THÁNH AUGUSTINO, GIÁM MỤC,
TIẾN SĨ HỘI THÁNH – 28.08
NIỀM KHAO KHÁT BÌNH YÊN
Có bảy vị tu sĩ nọ cùng sống chung trong một ngôi đền. Ước mong của họ là được sống bình yên, nhưng ngày nào cũng có những chuyện lục đục xảy ra với nhau. Khi thì người này cảm thấy khó chịu với hành động của người nọ; lúc thì người nọ lại khó chịu vì lời nói của người kia. Do vậy mà hầu như không hề có sự thanh thản và bình yên hoàn toàn trong ngôi đền tĩnh lặng mà họ đang sống.
Phía trước ngôi đền có một pho tượng đá. Một ngày kia, vị cao niên nhất trong bảy tu sĩ đó bắt đầu có một hành động rất kỳ quặc. Mỗi buổi sáng, ông ra đứng trước pho tượng đá đó rồi nhặt một hòn đá ném vào pho tượng. Chiều đến, ông lại đến đứng trước pho tượng rồi lớn tiếng xin lỗi pho tượng về hành động đã ném đá pho tượng vào buổi sáng. Ông cứ làm như vậy trong rất nhiều ngày liền. Một ngày kia, không nén được thái độ tò mò, sáu vị tu sĩ trẻ còn lại đã kéo nhau đến hỏi vị cao niên ấy: – Tại sao anh cứ ném đá vào pho tượng rồi lại đến xin lỗi nó?
Vị cao niên trả lời: – Khi tôi ném đá vào pho tượng, các anh thấy pho tượng có lung lay không? Các tu sĩ trẻ đồng thanh trả lời: – Thưa không. Vị cao niên lại nói tiếp: – Vậy khi tôi đến xin lỗi, các anh có thấy pho tượng này lay chuyển gì hay không? Các tu sĩ trẻ cũng đồng loạt trả lời: – Thưa, không hề.
Vị tu sĩ già mới ân cần nói tiếp: Các anh em à! Để xây dựng sự yên bình trong cộng đoàn của chúng ta, tất cả chúng ta hãy như pho tượng này: đừng tỏ ra giận dữ khi anh em xúc phạm đến mình, và cũng đừng tỏ ra mừng rỡ khi có người đến xin lỗi mình. Những sự đắng cay, bạc bẽo hay bao lời nói ngọt ngào chỉ tồn tại trong giây lát, rồi chúng ra đi và trở lại bất cứ lúc nào. Giữ cho tâm hồn kiên định trước mọi biến đổi của con người và cuộc sống là cách thức kiến tạo được sự bình yên trong tâm hồn và cộng đoàn của chúng ta.
Có thể nói, bất cứ ai cũng mong muốn cuộc sống của mình có được sự bình yên. Như vậy, bình yên là gì? Trong số rất nhiều khái niệm, vẫn chưa có một khái niệm nào diễn tả hết mọi ý nghĩa và chiều kích của sự bình yên. Bình yên diễn tả nơi không có tiếng ồn ào, không khó khăn, không cực nhọc. Bình yên có nghĩa là ngay chính khi đang ở trong phong ba bão táp người ta vẫn cảm thấy sự yên tĩnh trong trái tim. Bình yên còn là khi có niềm vui sướng nhuốm vị mặn mồ hôi của người cha, người mẹ khi cầm trên tay những đồng lương đủ để đóng tiền học phí hay chữa bệnh cho con mình. Bình yên cũng là khi có tiếng cười vang lên trong bữa ăn đầm ấm của mọi thành viên lớn nhỏ trong gia đình; có niềm vui rạng ngời trong đôi mắt của người mà chúng ta thương mến… Nói cách khác, sự bình yên không nằm ở bề mặt của những con chữ, nhưng nằm sâu trong kinh nghiệm và cảm giác sâu lắng của mỗi người.
Dù vậy, sự bình yên không chỉ có trong những khoảnh khắc ngọt ngào đó. Cuộc đời và những người sống bên cạnh có thể đem đến cho chúng ta sự bình yên, và cũng chính cuộc đời và những người sống với chúng ta sẽ đem sự bình yên của chúng ta đi mất. Những vị tu sĩ trong câu chuyện bên trên đã không thể tìm thấy sự bình yên ngay trong không gian tu hành của họ. Lý do là vì họ còn đặt cái tôi của mình ở một vị trí đáng kể và bị chi phối bởi tác động tích cực hay tiêu cực từ người khác.
Hôm nay, khi mừng lễ kính thánh Augustino, giám mục, tiến sĩ Hội thánh và cũng là bổn mạng của các nhà thần học, chúng ta nhớ đến một câu nói thời danh trong tác phẩm “Tự Thuật” của ngài:“Chúa đã tạo dựng chúng con cho Chúa nên lòng chúng con cứ khắc khoải không ngừng cho tới khi được nghỉ yên trong Chúa”. Thật vậy, sau 33 năm khắc khoải tìm kiếm công danh, của cải trần thế và một cuộc sống hoàn thiện, chàng thanh niên Augustino đã tìm thấy bình yên cho mình nơi sự nghỉ ngơi trong Chúa. Sự nghỉ ngơi đó là kết quả của một ước muốn không ngừng được biết Chúa và có mối tương quan sâu sắc hơn với Ngài. Chính sự nghỉ ngơi này đem đến cho thánh nhân một cảm giác bình yên sâu thẳm khi cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa và được hiện diện với Ngài. Ước gì trong hành trình tìm kiếm sự bình yên, chúng ta biết gạt bỏ những mối bận tâm không chính đáng để tìm kiếm sự nghỉ ngơi bên Chúa và gặp thấy bờ bến bình yên của đời mình.
Lạy Chúa, giữa dòng đời vạn biến, niềm khao khát được bình yên vẫn bất biến trong cõi lòng và tâm trí chúng con. Xin Chúa cho chúng con biết chọn Chúa là tất cả của cuộc đời mình vì chỉ nơi sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa, chúng con mới tìm thấy được bình yên. Amen.
Kim Lan sưu tầm