MÙA COVID: SAO KHÔNG RA TUYẾN ĐẦU?
Têrêsa Phạm Thủy
WGPSG (11.6.2021) – “Để họ thấy những việc tốt đẹp anh em làm mà ngợi khen Cha trên trời…”
Thời gian gần đây, dịch bệnh liên tục bùng phát khắp cả nước khiến cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Trong tình huống ngặt nghèo ấy, những tấm lòng vàng đã xuất hiện kịp thời, không phân biệt tôn giáo, vùng miền. Họ đã có những việc làm thiết thực, cùng chung tay chia sẻ cơm bánh cho những người khốn khó. Dưới đây là hình ảnh của một nhóm, gồm các Phật tử và các tín hữu Công giáo, cùng chia sẻ những phần ăn cho người nghèo trong mùa Covid.
Người Công Giáo chúng ta chia sẻ giúp đỡ người khác là vì tình thương giữa con người với nhau, và trên hết, vì cảm nhận rằng chính mình đã được Thiên Chúa yêu thương trước: Ngài ban cho ta những nén bạc là những khả năng, những điều kiện tốt… Vì thế, ta cần giúp đỡ người khác để đáp lại tình thương ấy của Chúa và trở nên giống Ngài mà thể hiện tình liên đới với anh chị em của mình.
Nếu mỗi việc tốt ta làm đều hướng về Thiên Chúa với tình con thảo, với trái tim yêu thương chân thành, thì điều đó sẽ trở nên vô giá và mang ý nghĩa cao cả. Ngược lại, nếu chỉ làm vì sở thích hoặc vi muốn người khác biết đến để tôn vinh chính mình, thì những việc làm đó chỉ dừng lại ở những giá trị mau qua, những ảo ảnh mà thôi. Bởi lẽ, mọi sự nơi trần gian này đang qua đi.
Trong cảnh dịch bệnh với vô vàn khó khăn, ảm đạm – như những áng mây đen bao phủ trên thế giới, trên quê hương đất nước và ngay trong thành phố thân yêu của chúng ta – nhiều giáo dân, tu sĩ và linh mục, bằng cách này hay cách khác, trực tiếp hoặc gián tiếp, đã dấn thân trong các phong trào từ thiện ở các giáo xứ, dòng tu… Điển hình như chương trình “Bữa ăn nhân ái” do nhóm Hồng Ân và nhóm Fiat đảm nhận, với sự đồng hành, động viên tinh thần của cha Quang Uy Dòng Chúa Cứu Thế. Chương trình cụ thể như sau: lúc 7 giờ sáng thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu hằng tuần, từ 200 đến 300 phần ăn sáng được đưa đến đầu hẻm 30 đường Gò Dầu, phường Tân Sơn Nhì, Quận Tân Phú, Tp HCM. Bên cạnh đó, vào lúc 10 giờ trưa thứ Hai, thứ Sáu hằng tuần, 300 phần ăn gồm cơm, canh và thức ăn được đưa đến đầu hẻm số 25 đường Hoàng Sa, Quận 3, Tp HCM.
Mặt khác, do quy định cấm tụ tập trên 5 người theo đề xuất của giám đốc Sở Y Tế Tp HCM, một số bếp ăn từ thiện của các giáo xứ như Mai Khôi (Quận 3) và một số nơi khác không tổ chức trực tiếp được. Vì vậy, các nhóm thiện nguyện đã chủ động hỗ trợ theo hình thức khác để hạn chế tụ tập đông người.
Khi biết có những con người gặp hoạn nạn, chúng ta thấy chạnh lòng, muốn giúp đỡ, nhưng không phải lúc nào cũng có thể thực hiện ước muốn ấy được, vì mỗi người một hoàn cảnh khác nhau. Tôi đã có kinh nghiệm này khi còn ở trong Dòng Kín. Ngày ấy, khi nghe kể về những hoàn cảnh khó khăn, tôi ước gì mình có thể giúp đỡ họ, nhưng trong thực tế tôi lại không làm được gì một cách trực tiếp. Tôi bắt chước chị Thánh Têrêsa Hài Đồng, dâng lên Chúa những điều đơn giản nhất trong cuộc sống hằng ngày – mỗi bước chân tôi đi, mỗi công việc nhỏ bé tôi làm đều cố gắng kèm theo lời cầu nguyện – xin Chúa ban ơn soi sáng nâng đỡ họ cách nào đó…
Sở dĩ tôi chia sẻ điều này vì có những người thắc mắc: “Tại sao có những tu sĩ, linh mục không ra những tuyến đầu để giúp đỡ, động viên người nghèo, người bệnh? Tại sao các tu sĩ, linh mục cứ ở nhà cầu kinh, nguyện ngắm vô bổ?”…
Có lẽ, họ chưa hiểu nên mới nghĩ như vậy! Mỗi người trong Giáo hội đều có chức năng riêng và cần chu toàn bổn phận theo chức năng của mình.
Có những tu sĩ, linh mục có chức năng trực tiếp giúp đỡ những người nghèo khó bệnh tật, như quý cha Dòng Camillô phục vụ cách cụ thể trong mái ấm Mai Tâm, chăm sóc người bị bệnh hiểm nghèo: ung thư, nhiễm lao, các trẻ em nhiễm HIV bị bỏ rơi…
Cũng có những vị khác được tuyển chọn cách đặc biệt để làm trung gian chuyển cầu những ơn lành cho thế giới trong việc cầu nguyện liên lỉ, ngày đêm dâng lên Chúa những hy sinh trong bậc sống và nhiệm vụ đòi hỏi. Cuộc sống của họ là để làm chứng về một Nước Trời đang đến. Với 8 năm ở trong Dòng Kín, tôi cảm nhận được điều này: Nếu không có lý do cao cả thì chẳng có gì trên trần gian này khiến những vị ấy có thể can đảm hy sinh cả cuộc đời để sống trong tu viện, hãm mình và cầu nguyện trong bốn bức tường tĩnh lặng như thế!
Thực tế cho thấy, những việc làm bên ngoài thì ai trong chúng ta cũng có thể làm được. Thế nhưng, việc ngồi thinh lặng hằng giờ – thậm chí nhiều hơn thế nữa để cầu nguyện, xin Thiên Chúa xót thương nhân loại đang khổ đau, cũng như dâng những hy sinh, tự do cá nhân, từ bỏ ý riêng, dâng cả cuộc đời để phụng sự Chúa và cầu nguyện cho con người – thì không phải ai cũng có thể làm được. Khi cả thế giới rất hiện đại, mà lại phải khốn đốn với bao nhiêu triệu người chết chỉ vì con virus Corona nhỏ tí xíu, dốc hết khả năng trong suốt 2 năm mà vẫn chưa vượt qua được bóng đêm đại dịch, con người mới thấy mình mong manh yếu đuối và cần đến Thiên Chúa biết bao. Và cần biết bao những con người miệt mài cầu nguyện nài xin ơn cứu giúp từ Đấng Toàn Năng…
Khi bạn có ý tưởng hay, việc làm tốt, đôi khi không hẳn là bạn có tài khéo gì, nhưng tất cả là do ơn Chúa soi sáng, qua lời cầu nguyện hy sinh của một ai đó. Mỗi người chúng ta đều có chức năng, nhiệm vụ riêng và liên đới với nhau giống như các bộ phận trong một thân thể. Do đó, chúng ta cứ làm tốt chức năng và bổn phận trong cương vị của mình để qua những việc làm tốt ấy, chúng ta yêu thương tha nhân và tôn vinh Cha trên trời, Đấng là nguồn mạch mọi điều thiện hảo, luôn hằng yêu thương cứu giúp mọi người.
Nguồn: tgpsaigon.net