Suy niệm Lời Chúa hằng ngày – Tuần VII Phục Sinh Năm C

THỨ HAI TRONG TUẦN VII PHỤC SINH NĂM C

TIN MỪNG: Lc 16, 29 – 33

29 Khi ấy, các môn đệ thưa với Đức Giê-su rằng : “Bây giờ Thầy nói rõ, chứ không còn dùng dụ ngôn nào nữa. 30 Giờ đây, chúng con nhận ra là Thầy biết hết mọi sự, và Thầy không cần phải có ai hỏi Thầy. Vì thế, chúng con tin Thầy từ Thiên Chúa mà đến.” 31 Đức Giê-su đáp : “Bây giờ anh em tin à ? 32 Này đến giờ -và giờ ấy đã đến rồi- anh em sẽ bị phân tán mỗi người một ngả và để Thầy cô độc một mình. Nhưng Thầy không cô độc đâu, vì Chúa Cha ở với Thầy. 33 Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên ! Thầy đã thắng thế gian.”

SUY NIỆM:

Trong thời kỳ cách mạng Pháp, có 16 nữ tu dòng Camêlô bị kết án tử hình vì tội cuồng tín. Khi tòa tuyên án, một trong số 16 nữ tu rụt rè hỏi: Thưa quan tòa, tội cuồng tín là gì ạ? Vị thẩm phán gắt gỏng đáp: Là tội dại dột và cố chấp tin vào một tên tử tội đã bị kết án đóng đinh ở trên thập giá cách đây cả hơn nghìn năm. Nghe thế, vị nữ tu chắp tay ngước mắt lên trời và nói: Ôi! Thật tuyệt diệu khi được chết vì Chúa Kitô.

Đến ngày xử án, 16 nữ tu được mang ra pháp trường trên chiếc xe ngựa chuyên dùng để chở các tử tội, ai thấy xe ấy cũng đều sợ hãi, ngoại trừ 16 nữ tu đơn sơ yếu đuối sắp bị hành quyết. Họ cất tiếng thánh thót hát lên những bài thánh ca quen thuộc, trước khi bị đem lên máy chém, từng người một quì trước mặt Mẹ Bề Trên để lặp lại lời khấn vâng lời, sau đó họ cất tiếng hát kinh Veni Creator – Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài hãy đến.

Với một chiếc đầu rơi, cường độ của âm thanh nhỏ dần, cuối cùng đến phiên Mẹ Bề Trên tên là Têrêsa Augustina, trước khi bị lưỡi dao rơi xuống kết thúc cuộc đời, người môn đệ mang tên thánh Augustinô ấy, đã lặp lại lời của thánh nhân: Tình yêu sẽ luôn chiến thắng, vì tình yêu có sức mạnh vô song.

16 nữ tu này chỉ là con số đại diện, còn biết bao nhiêu môn đệ của Chúa Giêsu đã sống “lội ngược dòng” với sự bách hại của thế gian, quả thật như lời Chúa Giêsu đã báo trước: Giữa thế gian, các con sẽ phải đau khổ, nhưng hãy can đảm lên, Thầy đã thắng thế gian. Ngày hôm nay, các Kitô hữu chúng ta không bị bách hại giống như 16 nữ tu dòng Camêlô tại Pháp, nhưng chúng ta bị bách hại kiểu khác: thời đại công nghệ truyền thông, phim ảnh, sách báo đồi trụy… làm cho nhiều người trẻ, thậm chí là những người đã có gia đình khó sống trong sạch trong bậc sống của mình; bách hại nơi những người trẻ: sinh viên, thậm chí là học sinh cấp 2 thôi,… và giải quyết hậu quả bằng phá thai; nhiều gia đình trẻ – ngay cả gia đình Công giáo, đã đánh mất chữ thủy chung trọn đời, hôn nhân không còn là kết ước trọn đời… và nhiều bách hại khác tương tự như thế.

Khi Apôlô đến hỏi các tín hữu Êphêsô: Anh em đã nhận lấy Thánh Thần chưa? Họ trả lời: Ngay cả Thánh Thần là ai, chúng tôi còn chưa biết, thì làm sao mà lãnh nhận! Chúng ta không thể nào trả lời giống các tín hữu Êphêsô được: không thể làm ngơ tiếng nói của Chúa Thánh Thần nơi lương tâm mình được. Cuộc đời Kitô hữu là chuỗi ngày bước theo Chúa Kitô, là chuỗi ngày lội ngược dòng, nhưng chúng ta tin tưởng: ai bền đỗ đến cùng, sẽ được ơn cứu chuộc.

 

THỨ BA TRONG TUẦN VII PHỤC SINH NĂM C

TIN MỪNG: Ga 17, 1 – 11a

1 Khi ấy, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng : “Lạy Cha, giờ đã đến ! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha. 2 Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người. 3 Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô.

4 “Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm. 5 Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha : xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian. 6 Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha. 7 Giờ đây, họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha, 8 vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con ; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con.

9 “Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha. 10 Tất cả những gì con có đều là của Cha, tất cả những gì Cha có đều là của con ; và con được tôn vinh nơi họ. 11a Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian ; phần con, con đến cùng Cha.”

SUY NIỆM:

Đoạn Tin Mừng hôm nay, thánh sử Gioan thuật lại những lời cầu nguyện của Chúa Giêsu dâng lên Thiên Chúa Cha. Thật vậy, Chúa Giêsu luôn kết hiệp mật thiết với Chúa Cha: “Ta và Cha Ta là Một”, kết hiệp qua việc cầu nguyện và thi hành thánh ý Chúa Cha.

Chúa Giêsu thường bắt đầu một ngày mới bằng việc đến nơi yên tĩnh, vắng vẻ để cầu nguyện: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã thức dạy, ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện” (Mc 1,35). Qua đó, Ngài làm gương cho các môn đệ ngày xưa và cho chúng ta ngày nay trong việc phải siêng năng cầu nguyện và Ngài còn nhắc nhở: “Anh em hãy cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Lc 22,40).

Chúng ta biết rằng: cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa, để tìm được thánh ý Chúa, để nhận được nhiều ơn lành cần thiết và sống trọn đạo làm con, nhưng cầu nguyện không phải chỉ là để xin ơn, mà còn là để ca ngợi, tạ ơn và tạ lỗi cùng Thiên Chúa. Với tấm lòng con thảo, chúng ta gặp gỡ, tâm sự và lắng nghe tiếng Chúa hướng dẫn trong tâm hồn của mình. Cuộc đời của chúng ta sẽ tràn đầy nhựa sống khi chúng ta luôn biết kết hiệp mật hiết với Chúa qua việc siêng năng cầu nguyện, nhất là cầu nguyện chung với nhau như tham dự Thánh Lễ, chầu Thánh Thể và đọc kinh trong gia đình vào những thời gian thuận tiện…

Các nhà tu đức thường nói: “Cầu nguyện là hơi thở của linh hồn”, “như cá cần phải sống trong nước vậy.” Như vậy, nếu không cầu nguyện thì linh hồn chúng ta sẽ rời xa Chúa và sẽ chết dần chết mòn trước những cám dỗ của thế gian, ma quỷ và xác thịt…

Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta dâng lời cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha. Vì vậy, mỗi ngày khi nào nhớ đến Chúa, chúng ta hãy thầm thĩ đọc một kinh Lạy Cha. Lời kinh tuyệt vời đó đã diễn tả tất cả những tâm tình của những người con chí hiếu luôn muốn làm rạng Danh Cha, cùng với những lời cầu xin thiết thực nhất cho các nhu cầu cần thiết, để chúng ta hoàn tất  cuộc hành trình trần gian này.

 

THỨ TƯ TRONG TUẦN VII PHỤC SINH NĂM C

TIN MỪNG: Ga 17, 11b – 19

11b Khi ấy, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng : “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta. 12 Khi còn ở với họ, con đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh. 13 Bây giờ, con đến cùng Cha, và con nói những điều này lúc còn ở thế gian, để họ được hưởng trọn vẹn niềm vui của con. 14 Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian. 15 Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần. 16 Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc về thế gian. 17 Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật. 18 Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian. 19 Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con, để nhờ sự thật, họ cũng được thánh hiến.”

SUY NIỆM:

Đoạn Tin Mừng mà chúng ta vừa được nghe, nằm trong chương 17, Tin Mừng Gioan, được gọi là lời nguyện hiến tế của Chúa Giêsu. Ngày hôm nay, Chúa Giêsu cầu nguyện cách đặc biệt cho các môn đệ; môn đệ trong bài Tin Mừng hôm nay hiểu theo nghĩa hẹp, là nhóm 12 Tông đồ và 72 môn đệ; là những ai đang sống đời tu trì hôm nay. Chúa cầu nguyện với những ý như sau:

Ý thứ nhất, đó là gìn giữ các môn đệ trong đức tin. Trong đời sống tu trì, sẽ có những ngày, tháng, thậm chí là năm, được gọi là “đêm tối của đức tin”, những người tu rất dễ bị thử thách đức tin. Thánh nữ Têrêsa Calcutta, thánh Têrêsa Avila, thánh Catarina thành Sienna đều trải qua những đêm tối đức tin như vậy – không cảm nhận được Chúa đang hiện diện: đến nỗi, các vị thánh đã phải thốt lên: Chúa thường đối xử với bạn thân Ngài như thế, Chúa ít bạn là phải! Chính vì thế, mỗi ngày chúng ta phải xin cho mình thêm đức tin.

Ý thứ hai, đó là che chở các môn đệ khỏi thế gian hư đốn. Tinh thần thế tục rất dễ len lỏi vào đời sống tu trì, làm cho những người tu dễ đánh mất “chất tu” nơi mình: người tu ăn mặc, nói năng “đời” quá, không giống người tu. Đời tu, cũng như cuộc đời của một Kitô hữu có thể nói là chuỗi ngày lội ngược dòng với thế gian, với thời đại. Thời đại nào khó trở nên một Kitô hữu nhất, thì các Kitô hữu lại dễ dàng trở nên những Kitô hữu đích thực; Còn thời đại nào dễ trở nên một Kitô hữu nhất, thì dường như các Kitô hữu lại khó trở nên một Kitô hữu đúng nghĩa.

Ý thứ ba, đó là thánh hiến các môn đệ trong sự thật. Thiên Chúa thánh hiến các môn đệ bằng chính Lời của Ngài. Khi người tu sống và thực hành những Lời Chúa Giêsu đã dạy, là họ đang sống theo sự thật, và thuộc trọn về Chúa.

Chúng ta xin Chúa gìn giữ không chỉ những người sống đời tu trì, nhưng gìn giữ mỗi người Kitô hữu chúng ta sống đức tin vững vàng trong thử thách; che chở chúng ta trước những thách đố cám dỗ của xã hội hôm nay; và rồi biến đổi chúng ta trở thành những chứng nhân cho Sự Thật, chứng nhân của Chúa trong thế giới hôm nay.

 

THỨ NĂM TRONG TUẦN VII PHỤC SINH NĂM C

TIN MỪNG: Ga 17, 20 – 26

20 Khi ấy, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện rằng : “Lạy Cha, Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, 21 để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. 22 Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một : 23 Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một ; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.

24 “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. 25 Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con. 26 Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.”

SUY NIỆM

Như chúng ta đã biết, đoạn Tin Mừng hôm nay, tiếp nối đoạn Tin Mừng hôm qua, nằm trong chương 17 – Tin Mừng Gioan, mang tên là Lời nguyện hiến tế của Chúa Giêsu. Hôm qua, Chúa cầu nguyện cách riêng cho các Tông đồ và môn đệ, hay nói cách riêng là những người tu trì. Còn ngày hôm nay, Chúa cầu nguyện cho tất cả những ai nhờ vào lời rao giảng của các Tông đồ và môn đệ, mà tin vào Chúa Giêsu. Hay nói cách khác là Chúa cầu nguyện cho mọi Kitô hữu. Vậy thì, Chúa cầu nguyện cho họ điều gì? Thưa, Chúa cầu nguyện cho tất cả mọi Kitô hữu được hiệp nhất: Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào Con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ ở trong chúng ta.

Hằng năm, chúng ta có một tuần lễ để cầu nguyện cho các Kitô hữu được hiệp nhất: bắt đầu từ ngày 18/1 và kết thúc vào ngày 25/1 – lễ thánh Phaolô Tông đồ trở lại. Thật vậy, Giáo hội chính thức được khai sinh cách nay gần 2000 năm, vào ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, cứ ngỡ rằng Giáo hội sẽ hiệp nhất như lời Chúa Giêsu cầu nguyện, nhưng lại đang bị chia năm xẻ bảy:

Ngày 16/7/1054, Kitô giáo bị chia thành Giáo hội Công giáo và Chính Thống giáo; chia rẽ bởi một chữ trong Kinh Tin Kính: FilioqueChúa Thánh Thần bởi Chúa Con mà ra. Năm 1517, linh mục Luther đã không vâng phục Giáo quyền, đưa ra 95 luận đề nhằm cải cách Giáo hội, để rồi, ly khai trở thành Giáo hội Tin Lành, hay Giáo hội Cải cách. Năm 1534, vua Henri VIII ly khai, trở thành Anh giáo.

Ngày hôm nay, vẫn còn nhiều ngấm ngầm ly khai, chia rẽ khác nữa đang diễn ra trong Giáo hội, trong diễn ra trong các giáo xứ, và ngay cả nơi mỗi gia đình Công giáo hôm nay. Vậy, chúng ta phải làm gì để Giáo hội được hiệp nhất như Chúa Kitô hằng mong muốn?

Ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống là ngày chính thức Giáo hội được khai sinh, thời đại mà chúng ta đang sống là thời đại của Chúa Thánh Thần; và Chúa Thánh Thần là Đấng kiến tạo sự hiệp nhất: Chính vì thế, chúng ta cần phải sống sự hiệp nhất nơi chính mình, không bất nhất, lắng nghe và làm theo tiếng nói của Thánh Thần nơi lương tâm của mình; Cần có sự hiệp nhất trong cử hành phụng vụ: không sáng chế, không vẽ vời… không làm sai luật chữ đỏ; Cần lắng nghe tiếng nói của Huấn quyền.

 Trong năm phụng vụ, chúng ta không chỉ cầu nguyện một tuần lễ cho Giáo hội hiệp nhất, nhưng có thể nói, chúng ta phải cầu nguyện mỗi ngày: xin Chúa Thánh Thần là Đấng kiến tạo sự hiệp nhất, ngự xuống nơi tâm hồn mọi tín hữu: để uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng, chỉnh đốn lại chỗ trật đường…Chỉ có như thế, Giáo hội mới có thể hiệp nhất được như lời Chúa Giêsu đã cầu nguyện: Xin cho tất cả nên một. Amen.

 

THỨ SÁU TRONG TUẦN VII PHỤC SINH NĂM C

TIN MỪNG: Ga 21, 15 – 19

15 Sau khi dùng bữa với các môn đệ tại Biển Hồ Ti-bê-ri-a, Đức Giê-su Phục Sinh hỏi ông Si-môn Phê-rô : “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy hơn các anh em này không ?” Ông đáp : “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Đức Giê-su nói với ông : “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” 16 Người lại hỏi : “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không ?” Ông đáp : “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Người nói : “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” 17 Người hỏi lần thứ ba : “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có thương mến Thầy không ?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới lần thứ ba : “Anh có thương mến Thầy không ?” Ông đáp : “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự ; Thầy biết con thương mến Thầy.” Đức Giê-su bảo : “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. 18 Thật, Thầy bảo thật cho anh biết : lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” 19 Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông : “Hãy theo Thầy.”

SUY NIỆM:

Trong bài giảng lễ phong chức linh mục ngày 25/4/2021, Đức cố Giáo hoàng Phanxicô giảng rằng: Linh mục như những vị mục tử đi với dân Chúa: có những lúc đi trước, có những lúc ở giữa và và có những khi là đi sau đàn chiên, nhưng luôn ở với chiên, ở với dân Chúa. Để có thể sống được điều này, thì những vị mục tử – linh mục, cha mẹ, bề trên – cần phải có tình yêu: tình yêu dành cho Chúa và dành cho đàn chiên.

Thật vậy, đoạn Tin Mừng hôm nay nằm trong chương cuối của Tin Mừng Gioan, chương 21: Chúa Giêsu hiện ra ở biển hồ Tibêria. Chúa Giêsu đã chất vấn Phêrô: Con có yêu mến Thầy không? Sau mỗi lần Phêrô xác nhận về tình yêu của mình dành cho Thầy, Chúa Giêsu đều trao cho ông nhiệm vụ chăn dắt đàn chiên, nhưng ba lần với ba câu nói ngụ ý khác nhau:

Đầu tiên, “hãy chăm sóc chiên con của Thầy”. Chiên con, ám chỉ sự yếu ớt và mỏng manh, không có khả năng tự vệ, vì vậy nó phải được cho ăn và chăm sóc như một đứa trẻ. Theo lời mời gọi này, các bậc cha mẹ có bổn phận hướng dẫn đức tin cho con cái của mình: Hãy đặt giá trị ưu tiên nơi con cái của mình, đó là Thánh lễ, giờ học giáo lý, các sinh hoạt trong nhà thờ lên trên những giá trị bên ngoài như học thêm ngày Chúa nhật, phong trào nọ phong trào kia. Còn những người lãnh đạo cộng đoàn: chúng ta có bổn phận phải hướng dẫn bề dưới của mình trong sự trưởng thành mà Chúa muốn ở nơi họ. Đây là bổn phận đi trước và đi sau đàn chiên để bảo vệ.

Thứ hai, “hãy chăn dắt chiên của Thầy”. Khi chiên con đã trở thành một con cừu, nó có thể tự tìm thức ăn, vì vậy, người mục tử phải canh chừng kẻo nó đi lạc đàn, và cũng phải đi tìm các con chiên lạc về đàn kịp thời kẻo bị thú dữ ăn thịt. Theo lời mời gọi này, các bậc cha mẹ nhìn lại đàn chiên thu nhỏ là gia đình của mình: có một ai đó đang đi “lạc” đàn không? Có mập tròn béo tốt về đời sống thiêng liêng, hay là đang ốm o gầy mòn – sống bê trễ, lạc lối. Trong đời sống cộng đoàn, có ai đó đang trục trặc gì không? Đây là bổn phận đi giữa để song hành với đàn chiên.

Thứ ba, “hãy chăm sóc chiên của Thầy”. Cuối cùng, con chiên trở nên già yếu và vì thế nó phải được gìn giữ sức khỏe trong những năm còn lại bởi bàn tay yêu thương của người chăn. Theo lời mời gọi này, tất cả chúng ta dù già hay trẻ, trong hành trình đời sống Kitô hữu, chúng ta vẫn phải theo Chúa Kitô vô điều kiện.

Mỗi người chúng ta đều là những mục tử chăn dắt đàn chiên mà Chúa đã và sẽ trao phó. Điều quan trọng là chúng ta cần phải có được nơi mình một Trái Tim mục tử, và trái tim này rung cùng nhịp đập với nhịp đập của trái tim Mục Tử Giêsu.

 

THỨ BẢY TRONG TUẦN VII PHỤC SINH NĂM C

TIN MỪNG: Ga 21, 20 – 25

20 Khi ấy, ông Phê-rô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giê-su thương mến đi theo sau ; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su trong bữa ăn tối và hỏi : “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy ?” 21 Vậy khi thấy người đó, ông Phê-rô nói với Đức Giê-su : “Thưa Thầy, còn anh này thì sao ?” 22 Đức Giê-su đáp : “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh ? Phần anh, hãy theo Thầy.” 23 Do đó, mới có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết. Nhưng Đức Giê-su đã không nói với ông Phê-rô là : “Anh ấy sẽ không chết”, mà chỉ nói : “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh ?”

24 Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực.

25 Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ : cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.

SUY NIỆM:

Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật: khi thánh Phêrô quay lại thấy “người môn đệ Chúa Giêsu yêu mến”, mà truyền thống vẫn xem đó là thánh Gioan, thì ngài thắc mắc về “số phận” của người này. Có thể thánh Phêrô đã thấy đây là một “đồng minh”, một “trợ thủ” đắc lực cho mình nên hỏi Chúa.Có nhiều lý do để Phêrô tin như vậy.

Trước hết vì người này được Chúa Giêsu yêu mến, có nghĩa là “có uy tín” với Thầy mình, uy tín đến nỗi khi hấp hối trên Thập Giá, Chúa Giêsu đã phó thác Mẹ Maria cho môn đệ yêu đón về phụng dưỡng; trong sự kiện “ngôi mộ trống”, khi được bà Maria Mácđala báo là xác Chúa không còn ở trong mộ, cả hai thánh Phêrô và Gioan cùng chạy ra mộ Chúa. Thánh Gioan chạy nhanh hơn đến trước nhưng không vào mộ mà đứng ở ngoài nhường cho thánh Phêrô đến sau được vào trước (x. Ga 20,1-7); và mới đây thôi, khi các môn đệ đi đánh cá, dù cả đêm chẳng bắt được con nào, nhưng đã nghe lời Chúa mà thả lưới bên phải mạn thuyền và đã đánh được mẻ lưới đầy cá, chính thánh Gioan đã nhận ra Chúa Giêsu trước và nói cho thánh Phêrô biết “Chúa đó” (x. Ga 21,3-7).

Quả thực sau này, trong sách Công vụ Tông đồ thuật lại những ngày đầu của Hội Thánh hai thánh Phêrô và Goan thường đi cặp với nhau khi rao giảng Tin Mừng. Phản ứng của Chúa Giêsu thật nhẹ nhàng nhưng cũng rất nghiêm khắc, là bài học cho thánh Phêrô và tất cả chúng ta về cách ứng xử với anh em mình: “Giả như Thầy muốn anh ấy cứ ở lại mãi cho tới khi Thầy đến thì việc gì đến anh?” (Ga 21, 22). Chúa muốn người Kitô hữu lo việc của mình trước đã. Mỗi người đều đã được Chúa giao phó, cắt đặt công việc. Hãy lo chu toàn bổn phận của mình chứ đừng nhìn sang người khác mà so sánh, nhưng hãy nhìn thấy anh chị em với sự liên đới trong tình yêu của Chúa Giêsu, như những nhành của một cây nho.

Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, chúng con ước ao được trở nên “người môn đệ Chúa yêu mến” và vững bước theo Chúa như thánh Phêrô. Xin Chúa ban Thánh Thần hướng dẫn, để chúng con nhận ra con đường phải đi, giúp chúng con can đảm hoán cải để sống trung thành theo Chúa.

LM. GIUSE