Tuổi già đáng kính – Một hồng ân và một mắt xích!

TUỔI GIÀ ĐÁNG KÍNH 

MỘT HỒNG ÂN VÀ MỘT MẮT XÍCH!

Ông ơi! Ông từ đâu đến? Ông làm gì ở đây thế? Sáng nào ông cũng ngồi ghế đá công cộng trước cổng trường nhà tôi?

Vâng, nhìn xuyên qua cổng trường, tôi nhìn thấy dáng dấp Cụ Ông, tóc bạc phơ cột búi đằng sau như một tài tử chính hiệu, mặc bộ đồ thể thao trắng toát, chạy chiếc xe đạp điện nhưng luôn luôn đạp bằng chân lang thang quanh bờ kè, trên giỏ xe có một bình cà phê chăng? Và vài cái bánh chắc là đồ ăn sáng, sao ông không sợ mấy chú công an nhỉ? Cũng không sợ con Covid quái ác? Đặc biệt ông rất “style” yêu đời có pha chút “cổ điển”, đọc báo “tuổi trẻ”, nghe nhạc “trữ tình”, một chút lãng mạn với những bản nhạc, thật là bình dị giữa lòng Thành phố Cần Thơ. Trong thời gian giãn cách toàn xã hội, có lẽ đây là khoảnh khắc có một không hai trong thời đại 4.0. Thật là lý thú, một cụ già đã ngoài 80 tuổi đều đặn ngày nào cũng thế.

Nhìn Cụ với gương mặt hồng hào, miệng cười như tỏa nắng, toát lên niềm vui, tôi cảm nhận  điều đó thật giản đơn nhưng là niềm vui của người lớn tuổi, một buổi sáng thể dục thể thao, với tâm hồn thoải mái ung dung. Nơi ông tôi cảm thấy có một niềm vui đang lan tỏa giữa cái im ắng của những ngày giãn cách, niềm vui ấy nhỏ nhoi nhưng cũng đủ đánh động tâm hồn của người trẻ trong một thế giới nhiều thú vui…

Vâng, nơi ông có một sức sống lan tỏa, bởi khi về già thường mang trong tâm hồn nỗi buồn, lo âu, sợ hãi, sợ bị bỏ rơi, nhất là trong tình hình dịch bệnh hiện nay. Hình ảnh của “Ông” tôi thật ngưỡng mộ và cho tôi cảm nghiệm sự tuyệt vời của Thiên Chúa, Ngài tạo dựng con người cách tài tình dù ở bất cứ độ tuổi nào con người cũng muốn được sống, được yêu, được vui và được hạnh phúc, hình ảnh da mồi tóc bạc không còn đáng sợ nhưng là cơ hội được sống vui mỗi ngày.

Tôi chợt nhớ Ngày Thế giới Ông Bà và Người Cao Tuổi lần thứ nhất (25.07) vừa qua, Đức Thánh Cha chia sẻ:“Tôi lo lắng khi nhìn thấy một xã hội toàn những con người chuyển động liên tục, quá bị cuốn hút vào những công việc của riêng họ và không có thời gian cho một cái nhìn lướt qua, cho một lời chào hay một cái ôm. Tôi lo lắng về một xã hội nơi các cá nhân chỉ đơn giản là một phần của một đám đông vô danh, nơi chúng ta không còn có thể tìm kiếm và nhận biết nhau. Ông bà của chúng ta, những người đã nuôi dưỡng sự sống của chúng ta, giờ đây khao khát sự quan tâm và tình yêu của chúng ta, họ mong mỏi sự gần gũi của chúng ta. Chúng ta hãy ngước mắt lên và thấy họ, ngay cả như Chúa Giêsu nhìn thấy chúng ta”.

Đọc tới đây tôi giật mình nhớ về các “Ngoại” Nhà dòng tôi, mỗi lần gặp các Ngoại tôi luôn cảm nhận được sự rạng rỡ trên khuôn mặt, tuy tuổi già sức yếu, các Ngài luôn là người tiếp sức và truyền nội lực cho chúng tôi qua việc cầu nguyện đắc lực cho Hội dòng, cho đàn em chúng tôi, những người đáng tuổi con cháu các ngoại. Gần đây tản mạn vài clip trên trang mạng tôi thấy hình ảnh các Ngoại sốt sắng trong tràng chuỗi kinh “Lòng Chúa Thương Xót”, lúc ban đầu có các Ngoại nhưng mỗi ngày lại thấy xuất hiện đông hơn. Tôi thầm cầu xin Chúa luôn gìn giữ và thêm sức cho các Ngoại, để tình yêu Thiên Chúa trong ta được biểu lộ bằng cuộc sống tươi vui, hạnh phúc trong đời dâng hiến, hầu đem lại lợi ích cho nhiều tâm hồn.

Ông kính mến! Cám ơn Ông tạo ra niềm vui, sức sống cho khoảnh khắc khó khăn của cuộc sống, đã đem lại cho tôi một cảm nghiệm, cảm nghiệm cho một cuộc sống, dù tuổi trẻ, trung niên hay lão thành thì chỉ đơn giản sống vui, sống khỏe mỗi ngày theo Thánh ý Chúa thì ắt hẳn sẽ trở thành động lực, là sức sống, là niềm vui cho mọi người. Tuổi già đáng kính trọng – Một hồng ân và một mắt xích!

 

 

 

 

 

 

 

 M. Đình Viên Phạm Huyền

  Học viện