác để chê trách, lên án.

Chúng ta thấy, có nhiều người giữ luật rất tỉ mỉ. Điều đó tốt. Nhưng khi tự cho mình là đạo đức và để ý bắt bẻ người khác lỗi luật, bất kể vì lý do gì, thì lại trở thành những kẻ “giữ luật vị luật”; và tệ hơn “giữ luật vì mình” để được khen là đạo đức, tốt lành hơn người. Từ đó, trở thành những kẻ đạo đức giả và nô lệ của luật.

Ngược lại, cũng có những kẻ lấy cớ giữ “đạo tại tâm” để biện minh cho sự ươn lười việc đạo đức của mình, thậm chí họ còn chê bai những người siêng năng là “đạo đức giả”. Họ đả phá các việc đạo đức của cộng đoàn, của Giáo hội… Vậy ra, tôi cần phải có thái độ sống như thế nào?

“Hãy yêu đi, rồi hãy làm” (thánh Augustinô). Tình yêu là thước đo trong việc giữ luật Chúa. Vì một khi có tình yêu làm động lực, thì mọi luật lệ, qui định đều trở nên “êm ái, nhẹ nhàng”. Tình yêu giúp giữ luật dễ dàng. Tuân giữ luật tốt lại làm tăng tình yêu mến. Mối tương quan biện chứng giữa hai thực tại này thật khăng khít. Vậy tôi đã giữ luật Chúa, luật Giáo hội vì tình yêu, do tình yêu và cho tình yêu chưa?

Lạy Chúa, Chúa muốn con trở nên người trưởng thành trong cách phân định, chọn lựa của mình, xin Chúa giúp con luôn biết lựa chọn cho mình điều đẹp ý Chúa nhất. Amen.

Nguồn: Giáo phận Phú Cường