Tĩnh nguyện: Lễ Suy tôn Thánh Giá 14-9-2021

 

Kính thưa Quý Chị Em,

Ngày mai, toàn thể Giáo Hội sẽ hân hoan mừng Kính Lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa Giêsu. Là Tước Hiệu của Tất cả các HD. Mến Thánh Giá.

Lòng mến mộ và tôn kính Thánh Giá đã có từ lâu đời trong Giáo hội. Theo Giáo phụ Tertuliano – chuyên gia về Giáo sử – thì ngay từ thời Giáo hội sơ khai, các Ki-tô hữu “Bất kỳ làm một việc gì có ý nghĩa, đều làm dấu Thánh Giá.” Thậm chí người Ki-tô hữu còn có thói quen làm dấu Thánh Giá trên người và vật như dấu chỉ sự chúc lành. Tuy nhiên, phải đến thế kỷ thứ 4 trở đi mới có ngày lễ dành để tôn vinh Thánh Giá. Thánh giá được suy tôn do một sự kiện trong lịch sử: Vào năm 326, sau khi tìm được di sản Thánh Giá thật, thánh Hélène, mẹ của Hoàng đế Constantin, đã cho xây cất 2 đền thờ: một tại Núi Sọ Calvario và một tại Mộ Thánh ở Thánh địa Giê-ru-sa-lem. Riêng tai Mộ Thánh ở Thánh địa Giê-ru-sa-lem, Thánh nữ đặt cây Thánh Giá vừa tìm được tại đó để mọi người kính viếng. Các đền thờ này được cung hiến ngày 13/9/335. Lễ suy tôn Thánh giá Chúa Giê-su được lập ra để kỷ niệm ngày cung hiến đó, và ấn định lễ kính vào ngày 14/9.

Để dọn lòng chuẩn bị mừng lễ Tước Hiệu của Dòng, chúng ta cùng nhau dâng lên Chúa giờ cầu nguyện và suy tư về Mầu Nhiệm Thánh Giá Chúa, để thấy được Tình Yêu cao, sâu mà Chúa dành cho nhân loại nói chung và cho từng người chúng ta qua Mầu nhiệm Thập Giá. Giờ đây, Xin Chúa Thánh Thần thanh luyện tâm hồn và giúp chúng ta hướng trọn lòng trí về Chúa.
* TN2 : 113 (1) Lạy Chúa Thánh Thần
   (Mời ngồi)

Suy niệm 1: THÁNH GIÁ LÀ NGUỒN PHÚC VINH

Ngày 14 tháng 9, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cử hành lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa với niềm vui vì được cứu độ.

Trước hết, Thánh Giá là tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Thánh Gioan viết: “Tình yêu Thiên Chúa cốt tại điều này là không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa trước nhưng chính là Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước. Tình yêu của Thiên Chúa biểu hiện qua việc Ngài đã sai Con Một Ngài vào trong thế gian để làm của lễ đền tội chúng ta”. Như thế, tình yêu Thiên Chúa là một tình yêu nhưng không, vô vị lợi. Chúa yêu chúng ta không phải vì chúng ta tốt hay vì Ngài cần chúng ta, nhưng chỉ vì Chúa tốt lành vô song. Tiên tri Giêrêmia đã nói rất cảm động: “Ta đã yêu con bằng tình yêu muôn đời, bởi thế Ta đã giữ bền ân nghĩa với con” (Giêrêmia 31,3). Thánh Augustin cũng nói: “Nguồn nước có được lợi gì khi kẻ khát nước đến uống ở đó, mặt trời có lợi gì khi con mắt được ánh sáng chiếu tới”.. Trước một tình yêu cao cả và vô vị lợi như thế sao ta lại dễ thất vọng chán nản mỗi khi gặp thử thách? Là con cái Chúa, là tu sĩ, nhất là Nữ tu Mến Thánh Giá lại ngã lòng mỗi khi Chúa muốn chúng ta chia sẻ Thánh Giá với Ngài? Phải chăng ta còn quá ích kỷ trong việc mến yêu Chúa? Ta yêu Ngài chỉ vì ta cần đến Ngài chẳng khác gì coi Ngài như cái vòi nước, khi cần thì đến vặn dùng, xong lại đóng sập lại ngay.

Chúng ta nghĩ sao về tình yêu Chúa đối với ta và tình mến ta với Chúa. Lạy Chúa, xin tha thứ cho nỗi vong ân bội nghĩa của chúng con!

Chính vì không cảm hết được tình yêu Chúa đã tự triệt tiêu mình vì chúng con, vì thế mà đứng trước Thánh Giá Chúa, chúng con vẫn không một chút mủi lòng.  Chúng con mang Thánh Giá trong mình mà chúng con lại mau mắn xua đuổi Thánh Giá đi xa dù chỉ là một Thánh Giá nhỏ nhẹ – một chút nhức đầu sổ mũi, một lời nói đùa cợt, một sự góp ý xây dựng đã đủ làm con phản ứng gay gắt, đỏ mày đỏ mặt, cử chỉ thô bạo, lắm lúc còn ấm ức tìm cách báo thù.

Cũng vì không cảm hết được tình Chúa yêu con đến triệt tiêu mình cho con, nên con thường mắc bệnh chủ quan, luôn nhìn và phóng đại đau khổ mình mà không biết nhìn đến những thánh giá kẻ khác. Đau khổ mình thì dùng kính hiển vi mà phóng đại để tủi thân, để phàn nàn, để than trách. Còn đau khổ kẻ khác thì lại coi nhẹ, cho là việc nhà giàu đứt tay, không đáng kể. Ôi thật là ích kỷ! Sao con không nhìn lên Thánh Giá với những đau khổ dữ dằn hồn xác của Chúa đã gánh chịu cho con và cho tha nhân con. Tự hào là những người yêu Thánh Giá hơn ai, mến Chúa hơn ai mà con lại không biến cải những Thánh Giá chúng con thành những cây Thánh Giá để nên giống Chúa, để biểu lộ tình yêu Chúa yêu tha nhân? Thánh Têrêxa Avila thì nói: “Hoặc đau khổ hoặc chết”. Thánh Mađalêna de Passi: “Không chết nhưng xin đau khổ mãi mãi”. Thế mà con, Nữ tu Mến Thánh Giá thì lại khiếp sợ Thánh Giá, chê chối tránh né Thánh Giá.
* TN2 : 106 (2) Thập giá đời con

Suy niệm 2: QUA THÁNH GIÁ ĐẾN VINH QUANG

Mừng lễ Suy tôn Thánh Giá Chúa, ngắm nhìn Thánh Giá Chúa, ta chỉ thấy một nỗi im lặng bao trùm. Nhưng chính trong ý nghĩa của thinh lặng Thánh Giá, ta lại nghe bằng chính nội tâm mình tiếng gào thét của một sức mạnh vô cùng: sức mạnh của một Tình Yêu đời đời bền vững. Sức mạnh của Tình Yêu trường cửu làm bừng lên ơn Phục Sinh giữa những tăm tối của nỗi chết chóc.

Ngay buổi chiều ngày Phục sinh, Chúa Kitô đã hiện ra với các môn đệ. Sau khi ban bình an, “Chúa cho các ông xem tay và cạnh sườn” của mình. Cho xem tay và cạnh sườn cũng đồng nghĩa với việc Chúa cho xem dấu vết kinh hoàng của Thánh Giá. Nhưng buổi chiều hôm Phục Sinh, thánh Tôma lại vắng nhà. Ông đã tỏ dấu nghi ngờ và đòi kiểm chứng sự kiện Phục Sinh. Đúng một tuần lễ sau, Chúa Phục Sinh đã đáp ứng đòi hỏi và giải tỏa nghi ngờ của thánh Tôma. Người hiện ra và bảo: “Tôma, đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Trước dấu chứng hùng hồn của Thánh Giá trên thân thể Đấng Phục Sinh, thánh Tôma chỉ còn biết run rẫy, cúi đầu thú nhận: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con” (Ga 20, 19-31).

Chúa Kitô đã phục sinh. Nhưng Chúa chỉ phục sinh sau Thánh Giá. Vì thế, sự Phục Sinh dù vinh hiển và khải hoàn đến đâu, vẫn không thể xóa nhòa bất cứ một dấu ấn nào của Thánh Giá trên thân thể Đấng Phục Sinh. Nơi Chúa Kitô, hội tụ cả hai: Thánh Giá và Phục Sinh. Để có Phục Sinh cần có Thánh Giá. Như vậy, trước Phục Sinh đã có Thánh Giá. Thánh Giá đi trước và Phục Sinh đi sau, làm thành cuộc Vượt Qua có một không hai trong lịch sử, làm nên lịch sử và thánh hóa lịch sử. Thánh Giá khơi nguồn ơn Phục Sinh. Từ Thánh Giá, bừng lên ánh sáng chói ngời của ơn Phục Sinh.

Nếu Chúa Kitô đã phục sinh ngang qua Thánh Giá, chúng ta cũng sẽ như Chúa của mình, sẽ phải đón nhận Thánh Giá, rồi vào vinh quang Phục Sinh. Bước theo Chúa, vác Thánh Giá để đến Phục Sinh, đó là hành trình tất yếu, sẽ không bao giờ vắng bóng trong đời người.

Vì thế, dấu vết kinh hoàng của Thánh Giá trên thân thể Đấng Phục Sinh còn là một nhắc nhở cho ta về khuôn mặt tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa. Chính vì tình yêu, Thiên Chúa đã cúi mình thật sâu trong thân phận con người để ta được diễm phúc làm con Thiên Chúa.

Mừng lễ Suy Tôn Thánh Giá Chúa, nhắc nhở chúng ta về nền tảng của đức tin: qua thánh giá thì có triều thiên, triều thiên cứu rỗi, triều thiên đợi chờ những ai chạy tới cùng đích. Đối với người tín hữu, Thánh giá đã trở nên biểu hiệu của tình yêu thương bao la mà Thiên Chúa dành cho loài người.

Nhìn quanh, ta thấy biết bao người đang phải mang vác thánh giá về bệnh tật thể lý, tâm lý và tinh thần. Nhiều người phải mang vác thánh giá của cảnh băn khoăn, lo âu, sợ hãi và hiểu lầm trong suốt cả cuộc sống. Nhiều người còn phải mang vác thánh giá của cảnh nghèo túng và đói khát. Nhiều người phải mang vác thánh giá của cảnh kì thị, ta cầu xin Chúa hãy là sức mạnh và nguồn hi vọng của họ. Nhiều người phải mang vác thánh giá của cảnh bách hại vì tin vào Chúa ở những miền đất khác nhau trên thế giới, nhất là ngay thời điểm này, tại nước Afghanistan, ở Nam Sudan, ta cầu xin Chúa là nguồn an ủi và là niềm hy vọng của họ, ban chọ họ lòng can đảm, cậy trông. Nhiều người phải mang vác thánh giá của cảnh chia li, vì tình trạng dịch bệnh phải giãn cách, ta cầu xin Chúa cho họ được đoàn tụ với người thân yêu. Và nhất là ngay thời điểm này, biết bao người đang phải đau khổ vì dịch bệnh mà đỉnh điểm của đau khổ là cái chết, biết bao người phải mất đi người thân của mình. Và còn biết bao người lúc nào cũng sống trong lo sợ vì cái chết rình chờ. Lạy Chúa, nỗi khổ này, ai có thể xoa dịu được ngoài Chúa. Xin hãy xót thương!

Và còn muôn ngàn thánh giá khác của cuộc sống mà con người đang mang vác, chắc chắn Chúa nhìn thấy, Chúa thấu suốt tất cả. Xin Chúa ban sức mạnh và lòng can đảm cho tất cả.
* TN2 : 90 (1) Thập giá tình yêu (2)
  (Mời quỳ)

* Cầu nguyện :

Lạy Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa làm người!
Vì yêu thương nhân loại, Chúa đã chịu đau khổ và vác thánh giá vì tội lỗi loài người, gồm tội lỗi của chính chúng con.
Xin Chúa ban sức mạnh và niềm an ủi cho chúng con và tất cả những ai đang phải vác thánh giá của cuộc sống, về bệnh tật, đau khổ hồn xác.
Xin Chúa làm vơi nhẹ những thánh giá của họ, và biến đổi thánh giá của họ thành dụng cụ cứu rỗi.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con kính thờ Thánh Giá Chúa, và chúng con ngợi khen Thánh Giá Chúa, vì nhờ Thánh Giá, Chúa đã cứu chuộc thế giới. Xin cho chúng con đừng thờ ơ với tình trạng mà nhân loại đang phải trải qua do đại dịch COVID-19 gây ra, biết khám phá lại ý nghĩa mà thập giá mang lại cho chúng con và tìm cách hiện thực hóa ý nghĩa của thập giá, đó là trả lại công lý cho các loại thập giá mà nhiều anh chị em chúng con đang phải gánh chịu ngày hôm nay ở khắp nơi trên thế giới.
Cách riêng đối với chị em chúng con là những nữ tu MTG, trong lần mừng lễ STTG Chúa lần này, chúng con tha thiết nài xin Chúa cho từng chị em:
– Biết  luôn hãnh diện làm cho Thánh Giá đời mình được trổ hoa nơi sứ vụ Tông Đồ, nơi đời sống cầu nguyện và hy sinh khổ chế từng ngày.
– Biết sống lời tuyên xưng “Chúa Giê-su chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất của lòng trí con” trong mọi biến cố buồn vui của cuộc sống.
– Biết khao khát gắn chặt đời mình với Đức Kitô bằng một tình yêu thực tiễn và phi thường, đến độ sẵn lòng dâng tiến, trao gửi và cống hiến trọn vẹn con người mình, để Chúa dùng theo cách Người muốn, hầu tiếp nối sự hy sinh đau khổ của Người  được mỗi chị em tích cực sống trong hiện tại.
– Để cuối cùng, trong ngày kết thúc hành trình sống ơn gọi dòng MTG của mỗi người, chúng con có thể nói như thánh Phaolô: “Hồi còn ở giữa anh em, tôi đã không muốn biết đến chuyện gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô, mà là Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh vào thập giá.” Amen
*TN2 : 97 (2) Tình ca Thập giá

M. Péroline