Phút suy tư về kẻ ở người đi (Ngày Ơn Gọi – CN IV PS 08/05/2022)

PHÚT SUY TƯ VỀ KẺ Ở NGƯỜI ĐI

M.Hiếu Liêm Mai Đình

Kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít” (Mt 22,14)

Đứng trước những tâm tư, những thao thức, những đắn đo, băn khoăn của người được Chúa gọi và chọn, sáng nay đi lễ, Cha chủ tế mời gọi Cộng đoàn cầu nguyện cho Ơn Thiên Triệu Linh mục – Tu sĩ, tự nhiên tôi cảm thấy chạnh lòng, suy nghĩ về đời sống tu trì của mình với 24 năm sống trong Nhà Dòng, 15 năm khấn Tạm và 8 năm khấn trọn, với ngần ấy năm có đủ để tôi được lớn lên hơn chưa, thể xác có thể khác, nhưng còn tâm tình, ước muốn, lòng say mến, khả năng đón nhận và phục vụ, tinh thần trách nhiệm và sự đồng cảm chung chia, thái độ vâng phục và sống Lời Khấn, cảm thức thuộc về và sự dấn thân cho sứ vụ, có được thăng hoa hay đã bị suy nhược rồi?

Suy về mình rồi nghĩ đến những Chị em đã cởi bỏ Áo Dòng mà quay về điểm xuất phát, tôi bùi ngùi, xót xa nhớ lại những nguyên nhân mà các Chị em đã thật tình tâm sự:

– Em thấy đời tu mất tự do, chi tiêu không thoải mái

– Em thấy đời tu không có tương lai, nhìn các chị lớn tội nghiệp quá

– Em không sống độc thân được, đi đến đâu em cũng thấy mình bị cám dỗ bởi vấn đề trai/gái

– Em không có cảm thức thuộc về, khi Nhà Dòng có lễ hay nghi thức, hoặc khi được trao việc, em không hoà nhập được với mọi người, làm như một khả năng vốn có của mình, chứ chưa đủ khiêm tốn để nhìn nhận tất cả là mình được nhận từ Ơn Trên.

– Em sợ lời khấn, em sợ mình không thể chu toàn, tu phải cho ra tu, chứ cứ sống “mặc kệ”, tới đâu tính tới đó, em sợ mình sẽ lạc xa Thiên đàng mất.

– Em không sống cộng đoàn được, nhìn chị em nào em cũng thấy khuyết điểm, và em khó đón nhận.

– Em không thể nào ngồi im cầu nguyện được

– Em thấy đời tu khác xa với những gì em tưởng nghĩ quá: hơn thua – ganh ghét – nói xấu nhau, rồi đua đòi, hạ bệ nhau,…ngoài đời có đầy em vào đây chi nữa.

Tôi hay có thói quen, khi hay tin một Chị em nào đang gặp khủng hoảng Ơn gọi, hoặc chuẩn bị rời bỏ đời tu, tôi luôn tìm cách liên lạc, liên lạc để tìm ra nguyên nhân, và quan trọng là xem có cứu vãn được nữa không? Và cũng để nhìn lại chính mình, rằng: trách nhiệm liên đới của mình trên người Chị em này, mình có cái nhìn như thế nào trước sự ra đi đó? Nếu trong tôi là một suy nghĩ tiêu cực, rằng: Tính khí Chị thế này, thế nọ,…người như vậy tu cũng không được, sớm muộn gì cũng xuất thôi,…thì còn đâu để cầu mong cho Chị một cuộc sống vui tươi, hạnh phúc. Nhưng nếu trong tôi tồn tại một ý hướng tích cực, rằng: Chị rất rõ ràng trước chọn lựa, rằng tôi chưa đủ mạnh trong liên đới trách nhiệm, rằng Hội Dòng tôi chưa đủ yêu thương để bao bọc,…có như thế thì lời cầu nguyện của tôi mới hướng được đến Chị, chắc chắn Chúa sẽ bênh đỡ Chị trong cuộc sống sau này.

Nhân ngày Giáo hội cầu nguyện cho Ơn Gọi Tu trì, tôi cũng muốn góp một phần nhỏ giúp thêm cho sự Trung Tín – Thuỷ Chung với bậc sống, không phải đời sống tu của tôi không gặp khó khăn, nhưng do tôi chưa hề bỏ Chúa, chưa bao giờ cảm thấy chán nản giờ chung của Cộng đoàn, chưa bao giờ cảm thấy buồn phiền khi đi du lịch với Chị em, mặc dù có nhiều khi rơi lệ trong âm thầm, nhưng tôi luôn chọn cách ở giữa Cộng đoàn, trầm lặng nơi Nhà nguyện, nơi tôi có một điều mà tôi rất hãnh diện, đó là: những lúc chị em nói “sao lúc này thấy sốt sắng vậy ta, lúc nào cũng thấy trong Nhà Nguyện”, thật ra, đó là những lúc tôi hay gia đình hoặc những người, những việc tôi có trách nhiệm, đang gặp nhiều vấn đề khó khăn, tôi không có cách giải quyết, để cho tâm mình được tịnh trong lúc này, tôi chọn cách ngồi thinh lặng trong Nhà Nguyện, điều đó đã đem đến những kết quả vượt quá khá năng của tôi, tôi không thể nào kiêu căng được, xin chia sẻ lại những trãi nghiệm của bản thân, mong giúp cho những người Chúa chọn được xác quyết rõ ràng hơn lý tưởng mình đang theo, và cho những ai Chúa đã từng gọi có một hướng đi mới, nhưng hướng đi ấy vẫn luôn có Chúa đồng hành:

  1. Trung thành với giờ chung: Tiếp thêm sức mạnh và năng lượng sống cho tôi.
  2. Cởi mở với Chị em: Giúp tôi vượt qua rất nhiều cám dỗ, và giải quyết được nhiều vấn đề.
  3. Siêng năng suy niệm Lời Chúa: giúp tôi giao tiếp dễ dàng và khi giảng dạy từ lớp rước lễ cho đến Dự Tòng – Hôn Nhân, tôi không nghĩ mình có đủ khả năng để làm họ đón nhận được như vậy.
  4. Cầu nguyện cá biệt: mọi lúc mọi nơi ngoài những giờ đã được quy định, khi gặp biến cố, tôi thường hay trầm lắng vài phút để xin ý Chúa. Lời nguyện sau khi rước Chúa vào lòng, đã theo tôi từ Nhà Tập cho đến nay, đó là “cậy vì Mình Thánh Chúa con đã rước vào lòng, xin cho con được yêu mến Chúa, yêu mến Thiên đàng và trung thành với Ngài mãi thôi”.
  5. Tham dự Thánh lễ và rước Chúa sốt sắng: Tôi có thể ngủ gật, lo ra trong giờ Nguyện ngắm, giờ lần hạt, giờ Chầu Thánh Thể,…nhưng tôi không cho phép mình lơ là trong Thánh Lễ, tôi yêu mến vô cùng Thánh lễ và những giây phút được rước Chúa, và có lẽ đây chính là điều giúp tôi luôn cảm thấy an vui và nhẹ nhàng trong cuộc sống.

Tất cả những gì tôi chia sẻ nơi đây, tôi ước mong chính bản thân tôi, và cả những ai đang gặp khủng hoảng trong đời tu, kịp thời chỉnh đốn lại hướng đi cho đời mình, làm sao để mình đủ yêu mến và nhiệt tâm trong cả một ngày sống; và cũng cầu chúc cho những chị em đã không còn cùng tôi trên một lý tưởng, được tâm an xác mạnh, và quan trọng giữ vững đức tin vốn có của mình, nên nhân chứng sống động giữa lòng đời. Xin Chúa chúc lành cho thiện chí của từng Chị em.