Suy niệm Lời Chúa: Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống – Năm C

CHÚA NHẬT CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

TIN MỪNG: Ga 20, 19 – 23

19 Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” 20 Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21 Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” 22 Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo : “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23 Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha ; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

SUY NIỆM:

Khi nói về bí tích Thêm Sức, là chúng ta nghĩ ngay đến bảy ơn Chúa Thánh Thần. Chịu phép Thêm sức là lãnh nhận 7 ơn Chúa Thánh Thần, và sau ngày Thêm sức, là chúng ta cũng dần quên đi sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Đó là một cái hiểu thiếu sót. Thực ra, chúng ta chịu phép Thêm sức là chúng ta lãnh nhận Chúa Thánh Thần cách tràn đầy, Ngài là nguồn sự sống, sự tươi trẻ của Giáo hội, và sức mạnh đổi mới thế giới. Trong bài đọc thứ I – Sách Công vụ Tông đồ, chúng ta thấy được sức mạnh đổi mới của Chúa Thánh Thần: Ngài khơi dậy và biến đổi các Tông đồ ít học trở thành những con người thay đổi thế giới. Thưa cộng đoàn, chịu phép Thêm sức, là chúng ta lãnh nhận một sứ mạng hành động, và chính Chúa Giêsu đã tóm tắt sứ mạng hành động này qua 2 nhiệm vụ chính yếu:

Nhiệm vụ thứ nhất mà Chúa Giêsu muốn chúng ta thực hiện, đó là ra đi: Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con. Trong bài Tin Mừng thánh Gioan ghi lại: Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do thái. Các môn đệ sợ hãi chứ, vì Thầy Giêsu đã bị đóng đinh chết trên thập giá, rồi đây, đến lượt các ông, người Do thái cũng sẽ đóng đinh y như vậy. Mặc dù, các môn đệ đã nhận được bình an của Chúa Phục Sinh, nhưng phải đến ngày Lễ Ngũ Tuần, như Bài đọc thứ I – sách Công vụ Tông đồ cho biết: Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, thì các môn đệ mới can đảm mở tung cửa ra đi loan báo Tin Mừng Phục Sinh.

Vậy thì, chúng ta sống nhiệm vụ ra đi như thế nào? Thứ nhất, chúng ta phải ra khỏi chính mình để đến với người khác. Ngày hôm nay, có biết bao bạn trẻ sống khép kín, sống cô lập, thiếu đi niềm vui trong cuộc sống. Tôi còn nhớ, cách đây 3 năm ở một họ đạo nọ, có một em là thạc sỹ bác sỹ. Hầu như em này không có bạn bè, ngoài cô bạn gái. Rời khỏi bệnh viện là về đóng kín phòng, ít giao tiếp với ai. Bi kịch xảy ra là cô bạn gái này chia tay; và vị thạc sỹ bác sỹ trẻ tuổi này đã nhảy cầu Cần Thơ tự tử. Thật vậy, một cuộc sống không mở ra sẽ trở nên nghèo nàn, tàn lụi; cũng như một tâm hồn chỉ quy hướng về bản thân sẽ giống như một vũng ao tù, ô nhiễm.

Thứ hai, chúng ta phải ra đi đến những địa chỉ mà Chúa Thánh Thần muốn, đó là loan báo Tin Mừng, hay nói một cách đơn giản là nói về Chúa cho người khác. Nơi trường học, nơi giảng đường đại học, trong công ty xí nghiệp… người ta nói sai về Chúa, về Giáo hội, về đức tin của chúng ta… Chúng ta có dám cùng với Chúa Thánh Thần bênh vực cho Chúa, cho Giáo hội không? Hay là sợ hãi, không dám nói, không dám lên tiếng! Nếu chúng ta chưa làm được, thì hôm nay hãy tin rằng Chúa Thánh Thần đã ngập tràn tâm hồn chúng ta: để uốn nắn điều cứng cỏi, sưởi ấm chỗ lạnh lùng, chỉnh đốn lại chỗ trật đường… Để rồi, chúng ta can đảm tuyên xưng đức tin của mình, can đảm làm chiến sỹ Chúa Kitô.

Nhiệm vụ thứ hai mà Chúa Giêsu muốn chúng ta thực hiện, đó là tha thứ: Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha. Tha thứ luôn là một vấn đề lớn của thế giới hôm nay. Thiếu tha thứ, nên thế giới hôm nay có quá nhiều cuộc chiến tranh, chia rẽ, bất hòa. Chúng ta cùng nhìn lại, nhân vô thập toàn – con người là bất toàn, nên sống chung là có bất đồng thôi. Nếu cứ mỗi lần bất đồng, chúng ta lại loại trừ đi một người bạn, thì có lẽ cuối cùng chúng ta sẽ sống một mình. Người ta không thể sống một mình, mỗi người đều cần đến người khác. Vì thế, việc tha thứ là vô cùng cần thiết. Tha thứ hệ tại ở hai động tác: xin lỗi và tha lỗi. Vì con người đầy tự ái, dù biết mình lỡ lầm, nhưng ít có ai đủ can đảm nhận lỗi và xin lỗi. Xin lỗi đã khó, tha lỗi còn khó hơn. Chính vì thế, việc tha thứ cần rất nhiều ơn Chúa Thánh Thần.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II là tấm gương cho chúng ta: Cuộc đời của Ngài là một chuỗi ngày ra đi không biết mệt mỏi. Dù tuổi cao sức yếu, Ngài vẫn lên đường đi đến với mọi dân tộc, mọi đất nước; tiếp xúc với mọi người không phân biệt tôn giáo, chính kiến, mầu da, chủng tộc, ngôn ngữ. Thậm chí, Ngài đến với cả những kẻ chống đối, bất hoà và thù nghịch. Để đón mừng Năm Thánh 2000, Ngài đã làm một cử chỉ chưa từng có trong lịch sử Giáo hội, đó là công khai nhìn nhận những lỗi lầm của Giáo hội, để xin mọi người tha thứ. Chính cử chỉ khiêm nhường này như làn gió đổi mới Giáo hội, làm cho Giáo hội tươi trẻ, tràn trề sức sống, Giáo hội hiện diện dễ thương hơn, gần gũi hơn.

Chúng ta hãy sống theo gương của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II: Can đảm ra đi, cùng với Chúa Thánh Thần đến với những người nghèo, trẻ em mồ côi bị bỏ rơi, những người kém may mắn,… vì Chúa Kitô hiện diện trong họ; thậm chí những người chúng ta không ưa thích, những người chống đối, những người làm hại chúng ta. Hãy gieo sự tha thứ để được thứ tha. Tha thứ cho người khác, để chúng ta xứng đáng mang danh Kitô hữu, con Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần muốn đổi mới Giáo hội, nhưng việc đổi mới phải bắt đầu từ mỗi tâm hồn chúng ta. Chúa Thánh Thần sẽ canh tân bộ mặt thế giới, nhưng việc canh tân phải khởi đi từ mỗi người chúng ta.

Ước mong sao, chúng ta hãy cùng đi trong Thần Khí để tìm ý Chúa trên mọi nẻo đường; Cùng đi trong Thánh Thần với lời Chúa là ngọn đèn soi. Cho dù, dẫu có bóng tối nghi nan, hay cơn giông tố dâng tràn; chúng ta luôn chung lòng chung sức truyền rao niềm vui Tin Mừng.

LM. GIUSE