Suy Niệm Thứ Hai Thường Niên VIII

GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Marcô (10,17-27)

Khi ấy, Đức Giê-su vừa lên đường, thì một người chạy lại, quỳ gối xuống trước Người và hỏi: “Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?” Đức Giê-su trả lời: “Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt, hãy thảo kính cha mẹ”. Người ấy thưa: “Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ”. Bấy giờ Đức Giê-su chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: “Ngươi chỉ còn thiếu một điều là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta”. Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Đức Giê-su nhìn chung quanh, và bảo các môn đệ rằng: “Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao”. Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Đức Giê-su lại nói tiếp và bảo các ông rằng: “Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa”. Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Như vậy thì ai có thể được cứu độ?” Đức Giê-su chăm chú nhìn các ông, và nói: “Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự”.

SUY NIỆM

Tiêu chuẩn nào để gọi là Kitô hữu tốt?

Nếu như ngày hôm nay người thanh niên kia đến hỏi chúng ta, là đại diện của Giáo hội Chúa Kitô chúng ta sẽ khuyên nhủ anh thế nào?

Nhìn chung, chúng ta vẫn có một đời sống Kitô gương mẫu: siêng năng tham dự thánh lễ, đọc kinh đọc sách đầy đủ, tham gia các hội đoàn, sinh hoạt, làm việc nhà thờ… Như người thanh niên, chúng ta giữ luật Chúa quá tốt, thậm chí ở mức hoàn hảo. Tuy nhiên, khi đụng tới việc từ bỏ của cải là một chuyện khác. Nhưng đây là bước quyết định. Khi được đề nghị bán hết của cải cho người nghèo, anh ta không nói không rằng, lẳng lặng bỏ đi. Thánh Marcô thật khôn khéo khi viết chi tiết này, nó diễn tả được tất cả nội tâm của anh. Anh không nói với Chúa Giêsu rằng không bán, anh chỉ buồn, sụ nét mặt, rồi bỏ đi. Đó là chọn lựa của anh, một quyết định nhẹ nhàng nhưng dứt khoát.

“Đồng tiền đi liền khúc ruột”, không biết tự khi nào mà tục ngữ Việt Nam ta có câu nói bất hủ này. Nó giúp ta thấy rõ con người của ta. Cách sử dụng đồng tiền nói với người khác về bản chất con người của ta. Giá mà Chúa mời anh ta chỉ bán một phần, còn lại một ít lận lưng cũng đỡ. Nhưng không, anh dứt khoát và Chúa càng dứt khoát, không thể lấn cấn.

Cái thiếu sót trong đời sống của ta cũng giống như người thanh niên. Ta quá chú trọng vào đồng tiền, quá coi trọng tiền bạc, khiến bản chất “trọng của cải hơn người” của ta bộc lộ. Khi quyên góp cho người nghèo, chúng ta keo kiệt bủn xỉn, khó chịu; khi góp vào cho nhà Chúa, chúng ta khó khăn ra mặt với những người thừa hành phục vụ; khi cần chia sẻ những khó khăn với ai, đóng góp cho tang chế, cho việc công ích, chúng ta so nài, tính toán hơn thiệt, đòi công bằng… Mới như thế mà chúng ta đã không dám quảng đại, dù chỉ là một chút, quá ít so với những gì ta có đã là khó với chúng ta, huống chi là cho hết cả gia sản?

Thế nhưng, Hội thánh của Chúa vẫn có những người dám dâng hiến cả tài sản của mình cho Chúa. Có người này có người khác. Ai cho nhiều sẽ được Chúa đong lại cho đầy. Keo kiệt với Chúa làm sao chúng ta có thể kêu lòng nhân từ và quảng đại của Chúa ngày sau!

Lạy Chúa, xin giúp chúng con luôn biết mở rộng lòng bàn tay, để chúng con biết mạnh dạn chia sẻ. Xin giúp chúng con cũng luôn biết mở rộng con tim, để chúng con biết chạnh lòng thương mà sẻ chia những thiếu thốn của anh chị em mình. Amen