Lối thoát

 

Giữa từng cơn gió rít đêm thâu, đôi mắt đẫm lệ của chị Lan vẫn không sao yên giấc. Đây đâu phải lần đầu tiên đôi mắt ấy phải gánh chịu những cơn quặn đau của cõi lòng. Như nhiều lần, sau những lời mắng nhiếc xối xả, những trận đòn đau điếng, chị cũng ngậm ngùi trong nước mắt giữa cái đêm tĩnh mịch của một xóm đạo nghèo, rồi cũng thiếp lịm đi theo dòng lệ đậm buồn. Thế mà lần này cơn “thiếp lịm” của chị cũng bỏ nhà ra đi theo chân người chồng bạc nhược ấy. Nhưng có lẽ đây là đêm cuối cùng trên cái giường gắn bó đủ điều tâm sự nhỏ to suốt 5 năm qua của vợ chồng chị, là lần cuối chị nương thân nơi đất khách quê người này. Ngày mai, chị cũng ra đi, thằng cu Thóc và thằng Nam cũng theo chân mẹ chúng trở về quê ngoại.

Quay sang nhìn thằng cu Thóc mới mấy tháng tuổi đang say giấc nồng, chị lại càng thêm xót xa tâm trí chị lại càng sa đà. Cái đầu tỉnh táo trong một thân xác mệt nhoài rã rượi cứ quay cuồng từng chút kỷ niệm từng chút ký ức bên ngôi nhà ở nơi đất khách này. Vẫn nhớ ngày nào chị cùng anh thề câu hẹn ước trên chiếc cầu Sài gòn giữa phố thị phồn hoa. Bất chấp mọi cản ngăn, hai anh chị vẫn nguyện lời chung thuỷ lúc hoạn nạn cũng như lúc khó khăn khi bình an cũng như thời mạnh khoẻ. Hai bên gia đình vẫn gượng gật đầu cho một cuộc hôn nhân khác đạo, vẫn cố mỉm cười trong cuộc rước dâu mất vẹn ngày đường. Tưởng chừng như những cách trở đôi bên càng làm cho tình yêu lứa đôi thêm mặn nồng càng làm cho tình nghĩa vợ chồng thêm đắm say. Thế nhưng, đâu ai hiểu đủ chuyện đời, mấy người hiểu rõ chuyện người chuyện ta.

Chỉ một thời gian sau, chạy theo đám bạn, đùa giỡn với hiểm nguy, anh bắt đầu lao mình vào con đường nghiện ngập. Mặc tiếng vợ con, kệ lời cha mẹ, anh lại càng dấn sâu hơn vào con đường “xấu hổ” ấy. Nó vắt kiệt chút ít tiết kiệm bấy lâu của hai vợ chồng. Nó cũng cướp dần ước mơ về một ngôi nhà khang trang ngày nào của lứa đôi. Từng đồng tiền bát gạo cuốn gói ra đi để lại một cảnh tang hoang trống trải. Cùng đường, anh tính chuyện mượn vay, rồi chẳng may lại trở thành tên trộm. Mang kiếp ấy, sớm muộn gì cũng có ngày vong thân. Ngày ấy cũng đã đến. Chị tình nguyện gọi điện cho người chồng đang trên đường trốn chạy để giảm nhẹ án cho anh. Từ đó, gia đình anh êm ấm, thanh vắng hơn. Không có anh là không cãi vã, chẳng khóc than, không ầm ĩ, chẳng khốn đốn. Nhưng thiếu anh, vợ thiếu chồng, con thiếu cha, nhà thiếu nóc. Thời gian đó, chị vẫn ân cần thăm hỏi, chị vẫn âm thầm gởi đồ, và chị vẫn cố phân trần cho anh. Chị phân trần vì bạn bè bởi hoàn cảnh mà anh khốn đốn như vậy. Chị cũng phân trần cho chính mình cho hy vọng mong manh về một tương lai tốt đẹp hơn. Là một người đạo theo, những ngày tháng ấy, chị cũng chỉ biết nghe lời khuyên răn mà cầu nguyện xin ơn cho anh có thể hoán cải trở về. Mỗi lần đến nhà thờ, mỗi khi làm dấu Thánh giá, chị lại lặng mình than thân trách phận trong những nỗi đớn đau ê chề. Chị vẫn hy vọng điều gì đó sẽ đến với anh với chị với gia đình của mình.

Chẳng mấy chốc, anh đã mãn hạn tù. Chị đã mong ngày nay từ lâu lắm rồi. Rồi những điều đổi thay sẽ đến trong ngôi nhà này. Suốt mấy năm trời, chị làm việc quần quật từng ngày để hoàn thiện ngôi nhà ước mơ dang dở, sắm tiện nghi, mua đủ thứ để chào đón anh về. Như người cha nhân hậu đón người con thứ trở về, chị gắng gượng thêm chút ít mua quần áo mới cho anh, sắm điện thoại tốt cho chồng, và để anh nghỉ ngơi một thời gian. Nhưng những lời hứa ngày trở về những lời quyết tâm nơi chốn phòng giam cứ lặng lẽ theo gót chân anh đến chỗ bạn bè cũ tới những tụ điểm tối tăm. Tệ hơn nữa, anh còn thích làm bạn với vận đỏ đen nơi sòng bài sòng bạc. Chẳng mấy chốc, nó cuốn phăng chiếc điện thoại mới mua, cuốn bay chiếc xe mới sắm. Chị đã hy vọng nhiều bao nhiêu thì chị lại càng thất vọng bấy nhiêu.

Có lẽ những trận đòn chị đã chịu thấm sao với những nỗi đớn đau trong lòng. Chị đã cố gắng trụ lại vì hai đứa con chị đã gượng lại vì gia đình nhỏ bé này. Thế mà, dường như trời chẳng có mắt đời như người dưng. Những nỗ lực, hi sinh của chị cứ cuốn đi như tiếng thở dài não nề của người con xa xứ ấy. Chị đã nguyện cầu, chị đã khấn xin, chị đã nỗ lực, chị đã đánh đổi, và chị đã làm rất rất nhiều thứ…. Nhưng cuối cùng, chị đành lòng đặt bút viết cái đơn đoạn tuyệt, chị hờn mình đã dứt anh ra đi. Mọi thứ quá tệ bạc cho tấm lòng trông đợi của chị. Đó là một ngày đầy ảm đạm trong cuộc đời của chị. Trong giây phút ít ỏi bên anh, dù có đau có hơn, nhưng chị vẫn gắng chờ mong một hồi đáp nào đó từ anh. Nhưng không. Có lẽ chẳng cần để ý đến một đống lý do lý trấu đoạn tuyệt của chị, chỉ một cái “roẹt”, anh đã để chị ra đi.

Những người phụ nữ như chị đang cảm thấy như thế nào? Họ đang ở đâu và sống thế nào? Ta sẽ phải thế nào để những người phụ nữ ấy không phải ngậm ngùi ra đi nữa? Đối diện vẫn rất nhiều cảnh người mảnh đời như thế, ta phải tự vấn chính mình cho lối sống cách hành xử của ta.

Lyeur Nguyễn

(M. Quỳnh Ngọc sưu tầm)