Cha Giuseppe Berardelli qua đời vì Covid-19 sau khi nhường máy thở cho bệnh nhân, Ảnh: cbsnews.com
LINH MỤC – NGƯỜI LOAN BÁO NIỀM VUI
Linh mục Antôn Hà Xuân Lộc
WHĐ (6.8.2021) – Đất nước Việt Nam chúng ta đang phải đối diện với cơn đại dịch Covid-19 đợt thứ tư. Hiện tại, đợt dịch này đang diễn biến theo chiều hướng rất phức tạp, để lại nhiều thách thức với đa ổ dịch, đa nguồn lây và đa biến chủng. Hơn bao giờ hết, những người Kitô hữu, cụ thể nhất là những anh em linh mục chúng ta được mời gọi: “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và những ai đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Chúa Kitô”[1].
Theo Đức Giáo hoàng Phanxicô, một linh mục phải là một môn đệ thực thụ, “một người luôn biết thông truyền niềm vui tại bất kỳ nơi nào ngài đến”[2]. Thế nhưng, làm sao vui khi mọi người đang lo âu, đang sợ hãi, hay đang phải đối diện với bóng đêm của chết chóc do đại dịch gây ra? Dẫu biết rằng, sống tin yêu và sống vui là điều thiết thực, nhưng vui trong hoàn cảnh này có thật sự phù hợp chăng?
Khi nói đến việc loan báo niềm vui, đương nhiên Đức Thánh Cha hiểu rõ nỗi ưu phiền của những con người đang phải chịu đau khổ nặng nề chứ! Tuy nhiên, ngài vẫn xác tín rằng, “niềm vui tự thích ứng và thay đổi, nhưng nó luôn luôn tồn tại, dù chỉ như một ngọn đèn leo lét phát sinh từ niềm tin chắc của chúng ta rằng, bất luận thế nào, chúng ta vẫn được thương yêu vô bờ”[3]. Và vì vậy, ngài kêu mời tất cả chúng ta, hãy “để cho niềm vui của đức tin từ từ làm sống lại một lòng trông cậy âm thầm nhưng kiên vững, ngay cả giữa những thử thách nặng nề nhất”[4].
Quả thật, dù đang phải gánh vác những nỗi buồn đau của con cái và của nhân loại, nhưng Đức Thánh Cha vẫn không để cho mình rơi vào sự u buồn thất vọng. Vì lẽ, ngài luôn tin rằng, chính Đức Kitô “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6). Qua đây, chúng ta được mời gọi: đừng bao giờ “đánh mất tinh thần vui tươi” [5]. Để bất kể ai, đang ở trong hoàn cảnh khốn khó nào, cũng có thể tìm thấy được dấu chỉ khả giác của niềm vui trong chính những con người được Giáo Hội kêu gọi, hầu trở nên dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng là niềm vui.
I. Thiên Chúa là niềm vui
Một triết gia người Pháp là Léon Bloy đã viết: “Niềm vui là dấu chỉ bất khả ngộ nhất về sự hiện diện của Thiên Chúa”[6]. Và cha Ronald Rolheiser dòng OMI, một ngòi bút danh tiếng về linh đạo và thần học, cũng khẳng định: “Niềm vui không chỉ là một dấu chỉ chắc chắn về cuộc sống thuộc về Thiên Chúa, nhưng nó còn là dấu chỉ của một cuộc sống có Thiên Chúa. Niềm vui cấu thành cuộc sống nội tâm có Thiên Chúa. Thiên Chúa là niềm vui”[7].
Vâng, Thiên Chúa là niềm vui, Thiên Chúa là hạnh phúc. Thiên Chúa thật sự là Thiên Chúa của sự sống, Thiên Chúa rất sống động. Kinh Thánh ghi lại: “Thiên Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em” (Ds 6,25); và “niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em” (Nkm 8,10). Như thế, Thiên Chúa là Đấng luôn mỉm cười trước; và niềm vui của Người chính là nền tảng vững chắc cho sự thanh thản và bình an của chúng ta.
Sống ở đời, ai mà chẳng muốn đi tìm niềm vui cho riêng mình. Nhưng lắm lúc, nhiều người không nhận ra Thiên Chúa chính là niềm vui đích thực. Nên họ cứ đi tìm niềm vui ở nơi đâu khác, mà không tìm Thiên Chúa. Kết cục, họ chỉ gặp được những niềm vui thoáng qua; sau đó là một bầu trời trống rỗng, có khi buồn chán, lắm lúc phải hối hận, và cũng có thể bị tàn phai cả cuộc đời.
Quả thật, chỉ khi biết tìm Thiên Chúa, chỉ khi sống trong niềm vui của Đức Giêsu, chúng ta mới có được niềm vui. Đó là niềm vui sâu xa nhưng bền vững. Niềm vui tuy đơn sơ nhưng chân thực. Niềm vui đó đem lại hạnh phúc cho chúng ta. Niềm vui đó mới đúng là niềm vui vĩnh cửu, như Đức Giêsu đã nói với các môn đệ: “Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em hưởng niềm vui của Thầy và niềm vui của anh em trở nên trọn vẹn” (Ga 15,11).
II. Linh mục – máng chuyển niềm vui
Cuộc đời nào cũng có căn tính của nó, và đời sống linh mục cũng vậy. Chúng ta quá biết, linh mục là người trung gian giữa trời và đất, kế tục sự nghiệp của Chúa Kitô ở trần gian. Các linh mục “được tuyển chọn từ loài người và được đặt ra cho loài người để lo việc Thiên Chúa, hầu dâng những hiến vật và hy tế đền tội. Các linh mục sống với người khác như với anh em”[8]. Đó là một ơn gọi đặc biệt. Một thiên chức thật cao quý!
Vì “được tuyển chọn từ muôn người và làm đại diện trước mặt Thiên Chúa” (Dt 5,1), người linh mục thực sự là “ở trong thế giới này nhưng lại không thuộc về thế giới này” (x. Ga 17,13-19). Điều này nhắc nhớ chúng ta, cần ý thức sâu sắc cả hai: ‘sự hư không’/‘tính con người’ cũng như ‘sự vĩ đại’/‘phẩm giá’. Và như thế, ngay cả trong sự yếu đuối và mỏng dòn của mình, chúng ta vẫn biểu lộ được quyền năng phi thường và sự hiện diện của Chúa.
Quả vậy, “bản chất con người chúng ta là một ‘bình sành’ trong đó chứa đựng kho báu của Chúa. Một bình sành mà chúng ta cần phải chăm sóc, để có thể truyền đạt thật tốt nội dung quý giá bên trong… Linh mục là ‘thượng tế’, vừa là người thân cận với Thiên Chúa vừa gần gũi với con người; linh mục là người ‘tôi tớ’, người rửa chân, người biết làm cho mình trở nên thân cận với những người yếu đuối nhất; linh mục phải là một ‘chủ chăn tốt’, người luôn chăm sóc quan tâm đến đoàn chiên của mình”.[9]
Chúng ta nhận ra rằng, linh mục là người sống giữa dân chúng với trái tim của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa muốn dùng chúng ta để đến gần với dân của Người hơn. Người chọn chúng ta từ giữa dân và sai chúng ta đến với dân của Người. Nếu không có ý thức thuộc về dân này, chúng ta sẽ không thể hiểu được sứ vụ và căn tính thẳm sâu của mình: sứ vụ loan báo niềm vui, vì linh mục chính là người của niềm vui.
Tuy nhiên, linh mục chúng ta chỉ thực sự đem lại niềm vui cho người khác, khi và chỉ khi, chúng ta đã sống và cảm nghiệm được niềm vui đó nơi chính cuộc sống và sứ vụ của mình.
III. Linh mục sống và cảm nghiệm niềm vui
Đối diện với những thăng trầm của cuộc đời, Rabindranath Tagore, một nhà thơ Ấn Độ đã có được triết lý rất hay: “Tôi nằm ngủ và mơ thấy cuộc đời là niềm vui. Tôi thức giấc và nhìn thấy cuộc đời là bổn phận. Tôi hành động và…, ô kìa, bổn phận chính là niềm vui”. Như thế, Tagore đã cho chúng ta thấy được lối đi của mình: bổn phận của cuộc đời là sống vui. Chỉ cần sống tốt với ơn gọi làm người và chu toàn trách nhiệm của sứ vụ, niềm vui sẽ tự nhiên xuất hiện.
1. Niềm vui vì được xức dầu thánh hiến
Đức Phanxicô cho rằng, có ba đặc tính đầy ý nghĩa trong niềm vui linh mục của chúng ta, và một trong số đó chính là niềm vui xức dầu. “Đó là một niềm vui không bị hư nát và là một niềm vui sứ vụ, lan tỏa và cuốn hút… Sự xức dầu ấy thấu nhập tận thâm tâm chúng ta, uốn nắn con tim chúng ta và củng cố bằng bí tích… chúng ta được xức dầu đến tận xương tủy, và niềm vui của chúng ta, trào ra từ thẳm sâu tâm hồn, chính là âm vang của sự xức dầu ấy. Một niềm vui không thể bị hư hỏng… mà Thiên Chúa đã hứa là không ai có thể tước đoạt được (Ga 16,22)”.[10]
Quả vậy, chính Thiên Chúa đã xức dầu cho chúng ta trong Đức Kitô bằng dầu hoan lạc (x.Tv 45,8). Việc xức dầu mời gọi chúng ta đón lấy và quý trọng hồng ân cao cả này. Đó là niềm vui, niềm hoan lạc của thừa tác vụ linh mục, nhờ việc xức dầu thánh hiến. Niềm vui của chức linh mục là một thiện ích quý giá không những cho riêng chúng ta, nhưng còn cho toàn thể con dân của Thiên Chúa. Nghĩa rằng, vì những tín hữu đó mà chúng ta được kêu gọi để được xức dầu và rồi, đến lượt chúng ta cũng được sai đi để xức dầu cho dân.
2. Niềm vui của Tin Mừng
Việc loan báo Tin Mừng, trước hết, phải vừa là một niềm say mê Chúa Giêsu, vừa đồng thời là niềm say mê dân của Người. Đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô, “niềm vui của Tin Mừng đổ đầy trái tim và cuộc sống của tất cả những ai gặp Chúa Giêsu”.[11] Niềm vui ấy, chính linh mục – người loan báo Tin Mừng phải cảm nhận nơi chính cuộc đời mình, trước khi thông truyền cho người khác.
Là môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi sống trong chính sự sống của Tin Mừng. Vì Tin Mừng chính là căn tính nền tảng của đời sống thánh hiến. Sống niềm vui Tin Mừng chính là sống theo quy luật của Tin Mừng một cách say mê, là luôn gắn bó và say mến Chúa. Khi kết hiệp liên lỉ với Tin Mừng, chúng ta sẽ khám phá ra suối nguồn của niềm vui không hề vơi cạn, luôn mới mẻ và luôn dâng trào. Vì lẽ, “với Đức Kitô, niềm vui luôn luôn được tái sinh”.[12]
Do vậy, chúng ta được mời gọi lặn sâu vào những thực tại đầy sôi động của thế giới. Trong cầu nguyện, chúng ta xin ơn để ‘cảm nhận và cảm nếm’ Tin Mừng, để Tin Mừng có thể làm cho chúng ta ‘nhạy cảm’ hơn trong cuộc sống; hầu có thể thấu cảm và chia sẻ gánh nặng phận người với tha nhân. Để rồi, chúng ta sẽ trở thành những chứng tá Tin Mừng bình an cho nhân loại.
Theo lẽ thường, niềm vui từ bên ngoài là điều được chắt góp từ những tiếng cười không giọt lệ, nhưng niềm vui Tin Mừng lại là khoảng bình an tận sâu thẳm bên trong cõi lòng, lắm lúc không sao diễn tả được. Đó là một “niềm vui dịu ngọt và phấn khởi của việc loan báo Tin Mừng, cả khi chúng ta phải gieo trong nước mắt”.[13]
Dù sao đi nữa, chúng ta vẫn luôn được kêu mời, đừng bao giờ “để mình bị cướp mất niềm vui loan báo Tin Mừng”[14]. Chúng ta hãy vui vì tin vào Đức Kitô, và vui để loan báo Tin Mừng bình an cho những anh chị em đang trong tình cảnh khốn khó. “Chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, một thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hy vọng, có thể nhận được Tin Mừng không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm vui của Đức Kitô”.[15]
3. Niềm vui của Thánh Thể
Qua thánh lễ dâng hằng ngày, linh mục cùng với cộng đoàn “loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”. Như thế, thánh lễ chính là nguồn vui của linh mục và của cộng đoàn Kitô hữu. Trong mọi hoàn cảnh, cụ thể nhất là trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, linh mục vẫn luôn được mời gọi nhân danh cộng đoàn để dâng lễ hằng ngày, hầu có thể nuôi dưỡng niềm hy vọng cậy trông cho đoàn tín hữu của Chúa. Và có thể nói, “niềm vui của Chúa Giêsu, Mục Tử Nhân Lành, không phải là niềm vui cho riêng mình, nhưng là niềm vui cho người khác và với người khác, niềm vui thực sự của tình yêu. Đây cũng là niềm vui của linh mục”.[16]
Chính từ niềm vui của bàn tiệc Thánh Thể, ân thánh và tình bác ái được chảy tràn lan sang tòa giảng và tòa giải tội, trong bàn giấy, nhà xứ và mọi nẻo đường họ đạo, chảy tràn vào các nhà thương và các khu cách ly, vào trong các phương tiện giao thông công cộng và các phương tiện truyền thông. Nhờ vậy, ở bất cứ nơi đâu và bất kỳ trường hợp nào, người linh mục chúng ta cũng có thể chu toàn được trách vụ chủ chăn của mình. Vì lẽ, chính thánh lễ mà chúng ta cử hành sẽ trải dài và lan rộng ra đến mọi cảnh huống của cuộc sống.
Quả thật, con người thời nay đang cần lắm những chứng nhân của niềm vui, cần lắm các thầy dạy dẫn đường chỉ lối để tìm được hạnh phúc. Đây là một thách đố cho sứ mệnh của chúng ta, các linh mục của Chúa.
IV. Linh mục – chứng nhân của niềm vui trong lòng xã hội và Giáo Hội hôm nay
Một tác giả đã nói: “Hạnh phúc lớn nhất ta đạt được, đó là khi ta đem hạnh phúc cho người khác”. Như thế, linh mục chúng ta sẽ thật là những người hạnh phúc, nếu trọn cuộc đời, chúng ta biết dấn thân hy sinh và phục vụ vì hạnh phúc của tha nhân.
1. Phục vụ với niềm vui
Lý tưởng và ước vọng của đời linh mục là hiến trao đời mình để dấn thân phục vụ con người. Sứ mạng này đem lại cho linh mục hạnh phúc và niềm vui. Và nói như Đức Giáo hoàng Phanxicô thì, nhiệm vụ này “mang lại cho linh mục niềm vui bất cứ khi nào linh mục trung thành với sứ vụ, bất cứ khi nào linh mục làm những gì ngài phải làm và từ bỏ tất cả những gì ngài phải từ bỏ, miễn là ngài đứng vững giữa đàn chiên mà Thiên Chúa đã trao phó cho ngài (x.Ga 21,16-17)”.[17]
Khi sống bậc độc thân, linh mục chúng ta hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu và thuộc về Giáo Hội. Chúng ta dành mọi tâm huyết, nghị lực và cố gắng để phục vụ noi gương Chúa Giêsu. Để rồi, chúng ta có thể nói được như thánh Phaolô: “Anh em là niềm vui, là vinh dự của tôi” (Pl 4,1), “anh em hãy vui lên và chia sẻ niềm vui với tôi” (Pl 2,18). Dĩ nhiên, niềm vui mà anh em linh mục chúng ta đang theo đuổi không phải chỉ là một viễn ảnh xa xôi, nhưng luôn hiện hữu cách sống động, được lan toả trong đời sống và trong khi thi hành sứ vụ.
Là linh mục, chúng ta luôn được mời gọi dấn thân phục vụ cho hết mọi người, bằng chính đời sống và bằng tiếng nói của chúng ta. Đó là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn hằng thúc giục: “Anh em đã được tuyển chọn và được được đào tạo để dự phần vào công cuộc của Thiên Chúa, hãy thực thi công việc của Chúa Kitô với niềm vui và đức mến chân thành. Hãy là những linh mục vui tươi, chứ đừng bao giờ buồn bã. Hãy vui lên, với niềm vui được phục vụ Chúa Kitô, ngay cả trong đau khổ, u minh, hay trong tội lỗi của mình”.[18]
2. Đem niềm vui và bình an
Chắc hẳn, linh mục chúng ta, ai cũng thuộc nằm lòng bản ‘Kinh Tạ Ơn Sau Khi Hiệp Dâng Thánh Lễ’: “Lạy Chúa Giêsu, con cảm tạ Chúa đã thương cho con được phục vụ bàn thánh Chúa. Được gần Chúa, lòng con tràn đầy niềm vui và bình an. Xin Chúa tiếp tục ban ơn nâng đỡ, để con ra đi phục vụ Chúa trong anh em, đem niềm vui và bình an của Chúa đến cho mọi người. Xin Chúa chúc lành cho con. Amen”. Vâng, “niềm vui và bình an” là điều chúng ta luôn cầu xin. Để cùng với ơn Chúa, chúng ta rao truyền và chuyển trao cho những người chúng ta gặp gỡ, đặc biệt là cho những người chúng ta có trách nhiệm với họ.
“Niềm vui và bình an” ở đây không chỉ là những hứng khởi hay bộc phát chóng qua, không phải là những thứ mà họ sẽ có được do may mắn hay thành công tức thời. “Niềm vui và bình an” này lắm lúc có được ngay cả trong những nghịch cảnh hay thất bại nữa. Vấn đề ở đây không phải là các khó khăn, bệnh tật hay thiên tai hoặc bất công phải hứng chịu, nhưng là điểm tựa tinh thần mà họ đặt vào khi đối diện với những hoàn cảnh này.
Đức Giêsu đã nói: “Thầy để lại bình an cho anh em; Thầy ban bình an của Thầy cho anh em. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng” (Ga 14,27). Như thế, niềm vui và bình an ấy không hề ồn ào, cũng không rộn ràng bên ngoài, nhưng là niềm vui và bình an sâu xa bên trong tâm hồn mỗi người. Quan trọng hơn hết, “không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giêsu đem đến”.[19] Đó là niềm vui và bình an mà bất cứ ai cũng có quyền được nhận lãnh.
Để kết thúc bài suy niệm, chúng ta được mời gọi hiệp ý cùng với Đức Giáo hoàng Phanxicô, tha thiết nài xin Chúa ban cho các linh mục món quà của niềm vui: “Lạy Chúa, xin giữ gìn nơi các linh mục trẻ của Chúa niềm vui được khởi hành, niềm vui làm mọi sự như thể là lần đầu tiên, niềm vui của tiêu hao cuộc sống vì Chúa… Xin Chúa củng cố niềm vui linh mục nơi những người đã thi hành sứ vụ này trong nhiều năm trời, những người đang vác gánh nặng của sứ vụ… Xin Chúa Giêsu làm cho niềm vui của các linh mục cao niên, lành mạnh hay yếu đau, được chiếu tỏa rạng ngời. Đó là niềm vui của Thập giá… Xin cho họ cảm nhận niềm vui của người trao lại ngọn đuốc, niềm vui được thấy những thế hệ mới của các đứa con tinh thần của họ, và cảm nghiệm những lời hứa, trong nụ cười và sự bình an”.[20] Amen.
V. Vấn tâm
- Đức Giáo hoàng Phanxicô chỉ ra rằng, dấu hiệu cho thấy một linh mục đang hoạt động tốt, theo cách nhìn thực tế qua con mắt của con người và con mắt của Thiên Chúa, đó là “niềm vui”. Do vậy, khi một linh mục không tìm thấy được niềm vui bên trong, thì hãy dừng lại ngay lập tức và tự hỏi: “tại sao vậy?”.[21]Ước gì mỗi chúng ta luôn tìm thấy được ý nghĩa đích thực của niềm vui, trong chính ơn gọi và sứ vụ linh mục của mình.
- “Dân chúng yêu linh mục của mình; họ muốn và họ cần mục tử của họ! … Có một sự mệt mỏi tốt và lành mạnh. Đó là sự kiệt sức của linh mục mang mùi của chiên, nhưng cũng mỉm cười với nụ cười của một người cha vui mừng với con cháu của mình”.[22]Mang mùi của chiên và nụ cười của một người cha, đó thật sự đang là mong ước của người giáo dân, đặc biệt trong hoàn cảnh dịch bệnh như hiện nay!
(Bài suy niệm tĩnh tâm linh mục giáo phận Phú Cường, Tháng 8/2021)
W.HĐGMVN
[1] Công đồng Vaticanô II, Gaudium et Spes, số 1.
[2] Đức GH Phanxicô, Nói chuyện với giáo triều Rôma, 22-12-2014.
[3] Đức GH Phanxicô, Evangelii Gaudium, số 6.
[4] Ibid.
[5] Đức GH Phanxicô, Nói chuyện với giáo triều Rôma, 22-12-2014.
[6] Đức TGM Timothy M.Dolan, Người dịch: Lm. Trần Đình Quảng, Linh Mục Cho Ngàn Năm Thứ Ba, NXB Tôn Giáo, 2009, tr.264.
[7] Ron Rolheiser, OMI, Niềm vui – Một dấu chỉ của Thiên Chúa, https://ronrolheiser.com/niem-vui-mot-dau-chi-cua-thien-chua/#.YQyP-Ij7SUk
[8] Công đồng Vaticanô II, Presbyterorum Ordinis, số 3.
[9] Đức GH Phanxicô, Bài nói chuyện cho Hội nghị về “Thừa tác vụ Linh mục” theo tài liệu của Công đồng Vaticanô II, 20-11-2015.
[10] Đức GH Phanxicô, Bài giảng thánh lễ Dầu tại Vương cung Thánh đường thánh Phêrô, 17-4-2014.
[11] Đức GH Phanxicô, Evangelii Gaudium, số 1.
[12] Ibid.
[13] Đức GH Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, số 74-75.
[14] Đức GH Phanxicô, Evangelii Gaudium, số 83.
[15] Đức GH Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, số 74-75.
[16] Đức GH Phanxicô, Bài giảng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, 03-6-2016.
[17] Đức GH Phanxicô, Bài giảng thánh lễ Dầu tại Vương cung Thánh đường thánh Phêrô, 17-4-2014.
[18] Đức GH Phanxicô, Thánh lễ truyền chức linh mục ở Rôma, 07-5-2017.
[19] Đức GH Phanxicô, Evangelii Gaudium, số 3.
[20] Đức GH Phanxicô, Bài giảng thánh lễ Dầu tại Vương cung Thánh đường thánh Phêrô, 17-4-2014.
[21] x. Đức GH Phanxicô, Bài giảng thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta, 31-01-2019.
[22] Đức GH Phanxicô, Bài giảng thánh lễ Dầu tại Vương cung Thánh đường thánh Phêrô, 02-4-2015.