Suy niệm thứ hai, tuần 27 thường niên

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy, có người thông luật kia muốn thử Đức Giê-su mới đứng lên hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào?” Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình”. Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống”.

Tuy nhiên, ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?” Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy nạn nhân, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, thấy thế, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới chỗ nạn nhân, thấy vậy thì động lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu xức vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: ‘Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác’. Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy”. Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy”.

SUY NIỆM

AI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN CỦA TÔI và TÔI LÀ NGƯỜI THÂN CẬN CỦA AI?

Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?”

—/—

Trong thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ, chương 4, câu 10, ngài nói rằng: “Tình Yêu cốt ở điều này: không phải ta yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta” (1 Ga 4,10). Đó chính là sáng kiến tình yêu đi bước trước của Chúa Cha trong chương trình cứu độ.

Vì thế, Bí tích Thánh Thể chính là Bí Tích Tình Yêu, là hành động chủ động bước trước của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Nơi Bí Tích này, chính Chúa hiện diện thực sự và ở với chúng ta.

Đức cố TGM Phaolô Bùi Văn Đọc viết trong tác phẩm “Mầu Nhiệm Thánh Thể” rằng: “Nơi bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta là những khách mời của Thiên Chúa Cha, của Chúa Kitô là Con Thiên Chúa, và Chúa Thánh Thần là tình yêu của Thiên Chúa. Chúng ta không tự động đến bàn tiệc Thánh Thể, nhưng chính vì Thiên Chúa mời ta. Thiên Chúa luôn đi bước trước, vì Người quý trọng yêu thương ta”. Như thế, nơi Bí Tích Thánh Thể Thiên Chúa đã bước đến tận nhà của ta và trở thành người thân cận của ta mọi ngày.

Vì thế, khi rước Chúa, chúng ta được học luật yêu thương mà Thiên Chúa đã tỏ bày cho con người, đó là “Hãy trở nên người thân cận với người khác”. Nhưng trở nên người thân cận như thế nào?

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã đảo ngược hoàn toàn quan niệm về “người thân cận” nơi câu hỏi của người thông luật.

Người thông luật hỏi: “Ai là người thân cận của tôi?” (nghĩa thụ động): Theo nghĩa này thì những người khác phải làm gì đó, thể hiện thế nào, để tôi cảm thấy họ là người thân cận của tôi. Ở nghĩa này, những người khác phải chủ động hành động trước, còn tôi là người đứng tại chỗ: xem, xét, nhận định xem coi họ có phải là người thân cận của tôi không.

Còn Đức Giêsu lại trả lời ông ta bằng một câu chuyện khác, sau đó Ngài hỏi: Ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? (nghĩa chủ động): Theo nghĩa này thì chính ta bước đi trước, hành động trước và tỏ ra để người khác thấy rằng ta có phải là người thân cận của họ không. Hay nói cách khác, thì chính ta có thân cận với người khác hay không.

Ở hai hình thái của hai câu hỏi này, ta thấy người Samari đã chủ động trở nên thân cận với người bị nạn. Ông không ngồi đợi người bị nạn dò xét xem ông có phải là người thân cận của anh ta không, nhưng người Samari đã chủ động trở thành người thân cận của anh ta và giúp đỡ anh. Đây chính là tình yêu đi bước trước mà Thiên Chúa đã tỏ ra cho con người.

Tuy nhiên, trong cuộc đời, chúng ta thường hay làm ngược lại. Ta thường hay dò xét xem ai mới là người thân cận của ta, ai là người thuộc phe ta. Ta thường suy nghĩ và hành động: Người thân cận của tôi là những người không phản đối tôi, là những người không chống tôi, là những người luôn khen tôi, là những người hay cho tôi quà, những người làm cho tôi thăng tiến, những người bảo vệ quyền lợi của tôi….. Và thế là ta vui vẻ, cười tươi, thậm chí bợ đỡ với những người này, còn với những người khác, chống tôi, nói ngược tôi, không chịu khen tôi, những người chẳng ảnh hưởng gì đến quyền lợi và địa vị của tôi… thì tôi tỏ ra khó chịu, không vui, không muốn tiếp đón, bởi tôi cho rằng họ không phải là người thân cận của tôi. Chúng ta thử nhìn lại Chúa Giêsu trong hành trình thập giá:

– Trong vườn Cây Dầu, ai là người thân cận của Chúa Giêsu? Ai là người thân cận của Giuđa Iscariốt?

– Trong dinh thượng tế, ai là người thân cận của Chúa Giêsu? Có phải Phêrô chăng?

– Trong toà án của Philatô, ai là người thân cận của Chúa Giêsu – Vua dân Do Thái? Ai là người thân cận của Philatô? Phải chăng là Kinh Sư, Biệt Phái, Tiến Sĩ Luật và đám đông dân chúng? Nếu Philatô thả Chúa Giêsu thì ông ta sẽ như thế nào?

– Trên hành trình vác thập giá, ai là người thân cận của Chúa Giêsu? Phải chăng là một Simon vác đỡ thập giá? Hay những người phụ nữ?

Trong cuộc đời của chúng ta cũng vậy. Nơi công sở, nơi trường học, nơi nhà thờ… Ai sẽ là người thân cận của tôi? Và tôi sẽ là người thân cận của ai?
 

– Người thân cận của tôi: Phải chăng là ông tổng giám đốc, ông giám đốc, ông hiệu trưởng, bà hiệu trưởng, ông cha xứ, ông cha phó …

– Tôi không phải là người thân cận của: Bác bảo vệ, những người cấp dưới, những người giữ xe…

Nếu như trong Bí Tích Thánh Thể, Thiên Chúa qua Đức Giêsu đã chủ động trở nên người thân cận với chúng ta, cho dẫu chúng ta thấp hèn, tội lỗi, thì mỗi lần trước khi tham dự Thánh Lễ, trước khi rước lễ, chúng ta hãy tự vấn chính mình rằng: Tôi đã sống thân cận với mọi người như thế nào, đặc biệt là những người nhỏ bé, yếu đuối hơn chúng ta?

Và cuối cùng, chúng ta hãy tự trả lời câu hỏi này: “Tôi có phải là người thân cận của Chúa không?” Vì chính Chúa đã nói: “Vì khi xưa Ta đói khát… Ta là khách lạ… Ta trần truồng… Ta đau yếu… Ta bị tù đày… Các người đã không cho ăn… không tiếp rước…. không cho mặc…”. Vậy chúng ta hãy sống và trở nên người thân cận với Chúa qua những người xung quanh. Đó chính là cách thế để có sự sống đời đời.

Lạy Chúa, chúng con đều là tội nhân, nhưng Ngài đã yêu thương và cứu độ chúng con. Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng con đừng loại trừ anh chị em của mình, vì họ chính là đối tượng yêu thương của Chúa qua chúng con. Amen.

Cao Nhất Huy