Suy Niệm Tin Mừng Chúa Nhật XV TN Năm C

Kính Chúa Yêu Người

Lc 10,25-37

Ngoài việc chúng ta phải “yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết trí khôn”, chúng ta cũng phải “yêu mến người thân cận như chính mình”. Chúa Giêsu liền dùng một dụ ngôn để trả lời câu hỏi của người thông luật, “nhưng ai là người thân cận của tôi?”

   Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn chính chúng ta tự nhận ra: (1) Ai đang là người thân cận của chúng ta; (2) chúng ta đã, đang, và sẽ là người thân cận của ai; (3) làm thế nào để trở nên một người thân cận “đúng nghĩa”. Đối với người hành khách từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, người thân cận của anh không phải là thầy tư tế, thầy Lêvi, và hiển nhiên không phải là những kẻ cướp dọc đường. Hiển nhiên, kẻ gây hại cho người khác về thể xác, vật chất, tinh thần, v.v., thì không thể gọi là người thân cận của người ấy được. Kẻ bàng quang, thấy chết mà không cứu, thấy cần phải giúp mà thờ ơ, lảng tránh, bỏ mặc, v.v., cũng không thể là người thân cận được. Nhưng người thân cận là người biết yêu thương, được thể hiện qua những hành động cụ thể. Yêu thương là thực hiện những điều tốt đẹp cho người mình thương mến. “Không có tình yêu nào cao quí hơn sự hiến mình cho người mình yêu”. Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những tội nhân.

        Thầy tư tế và thầy Lêvi khác nhau về phẩm trật trong Do thái giáo, khác nhau về thời điểm đối diện với nạn nhân của vụ cướp, nhưng họ không khác nhau trong cung cách hành xử với người bị nạn. Họ là người cùng dân tộc với kẻ bị hại, nhưng như dụ ngôn cho thấy “dân tộc tính”, hay “tôn giáo tính” chưa hẳn dễ dàng khiến ai đó thành người thân cận của mình. Kinh nghiệm cuộc đời cho chúng ta biết không phải những người trong gia đình, thân tộc, trong nhóm bạn, v.v., lúc nào cũng là những bảo chứng tình yêu cho chúng ta.

       Mặc kệ nó, chẳng phải chuyện của tôi, tôi còn có nhiều chuyện quan trọng hơn cần phải làm, hơi đâu mà “xía” vào chuyện của người khác, nên tránh xa, giữ an toàn cho mình, “tránh qua bên kia mà đi”, v.v., có phải chỉ là thái độ của vị tư tế và thầy Lêvi, hay đó cũng là thái độ mà mỗi người chúng ta đã và đang có?

      Nhiều người cũng dựa trên thái độ sống “sòng phẳng”, hay “có qua có lại”. Anh đã không giúp tôi trước đó, thì chẳng có lý do gì tôi giúp anh lúc này. Nhưng thử hỏi đây có phải là lối sống mà Chúa Giêsu dạy các môn đệ của Người? Nhìn vào cuộc đời của Người, chúng ta thấy Chúa luôn là người đi bước trước. Nơi Người chúng ta học được bài học: Yêu thương thúc đẩy người ta bước đi những bước trước tiên đến với tha nhân. 

      Người Samaritano có những khác biệt căn bản với những người trên đây (kẻ cướp, tư tế, Lêvi, và người hành khách bị trọng thương). Nơi anh có “tình người”, có lòng nhân ái. Anh cũng giống như thầy tư tế, và thầy Lêvi, là chứng kiến cảnh tượng đau lòng trước mắt, nhưng anh khác với họ ở chỗ anh biết “chạnh lòng thương”. Chạnh lòng thương tạo nên sự khác biệt. Nhưng liệu chạnh lòng thương chỉ là một phút thoáng nghĩ đến, một cảm xúc xót thương chợt trào dâng trong tâm hồn mình? Có lẽ chạnh lòng thương phải đi xa hơn điều này. Không ai trong chúng ta có thể tự động yêu thương người khác được. Đây là cả một quá trình sống. Không ai tự sinh ra đã biết yêu thương người “xa lạ”, nhưng phải được huấn luyện, phải trải qua thử thách, để học biết cách thương cảm, và nâng đỡ người khác.

       Chạnh lòng thương không dừng lại ở thái độ xót xa, không dừng lại ở những tiếng thở dài, v.v. Chạnh lòng thương đích thực nhất thiết phải dẫn tới việc thực hiện những nghĩa cử cao đẹp cho người khác. Hãy ngắm xem người Samaritano đã làm gì: “Ông ấy lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc”. Yêu thương thì có sáng kiến. Khi mình không thể trực tiếp giúp người bị nạn, người yêu thương vẫn biết cách phải làm sao cho vẹn đôi đường: “Hôm sau, người ấy lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: ‘Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác’”. Theo một cách nhìn nào đó, hành động yêu thương đa phần là rước lấy phiền toái vào mình. Nhưng người có lòng yêu thương đích thực không xem đó là điều phiền phức, mà kể chúng như không, đến độ xem chúng là niềm vui. Người có lòng yêu thương đích thực chẳng cần đến câu cám ơn, thậm chí chẳng muốn nghe câu nói ấy. Người ấy xem sự an toàn, sự triển nở của kẻ được yêu thương là niềm vui, là hạnh phúc của chính mình.

       Nhưng khi ngọn lửa tình yêu đã tắt, người ta bắt đầu toan tính thiệt hơn. Khi yêu thương thì lo lắng, quan tâm, biết mở hầu bao, biết cách hành xử sao cho đẹp. Khi không còn yêu nữa, thì mỗi người là một thế giới đóng kín, kẻ khác không vào được, mỗi người tự lo trả các hóa đơn cho mình. Cho mình mà thôi! Cuộc sống của chúng ta thường là sự pha trộn của 4 loại người trong dụ ngôn: kẻ bị cướp nằm thoi thóp chờ chết, mong có ai đó dủ tình thương? Hay là những kẻ trộm cướp, xem tài sản của người khác ngẫu nhiên là của mình, mình có quyền chiếm đoạt, bằng đủ mọi cách, kể cả những cách tàn bạo nhất? Hay là thái độ của thầy tư tế và thầy Lêvi, chắc có đủ lý do để không muốn vướng bận vào chuyện đời? Hay là người Samaritano dám cho đi chính mình?

      Chúa Giêsu cần nơi chúng ta lòng thương xót. Chúa không cần câu trả lời đúng. Chúa cần hành động tiếp theo câu trả lời chính xác ấy. “Hãy đi và làm như vậy”, là điều Chúa đang nói với tôi. Thử hỏi tôi đã là người thân cận của những ai? Những ai cần tôi quan tâm vào lúc này, trong thời gian này, cụ thể tôi sẽ làm gì đây? Hay đâu là điều tôi cũng muốn được nâng đỡ vào lúc này, khi tôi thấy mình cũng đang thoi thóp như người bị cướp đánh dọc đường?

TGP Sài Gòn