Bữa ăn thiêng liêng (Lm Phaolo Phong) – Thứ 5/05/08/2021

Quý Ông Bà Anh Chị Em rất thân mến,

Xin chào tất cả quý bà con. Nguyện cầu Thiên Chúa thương ban cho chúng ta bình an trong ngày mới này. Giờ đây, chúng ta cùng nhau đọc và suy niệm đoạn Tin Mừng hôm nay.

Tin Mừng: Mt 16, 13-23

Khi Ðức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ”. Ðức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Simon Phêrô thưa: “Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Ðức Giêsu nói với ông: “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Ðá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”. Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Ðấng Kitô.

Từ lúc đó, Ðức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” Nhưng Ðức Giêsu quay lại bảo ông Phêrô: “Xatan, lui ra đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”. Đó là Lời Chúa.

Suy niệm

1. Thiên Chúa là Đấng quyền năng và quyền năng của Người được thể hiện nơi con người Đức Giêsu Kitô. Trong 3 năm rao giảng, Chúa Giêsu đã dùng lời nói, việc làm để biểu lộ uy quyền của Thiên Chúa nhằm thi ân giáng phúc cho con người. Nhiều người đã chứng kiến những việc lạ lùng mà Chúa Giêsu đã làm, họ đều thán phục và tin vào Người. Đặc biệt trong bài Tin Mừng hôm nay, sau một thời gian các tông đồ đi theo Chúa, Phêrô đại diện các ông tuyên xưng niềm tin của mình: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Sau lời tuyên xưng mạnh mẽ đó, Chúa Giêsu còn hé mở cho các ông biết về con đường cứu độ của Chúa, một con đường thập giá và đau khổ: “Người phải lên Giêrusalem, chịu nhiều đau khổ, bị giết chết, rồi sống lại”, nghĩa là Chúa chấp nhận khổ đau, sẵn sàng chịu chết vì yêu thương, vì muốn giải thoát chúng ta. Chúa không muốn cứu con người bằng phương cách dễ dàng, nhưng Người muốn cứu chúng ta bằng con đường hy sinh, con đường thập giá, và đó là tình yêu thật sự, vì “tình yêu không có hy sinh là tình yêu giả”. Qua đó, Chúa Giêsu muốn cho chúng ta hiểu sự hy sinh, đau khổ có giá trị lớn lao trong niềm tin và cuộc sống của con người.

2. Giống như sự hy sinh của Chúa Giêsu, trong đời sống hằng ngày, khi chúng ta muốn đạt được mục tiêu nào đó, ước mơ nào đó, chúng ta cũng cần phải hy sinh, nỗ lực, và quyết tâm thì hy vọng mới thành công.

Một em học sinh cố gắng học bài… em sẽ đạt được điểm cao trong một kỳ thi. Muốn đạt được huy chương vàng thì vận động viên phải kiên trì tập luyện mỗi ngày. Ước mơ thông thạo một ngoại ngữ thì ta phải thực hành thường xuyên ngôn ngữ đó… Đó là nguyên tắc, quy luật bình thường trong cuộc sống.

Để cho gia đình mình được ấm êm hạnh phúc…các thành viên cũng phải biết hy sinh, quên mình. Vợ chồng phải hy sinh ý riêng, sở thích cá nhân, và biết quên bản thân để chăm sóc cho những thành viên khác, thì gia đình sẽ bình an, đầy ắp tiếng cười, và trên thuận dưới hòa. Hy sinh mọi thứ để đem lại hạnh phúc cho nhau.  

3. Noi gương Chúa Giêsu chấp nhận hy sinh để cứu chúng ta, mỗi người chúng ta hãy cố gắng hy sinh cho nhau và vì nhau trong lúc dịch bệnh đang lan tràn khắp nơi.

  • Hy sinh sống ở nhà, không đi ra đường, hạn chế tiếp xúc, thực thi nghiêm túc những chỉ thị của nhà chức trách… nhằm bảo vệ mạng sống của mình và của cộng đồng.
  • Hy sinh một chút thời gian, vật chất, lương thực, thực phẩm… để chia sẻ và giúp đỡ những người đang đau khổ trong lúc này, họ là những người bị mất người thân yêu, bị nhiễm bệnh, nghèo đói, thất nghiệp, tha hương… Những anh chị em đó đang cần sự giúp đỡ của chúng ta.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã yêu thương và cứu chuộc con bằng con đường thập giá, con đường hy sinh quên mình, con xin tạ ơn Chúa.

Lúc này, các thành viên trong gia đình con được gặp gỡ nhau thường xuyên, xin cho con biết noi gương Chúa, hy sinh từ bỏ ý riêng để con có thể sống cho nhau, và vì nhau.

Lúc này, có nhiều người đang bị đau khổ về tinh thần lẫn vật chất, xin cho con biết noi gương Chúa, dám hy sinh quên mình để nghĩ đến những anh chị em đó và tìm cách giúp đỡ họ. Amen.

Cha sở Phaolô