Đẳng cấp khoe hàng hiệu

ĐẲNG CẤP KHOE HÀNG HIỆU

 

Khoe hàng hiệu để khẳng định đẳng cấp tiêu xài của mình trên mạng đang là một phong trào được nhiều bạn trẻ đua nhau thể hiện. Cứ gõ từ khóa “khoe hàng hiệu” sẽ có nhiều kết quả cho thấy muôn nẻo khoe hàng hiệu. Từ người ít tiền đến các Sao thừa tiền lắm của. Từ chủ nhân thực sự của các món hàng đắt tiền cho đến những người mượn đồ để khoe. Những người này cũng một khát khao thể hiện mình, nhưng không phải thể hiện năng lực làm việc, sự cống hiến, nhưng là khát khao muốn mọi người phải ngưỡng mộ, nể phục vì trình độ tiêu tiền và khả năng xài hàng hiệu của mình. Họ muốn hình ảnh của mình xuất hiện trên trang mạng xã hội là hiện thân của một tiểu thư giàu có, một quý bà thành đạt tiêu tiền như nước với những phụ trang áo quần, giày dép, túi xách của nhiều hãng sản xuất càng nổi tiếng càng tốt.

Tại sao chỉ vì một hư danh hão huyền đó là được công nhận như một dân chơi có đẳng cấp mà các bạn trẻ ấy lại sống chết để thực hiện bằng mọi giá như vậy? Nhu cầu trưng hàng hiệu, khoe hàng hiệu mặc cho những thứ được khoe đó chẳng liên quan gì đến thân chủ quả thật là một căn bệnh phổ biến của nhiều người. Cách nào đó thì tâm lý khoe hàng hiệu là một trong những biến tướng khác nhau của một căn bệnh đó là bệnh chuộng hư danh, bệnh sĩ đang rất phổ biến trong đại bộ phận người dân trong xã hội Việt Nam chúng ta hiện nay, đặc biệt là đối với giới trẻ. Với quan niệm giá trị con người gắn liền với đồng tiền, họ tin rằng hàng hiệu có khả năng thay đổi giá trị con người và giúp nâng giá trị của mình trong cái nhìn của người khác. Vì thế, họ ra sức đầu tư tiền của vào những trang bị xung quanh mình như quần áo, laptop, điện thoại và xem việc dùng hàng hiệu như một khẳng định đẳng cấp của mình trong xã hội.

Rõ ràng những đầu tư đó không hề đem lại giá trị thật sự, vì giá trị của con người nằm ở thái độ sống và cách cư xử của chúng ta với mọi người. Trong thực tế, người ta đã bắt gặp không ít hình ảnh các chàng trai, cô gái trang bị hàng hiệu từ đầu đến chân nhưng lại vượt đèn đỏ, xả rác nơi công cộng, lười lao động, cư xử bất lịch sự, ăn nói thiếu văn hóa. Và dĩ nhiên lúc bấy giờ những đôi giày hay quần áo đắt tiền mà họ đang sở hữu trên người, chẳng thể góp phần làm giảm đi những ấn tượng xấu trong lòng người khác vì những hình ảnh phản cảm mà họ đã gây ra.

Thực ra, chính tiêu chuẩn đánh giá của xã hội cũng góp phần tạo nên căn bệnh chuộng hư danh, sính hàng hiệu. Một thực tế không thể chối cãi đó là khi có người trưng hình ảnh của mình cùng với hàng hiệu đắt tiền, lập tức sẽ có nhiều người khác nhảy vào bình luận, khen ngợi tới tấp. Đó cũng là động cơ không nhỏ thúc đẩy những con bệnh ngày càng nặng hơn với căn bệnh nghiện hàng hiệu của mình. Trong một xã hội mà người ta quý trọng nhau bởi cái hình thức bên ngoài, “thấy người sang bắt quàng làm họ”, ưa thích sự giả dối, người dân không được giáo dục để biết tôn trọng giá trị thật và hướng tới những giá trị thật thì làm sao con người trong xã hội đó có khả năng miễn nhiễm với bệnh sĩ, bệnh hư danh?

Trong bài nói chuyện với một nhóm bạn trẻ tại Nhà thờ Chính Tòa Sulmona, nước Ý, dựa vào những kinh nghiệm mà các bạn trẻ chia sẻ với Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, ngài đã nói: “Giữa những bóng tối đang ‘che mờ chân trời’ của các bạn trẻ, không chỉ có những khó khăn về mặt kinh tế mà thôi, còn có mối hiểm họa của ‘nền văn hóa tiêu thụ’ đang tạo ra các ‘giá trị giả’ nữa. Những bóng tối của các giá trị giả và những kiểu thời thượng hão huyền, chúng được đề ra cho các con và chúng đang cố lấp đầy đời sống các con, làm cho đời sống các con thành trống rỗng”.

Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết lấp đầy cuộc sống của mình bằng những chia sẻ, biết phục vụ, đặc biệt trong mùa Covid đang hoành hành thế giới và đất nước Việt Nam chúng con. Xin giúp chúng con thoát khỏi cám dỗ của nền “văn hóa tiêu thụ” và nhận ra rằng hãy làm cho mình thuộc về Chúa mới là giá trị đích thực mà chúng con cần hướng tới trong cuộc đời của mình. Amen.

Kim Lan sưu tầm