GIÁO ĐIỂM RẠCH RÁNG
TẠ ƠN THÁNG MÂN CÔI
M. DH. Tường Vi
Vào hai buổi chiều thứ 7 và Chúa nhật cuối của tháng 10, cha đặc trách Giuse Lê Tấn Phong, quý dì và toàn thể giáo dân quy tụ bên cạnh Đức Mẹ trong ngôi nhà nguyện nhỏ bé. Một không khí ấm cúng đầy tình yêu thương và phấn khởi, mỗi người có những cung bậc cảm xúc khác nhau dâng lên Mẹ tràng chuỗi mân côi, những nén hương nghi ngút khói, những cánh hoa lung linh theo điệu nhạc hòa quyện với tâm hồn rạo rực và những lời kinh kính mừng mà trong suốt tháng Mân Côi dù mưa, dù nắng, dù không có thánh lễ, giáo dân vẫn quy tụ với nhau để lần chuỗi Mân Côi. Một hình ảnh rất đẹp không thể diễn tả bằng câu chữ mà chỉ cảm nhận bằng con tim và sự ngưỡng mộ.
Tôi cũng có nhiều cung bậc cảm xúc và suy tư của riêng mình không biết diễn tả ra sao? chỉ biết hòa quyện cảm xúc của mình vào từng lời kinh dâng lên Thiên Chúa cầu nguyện cho giáo điểm ngày càng thăng tiến bình an.
Suy tư về cái tên gọi: “Rạch Ráng” Tôi thật sự không biết gì về ý nghĩa của tên gọi ấy mà người dân đã gọi từ bao lâu nay, nhưng đối với tôi, tên gọi ấy mang 2 ý nghĩa tích cực mà tôi mạo muội đặt cho nó.
1. Rạch Ráng là ” Ráng lên” để có “danh phận”.
Giáo điểm Rạch Ráng mới được thành lập khoảng vài năm nay. Trước kia, khi chưa có giáo điểm, giáo dân phải đi ” lễ ké” các nhà thờ lân cận như: Rau Dừa, Sông Đốc, U Minh, Cái Rắn, Năm Căn…vì đi ” lễ ké” nên mọi sinh hoạt trong giáo xứ họ đều không được tham gia. Kể từ khi có giáo điểm, họ bắt đầu tham gia các sinh hoạt như: Ban Hội Đồng Mục Vụ, Ban lễ sinh, hội Lêgio, ca đoàn…tất cả các sinh hoạt này đối với họ là mới mẻ, chưa quen, mà giờ họ phải tự đứng trên đôi chân của mình, mà chân thì có chân ướt, chân khô nên nó hơi khập khiểng, bước đi còn bỡ ngỡ, sai lạc…điều này nói lên rằng: giáo dân nơi đây phải cố gắng hết sức có thể, cố gắng về mọi phương diện để bảo tồn và phát huy sức sống của giáo điểm, nhất là về đời sống đạo đức. Từ đó, giáo điểm mới thay da đổi thịt thành giáo xứ lớn mạnh, sánh vai với các giáo xứ khác và có ” danh phận” trong danh sách các nhà thờ trong Giáo Phận Cần Thơ.
2. Muốn có “danh phận” thì không nên sống “an phận”
Như đã nói trên, giáo điểm mới thành lập vài năm. Ngày thường không có thánh lễ chỉ có lễ Chúa nhật. Cha đến rồi cha đi, dì đến rồi dì đi. Giáo điểm có thánh lễ mỗi ngày khoảng 1 năm nay kể từ khi có các dì đến giúp dài hạn. Riêng với các Linh Mục, Tu Sĩ, chúng ta là những người đi Loan báo Tin Mừng, thì đối với những giáo điểm còn non trẻ, chúng ta phải hết sức cố gắng giúp họ, nâng đỡ, dạy dỗ, hướng dẫn họ về mọi phương diện tất tần tật, cũng giống như chúng ta khởi sự lại từ đầu và đừng bao giờ cho rằng họ phải thế này hay phải thế kia giống như các giáo xứ lâu đời khác, chúng ta phải biết bước chân ra khỏi nơi an toàn, đến những vùng ngoại biên như ĐGH Phanxicô đã mời gọi, đến từng người nguội lạnh ở xa hàng chục cây số, đi thăm viếng, đi tìm con chiên lạc, đem MTC cho người bệnh tật già yếu, kêu gọi trẻ em đến tham dự thánh lễ và học giáo lý, tìm hiểu, trò chuyện về hoàn cảnh của họ để thấu hiểu họ hơn, giúp dạy giáo lý dự tòng để gỡ rối cho họ… Nói tóm lại, mục đích của người đi loan báo Tin Mừng là giúp cho người giáo dân và nơi mình đang phục vụ mỗi ngày trở nên tốt hơn, nhận biết Chúa hơn, vì thế để giúp giáo dân Giáo Điểm Rạch Ráng có được một nền đạo đức tốt lành, những thói quen tốt hay nói khác hơn có một “DANH PHẬN” thì chúng ta những người đi loan báo Tin Mừng hãy ra khỏi giường, khỏi phòng, khỏi nơi ở ấm áp, khỏi những công việc dễ dàng mà chọn những công việc khó hơn, cực hơn, hi sinh hơn một chút và đặc biệt không được sống “an phận”.
Lạy Chúa, cánh đồng truyền giáo của Chúa quá bao la rộng lớn, mà đôi tay của chúng con quá bé nhỏ. Xin cho chúng con biết dùng hết khả năng Chúa ban để góp phần làm cho nước Chúa ngày càng lan rộng hơn.