BA LỜI KHUYÊN PHÚC ÂM
CHÌA KHÓA VÀ Ổ KHÓA
Nhiều tu sĩ sẽ luôn chắc chắn với việc định nghĩa đời sống thánh hiến là “theo Chúa”. Nhưng thử hỏi có bao nhiêu người đã sống đúng với nghĩa “theo Chúa”, hay nói cách khác là sống để trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu Kitô trong những biến cố, những thách đố của đời sống thánh hiến? Liệu họ có vượt qua chính mình khi gặp những trái ý, những hoàn cảnh không may đụng chạm đến mình (cái tôi, danh dự, tài sản…).
Với bản thân tôi, tôi thấy việc mình hiểu biết và áp dụng vào đời sống là hai việc hoàn toàn khác nhau. Chỉ đơn giản là việc tôi muốn mình nên giống Chúa, nhưng tôi lại nhận ra mình khác xa Chúa rất nhiều. Tôi muốn mình “theo Chúa” cách trọn vẹn nhưng con người tôi đầy những khiếm khuyết. Thánh Phaolô cũng viết: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7, 19) và tôi thấy hình ảnh mình phản chiếu rõ nét qua câu nói ấy.
Mặc dù biết mình có nhiều lỗ hổng, nhưng tôi vẫn tin với ơn Chúa tôi có thể cố gắng hoàn thiện mình hơn, và tôi nghĩ đến “chìa khóa” là những gì mà Chúa Giêsu, đối tượng tôi đang theo đuổi đã sống, chính là ba Lời Khuyên Phúc Âm. Trước đây với tôi, ba Lời Khuyên Phúc Âm có vẻ đơn giản vì tôi chỉ nhìn theo một khía cạnh của những biểu hiện bên ngoài. Cụ thể hơn, Đức Khiết Tịnh luôn là đặc điểm đầu tiên để nhận diện một tu sĩ, ở họ tôi nhìn thấy sự trong trắng, tinh tuyền với một trái tim rộng mở. Đức Nghèo Khó là phương tiện, hoặc cũng có thể hiểu như một chiếc áo bảo hộ, bảo vệ và gìn giữ tu sĩ khỏi bị hoen ố bởi những đam mê, dục vọng và những nhu cầu không cần thiết để họ thanh thoát, nhẹ nhàng không vướng bận với những hư danh, lợi lộc. Với Đức Vâng Phục, tôi nghĩ nó là điều kiện cần để duy trì, củng cố đời sống cộng đoàn, Hội dòng.
Vì thế, với tu sĩ thì ba Lời Khuyên Phúc Âm là điều kiện thiết yếu, nó không những là hành trang mà còn làm nên chính con người của một tu sĩ nữa, một con người để sống với Chúa và sống cho Chúa. Còn hiện tại, tôi đang tập sống ba Lời Khuyên Phúc Âm, và tôi cảm thấy để sống hoàn toàn với ba Lời khuyên ấy rất khó. Bản thân tôi cũng nhận ra rằng: ba Lời Khuyên Phúc Âm đối với đời sống thánh hiến vừa là “chìa khóa” và cũng là “ổ khóa”. Người ta thường nói đời sống thánh hiến là “lội ngược dòng”, vì thế hiển nhiên ba Lời Khuyên Phúc Âm trở thành một ổ khóa để đóng cánh cửa nối kết với bên ngoài, và là chìa khóa mở cánh cửa bước vào một không gian mới, một đời sống mới bình an trong phó thác và tin yêu nơi Chúa Giêsu là trung tâm.
Với cái nhìn tích cực, bạn sẽ dễ dàng thấy nó là chìa khóa mở cửa bước vào con đường nên thánh, ở đó bạn sẽ tìm lại chính mình, quay về với bản chất đơn sơ, mộc mạc, chân phương vốn có mà Đấng Tạo Hóa đã ban cho bạn, và ở đó bạn sẽ tìm thấy hạnh phúc có thể lấp đầy con tim bạn là chính Chúa. Nhưng với cái nhìn tiêu cực, đặc biệt khi bạn phải đối diện với những khó khăn thì nó quả là một ổ khóa rất chắc chắn, bạn sẽ thấy bị bó buộc, khó chịu, cảm giác ngột ngạt mất tự do với bốn bức tường và không thể làm những gì mình thích, lúc đó ba Lời Khuyên Phúc Âm sẽ như một cánh cửa bị khóa chặt với thế giới bên ngoài, những ao ước, những khát khao bị dồn nén, cảm giác tiếc nuối, hụt hẫng làm bạn không thấy cánh cửa bước vào thế giới mới, vì chỉ mải mê ngoái lại nhìn đàng sau. Tất cả đều tùy vào cách nhìn của tôi và bạn mà ba Lời Khuyên Phúc Âm có thể sẽ là chìa khóa mở cửa để bước vào cuộc sống mới, hoặc là ổ khóa khóa chặt bạn với những khuôn khổ, mực thước.
Để có được chìa khóa ấy với tôi là một vấn đề khá lớn, vì nhiều lần tôi quỳ trước mặt Chúa nhưng tôi lại thẫn thờ nhận ra tôi đang “xác con đây mà hồn con đâu”, không ít lần tôi hỏi Chúa với những câu hỏi mang tính vị kỷ: “Tại sao con phải yêu thương tất cả, tại sao con phải cầu nguyện cho người không thích con, những người luôn có thành kiến với con? Làm sao con có thể tôn trọng hay yêu thương ai đó khi con thấy họ không hề xứng đáng?”, và còn rất nhiều câu hỏi tại sao khác nữa… nhưng câu trả lời văng vẳng trong lòng tôi luôn luôn, là “Thiên Chúa yêu thương họ, vậy tại sao tôi lại không? Tôi luôn nói yêu Chúa, vậy tại sao tôi lại không yêu hình ảnh của Chúa trong họ?”.
Hơn hết là tôi đang sống cùng Chúa, sống với Chúa và sống cho Chúa thì việc làm chủ tư tưởng hay con tim cũng không phải là không thể, chỉ cần tôi dám hiến dâng trọn vẹn tất cả cho Chúa như Chúa đã hiến dâng, dám cho tôi tất cả mà không giữ lại gì. Và qua nhiều biến cố mà tôi gặp trên con đường thánh hiến, tôi càng ý thức hơn Thiên Chúa luôn muốn điều tốt đẹp đến với con cái Người. Người gởi những khó khăn và Người cũng ban sức mạnh để vượt qua, để thanh luyện sự yếu đuối, mỏng giòn của tôi, và “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai mến yêu Người” (Rm 8, 28).
Điều đó càng giúp tôi xác tín hơn vào tình yêu Chúa dành cho tôi để tôi can đảm đem tình yêu ấy đến với mọi người. Tôi cũng từng đọc về các vị thánh, ở họ tôi nhận ra họ là những người đang yêu, họ yêu một cách bất chấp, yêu trọn vẹn hết lòng, hết sức và hết linh hồn cho Chúa. Tôi hiểu dù con đường đến với Chúa đầy chông gai, nhưng với họ nó lại là con đường trải đầy hoa. Và tôi biết thứ tôi cần để nắm giữ chìa khóa ấy, để sống trong tự nguyện, vui tươi chính là tình yêu.
Lúc này đây, tôi đang lo lắng vì không biết mình có thể sống và giữ được ba Lời Khuyên Phúc Âm không? Tôi sợ rằng tình yêu tôi dành cho Chúa chưa đủ lớn để vượt thắng chính mình, để có thể khiến ba Lời Khuyên Phúc Âm thành chìa khóa, thành con đường mà tôi đã chọn để đến với Chúa. Vì bản thân tôi còn quá nhiều thiếu sót, rất nhiều thứ cần sửa đổi và học hỏi. Tôi biết, sống ba Lời Khuyên Phúc Âm sẽ biến đổi tôi thành một con người mới bình yên và thanh thản, một con người không còn sống cho bản thân nhưng sống cho mọi người, hướng về đích đến là Chúa. Với thân phận con người, tôi ý thức rằng: không có Chúa bản thân tôi không thể làm được gì, vì thế tôi vẫn hằng xin Chúa ban ơn nâng đỡ, gìn giữ, hướng dẫn, dìu dắt tôi trên con đường thánh hiến, và xin Chúa luôn thắp lửa tình yêu trong tôi để tôi đón nhận tất cả là hồng ân.
M. Phú Yên Ka Luyk
Tập sinh năm II