Truyền thông trong tầm nhìn của Đức Thánh Cha Phanxicô

TRUYỀN THÔNG TRONG TẦM NHÌN CỦA ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ

Lm. Giuse Lê Công Đức, PSS.
Ngày 21.5.2023

Mục lục

1. Một cách tốt để tiếp cận ý nghĩa truyền thông là qua ngả sứ mạng

2. Sứ mạng Kitô giáo là loan báo Tin Mừng

3. Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội

4. “Hãy đến và xem! (Ga 1,46) – Truyền thông [là] gặp gỡ mọi người trong thực tế của họ”

5. “Lắng nghe bằng [lỗ tai của] trái tim”

6. “Nói bằng trái tim – Sự thật trong tình yêu” (Ep 4,15)

7. Một số đề cập khác của Đức Phanxicô về truyền thông

8. Lời kết

1. Một cách tốt để tiếp cận ý nghĩa truyền thông là qua ngả sứ mạng

Kể từ Công đồng Vatican II, chúng ta đã nghe và nói nhiều về Hội Thánh là mầu nhiệm, hiệp thông và sứ mạng. Chẳng hạn, chủ đề Năm thánh 2010 của Giáo hội Việt Nam… 

Hiện nay, chúng ta đào sâu phong cách hiệp hành của Hội Thánh, với các chiều kích hiệp thông, tham gia và sứ mạng được hiểu một cách toàn nhập, trong đó sứ mạng là định hướng nền tảng.

Mới năm ngoái, một số cải cách giáo triều được thực hiện (với Tông hiến Praedicate Evangelium, 19.3.2022), trong đó Bộ Loan báo Tin Mừng (tức là ‘Bộ Sứ mạng’ đó!) được xếp thứ nhất trong các Bộ, và được đặt dưới sự đứng đầu trực tiếp của chính Đức thánh cha…

Tất cả những điều này xác nhận bản chất hay lý do hiện hữu của Giáo hội là sứ mạng thừa sai. Trong Hội Thánh, mọi sự đều được định hướng sứ mạng. Bất cứ gì không được định hướng sứ mạng thì có nguy cơ đi lạc!

2. Sứ mạng Kitô giáo là loan báo Tin Mừng

Chúng ta cũng thường nói: ‘rao giảng’, ‘giảng dạy’, ‘truyền bá Phúc Âm’, ‘truyền bá đức tin’, ‘truyền giáo’, ‘đối thoại’ (với văn hóa, tôn giáo, với người nghèo), ‘làm chứng’ (trao chứng từ, chứng tá)… Những động từ này đều thuộc về ý nghĩa truyền thông! Như vậy, truyền thông là hành động, là công việc của Giáo hội. Đối với Giáo hội, sống là truyền thông. “Làm sao người ta nghe, nếu không có ai rao giảng?” (Rm 10,14).          

Thật vậy, Giáo hội chưa bao giờ coi nhẹ truyền thông; nếu có những bất cập, thì thường là do ‘lực bất tòng tâm’… Đặc biệt, trong thời đại truyền thông bùng nổ của chúng ta, với biết bao cơ hội và thách đố của nó, Giáo hội càng quan tâm đến truyền thông và giáo dục truyền thông. Hiện nay, trong cơ cấu tổ chức giáo triều, có Bộ Truyền Thông (Dicastery for Communication). Rất nhiều mạng lưới truyền thông Kitô giáo đã được thiết lập và hoạt động ở cấp hoàn vũ, châu lục, quốc gia, giáo phận, giáo xứ… Các khóa đào tạo hay bồi dưỡng về truyền thông được tổ chức, và thường nhắm những mục tiêu thiết thực như:

– Giúp hiểu vai trò thiết yếu của truyền thông trong sứ mạng của Giáo hội.

– Giúp hiểu sức mạnh của truyền thông và ảnh hưởng của nó trên đời sống con người.

– Giúp phân tích với óc phê bình các sản phẩm truyền thông.

– Giúp đạt được các kỹ năng truyền thông hữu hiệu hơn, cải thiện việc truyền đạt và tiếp thu.

– Nhận ra nhu cầu phải quan tâm nhiều hơn đến truyền thông xã hội trong các chương trình đào tạo

3. Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội

Với tầm quan trọng của truyền thông như vậy, Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội đã được Đức thánh cha Phaolô VI thiết lập vào năm 1967, và được cử hành hằng năm cho đến nay. Ba năm gần đây, đồng nhịp với sự kiện Thượng Hội đồng Giám mục về tính hiệp hành, Đức Phanxicô có một loạt Sứ điệp về truyền thông vừa rất sâu sắc vừa rất thực tiễn. Các chủ đề lần lượt là:

– Năm 2021: Hãy đến và xem! (Ga 1,46) –Truyền thông [là] gặp gỡ mọi người trong thực tế của họ.

– Năm 2022: Lắng nghe bằng trái tim

– Năm 2023: Nói bằng trái tim – “Sự thậttrong tình yêu” (Ep 4,15).

Như thế, Đức thánh cha quảng diễn giáo huấn về truyền thông của ngài gắn với các hành động truyền thông cơ bản: đến, xem, lắng nghe,  nói – tất cả đều từ trái tim!

4. “Hãy đến và xem! (Ga 1,46) – Truyền thông [là] gặp gỡ mọi người trong thực tế của họ”

Nguồn cảm hứng ở đây là một loạt các mẩu chuyện trong Tin Mừng Gioan:

– Chúa Giêsu mời hai môn đệ đến và xem Người là ai, chỗ của Người thế nào (x. Ga 1,35-39)…

– Philipphê giới thiệu về Chúa Giêsu, Nathanael nghi ngờ, và Philipphê đề nghị “Cứ đến mà xem” (x. Ga 1,45-46)…

– Những người dân của làng Samari nọ nói với người phụ nữ: “Giờ đây chúng tôi tin không phải vì chị nói, mà vì chính chúng tôi đã trực tiếp gặp và nghe…” (Ga 4,42).

Internet là công cụ truyền thông kỳ diệu của thế giới hiện đại. Với đặc tính ‘toàn cầu’ và ‘ngay lập tức’, nó dường như có thể đưa chúng ta đến và xem trực tiếp bất cứ sự kiện nào ở bất cứ đâu mà không cần phải di chuyển gì cả. Nói chung là đúng như vậy, và ta biết ơn với sự trân trọng công cụ này. Nhưng Đức thánh cha đặc biệt lưu ý, những thông tin và hình ảnh trực tiếp ấy rất dễ bị thao túng. Ta dễ bị đánh lừa và lạc xa sự thật. Song điều thiết yếu nhất mà Đức thánh cha nhấn mạnh, đó là không gì thay thế được việc có mặt và gặp gỡ trực tiếp. Ta nghĩ đến tầm quan trọng của việc các tướng lĩnh thị sát mặt trận; các giám mục, linh mục đến thăm dân chúng; các phóng viên, nhà báo làm phóng sự trực tiếp từ chiến trường, hiện trường… Không công nghệ nào có thể thay thế được những việc ‘thị sát’ trực tiếp ấy!

Chúng ta nghĩ gì về các chuyến tông du mục vụ liên tiếp của vị giáo hoàng đã rất cao tuổi? Và nghĩ gì về cái cám dỗ ‘mục vụ từ xa’ qua việc lạm dụng các phương tiện thông tin (điện thoại, email, page, website…)? Hãy nghĩ đến chính kinh nghiệm của bạn về sự khác biệt giữa gặp trực tiếp và những cách thức gián tiếp khác!…      

5. “Lắng nghe bằng [lỗ tai của] trái tim”

Nối tiếp lời mời gọi đến xem và gặp gỡ trực tiếp là lời mời gọi lắng nghe. Chính Thiên Chúa thông truyền điều răn của Ngài bằng lời kêu gọi đã trở thành công thức: “Shema’ Israel – Nghe đây, hỡi Israel” (Đnl 6:4). Thiên Chúa yêu thương, ngỏ lời với loài người, và Ngài “nghiêng tai” để lắng nghe họ. Thánh Phaolô nhắc: “Có đức tin là nhờ nghe giảng” (Rm 10,17)… Tầm quan trọng của lắng nghe là điều thực ra quá hiển nhiên rồi, trong khung cảnh thế giới lẫn Giáo hội. Sự nhấn mạnh của Đức thánh cha nằm ở chỗ: lắng nghe bằng trái tim!    

Rất tiếc là do định kiến chủ quan và tự mãn, con người thường có xu hướng ‘bịt tai’ để tránh lắng nghe – như những người Do thái đối xử với Têphanô: “Họ bịt tai lại, và nhất tề xông vào ông” (Cv 7,57). Đức thánh cha nêu một số biểu hiện của tình trạng thiếu khả năng lắng nghe, mà ta có thể xác nhận qua quan sát thế giới truyền thông lẫn từ kinh nghiệm của bản thân mình:

– không chăm chú nghe, mà vội nói (vì thế, Thư Gc 1,19 khuyên: “Phải mau nghe, đừng vội nói”);

– nghe lén (nhằm dò xét, khai thác người khác cho lợi ích riêng mình);

– mạnh ai nấy nói (nhằm tranh thủ sự đồng thuận chứ không phải tìm kiếm sự thật);

– độc thoại kiểu song tấu (duologue) chứ không đối thoại (dialogue), vì không hề có giao tiếp thực sự;

– thiếu kiên nhẫn và thiếu khả năng ngạc nhiên

Vì thế, như Đức thánh cha ghi nhận, sau dụ ngôn về người gieo giống, Chúa Giêsu đã lưu ý: “Hãy để ý tới cách thức anh em nghe” (Lc 8,18). Chỉ những ai đón nhận Lời với tấm lòng “cao thượng và quảng đại” và trung thành tuân giữ thì mới sinh hoa kết quả là sự sống và ơn cứu độ (x. Lc 8,15). Nghe với tấm lòng, đó là nghe bằng trái tim. Đây là ơn mà Vua Salomon đã thiết tha xin, và được gọi là khôn ngoan thực sự: “Xin ban cho con một tâm hồn biết lắng nghe” (1V 3,9). Các thánh rất hiểu tầm quan trọng của ‘cách thức nghe’ này – như thánh Augustinô (nghe bằng con tim, corde audire), thánh Phanxicô Assisi (hãy nghiêng đôi tai của tâm hồn).

Bối cảnh Thượng Hội đồng về tính hiệp hành hiện nay của chúng ta càng đặc biệt thích hợp để đào sâu thái độ lắng nghe bằng trái tim – vì một cách thực tiễn, hiệp hành cốt ở việc lắng nghe và phân định, cách đặc biệt việc lắng nghe của mục tử/bề trên đối với những thành viên bé nhỏ và yếu thế nhất trong cộng đoàn.

Bạn hãy nhớ lại chuyện anh mù ở Giêrikhô lên lời xin thương xót, có hai thái độ hay hai cách lắng nghe đấy, của Chúa Giêsu và của đoàn người đang bước đi. Ai đã lắng nghe bằng trái tim? Bạn có kinh nghiệm bản thân thế nào về sự khác biệt giữa nghe thông tin thuần túy và nghe cả cảm xúc, tâm tình? Đâu phải thông điệp nào cũng chỉ có một tầng ý nghĩa, nhiều thông điệp có những tầng ý nghĩa sâu xa đó chứ, phải không?

6. “Nói bằng trái tim – Sự thật trong tình yêu” (Ep 4,15)

Đây là chủ đề Sứ điệp Ngày Truyền thông năm nay của Đức thánh cha (2023).

– Đã đến, xem, và lắng nghe bằng trái tim, thì người ta sẽ có khả năng nói sự thật bằng trái tim. Tiêu chuẩn “bằng trái tim”, tức tiêu chuẩn “yêu thương”, một lần nữa được Đức thánh cha nêu bật. Ngài nhắn nhủ “Đừng sợ loan báo sự thật, nhưng hãy sợ nói sự thật mà không có lòng bác ái!” Chúa Giêsu cảnh báo: “Xem quả thì biết cây” (x. Lc 6,44), và “Người tốt lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu; vì lòng có đầy, miệng mới nói ra” (c. 45). Vì thế, cần thanh tẩy trái tim, nhất là trong một thế giới ồn ào nhiễu loạn, bóp méo thông tin và do đó sự thật bị thao túng.

– Người ‘Bạn đồng hành’ của hai môn đệ trên đường Emmaus là kiểu mẫu của truyền thông bằng trái tim, qua thái độ tận tình chia sẻ mà không áp đặt; giúp hiểu sâu xa về chuyện thời sự; làm cho lòng người nghe bừng cháy lên (x. Lc 24,32). Trong tình trạng phân cực và đối kháng hiện nay của cả thế giới lẫn trong Giáo hội, ta cần “giữ gìn miệng lưỡi khỏi mọi lời điêu ngoa” (x. Tv 34,14), “đừng thốt ra lời độc địa nào từ môi miệng mình, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe” (Ep 4,29). Đức thánh cha chia sẻ kinh nghiệm rằng trong thực tế, việc truyền thông bằng cả tấm lòng có thể đánh động ngay cả những trái tim chai cứng nhất…

– “Để nói thật tốt, chỉ cần yêu thương”! Đây là xác tín của thánh Phanxicô Salesio, bổn mạng các nhà báo Công giáo. Có thể mô tả tính cách của ngài bằng lời sách Huấn Ca: “Ăn nói dịu dàng thì tăng thêm bạn hữu, phát biểu dễ thương thì tăng thêm lời thân ái” (Hc 6,5). Với tuyên ngôn nổi tiếng “từ trái tim nói với trái tim”, ngài nhắc nhở rằng “ta truyền thông cái gì, thì ta là cái đó”!

 Nói bằng trái tim trong tiến trình hiệp hành: Đức thánh cha nhắc rằng cách riêng trong Giáo hội, lắng nghe là món quà đem lại sức sống và quí giá nhất mà chúng ta có thể trao cho nhau. Và chúng ta cần sự truyền thông có sức thắp sáng những trái tim, làm dịu các vết thương và chiếu sáng trên hành trình của các anh chị em mình. Đó là một nền truyền thông được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, biết dịu dàng song cũng có tính ngôn sứ, biết tìm ra những cách thế mới cho công cuộc rao giảng Tin Mừng! Một nền truyền thông biết cách thắp lửa đức tin thay vì lo giữ đống tro tàn của một cốt cách tự mãn qui chiếu về chính mình. Đó là một nền truyền thông không bao giờ tách rời sự thật khỏi lòng bác ái.

– Lưỡi mềm bẻ gãy xương”, Đức thánh cha dẫn lời này trong sách Châm ngôn (25,15) để cổ võ một ngôn ngữ hòa bình trong thế giới nhiễm nặng xu hướng đối đầu của chúng ta. Ngày nay, việc nói bằng trái tim càng khẩn thiết để củng cố một nền văn hóa hòa bình, hòa giải ở những nơi lan tràn chiến tranh và thù hận. Cần phải vượt qua cái thói “làm mất uy tín và xúc phạm đối thủ một cách phủ đầu [thay vì] mở ra một cuộc đối thoại đầy tôn trọng”. Cần loại bỏ cái tâm bệnh hiếu chiến đồn trú trong trái tim mình. “Hòa bình đích thực chỉ có thể được xây dựng trong lòng tin tưởng nhau” (Pacem in Terris). Vận mệnh của hòa bình được quyết định bởi sự hoán cải của các tâm hồn, vì vi rút chiến tranh phát xuất từ trong lòng người ta. Mỗi chúng ta được mời gọi liên can vào nỗ lực này, và cách riêng đây là trách nhiệm của những người làm việc trong lĩnh vực truyền thông.

Hãy tự vấn: Có trường hợp nào mà chúng ta nói năng, hành động mà không cần động cơ bác ái không? Chúa Phục sinh giúp hai môn đệ Emmaus hiểu chuyện ‘thời sự’, điều này có thể gợi nhắc gì cho ta? Phải chăng chúng ta dễ sa đà trả lời những câu hỏi mà không ai hỏi? Bạn có những băn khoăn, thao thức rất quan trọng mà bạn không dám nói ra, vì bạn sợ mình không được lắng nghe bằng trái tim? Bạn nghĩ gì về những phát ngôn đầy sân si thù hận hay thô tục, bạo lực một cách bất xứng của nhiều người Công giáo trên mạng xã hội? 

7. Một số đề cập khác của Đức Phanxicô về truyền thông

Sẽ là thiếu sót lớn nếu giới thiệu tầm nhìn về truyền thông của Đức thánh cha Phanxicô mà không nhắc đến những đề cập của ngài liên hệ đến chủ đề này trong các văn kiện giáo huấn quan trọng. Sau đây là một số nội dung đáng chú ý:

– Tông huấn Evangelii Gaudium (2013): Chương 3, về bài giảng lễ (số 135-144) và việc chuẩn bị bài giảng lễ (số 145-159) của các thừa tác viên chức thánh. Và Chương 5, dưới tiêu đề “Những người loan báo Tin Mừng đầy Thánh Thần” (số 259-288), Đức thánh cha gợi những nguyên tắc và cách thức canh tân động lực loan báo Tin Mừng.

– Tông huấn Gaudete et Exsultate (2018): Chương 4, về “Các dấu hiệu của sự thánh thiện trong thế giới ngày nay”, Đức thánh cha nêu các dấu hiệu đầu tiên là kiên trì, nhẫn nại và hiền hòa, trong đó ngài cảnh giác về những cách phát ngôn tùy tiện trên mạng xã hội (số 115) và kêu gọi chúng ta không để mình bị cuốn vào xu hướng bạo lực (số 116).

– Tông huấn Christus Vivit (2019), gửi các bạn trẻ và toàn dân Thiên Chúa: Chương 3 dưới tiêu đề “Các con là hiện tại của Thiên Chúa”, Đức thánh cha đề cập đến “môi trường kỹ thuật số” (số 86-90) với những cơ hội và những cạm bẫy cần được nhận diện trong môi trường này.

– Thông điệp Fratelli Tutti (2020): Chương 1, trình bày bối cảnh thế giới qua hình tượng “Mây đen phủ trùm một thế giới đóng kín”, Đức thánh cha gọi tên một phần ‘mây đen’ đó là “ảo tưởng của truyền thông” (số 42-50), với những lưu ý về sự hung hăng thù hận đang lan tràn, và sự khẩn thiết phải vãn hồi khả năng gặp gỡ, lắng nghe và đối thoại…

Quả thật, truyền thông hiện đại, nhất là mạng xã hội, đặt ra nhiều vấn đề gai góc, chúng ta nên dứt khoát ‘OFF’ hay ngắt nối kết cho an toàn? Hay là chúng ta nên ‘ON’ và ‘UP’ những sản phẩm truyền thông của mình, ngần nào có thể, và luôn ‘bằng trái tim’ theo lời mời gọi của Đức thánh cha?

8. Lời kết

Trên đây chưa phải là sưu tập đầy đủ về các góc cạnh trong tầm nhìn của Đức thánh cha Phanxicô về truyền thông. Nhưng ta có thể nhận ra mối quan tâm đặc biệt của ngài, sự phong phú trong các nội dung ngài đề cập, và đặc tính mục vụ rất nổi bật trong giáo huấn của ngài về truyền thông. Ai quan sát ngài đều có thể ghi nhận, ngài là một mục tử rất giàu những tố chất ‘đến và xem’, ‘lắng nghe bằng trái tim’ và ‘nói sự thật bằng trái tim’.

Chúng ta biết ơn ngài bằng cách hưởng ứng các giáo huấn của ngài trong thực tế, trong tư cách là người tiếp nhận truyền thông cũng như là người làm truyền thông. Và như vậy, chúng ta có thể hy vọng mở ra một tương lai sáng sủa hơn cho sứ mạng của Giáo hội.

Xin mượn tâm tình gợi ý cầu nguyện của chính Đức thánh cha: “Xin Chúa Giêsu, là Lời thuần khiết tuôn chảy từ trái tim Chúa Cha, giúp chúng ta làm cho việc truyền thông của mình nên sáng tỏ, cởi mở và thân ái. Xin Chúa Giêsu, là Lời nhập thể, giúp chúng ta lắng nghe nhịp đập của các con tim, để khám phá lại mình là anh chị em của nhau, và giải giới lòng thù hận vốn gây chia rẽ. Xin Chúa Giêsu, Lời chân lý và tình yêu, giúp ta nói sự thật trong bác ái, để chúng ta cảm nhận mình là những người bảo vệ lẫn nhau”…

WHĐ (21.05.2023)